PHẬT GIÁO CHÍNH TÍN
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam dịch
54. PHẬT GIÁO CÓ BAO NHIÊU TÔN PHÁI
Đây là một vấn đề không thể né tránh được. Vì rằng, Phật Pháp tuy chỉ có một vị, nhưng do trình độ căn cơ của người tiếp thu cao thấp khác nhau, thời đại và hoàn cảnh sống cũng không đồng nhất, cho nên có sự giải thích khác nhau về Phật Pháp. Trong Kinh có câu : “Phật dùng một viên âm để thuyết pháp, chúng sinh tùy loại mà hiểu lời Phật giảng. Ý tứ là : nếu đứng ở lập trường của Phật mà xét thì Pháp môn nào cũng dẫn tới Niết Bàn. Nhưng đứng ở góc độ các đệ tử Phật mà nói thì mỗi người đều có pháp môn sở trường của mình. Như 13 vị đệ tử nổi danh của Phật, mọi người đều có tính cách đặc thù nổi bật riêng, đều có bạn đạo riêng của mình [Tạp A Hàm 16 tr. 447]. Đây có thể nói là dấu hiệu sớm sủa nhất của phân tông, phân phái trong Phật giáo.
Trong thời gian – 500 năm sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, chỉ riêng ở Ấn Độ, Phật giáo Tiểu thừa đã chia thành 20 bộ phái. Đôi khi chỉ vì một điểm bất đồng rất nhỏ, cũng tách thành một bộ phái riêng, Phật giáo Tiểu thừa, chia thành nhiều bộ phái, cho nên không có được chuẩn mức thống nhất do sự nghiệp giáo hóa của mình. Phật giáo Đại thừa Không Tông của Mã Minh và Long Thụ cũng nhân cơ hội này mà hưng khởi ở Ấn Độ.
Vào khoảng 1000 năm sau khi Phật Niết Bàn, Duy Thức Hữu Tông của Vô Trước, Thế Thân, Thanh Biện, Hộ Pháp được thành lập. Từ đó, Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ chia thành Không, Hữu hai tông. Sau đó ít lâu, Mật giáo lại hưng khởi, đem Phật giáo Đại thừa chia thành Hiển giáo và Mật giáo, đem Không tông và Hữu tông nhập vào Hiển giáo.
Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, lúc đầu cũng không chia thành tôn phái. Về sau, do sự nghiệp phiên dịch dần dần thịnh vượng, số kinh Phật được dịch ra chữ Hán rất nhiều, và cũng do các nhà Phật học Trung Quốc tiến hành phân loại và tôn phái đối với Phật Pháp, cho nên mới có tông phái xuất hiện ở Trung Quốc. Nhưng tông phái Phật giáo được thành lập đầu tiên ở Trung Quốc là Tam luận tông và Tứ luận tông dựa vào các bản dịch của Cưu Ma La Thập đời Đông Tấn. Đó là những tông phái hưởng ứng với Đại thừa Không tông ở Ấn Độ. Nhưng tông phái này, đến thời đại sư Gia Tường mới được thành lập hoàn chỉnh. Đồng thời, dựa vào bộ luận “Thành Thực” của Tiểu thừa mà lập ra “Thành Thực tông”, dựa vào bộ luận “Câu Xá” thuộc Hữu Bộ mà lập ra “Câu Xá Tông”. Dựa vào Niết Bàn mà lập “Niết Bàn tông”. Dựa vào bộ “Nhiếp Đại thừa luận” mà có “Nhiếp Luận tông”. Từ khi ngài Đại Ma từ Ấn Độ đến, truyền tâm ấn của Phật, mà có Thiền tông, Đời Đường, có Đạo Tuyên chuyên môn truyền bá bộ “Luật tứ phần” mà thành lập Luật tông ở Nam Sơn. Với nội dung bộ Kinh Pháp Hoa được tổng hợp và triển khai mà có Thiên Thai Tông với Đại sư Trí Khải. Với pháp sư Huyền Trang đi cầu pháp ở Ấn Độ về, giới thiệu các bộ “Duy Thức luận” mà Pháp tướng tông được thành lập. Với nội dung bộ Kinh Hoa Nghiêm được tổng hợp và triển khai, Hoa Nghiêm tông được thành lập với đại sư Hiền Thủ. Với đại sư Tuệ Viễn tổ chức “Bạch Liên Đạo pháp môn niệm Phật”, Tịnh Độ tông được thành lập. Sau đó có 3 cao tăng Mật giáo được đứng đầu là Thiện Vô Úy, dân Trung Quốc vào năm Nguyên niên đời nhà Đường. Các vị này dịch nhiều bộ kinh mật giáo mà thành lập nên Mật tông ở Trung Hoa.
Tổng cộng lại, Trung Quốc có 13 tông phái. Trong số này có 2 tông Câu Xá và Thành Thực là thuộc về Tiểu thừa; dư còn lại đều thuộc về Đại thừa Phật giáo.
Về sau, do quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau, hoặc mâu thuẫn hoặc hòa hợp, mà từ 13 tông ban đầu, thu lại chỉ còn 10 tông phái : Niết Bàn tông nhập vào Thiên Thai tông; Địa Luận tông nhập vào Hoa Nghiêm tông; Nhiếp Luận tông nhập vào Pháp Tướng tông;
Biểu đồ sau đây liệt kê các tông phái, và nêu mối quan hệ giữa chúng với hai bộ phái lớn Không Tông và Hữu Tông.
xx
Qua sự giới thiệu của tông phái như trên, Phật giáo Trung Quốc nhìn chung mà nói là hưng thịnh. Nhưng từ cuối nhà Đường trở đi, Tiểu thừa không còn được coi trọng. Tam Luận và Duy Thức đã không còn người nghiên cứu. Mật tông xuất hiện ở Trung Quốc như Hoa ưu đàm. Sau pháp nạn Đường Võ Tông, niên hiệu Hội Xương thứ 5, Mật tông chuyển từ Trung Quốc sang Nhật, không còn có dấu vết tại Trung Quốc nữa. Hoàn cảnh địa lý và bối cảnh xã hội Trung Quốc khiến không thể giữ gìn giới luật một cách thật nghiêm túc được, vì vậy mà Luật tông, không khác gì người thở thoi thóp, còn cũng như mất. Thịnh nhất chỉ có Thiền tông. Sau Lục Tổ Huệ Năng, Thiền tông chia làm 5 phái. Trong 2 phái này thì phái Lâm Tế và phái Tào Động phát triển hơn cả. Tất cả Tăng Ni Trung Quốc hiện nay, hầu hết thuộc 2 phái này. Về mặt hiển dương giáo lý thì chỉ có hai tông Thiên Thai và Hoa Nghiêm hoạt động cầm chừng. Đến hai thời đại Tống và Minh, có một số cao tăng chủ trương kết hợp Thiền và Tịnh cùng tu, như Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ (Từ năm thứ hai Đường Ai Đế đến Tống Thái Tổ nguyên niên), vì vậy mà Phật giáo Trung Quốc cận đại, ngoài Thiền và Tịnh Độ ra, không còn có gì khác nữa (chú 11).
Từ cuối nhà Thanh đến những năm đầu Dân quốc, do có nhiều kinh sách Phật được đưa từ Nhật Bản trở về Trung Quốc, cho nên có hiện tượng các tông Tam Luận, Duy Thức, Luật, Mật v.v… hồi sinh trở lại ở Trung Quốc. Đáng tiếc là, hàng mấy trăm năm lại đây ở Trung Quốc không có giáo dục và bồi dưỡng nhân tài có hệ thống. Việc Phật giáo Trung Quốc có tiếp tục được vận may hưng thịnh lại hay không, là còn chờ đợi ở nỗ lực chung của chúng ta.
Ngoài Trung Quốc ra, Phật giáo ta, các vùng khác trên thế giới, cũng có nhiều tông phái : như Phật giáo Nam truyền ở Thái Lan chia thành Đại tông phái và Pháp tông phái. Mật giáo Tây Tạng chia thành Hoàng giáo, Hồng giáo, Bạch giáo, Hắc giáo. Phật giáo Nhật Bản cũng giống như Phật giáo Trung Hoa, nhưng có Tịnh độ chân tông và Nhật liên tông là đặc sắc. Hòa thượng Ấn Thuận, gần đây có bình giá đạo Phật Nhật Bản như sau :
“Phật giáo kiểu Nhật Bản không phải là gia đình được Phật giáo hóa, mà là Phật giáo bị gia đình hóa; không phải là Phật giáo tại gia, mà là Phật giáo xuất gia bị biến chất [Hải Triều Âm], quyển 34, số tháng 7 bài “Phương châm xây dựng Phật giáo tại gia”. Đó chính là đặc sắc của Phật giáo Nhật Bản.
Cuối cùng, tôi xin nói thêm một câu : Sự phân tông, phân phái trong Phật giáo chỉ là một vấn đề chi tiết phân loại, không phải là sự thay đổi trong tư tưởng cơ bản. Chính vì vậy, trong tương lai không xa, một nền Phật giáo thống nhất sẽ xuất hiện trên thế giới này.