Phần phụ lục học Phật hành nghi

HỌC PHẬT HÀNH NGHI
(PHÉP TẮC CHO NGƯỜI HỌC PHẬT)
Thích Minh Thông Lược dịch và Phụ chú

Phần phụ lục

Lời di chúc – Dặn Dò Những Điều Cần Thiết Lúc Lâm Chung

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

Đây là những lời dặn dò cho các con cháu hiếu thảo của tôi:
Bản thân tôi suốt đời niệm A Di Đà Phật, cảm thấy được sự lợi lạc rất nhiều. Nếu các con có lòng hiếu thảo với ta, thì nhất định phải giúp đỡ ta vãng sanh tây phương cực lạc thế giới, đi đến cõi đó vĩnh viễn sẽ hưởng được thanh tịnh an lạc, tự do tự tại, đây là nguyện vọng lớn nhất của suốt đời ta.
Nên biết rằng con người lúc gần tắt thở, giống như rùa sống bị lột vỏ, vô cùng đau đớn. Nếu như các con thật sự muốn ta ra đi tự tại, vả lại hy vọng có thể phù hộ cho cả gia đình, thì nhất định phải thiết thực hoàn thành tâm nguyện của ta sau đây:
1. Trong lúc bịnh tình của ta nguy ngập, tuyệt đối không được dời động thân thể của ta, không được thay quần áo, không được khóc lóc, khóc than thảm thiết. Mà phải vì ta chân thành niệm A Di Đà Phật, cầu Phật từ bi tiếp dẫn ta vãng sanh tây phương.
2. Nếu thần thức của ta hôn mê, lúc hơi thở trong tình trạng sắp tắt chưa tắt, xin đừng để cho bác sĩ chích thuốc cứu cấp, hoặc là dùng những phương pháp hô hấp khác để cứu cấp ta, để tránh tâm thần của ta bị lay động (rối loạn), sẽ làm cho ta càng có cảm giác đau đớn. Lúc đó các con nên giữ gìn yên tịnh, nhất tâm niệm Phật, mới là có lòng hiếu thảo với ta.
3. Trước khi ta sắp lâm chung, xin liên lạc gấp với chùa hay liên hữu……………, thỉnh cầu họ đến hộ niệm cho ta. Điện thoại số…, các con đều phải nghe theo lời chỉ dẫn của liên hữu, không được làm trái nghịch.
4. Sau khi ta đã tắt thở trong 24 tiếng đồng hồ, phải niệm Phật liên tục không ngừng, mọi người trong nhà đều phải luân phiên hộ niệm, bởi vì trong lúc này đối với ta mà nói, là sự giúp đỡ rất lớn lao, chính là giúp ta duy trì tiếp tục niệm A Di Đà Phật. Còn về nghi thức tang lễ, hãy đợi sau khi hộ niệm xong, thì mới cử hành tang lễ.
5. Còn như lau mình thay quần áo, nhập liệm, v.v.., phải đợi sau khi vãng sanh 24 tiếng đồng hồ, thì thỉnh ban nghi lễ đến làm nghi thức tang lễ. (nếu như sợ trời nóng sẽ có mùi vị khác thường, thì trong nhà nên đốt đàn hương và để nước đá).
6. Những đồ cúng trong tang lễ, khách đến phúng viếng, tất cả đều là cúng đồ chay, tuyệt đối không được sát sanh, để tránh tội nghiệp của ta tăng thêm.
7. Nghi thức tang lễ đều y theo Phật giáo, lấy niệm Phật làm chủ. Làm tang lễ nên tiết kiệm, không nên phô trương, không nên lãng phí.
8. Sau khi mất trong 49 ngày, mọi người trong nhà phải sáng tối đều phải niệm Phật, hồi hướng cho ta vãng sanh cực lạc thế giới! Làm được như vậy thì ta mới có thể thật sự được hưởng sự vui sướng, mà mọi người cũng được vô cùng cát tường quang minh.
Hy vọng từ nay về sau mọi người đều phải tin Phật, niệm Phật. Có như vậy thì các con nhất định sẽ được bình an hạnh phúc.
Đây là tâm nguyện của ta, mong các con tuân theo.
A Di Đà Phật
Người lập ngôn …..
( Ký tên ……)

Những điều gia quyến cần biết – Hộ niệm lúc lâm chung

Thích Minh Thông

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

1. Bịnh nhân lắng nghe tiếng Phật hiệu, đó là thiện căn của bịnh nhân đã thành thục, nếu thọ mạng chưa hết, thì dần dần sẽ hết bịnh, còn như thọ mạng đã hết, liền được vãng sanh tây phương cực lạc thế giới, người thế gian không hiểu, cứ nghĩ rằng Phật pháp chỉ là siêu độ cho vong linh, đó là kiến giải cạn cợt của người thế gian, họ không hiểu sự lợi ích của Phật pháp. Trong kinh Hoa Nghiêm có nói, Phật lên cõi trời thuyết pháp cho chư thiên, vô lượng Đế Thích đều tu pháp môn niệm Phật, niệm Phật là pháp môn thù thắng nhất, niệm Phật là pháp Phật sở thuyết, phải nên nhất tâm niệm Phật, thì công đức không thể nghĩ bàn.
2. Bịnh nhân lúc lâm chung, thân nhân quyến thuộc không nên kêu gọi bịnh nhân hoặc khóc lóc than van, sẽ làm rối loạn chánh niệm của bịnh nhân, khiến cho bịnh nhân đọa lạc.
3. Khi bịnh nhân vừa tắt thở, kỵ nhất là khóc lóc, kỵ nhất là lau tay chân, dời động thân thể và thay quần áo, bởi vì trong lúc này, thần thức của người vừa chết chưa rời thân thể, muốn cho họ không có cảm giác đau đớn và không mất chánh niệm, là phải nhất tâm niệm Phật, cho đến khi thần thức rời khỏi thân thể, thì nhiệm vụ của sự hộ niệm đã làm xong, những điều như trên phải tuân theo, sau đó mới chuẩn bị cử hành tang lễ.
4. Sau khi người chết không còn cảm giác nữa, tay chân cùi chỏ đầu gối đã cứng, rất khó duỗi thẳng, nên dùng khăn thấm nước nóng, đấp lên cùi chỏ và đầu gối thì sẽ mềm mại như cũ, thật ra tay chân cong cũng không sao, đừng nghe người thế tục nói, người chết tay chân không duỗi thẳng, thì đời sau sẽ thành tay cán giá và thọt chân. Những người nói như vậy, họ không có kiến thức, nếu người có chút hiểu biết, thì biết họ nói không đúng. Còn như người tu hành có công phu, thì họ nằm nghiêng mình sang bên phải, gọi là Cát Tường Thệ, hoặc là ngồi mà vãng sanh, đứng mà vãng sanh, họ nằm nghiêng mình sang bên phải hoặc ngồi mà vãng sanh, tay chân của họ cũng cong vậy, điều này không cần giải thích, tự mình cũng hiểu. Như Thích Ca Mâu Ni Phật nhập Niết Bàn, Ngài cũng nằm nghiêng mình bên phải vậy, cho nên thân thể của người chết cong hay thẳng, thật ra không có vấn đề.
5. Sau khi người đã vãng sanh tây phương, gia quyến vẫn tiếp tục niệm Phật, không nên khóc lóc.
6. Hoàn toàn phải cúng đồ chay, không nên cúng đồ mặn, không nên sát sanh.
7. Tang lễ phải tiết kiệm, các thứ chi phí, chỉ làm Phật sự, hoặc là phóng sanh, để giúp cho người quá cố vãng sanh tây phương.
8. Thân nhân quyến thuộc của người quá cố, nếu không y theo điều thứ hai và điều thứ ba đã quy định, thì toàn ban hộ niệm lập tức tạm ngưng nhiệm vụ hộ niệm.

Điều cần biết khi hộ niệm

Thích Minh Thông

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

1. Sắp đặt:

 Trước tiên an vị tượng Phật, sau đó đốt nhang đèn, tượng Phật nên đặt vị trí ở phía tây, nhưng cũng không nhất định là đặt ở phía tây. Nếu trong phòng bịnh nhân đã có tượng Phật A Di Đà, thì không cần an vị thêm tượng Phật khác. Khói nhang không nên quá nồng, để tránh bịnh nhân khó hô hấp.
 Nơi an vị tượng Phật, phải để cho bịnh nhân nhìn thấy.
2. Bắt đầu:

 Ban hộ niệm nên niệm bốn chữ A Di Đà Phật, vừa niệm vừa đánh khánh, không cần dùng những pháp khí khác, cũng không cần tụng kinh.
 Ban hộ niệm đã đến nhà bịnh nhân, nếu thấy bịnh nhân trong tình trạng nguy ngập, thì miễn trừ tất cả sắp đặt, trực tiếp đánh khánh niệm bốn chữ A Di Đà Phật.
3. Số người đi hộ niệm:

Mỗi nhóm từ 2 đến 5 người thành một ban hộ niệm, tối đa không được nhiều hơn 10 người, mỗi ban hộ niệm luân phiên niệm 1- 2 tiếng đồng hồ.
4. Khai thị:

 Nếu thấy bịnh nhân tinh thần tỉnh táo, thì trưởng ban hộ niệm hãy khuyên bịnh nhân buông bỏ vạn duyên, khuyên bảo bịnh nhân niệm Phật, hoặc niệm thầm trong tâm, hoặc dùng tai nghe người khác niệm.
 Nếu thấy bịnh nhân còn có lưu luyến chuyện gì, thì trưởng ban hộ niệm giảng giải cho họ biết, nếu thọ mạng của họ chưa hết sẽ mau được lành bịnh, còn như thọ mạng của họ đã hết, nên dùng lời vắn tắt khuyên họ vãng sanh cực lạc, khiến cho tâm được thanh tịnh.
5. Đề phòng chướng ngại:

 Gia quyến của bịnh nhân, phải cử ra một người phụ trách về việc hộ niệm, phàm là chuyện gì có liên quan đến bịnh nhân, để tiện liên lạc với ban hộ niệm.
 Không cần biết gia quyến và bạn bè của bịnh nhân, lúc bắt đầu hộ niệm, nhất loạt không được đến gần bịnh nhân, nếu họ muốn tham gia hộ niệm, họ phải thỉnh cầu người phụ trách hộ niệm đồng ý, thì mới có thể tham gia hộ niệm.
6. Cấm kỵ:

 Giả như gia quyến muốn tắm rửa cho bịnh nhân và thay quần áo, thì phải làm trước khi hộ niệm, việc này do gia quyến phụ trách, nhưng phải xem bịnh tình của bịnh nhân. Nếu bịnh nhân không muốn tắm rửa và thay quần áo, thì không nên miễn cưỡng, sẽ làm cho bịnh nhân đau đớn.
 Khi bắt đầu hộ niệm, thì không được tắm rửa, thay quần áo, dời động bịnh nhân, tuyệt đối ngăn cấm.
 Không được nói chuyện với bịnh nhân, hoặc hỏi bịnh nhân về việc lập di chúc, hoặc khóc lóc than thở, sẽ làm trở ngại bịnh nhân vãng sanh.
 Lúc bịnh nhân sắp lâm chung, hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc nằm nghiêng, hoặc nằm ngửa, đều tùy bịnh nhân, không nên bắt buộc.
 Sau khi bịnh nhân đã mất trong 8 tiếng đồng hồ, không được dời động, tắm rửa và thay quần áo, trải qua 8 tiếng đồng hồ sau, thì các khớp xương đã cứng, nên dùng khăn thấm nước nóng đắp lên các chỗ khớp xương đã cứng và rưới nước nóng lên, không bao lâu sẽ mềm mại.
 Sau khi bịnh nhân đã mất trong 8 tiếng đồng hồ, không được khóc lóc thê thảm, không được dùng tay rờ mó thi thể của bịnh nhân, để thăm dò nhiệt độ.
7. Hộ niệm đã xong:

 Sau khi bịnh nhân đã mất trong 8 tiếng đồng hồ, ban hộ niệm vẫn phải niệm Phật không gián đoạn, trải qua 8 tiếng đồng hồ sau, thì nhiệm vụ hộ niệm đã làm xong.
 Sau khi nhiệm vụ của ban hộ niệm đã làm xong, thì gia quyến có thể lau mình cho thi thể, thay quần áo và dời động, thân nhân quyến thuộc muốn khóc thì khóc (tốt nhất là đừng khóc), muốn làm gì thì làm.

Khai thị cho người lúc lâm chung
Pháp Ngữ Của Đại Sư Ấn Quang

Thích Minh Thông

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

Con người sống trong thế gian này, đều không tránh khỏi nỗi khổ của bịnh tật và chết chóc, lúc xảy ra những sự khổ này, chỉ có cách là buông bỏ vạn duyên, nhất tâm niệm Nam Mô A Di Đà Phật, nếu hơi thở ngắn thì niệm bốn chữ A Di Đà Phật, nhất tâm cầu Phật từ bi tiếp dẫn ông vãng sanh tây phương. Ngoại trừ một niệm này ra, trong tâm không thể có những ý niệm nào khác. Cũng không thể mong cho mau lành bịnh, cũng đừng nghĩ tưởng cầu thần cầu Phật phù hộ. Hễ tâm ông có những nghĩ tưởng này, thì sẽ không tương ứng với tâm của A Di Đà Phật, vì vậy sẽ không được sức gia trì lòng từ bi của Phật. Ông nên biết rằng, trời đất cha mẹ, đều không khiến cho ông thoát khỏi sanh tử luân hồi, chỉ có A Di Đà Phật, mới có thể khiến cho ông thoát khỏi sanh tử luân hồi. Nếu ông chịu buông bỏ hết tất cả, nhất tâm niệm Phật, nếu tuổi thọ chưa hết, thì sẽ mau lành bịnh. Còn như tuổi thọ đã hết, liền được vãng sanh Tây Phương. Nhưng không thể cầu mau lành bịnh, chỉ có thể cầu mau vãng sanh. Nếu tuổi thọ đã hết, mà muốn cầu hết bịnh, thì sẽ không được vãng sanh. Còn như tuổi thọ chưa hết, lại cầu vãng sanh, thì sẽ mau lành bịnh. Vãng sanh tây phương sự lợi lạc nói không hết, so với những người sanh lên cõi trời làm thiên đế thiên vương, còn thù thắng hơn họ vô số vô lượng vạn vạn vạn vạn lần. Ông không thể có si tâm vọng tưởng sợ chết, nếu trong tâm mà sợ chết thì không được vãng sanh. Chúng ta sống trong thế gian này, giống như những con giòi trong hầm phân, như trong ngục tù không khác, vô cùng thống khổ. Vãng sanh tây phương như ra khỏi hầm phân và ngục tù, trở về quê hương thanh tịnh an lạc tiêu dao tự tại, sao lại sợ chết. Nếu trong tâm mà sợ chết, thì vĩnh viễn chịu khổ trong sanh tử luân hồi, vĩnh viễn không có ngày ra khỏi cảnh khổ. Nếu ông có thể niệm ra tiếng, thì nên niệm nhỏ tiếng. Còn như không thể niệm ra tiếng, thì chỉ niệm thầm trong tâm, tai nghe người khác niệm, trong tâm cũng niệm theo như vậy. Hai mắt nhìn tượng Phật A Di Đà (tượng Phật thờ trong phòng), trong tâm nhớ đến A Di Đà Phật. Nếu có những ý niệm khác nổi dậy, thì liền tự trách mình: Ta muốn nhờ vào Phật lực vãng sanh tây phương, tại sao ta lại nổi dậy những ý niệm này, phá hoại việc lớn của ta. Nếu ông chịu y theo lời tôi dạy mà niệm Phật, thì nhất định vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn thường hưởng lấy sự vui sướng, không còn thấy nghe những sự khổ nữa, thì làm gì có những sự khổ não tật bịnh như vậy hay sao. Có lúc trong tâm nổi dậy phiền não, nên biết rằng đó là do ác nghiệp trong đời quá khứ sai khiến, muốn phá hoại ta không được vãng sanh tây phương, muốn khiến cho ta vĩnh viễn chịu khổ trong sanh tử luân hồi. Nay ta biết rõ ý của bọn chúng muốn hại ta đó, ta không thể để cho bọn chúng xoay chuyển ta. Ngoại trừ niệm Phật ra, quyết không nghĩ đến bọn chúng nữa. Như vậy thì tâm ông tương ứng với tâm Phật, ông sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sanh tây phương. Hãy nhớ kỹ lời tôi nói, thì ông sẽ tự mau được sự lợi lạc không gì sánh bằng!

Quy tắc và ý nghĩa của sự hộ niệm – Tuyết Lư Lão Nhân giảng

Thích Minh Thông

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

Lúc hộ niệm phải tuân theo quy tắc. Gia quyến của người sắp mất không nên làm rối loạn, không nên làm theo ý mình, không nên bày vẽ bên ngoài làm cho nhộn nhịp. Khi ban hộ niệm đến, nên chuẩn bị nước trà, ngoài ra không cần gì hết.
Đi hộ niệm, phải chuẩn bị những thứ cần thiết sau đây: Một tượng Phật Di Đà cao 3 thước (1 mét), một cái lư hương, hai cây đèn cầy, nhang (nhang đốt không gián đoạn), một cái ly và 1 cái chén, chúng ta phải mang theo những thứ này, bất luận nhà của họ có hay không. Khi đã đến nhà của họ, việc đầu tiên là an trí tượng Phật, chủ yếu là để cho bịnh nhân có thể trông thấy tượng Phật, tượng Phật không nhất định là đóng hay treo vách tường, đặt trên bàn cũng được, cũng không nhất định đặt tại phương hướng nào, bởi vì vị trí nhà cửa của mỗi người khác nhau, thật ra mười phương không phân đông tây nam bắc, có tượng Phật nơi nào thì nơi đó là hướng tây. Niệm sáu chữ hoặc niệm bốn chữ cũng được. Nhang đèn mang theo nếu đã dùng hết thì dùng của họ, nếu như họ không có, không đốt tiếp cũng không sao. Khi vào trong nhà của họ, trước hết trưởng ban hộ niệm thỉnh tượng Phật an trí đàng hoàng, sau đó đốt nhang đèn, kế tiếp sắp xếp chỗ ngồi, rồi bắt đầu hộ niệm. Việc sắp xếp chỗ ngồi rất quan trọng, có thể khiến cho bịnh nhân yên lòng, cũng là không để cho mắt của bịnh nhân nhìn chỗ khác. Nếu bịnh tình của bịnh nhân không nguy ngập, có thể bắt đầu niệm:
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật. Nếu thấy nguy ngập liền niệm sáu chữ, nếu thấy rất nguy ngập thì trực tiếp niệm bốn chữ A Di Đà Phật. Nên biết, một tiếng A Di Đà Phật, bao gồm cả ba thừa, điều quan trọng nhất là phải khiến cho bịnh nhân nghe được tiếng Phật hiệu mà niệm theo, thì công đức vô lượng không thể nghĩ bàn.
Lúc không hộ niệm thì ngồi im lặng niệm thầm trong tâm, lúc hộ niệm phải tập trung tinh thần trong câu Phật hiệu. Trong khi đang hộ niệm, những người khác không được đi ra vào làm ồn, phải giữ bầu không khí yên tĩnh, những người khác chỉ có thể ở xa mà xem, không được tự tiện vào thăm bịnh nhân, nếu để cho họ tự tiện vào thăm hỏi bịnh nhân, nói những lời dấy động tình cảm, nên biết rằng: hễ bịnh nhân vừa động tình cảm thì là hỏng hết. Lúc hộ niệm phải tôn trọng quy tắc hộ niệm của ban hộ niệm. Chỉ cần là đang hộ niệm, thì những người khác không được vào thăm bịnh, làm quấy rầy bịnh nhân, khiến cho bịnh nhân dấy động tình cảm mà mất đi chánh niệm. Cũng không được để cho bịnh nhân nghe những âm thanh khác (nghe hát, nghe âm nhạc), không được nghe tiếng khóc thê thảm. Dù có người sanh ra hiểu lầm, cho là sự ngăn cấm quá nhiều, người hộ niệm phải nhịn được sự hiểu lầm như vậy. Trước khi bịnh nhân sắp lâm chung, họ muốn uống nước hoặc muốn ăn, có thể để cho bịnh nhân ăn, nhưng không được nói chuyện, chỉ niệm Phật mang thức ăn đến đút cho họ ăn, nếu như nói chuyện với họ, thì tâm lý của bịnh nhân sẽ tưởng là những âm thanh khác, lúc đó họ không thể nhất tâm.
Công phu niệm hằng ngày của mọi người, đều phải đạt đến nhất tâm bất loạn, lúc lâm chung thì càng phải nhất tâm. Người hộ niệm trong khi đang hộ niệm không được ho, không được thở dài, hoặc phát ra những âm thanh khác, khiến cho bịnh nhân nghe rồi mất đi chánh niệm. Điều này lúc bình thường ban hộ niệm phải luyện tập, phải luyện tập không còn tạp âm. Nếu không thì lúc bịnh nhân đang nhất tâm niệm Phật, đột nhiên bị một tiếng ho hoặc thở dài làm gián đoạn, khiến cho tâm bịnh nhân rối loạn, thần trí không còn tỉnh táo. Đúng ngay lúc đó mà tắt thở, đây là điều quan trọng nhất, cũng là lúc khẩn yếu nhất, thân nhân quyến thuộc sẽ cầm không được nỗi xúc động, họ sẽ tiến đến bên mình của bịnh nhân khóc lóc, lúc đó ban hộ niệm phải ngăn cản họ, bảo họ không nên khóc lóc, kêu ba! gọi má! mà phải khuyên họ nên niệm Phật, mọi người đều phải niệm Phật, nếu không thì sự hộ niệm sẽ hoài công. Sau khi bịnh nhân vừa tắt thở, linh hồn vẫn còn trong thân thể, nghiệp lực của trong A Lại Da Thức vẫn còn trong thân thể, rất khó rời khỏi. Nếu người tội nghiệp nặng mà có công phu giỏi, trong khoảnh khắc thì rời khỏi thân thể, người thông thường rất khó rời khỏi, giống như con ốc muốn rời khỏi vỏ là chuyện rất khó, vì vậy phải niệm Phật, hộ niệm suốt 24 tiếng không gián đoạn, mới bảo đảm không bị nghiệp lực lôi kéo. Cổ nhân rất coi trọng điểm này. Khổng Lão Phu Tử có nói: Ba ngày sau mới đại liệm (nhập quan), ba ngày sau thì linh hồn đã rời khỏi thân thể, bậc Thánh nhân cũng biết được điều này, đại đa số người đối với việc sanh tử không hiểu rõ.
Trưởng ban hộ niệm phải bảo người nhà của người mới mất, trong 12 tiếng đồng hồ (đây là nói khi điều kiện cho phép, để giúp cho thời gian trợ niệm được lâu) nên không được dời động thân thể của người mới mất, sau khi hộ niệm xong thì mới có thể dời động thân thể. Nếu các khớp xương cùi chỏ đầu gối đã cứng nên dùng khăn thấm nước nóng đắp lên. Nhiệm vụ hộ niệm đến đây đã làm xong, toàn thể ban hộ niệm đọc bốn câu kệ hồi hướng, rồi hành lễ hoàn mãn. Trưởng ban hộ niệm tặng một tấm mền kinh Đà La Ni (mền Quang Minh), và một bao chu sa Quang Minh cho người vãng sanh. Toàn ban hộ niệm từ biệt chủ nhân ra về, không còn lo nghĩ gì nữa.
Tóm lại, quy tắc và ý nghĩa của sự hộ niệm, mọi người không thể không biết, Cổ đại đức của Tịnh Tông, có viết một quyển sách tựa đề [Lâm Chung Tu Tri], mọi người có thể đọc tham khảo. Nếu như có thể giúp cho một người được vãng sanh, thành tựu một vị Phật, thì công đức không thể nghĩ bàn!