PHẬT GIÁO CHÍNH TÍN
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam dịch
63. QUAN NIỆM KHỔ CỦA ĐẠO PHẬT CÓ TƯƠNG ĐƯƠNG VỚI QUAN NIỆM TỘI CỦA ĐẠO CƠ ĐỐC HAY KHÔNG ?
Nói chung, một số các học giả không có tín ngưỡng tôn giáo đều có quan niệm như vậy. Họ cho rằng, Phật giáo cũng tốt, Cơ đốc giáo cũng tốt vì cả hai đều khuyến khích làm thiện. Và trên cơ sở hai tôn giáo đều khuyến khích người làm thiện, họ bèn suy luận cho rằng quan niệm kho半 trong đạo Phật cũng như quan niệm tội trong đạo Cơ đốc vậy.
Bởi vì, Phật giáo nói cuộc sống sinh tử trong ba giới là biển khổ. Mọi cảm thụ của chúng sinh đều là khổ. Cho nên mục đích của tu hành là thoát khổ. Cơ đốc giáo nói nhân loại đều là kẻ có tội, do 2 tổ tiên loài người là A Đam và Eva, không nghe lời cảnh cáo của Thượng đế đã ăn quả cấm sinh mạng và trí tuệ của vườn Imen [Hymen] do đó mà loài người bèn có sinh mạng và trí tuệ, nhưng đồng thời cũng đắc tội với Thượng đế. Thượng đế bèn phạt con cháu của A Đam và Eva phải đời đời chịu khổ. Đó gọi là cái tội tổ tông (Nguyên tội) do ông Tổ đầu tiên của loài người để lại cho con cháu. Tín đồ đạo Cơ đốc tín ngưỡng Thượng đế đã phái người con độc nhất của Thượng đế xuống trần, chịu chết trên Thánh giá để chuộc tội cho những người tin Thượng đế.
Trên thực tế, cái khổ mà Phật giáo giảng, rất khác với cái tội của đạo Cơ đốc. Cái khổ mà Phật giáo giảng là do nghiệp báo của chúng sinh tự làm ra; nghiệp báo đó do chúng sinh phải chịu, nó bắt nguồn từ vô minh từ thời vô thỉ đến nay. Đó là trách nhiệm của cá nhân mỗi người, không có can hệ gì tới Thượng đế; cũng không liên quan gì đến tổ tông; chúng sinh do phiền não vô minh làm cho mê hoặc bèn tạo ra nghiệp sinh tử, do nghiệp sinh tử mà chịu khổ sinh tử. Trong khi chịu khổ sinh tử, lại bị mê hoặc. Như vậy, do bị vô minh mê hoặc mà tạo nghiệp, do có tạo nghiệp mà chịu khổ, rồi lại do khổ mà sinh mê hoặc. Ba khâu Hoặc, Nghiệp, Khổ kết lại với nhau thành vòng sinh tử luân hồi quay mãi không thôi. Vì mê hoặc là hạt giống của khổ nghiệp giống như ánh nắng, không khí và nước làm cho khổ trở thành kết quả của hoặc và nghiệp. Và khổ quả là cái ma chúng sinh thực sự cảm thụ. Vì vậy mà Phật giáo gọi dòng chảy sinh tử là cõi khổ hay biển khổ. Cũng vì vậy mà Phật giáo yêu cầu chúng ta vượt qua dòng chảy sinh tử đó, thoát khỏi vòng ràng buộc đó của sinh tử. Sống chết tự do, sống chết tự chủ, không sống không chết đó chính là cảnh giới giải thoát.
Bất quá, Phật giáo cầu giải thoát, không phải dựa vào sự cứu tế của Phật và Bồ Tát, Phật và Bồ Tát chỉ dạy cho chúng ta phương pháp giải thoát chứ không thể giải thoát thay cho chúng ta. Đó là điểm khác với đạo Gia Tô nói Jesu chuộc tội cho tín đồ tin ở chúa. Bởi vì Phật giáo không chấp nhận thuyết chúng sinh vì bị Thượng đế trừng phạt mà có tội, lại càng không chấp nhận tội của tổ tông trở thành tội của con cháu; cũng như “tội không can đến vợ con”. Thượng đế không chuộc thay người cũng như “tội ăn không làm anh no được”. Phật giáo giảng phương pháp thoát khổ cơ bản là ba môn học vô lậu; giới, định, tuệ. Giới là việc đáng làm, không buông thả cũng không lười biếng; Tuệ là trí sáng suốt, thấy rõ phương hướng, nỗ lực tinh tấn, do vậy, sự thoát khổ của Phật giáo quyết không giống với sự cầu xin thượng đế chuộc tội của Cơ đốc giáo.
Ở đây, nhân tiện bàn luôn vấn đề này; nhiều người cho rằng Phật quá nhấn mạnh mặt khổ của cuộc đời; đó là thái độ có phần thiên lệch chán đời; bởi vì trong đời người, có khổ mà cũng có vui. Lại có thể dùng biện pháp để cải tạo hoàn cảnh sống của con người bớt khổ thêm vui. Vì vậy họ cho rằng cách nhìn của Phật giáo là sai lầm. Về điểm này, Phật giáo giải thích như sau : Nếu đứng trên lập trường một đời người mà nói thì Phật giáo không đòi hỏi con người phải thừa nhận “có cảm thụ là có khổ”. Thực ra, Phật giáo nói đời khổ, là nói theo kết luận của đức Phật, quan sát đời người với trí tuệ và lòng bi của Ngài. Chúng ta là phàm phu, không phải là Phật, chúng ta rất khó thấy ra được sự thật đó. Cũng như một người gặp thấy một con chó đang ăn phân, thì cảm thấy ghê tởm. Nhưng bản thân con chó khi ăn phân lại cảm thấy ngon lành, thích thú. Nếu chúng ta giải thích cho chó biết ăn phân là thiếu vệ sinh, thì con chó sẽ quay đầu lại sửa chúng ta với giọng bất bình !
Phật đứng trên bờ con sông sinh tử mà nhìn chúng sinh đang chìm đắm trong con sông sinh tử, thấy ở nơi chúng sinh chỉ có khổ không có vui. Dù là có vui, thì cũng như người gãi ngứa, khi gãi thì thấy thích, sau khi gãi thì thấy đau !