PHẬT GIÁO CHÍNH TÍN
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam dịch
4. ĐỨC PHẬT LÀ GÌ ?
Phật hay nói đủ hơn là Phật – đà, dịch âm từ ngữ Sanskrit cổ đại. Từ Phật bao hàm các nghĩa : Tự mình giác ngộ, giác ngộ cho người khác và giác ngộ – thấy biết tất cả, không gì là không thấy biết, không lúc nào là không thấy biết. Vì vậy mà Phật còn có các danh hiệu “Nhất biến tri” hay là “Chính biến tri”.
Phật-đà, nói ngắn hơn là Phật, nguyên là Thái tử Tất Đạt Đa, sinh tại thế giới này, cách đây 2589 năm (T. L năm 623 trước công nguyên) ở thành Ca Tỳ La Vệ (Ấn Độ). Sau khi thành đạo, thì có danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Thích Ca là giòng họ, Mâu Ni là danh hiệu chung, chỉ các bậc Thánh thời cổ đại ở Ấn Độ, và có nghĩa là tĩnh lặng. Đó là vị giáo chủ của đạo Phật.
Thế nhưng, căn cứ vào giáo lý do Phật Thích Ca giảng dạy, chúng ta biết rằng, tại thế giới này, từ thời xa xưa đã có những vị Phật ra đời, và trong một tương lai rất xa sau này cũng sẽ có các vị Phật khác xuất hiện. Và hiện nay, tại các thế giới khác trong 10 phương, cũng đang có nhiều Phật tồn tại. Như vậy, theo đạo Phật, thì Phật không phải chỉ có một vị có một không hai mà trong quá khứ, hiện tại và trong thời vị lai, có vô lượng vô số Phật. Hơn nữa, Phật giáo còn cho rằng, tất cả chúng sinh, tất cả các loài hữu tình, dù hiện nay có tin hay không tin Phật, đều có khả năng thành Phật trong tương lai. Phật giáo cho rằng Phật là chúng sinh đã được giác ngộ, còn chúng sinh là Phật chưa giác ngộ. Đứng về mặt cảnh giới mà nói, phàm thánh tuy khác nhau, nhưng đứng về bản chất mà nói, Phật tính là bình đẳng, Phật hay chúng sinh đều có Phật tính như nhau không khác.
Nói tóm lại, Phật giáo không sùng bái Phật như là vị Thần, cũng không xem Phật như là Chúa sáng theᬠvì vậy, cũng có thể nói Phật giáo chủ trương vô thần luận.