Phật giáo chính tín – 09. Giáo lý căn bản của Đạo Phật là gì

PHẬT GIÁO CHÍNH TÍN
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam dịch

9. GIÁO LÝ CĂN BẢN CỦA ĐẠO PHẬT LÀ GÌ

Kinh sách Phật rất nhiều, đó là điều ai nấy đều biết, vì vậy mà cho đến hiện nay, cũng không sách nào chỉ rõ, bộ kinh nào hay, bộ kinh nào là tiêu biểu cho đạo Phật. Ở Trung Quốc, sở dĩ có nhiều tông phái xuất hiện, nói chung là do lập trường của các tông phái suy tôn các bộ kinh luận nào là căn bản đối với họ.

Thế nhưng, giáo lý đạo Phật có một nguyên tắc căn bản, do đức Thích Ca Thế Tôn chứng ngộ, đó là đạo lý duyên sinh chi phối vũ trụ và nhân sinh.

Duyên sinh là do nhân duyên sinh ra. Các hiện tượng vũ trụ và nhân sinh đều do nhiều mối quan hệ kết hợp với nhau mà sinh ra. Thí dụ, một thiên văn chương, giải thích một số vấn đề có liên quan đến Phật giáo, mà đến được tay độc giả, xem ra có vẻ giản đơn nhưng thực ra, là do những quan hệ nhân duyên cực kỳ phức tạp : Nguồn gốc của văn tự, tu dưỡng viết văn, hấp thu và tích lũy tri thức, nhiệt tình và kiến giải của tác giả, lại thêm sự chế tạo và sử dụng văn phòng phẩm, việc hiệu đính và in ấn bản thảo, việc ký gửi sách qua bưu điện, cuối cùng lại phải tính đến hứng thú và tinh thần của độc giả, mới gọi là hoàn thành nhiệm vụ chuyển tác phẩm từ tay tác giả đến tay người đọc. Quan hệ nhân duyên, trong ví dụ nêu ra trên đây là khá thô thiển và dễ thấy; nếu khảo sát thêm một bước nữa thì mỗi một quan hệ lại kéo theo nhiều mối quan hệ khác. Hiện tượng quan hệ này liên quan đến quan hệ khác, tức là nhân duyên. Một sự việc xuất hiện là do nhân duyên hội tụ. Sự vật tiêu vong là do nhân duyên ly tán. Như vậy gọi là duyên sinh, duyên diệt.

Chính vì vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều là duyên sinh duyên diệt, đều biến hóa vô thường, cho nên tất cả mọi hiện tượng đều là hư huyễn, tạm bợ, không giả, từ một bọt nước, cho tới toàn bộ thế giới, cho đến các tinh tú cũng đều như vậy, không phải là vĩnh hằng và đã không tồn tại vĩnh hằng, thì là không giả. Phật giáo gọi đó là “duyên sinh tính không”.

Phật giáo sở dĩ bị người ta đánh giá là cửa không (không môn), chính là vì lẽ đó. Thế nhưng, đối với nghĩa không của đạo Phật, người ta lại hiểu lầm rất nhiều. Bởi vì “không” của đạo Phật có nghĩa là không có sự vật nào là cố định, không biến đổi; sự vật đó không phải “thực tại” chứ không phải là không tồn tại. Đại đa số người đều cho rằng không có nghĩa là không có gì hết. Thực ra, Phật giáo thông qua sự phân tích quan hệ duyên sinh mà giải thích đạo lý “không có thực thể”. Cũng như một chiếc xe hơi, nếu lấy con mắt của nhà hóa học mà phân tích thì chiếc xe hơi là “không thực tại”. Chiếc xe hơi là do một số nguyên tố và quan hệ kết hợp lại mà thành. Nhưng, xét trên hiện tượng, khi chiếc xe hơi còn chưa bị thải bỏ, chưa bị đưa vào lò để nấu lại, thì chiếc xe hơi vẫn là chiếc xe hơi.

Do đó, khi Phật giáo giảng lý “duyên sinh tính không” là chú trọng mặt phân tích bản chất mà nói, để cảnh tỉnh chúng ta đang sống trong cảnh giới hư vọng, đừng có bị danh lợi vật dục làm cho mê hoặc, biến thành vật hy sinh của danh lợi vật dục. Như vậy gọi là xem xét để phá bỏ, để phóng hạ. Cái xem xét để phá bỏ là hiện tượng hư huyễn. Cái cần phóng hạ (buông bỏ) là lòng tham danh, lợi, vật dục, chứ không phải phủ định sự tồn tại của hiện tượng. Vì vậy, Phật giáo tuy nói bản thể là không, nhưng vẫn không thể tồn tại tách rời khỏi hiện tượng hư huyễn được. Bởi nếu chưa có khả năng giải thoát khỏi sinh tử, thì vẫn nằm trong vòng tạo tác và chịu báo của nghiệp lực. Nghiệp lực tuy cũng là hư huyễn nhưng vẫn có khả năng lôi kéo sinh mạng tiến hay thoái trong các cõi sống, được vui hay chịu khổ.

Ở đây, không được quên rằng, tất cả mọi hiện tượng hư huyễn, đều do nghiệp lực của chúng sinh cảm hóa mà hình thành; do vậy, nếu thấu rõ được đạo lý duyên sinh tính không, thì sẽ không còn bị huyễn cảnh mê hoặc, không còn bị cái huyễn cảnh lôi kéo chi phối, sẽ được tự do, tự tại. Đó tức là giải thoát khỏi sinh tử. Một con người không còn bị ngoại cảnh chi phối, trói buộc, thì người đó sẽ không còn tạo nghiệp dẫn tới sinh tử, mà có thể giải thoát khỏi sinh tử, tự chủ đối với sinh tử.

Đó tức là giáo lý căn bản của đạo Phật.

Add Comment