Phật giáo chính tín – 02. Phật giáo chính tín

PHẬT GIÁO CHÍNH TÍN
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam dịch

2. PHẬT GIÁO CHÍNH TÍN LÀ GÌ

Nội dung cơ bản của Phật giáo, ở đâu cũng là một, mãi mãi vẫn là một. Phật giáo bắt nguồn từ đức Phật là bậc đại giác, tức là từ biển lớn trí tuệ và từ bi của đức Thích Ca Thế Tôn. Phật giáo tràn đầy trí tuệ, tràn đầy lòng nhân từ, tràn đầy ánh sáng và sự mát mẻ, sự yên ổn. Phật giáo chính là giáo lý như vậy và hình thức giáo đoàn xây dựng trên một niềm tin vào một giáo lý như vậy gọi là Phật giáo.

Chính tín là niềm tin chân chính, chính xác, là sự tin hiểu chính thống, là sự tin tưởng và hành trì ngay thẳng, là sự tin tưởng và nương tựa đúng đắn. Nội dung của chính tín phải bao gồm ba điều kiện chủ yếu : Thứ nhất là phải có tính vĩnh cửu. Thứ hai là phải có tính phổ biến. Thứ ba là phải có tính tất nhiên. Nói cách khác, tức là, quá khứ trước đây là như vậy, thì hiện tại ở đâu cũng là như vậy và tương lai cũng sẽ là như vậy. Phàm niềm tin vào một đạo lý hay một sự việc gì mà không chịu đựng nổi sự thử thách của ba điều kiện cơ bản nói trên thì không phải là chính tín, mà là mê tín. Giáo lý của một tôn giáo, mà không chịu đựng nổi sự khảo nghiệm của thời đại, của hoàn cảnh, không dẫn tới một cảnh giới mới và tốt đẹp, thì đó là mê tín, không phải chính tín.

Thế nhưng, phải nói rằng, nền Phật giáo chính tín, tại các vùng có lưu hành Phật giáo Đại Thừa, nhất là ở Trung Quốc, đã trở thành sở hữu riêng của những cao tăng ở ẩn trên núi, và của một số ít nhân sĩ trí thức. Còn ở trong dân gian, thì Phật giáo chính tín đến nay vẫn chưa phổ cập được. Dân chúng nói chung, trong cuộc sống của mình, có một quan niệm tín ngưỡng pha tạp cả ba giáo Nho, Phật, Lão. Thí dụ, như việc sùng bái quỷ thần hay là niềm tin người chết biến thành quỷ, không thể là sản vật của Phật giáo.

Add Comment