PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành 1997
KHÓA THỨ CHÍN – DUY THỨC HỌC VÀ NHƠN MINH LUẬN
—o0o—
TẬP BA
DUY THỨC TAM THẬP TỤNG DỊ GIẢI
Ngài THIÊN THÂN Bồ Tát tạo luận
Ngài HUYỀN TRANG Pháp sư dịch chữ Phạn ra chữ Hán
Ông ĐƯỜNG ĐẠI VIÊN giải dễ gọn
Sa môn THÍCH THIỆN HOA dịch lại chữ Việt và lượt giải.
BÀI THỨ NHỨT
DUY THỨC TAM THẬP TỤNG DỊ GIẢI
GIẢI ĐỀ MỤC
“Duy thức” – Thức là phân biệt; có hai phần: 1. Sở phân biệt (bị biết) gọi là cảnh, hoặc gọi là sự vật, tức là núi, sông, ruộng, vườn …2. Năng phân biệt (cái biết) gọi là thức, tức là cái tác dụng phân biệt hay nhận biết các cảnh vật.
Cảnh vật có hình tướng, thức không hình tướng. Người đời đều nói hai vật này (vật chất, tinh thần) riêng khác; thật ra năng phân biệt (biết) và sở phân biệt (bị biết) cũng đều là thức; ngoài thức ra không có vật gì khác. Bởi thế nên gọi là Duy thức.
Người đời vì chấp tất cả sự vật là thật có, nên không tin lý Duy thức. Nay môn học này, giải thích cho người biết: tất cả sự vật, chỉ có thức biến hiện, không phải thật có, nên gọi là “Duy thức học”.
“Tam thập tụng” – Theo lệ thường, trong kinh Phật, mỗi một bài là bốn câu; nay dùng 30 bài tụng, để giải thích nghĩa mầu nhiệm của Duy thức, cho nên quyển luận này gọi là “Duy thức tam thập tụng”.
“Dị giải” – Nguyên văn bổn luận này có 30 bài tụng, do ngài Bồ Tát Thiên Thân tạo ra. Văn tự đã khó mà nghĩa lý lại thâm, người học rất khó hiểu. Nay tôi giải thích bổn luận này, dùng những lời lẽ gọn gàng dễ hiểu, nên gọi là “Dị giải”.
CHÁNH VĂN
Hỏi: – Nếu chỉ có thức, tại sao người thế gian và trong Phật giáo, đều nói có Ngã và Pháp ?
LƯỢC GIẢI
Người đời chấp tất cả sự vật, như núi, sông, cỏ, cây v.v…đều thật có. Nay lại nghe nói:”Các cảnh vật ấy đều do thức biến hiện, chỉ là giả tướng, chớ không phải thật có”, thì họ quyết định không tin. Bởi thế nên Luận chủ đề xướng Duy thức học, đặt ra những lời vấn đáp, để giải thích các điều nghi ngờ đó.
Có người hỏi: – Nếu chỉ có thức mà thôi, thì tại làm sao, người thế gian và trong Phật giáo đều nói có Ngã, Pháp ? Nếu lý Duy thức đúng, thì lời người thế gian và Phật giáo nói sai, còn nếu thế gian và Phật giáo nói đúng, thì lý Duy thức phải sai. Hai thuyết rất mâu thuẫn nhau, vậy bên nào nói đúng lý ?
Câu hỏi này rất khó, nếu không phải bực Bồ Tát trí huệ vô biên, thì không dễ gì trả lời được.
“Ngã pháp” nghĩa là gì?- “Ngã” là chủ tể (tự chủ, có quyền sắp đặt). Như người đời chấp thân này là “ta”; có quyền tự chủ, tự tại và sai khiến sắp đặt các việc, như thế gọi là “Ngã”.
“Pháp” là khuôn phép và giữ gìn; nghĩa là tự nó giữ gìn bản chất của nó, làm cho người xem đến, thì biết là vật gì. (Nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải).
Như cái bàn ở trước mặt đây, tự nó giữ gìn bản chất cứng nhắc, hình dáng dài rộng hoặc cao thấp và có công năng chứa vật. Một khi người xem đến thì biết là cái bàn. Như thế gọi là “pháp”.
Người thế gian chấp ngã, như chấp thân mạng loài hữu tình, đều có quyền tự chủ, tự tại và sai khiến sắp xếp mọi việc.
Người thế gian chấp pháp, không ngoài ba điểm: Thật (bản chất), Đức (hình dáng), Năng (công dụng). Như họ chấp nhà cửa, cỏ, cây, v.v… là thật có (thật) hình dáng tốt hay xấu (đức) và công dụng của nó (nghiệp); mỗi món đều gọi là một pháp.
Trong Phật giáo nói ngã, như nói “Tu Đà hoàn, Tu Đà hàm, A Na Hàm, A la Hán, v.v …”. mỗi tên đều hàm ẩn ý nghĩa: ta đã chứng, ta được tự chủ và tự tại.
Trong Phật giáo nói Pháp, như nói “5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, v.v…”. mỗi pháp đều tự giữ gìn bản chất (tự tánh) và hình dáng của nó; khi người xem đến, có thể biết đó là vật gì.
Nhưng chúng ta phải chú ý ở điểm này: Trong Phật giáo nói “ngã” , không đồng với người thế gian “chấp ngã”. Như kinh Kim Cang nói: “Gọi là Tu Đà Hoàn (Nhập lưu) mà không có Tu Đà Hoàn (vô sở nhập) thế mới gọi là Tu Đà Hoàn, v.v …”
Đem đoạn kinh này để chứng minh, thì chúng ta thầy trong kinh tuy nói “Ngã”, song chỉ có giả danh mà thôi, không phải như thế gian chấp có thật Ngã.
Đáp: – Nguyên văn chữ Hán
Tụng viết:
Do giả thuyế Ngã Pháp
Hữu chủng chủng tướng chuyển
Bỉ y thức sở biến.
Dịch nghĩa:
Luận chủ nói ba câu tụng để trả lời rằng: Thế gian và Thánh giáo đều giả nói có Ngã, Pháp; bởi vì các tướng Ngã, Pháp kia đều do thức sanh ra vậy.
LƯỢC GIẢI
Đại ý ba câu tụng này nói: Do thế gian và Thánh giáo đều giả nói có Ngã, Pháp, rồi từ trên thức của người nghe tự biến ra hình tướng của Ngã, Pháp.
NÓI VỀ TƯỚNG NGÃ, PHÁP CỦA THẾ GIAN
Như có người đang ngồi yên trong nhà tối, bổng nghe người nói: “Ở góc nhà kia có con quỉ”. Lúc bấy giờ trên thức của họ liền biến ra con quỉ, tóc tai xù xụ, hình tướng rất ghê sợ, muốn chụp bắt người. Thật ra không có quỉ, nhưng trên thức người nghe lại biến ra quỉ. Đây là tướng Ngã của thế gian, do thức biến vậy.
Có người ngồi trong nhà, nghe nói: “Tuyết rơi ngoài sân”. Lúc bấy giờ trên thức họ tự biến ra hình tướng tuyết bay trắng xoá. Thật ra không có tuyết, nhưng trên thức của người nghe lại biến ra có hình tướng của tuyết. Đây là tướng Pháp của thế gian, do thức biến ra vậy.
NÓI VỀ TƯỚNG NGÃ, PHÁP TRONG THÁNH GIÁO
Như có người nghe trong kinh nói: “Phật có 32 tướng”. Rồi từ trên thức của họ tự biến ra tướng Phật tốt đẹp lạ thường. Đây là tướng “Ngã” trong Thánh giáo, do thức biến ra.
Hoặc nghe nói: “Cõi Phật có 7 món báu trang nghiêm”; rồi từ trên thức của họ biến ra cảnh Tịnh độ. Đây là tướng “Pháp” trong Thánh giáo, do thức biến hiện.
***
Ngoại nhơn đã nghe Luận Chủ nói: “Các tướng Ngã, Pháp đều do thức biến hiện”, thế tất nhiên họ phải nghi rằng:
Hình tướng của thức thế nào?
Và có bao nhiêu chủng loại?
Vì đoán tâm lý của ngoại nhân, nên Luận chủ nói tiếp ba câu tụng, để trả lời rằng:
Nguyên văn chữ Hán:
Thử năng biến duy tam
Vị: Dị thục, Tư lượng
Cập Liễu biệt cảnh thức
Dịch nghĩa:
Thức Năng biến này có 3 loại:
1. Dị thục thức (thức thứ Tám)
2. Tư lương thức (thức thứ Bảy)
3. Liễu Biệt cảnh thức (6 thức trước).
LƯỢC GIẢI
Đoạn trên nói: “Do thức biến ra các tướng Ngã, Pháp”. Đã có cảnh sở biến (bị biến) tất nhiên phải có thức năng biến.
Đoạn này nói về thức năng biến. Thức năng biến có ba loại:
1. Dị thục thức, tức là thức thứ Tám.
2. Tư lương thức, tức là thức thứ Bảy.
3. Liễu biệt cảnh thức, tức là 6 thức trước (từ nhãn thức cho đến ý thức).
Ba loại thức Năng biến này, nếu phân tích ra thì có tám thức (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt na thức và A lại da thức)