PHẬT GIÁO CHÍNH TÍN
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam dịch
28. PHẬT GIÁO CÓ TIN ĐỊNH LUẬT NHÂN QUẢ LÀ CHÍNH XÁC?
Đúng như vậy, Phật giáo tin tưởng định luật nhân quả là chính xác, cũng như mọi người đều tin, đã ăn thì được no vậy.
Người ta hoài nghi tính chính xác của luật nhân quả là vì người ta nhìn theo góc độ một đời người cho nên thấy sự báo ứng thiện ác là không công bằng; có người sống lành lại bị khổ; không những không gặp điều may mắn mà lại còn chết khổ ! Có người ăn hối lộ, làm trái luật pháp, làm chuyện rất tầm bậy, nhưng vẫn sống tự do ngoài vòng pháp luật, được cả phúc, cả thọ !
Kỳ thực, luật nhân quả tác động thông suốt cả 3 đời. Con người, ngoài đời sống hiện tại, đã từng sống những đời sống quá khứ nhiều vô lượng, và sẽ sống những đời sống vị lai nhiều vô lượng. Một đời sống hiện tại, đem so với vô số đời sống quá khứ, và vô số đời sống vị lai, thì thật là bé nhỏ, ngắn ngủi không đáng kể. Định luật nhân quả quán xuyến cả ba đời. Việc thụ báo lần lượt sẽ diễn biến theo thứ tự. Nghiệp lực nhỏ lớn, nhẹ nặng khác nhau, quyết định thứ tự và mức độ thụ báo khác nhau. Đời này, làm thiện làm ác, vị tất phải chịu báo trong đời này. Đời này, chịu khổ được vui, vị tất đã do nghiệp nhân tạo ra trong đời này. Hơn phân nửa chuyện xảy ra trong đời này là quả báo của nghiệp nhân, tạo ra ở đời sống trước. Phần lớn việc làm trong đời này, phải chờ tới đời sau mới có quả báo. Nếu nhìn suốt cả ba đời thì sẽ không còn thắc mắc gì nữa đối với luật nhân quả !
Hơn nữa, luật nhân quả của đạo Phật không giống như túc mệnh luận hay định mệnh luận. Phật giáo tin rằng, chỉ có những nghiệp lực cực nặng mới không thể chuyển biến được, mới là định nghiệp, còn thì người ta có thể dựa vào sự nỗ lực về sau của mình để cải biến nghiệp nhân quá khứ. Thí dụ, đời trước tạo ra nghiệp nhân của sự nghèo khổ. Đời này, đúng là gặp cảnh túng quẫn, thế nhưng sinh ra trong cảnh nghèo khổ không phải là quan trọng. Nếu biết cố gắng thì hoàn cảnh nghèo khổ sẽ được cải thiện. Như vậy là kết hợp nghiệp nhân hiện tạo, với nghiệp nhân tạo ra trong đời quá khứ, cho nên mới có hoàn cảnh ngày nay. Vì vậy, luật nhân quả của đạo Phật không phải là túc mệnh luận, cũng không phải là định mệnh luận, mà là “nỗ lực luận”. Nếu Phật giáo rơi vào túc mệnh luận hay định mệnh luận, thì thuyết chúng sinh thành Phật không thể nào đứng vững được. Nếu mệnh vận đã do đời sống quá khứ sắp xếp an bài cả rồi, thì việc tu thiện ở đời này sẽ là uổng công hay sao ?
Có thể thấy, luật nhân quả của đạo Phật cũng không tách rời lý nhân duyên sinh. Từ nghiệp nhân của đời quá khứ cho đến quả báo hiện tại, ở khâu trung gian còn phải thêm bao nhiêu ngoại duyên nữa, thì nghiệp quả mới thành sự thực được. Những ngoại duyên đó là sự nỗ lực hay là lười biếng. Người đương sống làm thiện hay ác cũng như một chén nước đường vốn có vị ngọt, nhưng nếu lại bỏ thêm chanh hay cà phê vào đấy thì vị ngọt của chén nước sẽ thay đổi.
Nói chung luật nhân quả của nhà Phật quán thông và liên kết cả ba đời hiện tại, quá khứ và vị lai. Đời này, tiếp thu nghiệp nhân của đời quá khứ. Hành vi đời này, sẽ là nghiệp nhân của đời sau, và cũng có thể gia nhập vào nghiệp nhân của đời trước, tạo thành nghiệp quả của đời này.
Định luật nhân quả, nghe ra thì giản đơn, thế nhưng giảng ra thì không giản đơn. Phật giáo là một tôn giáo xem ra thì tựa hồ như giản đơn, nhưng thực tế thì không giản đơn.