Sự tích Giới luật: 7 Pháp Diệt Tránh

SỰ TÍCH GIỚI LUẬT
Thích Nữ Trí Hải

Phần bảy

BẢY PHÁP DIỆT TRÁNH

Phần này là bảy phương pháp Phật dạy dùng để giải quyết những tranh chấp trong tăng chúng, thuộc bốn phạm vi là ngôn, sự, mích, phạm.

“Ngôn tránh” là cãi nhau về pháp và luật.
“Sự tránh” là cãi nhau về công việc.
“Mích tránh” là cãi nhau trong lúc tìm lỗi.
“Phạm tránh” là cãi nhau về phạm tội nặng nhẹ.

Bảy phương pháp đó là:

1. Hiện tiền tì ni

Đáng cho hiện tiền tì ni, phải cho hiện tiền tì ni.

Phật ở Xá vệ dạy pháp này. Nhân tôn gải Ca lưu đà di, một trong Nhóm 6 Tỳ kheo, cùng nhiều vị đi tắm sông Aciravati. Tôn giả lên trước, lấy lộn y của vị khác mặc đi về. Vị kia lên sau tìm không thấy y mình mà thấy y của Ca lưu đà di bỏ lại, bèn kết cho vị này tội ăn trộm, làm yết ma diệt tẩn vắng mặt. Tôn giả Ca lưu đà di đến bạch Phật. Phật hỏi tôn giả Ca lưu đà di đến bạch Phật. Phật hỏi tôn giả khi lấy y mặc thì tâm nghĩ gì? Tôn giả đáp tưởng là của mình nên lấy mặc, thế thôi. Phật dạy thế thì không phạm tội, nhưng lần sau phải xem kỹ trước khi mặc. Và đại chúng cũng không được phép làm yết ma kết tội kẻ vắng mặt. Khi làm các yết ma y chỉ, diệt tẩn, quở trách, ngăn đến nhà cư sĩ, yết ma cử tội, v.v cần phải có mặt đương sự, gọi là “hiện tiền tì ni”. Pháp diệt tránh này gọi là “hiện tiền tì ni diệt tránh”, nghĩa là phương pháp dứt tranh cãi trong đó cần có mặt đương sự.

2. Pháp diệt tránh “Ức niệm tì ni”

Đáng cho ức niệm tì ni, phải cho ức niệm tì ni.

Phật ở Xá vệ, Đạp bà ma la làm tri sự, chia mền chiếu xấu cho một vị trong Lục quần Tỳ kheo, vị này tức giận vu khống tôn giả phạm giới dâm dục. Phật hỏi tôn giả có như vậy không. Tôn giả đáp từ khi xuất gia ông chưa từng có tâm niệm ấy dù trong giấc mộng. Lục quần cũng xác nhận tôn giả thanh tịnh. Phật tuyên bố Đạp bà ma la là bậc a la hán vô trước, không còn ý tưởng dâm dục. Nhưng các Tỳ kheo cứ tiếp tục quấy nhiễu tôn giả bằng cách đi theo mà cật vấn: “Ông có nhớ ông phạm tội ba la di, tăng tàn… nào không” và tôn giả cứ phải trả lời: “Trưởng lão, tôi không phạm, chớ có cật vấn tôi mãi. Các Tỳ kheo vẫn theo hỏi dai, tôn giả bạch Phật. Phật cho tăng bạch tứ yết ma làm pháp “ức niệm tì ni”. Yết ma xong thì phải để cho đương sự yên ổn, không được theo hỏi lần đân.

Đương sự đủ uy ngh tác bạch:

“Xin đại đức tăng nghe cho. Tôi tên Đạp bà ma la không phạm trọng, các Tỳ kheo lại bảo tôi phạm, và cứ theo hỏi tôi: “Ông có nhớ ông phạm trọng không?”. Tôi đã nhớ mình không phạm tội, và đã xin các trưởng lão chớ thường xuyên cật vấn tôi. Thế mà các vị ấy vẫn theo vấn nạn không thôi. Nay xin tăng cho tôi pháp “ức niệm tì ni”. Xin tăng thương xót”. (nói ba lần).

Tăng sai một vị làm yết ma nói như trên để hỏi ý kiến đại chúng, nếu bằng lòng thì im lặng. Hỏi ba lần đều im lặng có nghĩa là yết ma đã thành,

Sau khi yết ma, thì tội ấy không được cử lại.

Nếu đương sự thực có phạm giới mà làm yết ma như trên, thì đó là yết ma phi pháp.

3. Pháp diệt tránh “Bất si tì ni”

Đáng cho bất si tì ni, thì cho bất si tì ni.

Phật ở Xá vệ;Tỳ kheo Nan đề trong thời gian bị bệnh điên cuồng tâm loạn đã phạm nhiều tội, mất uy nghi. Về sau khi ông ấy hết bệnh, các vị khác vẫn theo hỏi, “Ông có nhớ ông đã làm vậy vậy hay không?”. Nan đề xấu hổ nói: “Trước đây tôi đã phạm nhiều tội vì điên cuồng tâm loạn chứ không cố ý. Xin chư vị đừng theo hỏi tôi hoài”. Các vị khác cứ lần đân theo hỏi, đương sự bạch Phật. Phật cho bạch tứ yết ma làm pháp “Bất si tì ni” nghĩa là xác nhận đương sự đã hết điên, từ nay không được nhắc lại những chuyện đương sự đã làm trong lúc điên.

4. Pháp diệt tránh “Tự ngôn trị”

Phật ở Chiêm bặc, vào một ngày rằm bố tát, tăng chúng nhóm họp đông đủ nhưng Đức Thế Tôn vẫn không thuyết giới. Mãi cho đến nửa đêm, Phật vẫn ngồi bất động. Tôn giả A nan đến nhắc mấy lần, Đức Thế Tôn vẫn im lặng. Cuối cùng ngài mới dạy rằng, đức Như Lai không thể nói giới khi mà trong chúng có Tỳ kheo không thanh tịnh. Khi ấy tôn giả Mục Kiền Kiên dùng thiên nhãn quán sát và biết kẻ phạm giới đang ngồi cách Thế tôn không xa. Tôn giả bèn đến túm y vị ấy mà lôi ra khổi pháp đường. Đức Thế Tôn dạy: “Mục Liên, lần sau ông không được làm như vậy, mà phải làm yết ma cử tội”. Từ nay về sau, hãy làm pháp “tự ngôn trị” để diệt tranh cão/

Luật Tứ phần quyển 48 nói: Phật dạy A nan, khi tranh cãi về sự phạm giới tội, thì phải dùng ba pháp là “hiện tiền”, “tự ngôn” và “như thảo phú địa” để giải quyết, không được dùng vũ lực mà trị tội. “Tự ngôn” là để cho đương sự tự phát lộ tội lỗi của mình rồi mới xử.

5. “Đa nhân ngữ tì ni”

Khi một cuộc tranh chấp trong đó tăng chúng chia thành hai phe, thì nên bốc thăm để xem bên nào thắng, gọi là đa nhân ngữ. Nếu bên đúng pháp số thăm lại ít hơn bên phi pháp, thì tăng nên tìm cớ giải tán cuộc họp; nếu bên phi pháp biết mình thắng thế cứ ngồi lì, thì nên sang chùa bên cạnh mời thêm những vị như pháp vào họp.

6. Pháp diệt tránh “Mích tội tướng tì ni”

Phật ở Thích Sí sấu, Tỳ kheo Tượng lực ưa tranh luận, khi thua bèn nói ngược lại những gì đã nói. Các Tỳ kheo bạch Phật, Phật dạy tăng hãy bạch tứ yết ma làm pháp “mích tội tướng” đối với Tỳ kheo ấy. Nghĩa là khi một người phạm tội nặng (ba la di) mà nói dối, thì tăng cứ bạch tứ yết ma kết tội ba la di, chờ đến khi họ thú tội mới giải yết ma.

7. Pháp diệt tránh “Như thảo phú địa tì ni”

Phật ở Xá vệ, các Tỳ kheo nhân một việc nhỏ mà gây gổ chia thành hai phe cãi nhau không dứt (một bên là phe của một thượng tọa luật sư, phe kia của Luật sư), Phật can không được cuối cùng ngài phải bỏ vào rừng an cư với một con voi chúa, có bầy khỉ dâng trái cây mỗi ngày. Cư sĩ sau đó không đến vườn Cấp cô độc để cúng dường nữa vì vắng Phật, chúng tăng bèn lên rừng thỉnh Phật trở về. Phật dạy hai phe hãy giảng hòa bằng pháp “Như thảo phú địa” (trải cỏ che lấp) là một cách xí xóa tất cả cho nhau, vì hai bên đều có lỗi.

Nhân đấy Phật kể câu chuyện để chứng minh những kẻ oan gia nhiều đời mà cuối cùng còn sống với nhau được, tại sao Tỳ kheo lại không hòa nhau để tu học.

Ngày xưa giữa vua Phạm Chí và vua Trường Sinh có mối thù từ nhiều đời kiếp. Vua Phạm Chí cất quân sang đánh chiếm nuớc của vua Trường sinh, bắt vua và hoàng hậu đem đi xử trảm. Thái tử còn nhỏ được người trung thần ẵm mang đi thoát được, mai danh ẩn tích trở thành một trẻ bụi đời kiếm sống bằng nghề hát rong. Một hôm đi ngang hoàng cung bấy giờ đã bị vua Phạm Chí chiếm đoạt, nghe giọng hát hay, hoàng hậu của vua Phạm Chí bèn gọi đứa trẻ vào cung để mua vui. Đứa trẻ được hoàng hậu yêu mến, cho ở luôn trong cung cấm. Một hôm xâu ngọc quý của hoàng hậu không cánh mà bay mất. Nhà vua, hoàng và đình thần đều nghi đứa bé ăn cắp, vì ngoài nó ra không người nào được vào ra trong cung. Khi bị bắt, đứa trẻ bèn nhận tội ngay không chối cãi. Hỏi cung, nó khai ra thêm bốn người liên lụy trong vụ này là thái tử, quan tể tướng, ông tỷ phú trong thành, và nữ danh ca được yêu chuộng nhất. Cả bốn người đều bị bắt vào tù. Quản tể tướng hỏi: “Này con, tại sao con biết rõ là ta không lấy, mà lại khai ẩu?”.

Nó bảo: “Vì quan thông minh, đa mưu túc trí, thế nào cũng tìm ra manh mối vụ này”.

Thái tử cũng hỏi nó một câu tương tự, nó đáp, “Tại vì ngài là con vua, vua sẽ không nỡ giết. Không lẽ cha mà lại đi giết con?”.

Ông tỷ phú vào tù gặp nó, bứt đầu bứt tai bảo: “Trời đất quỷ thần ơi, sao cháu nỡ nào khai oan cho bác vậy?”

Thì nó tỉnh bơ đáp rằng: “Tại vì bác có thể bỏ tiền ra chuộc mạng để khỏi ở tù”.

Và khi cô ca sĩ khóc lóc hỏi nó, “Em ơi, tại sao em nỡ vu khống cho chị lấy xâu chuỗi ngọc trong khi chị chẳng biết ất giám gì?”

Nó trả lời: “Vì thiên hạ đều hâm mộ chị, nên thế nào người ta cũng tìm cách đưa vụ này ra ánh sáng càng sớm càng tốt, để cứu chị thoát nạn lao tù”.

Quả nhiên sau đó một người đầu đảng khét tiếng tài danh về nghề trộm cướp được đưa vào khám đường đối chất. Gặp nó, người chuyên nghề trộm cướp hỏi: “Trong cung, ngoài đức vua, hoàng hậu và bé ra, còn có con vật nào được ra vào không?”

– “Có một con khỉ thường theo chơi với hoàng hậu”.

Kẻ trộm nổi danh đi về, rồi trở lại đem theo vào nội cung một bầy khỉ. Ông cũng xin cho đem con khỉ của hoàng hậu đến. Sau khi mượn tạm những xâu chuỗi của các cung nữ đang đeo, y phân phát cho mỗi con khỉ một chuỗi, rồi tự đeo vào cổ một xâu. Cả bầy khỉ đềm làm theo y, con nào cũng tròng chuỗi trang sức vào cổ. Con khỉ của hoàng hậu trông thấy liền bắt chước đi lấy xâu chuỗi ngọc quý nó đã ăn cắp ra đeo. Thế là nội vụ đã ra manh mối.

Khi nhà vua hỏi tại sao nó không lấy cắp mà chịu nhận tội, lại khai thêm những người vô tội khác. Nó trả lời, “Con chỉ là một tên bụi đời, dù con có nói mình không lấy cũng chẳng ai tin. Con không có chứng cớ gì để minh oan nếu không nhận tội sẽ bị vua trừng trị. Do vậy con cứ nhận đại, rồi khai thêm mấy người mà con biết có bị tống vào ngục cũng không sao. Họ là những người danh tiếng, có thể nhờ họ mà người ta sẽ ra công điều tra vụ án này”. Vua công nhận thằng bé thông minh, và từ đấy càng thêm yêu mến, cho hầu cận luôn bên mình.

Một hôm theo vua đi săn lạc giữa rừng sâu, cậu bé bây giờ tuổi đã thành niên, đang canh cho vua ngủ. Thấy nhà vua ngủ say li bì, cậu tuốt gươm khỏi vỏ toan giết để báo thù cho cha, nhưng bỗng nhớ lời cha dặn: “Lấy oán báo oán, oán ấy chất chồng; lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan” cậu tra gươm vào vỏ. Đúng lúc ấy, nhà vua trở dậy kể lại giấc chiêm bao: “Vừa rồi ta mộng thấy con vua Trường Sinh đến báo mối thù giết cha ngày trước”. Cậu bé liền thú thực với vua tông tích của mình, vốn là thái tử. Nhà vua cảm động, trả lại ngai vàng cho thái tử con vua Trường Sinh, lại gả con gái cho chàng. Mối thù giữa hai nhà từ đấy chấm dứt, hai nước láng giềng trở thành bạn hữu.

Add Comment