Phật Học Quần Nghi
(Giải thích những nghi vấn trong Phật học)
Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học dịch
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Nguồn http://www.tangthuphathoc.com/
—————————————————-
26. NGƯỜI NIỆM PHẬT THẤY TƯỚNG TỐT THÌ LÀM THẾ NÀO ?
Pháp môn niệm Phật thuộc pháp môn tự tướng. Sự xuất hiện của kinh “Quán vô lượng thọ” là do khi Đức Phật còn tại thế, Thái tử A-xà-thế chiếm ngôi Vua, bắt giam Vua cha là Tần-bà-sa-la cùng với mẹ là Bà Vi-đề-hi. Bà Vi-đề-hi ở trong tù cầu mong được Phật Thích Ca đến thuyết pháp. Cảm thông được điều đó, Đức Phật với phép thần thông làm cho Bà Vi-đề-hi thấy được các cõi Tịnh độ của chư Phật 10 phương. Bà Vi-đề-hi chọn cõi Cực-lạc của Phật A-di-đà. Phật bèn giảng cho bà 16 pháp môn tu trì để được vãng sinh sang cõi Cực-lạc. Bà Vi-đề-hi cùng với 500 thị nữ theo hầu bà đều được chứng Vô sinh pháp nhẫn và đều được vãng sinh qua cõi Cực-lạc.
Cuốn kinh ấy giới thiệu Tịnh độ của Phật A-di-đà có 9 cấp vãng sinh. Khi mệnh chung, không kể là vãng sinh theo đẳng cấp nào đều được thấy Phật cũng tướng tốt hiện ra trước mặt mình như Phật, Bồ Tát, đài sen v.v… Cho nên trong quá trình niệm Phật mà thấy được các tướng tốt lành như các cảnh đẹp cõi Tịnh độ là chuyện bình thường.
Kinh “Địa Tạng” có kể chuyện Bồ Tát Địa Tạng ở một kiếp trước là một thiếu nữ tên là Quang Mục, nhờ niệm danh hiệu Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục (Mắt hoa sen thanh tịnh) và lập bàn thờ cúng dường mà nằm mộng thấy Phật, phóng hào quang rực rỡ, và nghe lời Phật giảng. Lại ở kiếp trước Bồ Tát Địa Tạng là một phụ nữ Bà-la-môn, muốn độ thoát cho mẫu thân mà cúng dường tượng Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, được nghe Phật từ hư không giảng pháp khuyến cáo về nhà ngồi thẳng người nghĩ tới danh hiệu Phật, qua một ngày đêm, thì sẽ xuống được địa ngục để gặp mẫu thân. Câu chuyện này chứng tỏ có thể nhờ sám hối mà thấy được Giác Hoa Định Tự Tại Như Lai, đó là điềm lành của sự giảm tội.
Nếu ngày thường niệm Phật, không nhằm mục đích thấy điều lành mà điều lành tự hiện có thể là tốt, cũng có thể không phải là tốt lắm. Thấy điềm lành có thể làm tăng thêm lòng tin, vì tự mình có thể nghiệm và cảm thọ. Nhưng nếu vì cầu được điềm lành mà niệm Phật thì cái tâm niệm Phật đó chưa phải thật là trong sáng và điềm lành xuất hiện có thể là do tâm trạng hoảng hốt mà sinh ra.
Khi tâm lý bị kích thích, đầu óc quá bị mệt nhọc và mong chờ nên rất dễ sinh ra ảo tưởng, nhẹ thì mắc bệnh tâm thần, nặng thì có thể bị điên loạn, cho nên phải cẩn thận.
Lại có lòng thành cầu mong mà sinh ra cảm ứng, nên sinh ra huyễn cảnh điềm lành, và có thể do phát tâm không chân chính, tâm ý không thanh tịng mà bị ma quấy nhiễu.
Do vậy, đối với người Phật tử có chính tín, thì mục đích niệm Phật không phải để cầu được thấy điều lành, như hào quang, hoa đẹp, mùi hương thơm, thấy cảnh giới ở Cực-lạc, thấy Phật và Bồ-tát. Người Phật tử chỉ giữ cho lòng không có ham trước, tâm không điên đảo và nhất tâm niệm Phật. Đó chính là cách niệm Phật an toàn nhất.
Còn nếu khi lâm chung mà thấy điềm lành thì đó là do cảm ứng mà được, chứ không phải là do tưởng tượng, ở chương sau sẽ nói rõ vấn đề này.
Nếu khi niệm Phật mà điềm lành cứ xuất hiện luôn thì đó không phải là chuyện hay, bởi vì sẽ không thể chuyên tâm niệm Phật được, khiến người ta tách rời Phật pháp rồi biến thành công cụ của người ngoại đạo, công của quỷ thần muốn dùng làm phương tiện để thi thố quyền năng. Nếu bản thân mình không có khả năng phân rõ chính tà thì có thể gác bỏ vấn đề sang một bên và tập trung toàn bộ sự chú ý vào việc niệm Phật, điềm lành tự nhiên sẽ biến đi. Còn nếu điềm lành cứ bám mãi không tha, thì nên mời các vị cao tăng, đại đức, cư sĩ đến chỉ giáo giúp đỡ.