Phật Học Khái Luận – Tiết VIII Ngũ uẫn và Vô ngã

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Phật Học Khái Luận
Thích Chơn Thiện In Lần Thứ Hai – 1997

Chương Hai – Pháp Bảo
Tiết VIII
Ngũ uẫn và Vô ngã

Ngũ uẩn là giáo lý rất phổ biến, Thế Tôn thường giảng giáo lý Vô ngã đi kèm theo với sự phân tích Duyên sinh hay phân tích Ngũ uẩn. Giáo lý này, lần thứ nhất được đề cập đến ở thời pháp thứ hai, ngay sau bài Sơ chuyển pháp luân, tại vườn Lộc Uyển để tiếp độ nhóm năm huynh đệ Tôn giả Kiều-trần-như.

Chúng ta phải thấy rằng, sự phân tích con người như là tập hợp của Năm uẩn là một sự phân tích rất đặc biệt và rất là vững chắc đến nỗi các nhà bác học ngoại đạo dù không chấp nhận nó cũng không thể bác bỏ nó. Chúng ta hãy tìm hiểu những lời dạy của Thế Tôn về Năm uẩn ấy.

Kinh Tương Ưng Bộ III (bản dịch của HT. Thích Minh Châu) chép: “Này các Tỷ-kheo, khi nào Ta chưa thật liễu tri Năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không xác chứng Ta đã chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Nhưng này các Tỷ-kheo, khi nào Ta đã liễu tri Năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm Thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta xác chứng Ta đã chứng Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác”. (tr. 71).

Ở đoạn kinh tiếp theo, Thế Tôn đã giải thích Năm uẩn theo bốn chuyển. Liễu tri sắc (thọ, tưởng, hành, thức), liễu tri sắc (thọ, tưởng, hành, thức) tập khởi, liễu tri sắc (thọ, tưởng, hành, thức) đoạn diệt gọi là thắng tri Năm uẩn theo bốn chuyển.

Hiểu rõ Sắc uẫn là hiểu rằng sắc gồm có bốn yếu tố: đất, nước, gió, lửa, và các sắc do bốn yếu tố ấy làm nên (tư tưởng được gồm vào đây). Sắc này do thức ăn nuôi dưỡng. Khi thức ăn tập khởi thì sắc tập khởi; khi thức ăn đoạn diệt thì sắc đoạn diệt. Bát Thánh đạo dẫn đến yếm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát là con đường tu tập đưa đến đoạn diệt sắc.

Về Thọ uẩn, gồm có thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỉ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, và thọ do ý xúc sanh. Do có xúc sanh khởi nên thọ sinh khởi; do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường đưa đến thọ đoạn diệt là Bát Thánh đạo dẫn đến yếm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát.

Về Tưởng uẩn, có sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng. Do xúc tập khởi nên Tưởng tập khởi, do xúc đoạn diệt nên Tưởng đoạn diệt. Con đường dẫn đến Tưởng đoạn diệt là Bát Thánh đạo đưa đến yếm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát.

Về Hành uẩn, có sáu tư (hay hành): sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư và pháp tư. Ðây gọi là Hành uẩn. Do xúc khởi nên tư khởi, do xúc diệt nên tư diệt. Bát Thánh đạo là con đường đưa đến tư (hành) đoạn diệt, dẫn đến yếm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát.

Về Thức uẩn, gồm có nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức. Do danh sắc (hoặc hành) tập khởi nên thức tập khởi; do danh sắc đoạn diệt nên thức đoạn diệt. Con đường đưa đến thức đoạn diệt là Bát Thánh đạo dẫn đến yếm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát.

Kinh Phân Biệt Sáu Giới (Trung Bộ Kinh III, số 140), Kinh Lục Giới Phân Biệt (Trung A-hàm, số 42) và nhiều kinh khác của A-hàm, Nikàya cắt nghĩa địa đại gồm có nội địa đại (thân người của mình) và ngoại địa đại (tha nhân và thế giới vật lý); tương tự đối với thủy, hỏa, phong đại. Như thế, sắc uẩn cũng được định nghĩa gồm có nội sắc (thân mình) và ngoại sắc (tha nhân và thế giới vật lý); thọ uẩn gồm có nội thọ (cảm thọ về các Thiền lạc) và ngoại thọ (gồm có các cảm thọ về sắc, thanh, hương, vị, xúc). Những cảm nhận về hỷ, lạc, xả, ưu, khổ thuộc thọ uẩn. Những khả năng kinh nghiệm về sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp và những khả năng hồi tưởng, ký ức thì thuộc về tưởng uẩn. Khả năng ghi nhận sự có mặt của các pháp qua tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý thì thuộc về thức uẩn. Khả năng tư duy, nghĩ thiện, nghĩ ác, v.v… thuộc hành uẩn.

Trong Kinh Tương Ưng Bộ III, Thế Tôn dạy: “Không liễu tri Năm uẩn thì không thể đoạn tận khổ đau. Do vậy cần phải liễu tri Năm uẩn: ‘Sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si được gọi là liễu tri'”. (tr. 32).

Cũng trong Kinh Tương Ưng Bộ III (Hán tạng, Ðại 2, 17-a; Tập 3.1 Sanh diệt, Ðại 2, 156; Tập 3.2 Bất thừa, Ðại 2, 156) khi đề cập đến Thiền định, Thế Tôn tuyên bố: “Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập Thiền định. Vị Tỷ-kheo tu tập Thiền định thì hiểu biết một cách như thật. Hiểu biết gì một cách như thật? – Sắc tập khởi và sắc đoạn diệt, thọ tập khởi và thọ đoạn diệt, tưởngĩ tập khởi và tưởngĩ đoạn diệt, hành tập khởi và hành đoạn diệt, thức tập khởi và thức đoạn diệt”. (tr.16).

Tương tự giáo lý Duyên khởi, Thế Tôn định nghĩa Năm uẩn tập khởi có nghĩa là toàn bộ khổ uẩn tập khởi, và Năm uẩn đoạn diệt có nghĩa là toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt. Ở đây, Thế Tôn trình bày Năm uẩn kết hợp chặt chẽ với 12 nhân duyên:

“… Do vị ấy hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú sắc, hỷ đối với sắc khởi lên. Do duyên thủ đối với sắc, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. (Tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức). Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn” (Tương Ưng III, tr.17).

Và, “Do không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước sắc, hỷ đối với sắc đoạn diệt; … thủ đoạn diệt;… hữu đoạn diệt;… lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. (Tương tự đối với thọ … và thức). Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn”. (tr.17).

Một lần khác đề cập đến Năm uẩn, Thế Tôn đã nói lên lời cảm hứng này:

” Năm uẩn là gánh nặng
Kẻ gánh nặng là người;
Cầm lấy gánh nặng lên
Chính là khổ ở đời.
Còn đặt gánh nặng xuống
Tức là lạc ở đời.
Ðặt gánh nặng xuống rồi,
Không mang thêm gánh khác.
Nếu nhổ khát ái lên,
Tận cùng đến gốc rễ
Không còn đói và khát,
Ðã giải thoát, tịnh lạc”. — (Sđd, tr. 26).

Thế Tôn đã giải thích rằng nắm giữ tham ái là cầm gánh nặng lên, đoạn diệt tham ái là đặt gánh nặng xuống. Như vậy khổ đau không phải do chính Năm uẩn, cũng không do vì Năm uẩn vô thường, mà là do chính lòng khát ái Năm uẩn: “Năm uẩn là khổ đau. Chính khát ái (dục ái, hữu ái và vô hữu ái) là cội gốc của khổ đau”. (Sđd, tr. 39).

Phân Biệt Năm Uẩn và Năm Thủ Uẩn – Vị Trí của Năm Uẩn trong Giáo Lý Phật Giáo.

Năm uẩn còn được gọi là Năm thủ uẩn. Thế Tôn, một lần ở thành Xá-vệ (Sàvatthi), đã cắt nghĩa phân biệt giữa từ “Năm uẩn” và từ “Năm thủ uẩn” rằng:

– “Này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thẳng, xa hay gần, đây gọi là sắc uẩn” (Tương Ưng III, tr. 58).

(Tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức).

– “Này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại…. được chấp thủ gọi là sắc thủ uẩn”. (Ibid., tr.58).

(Tương tự đối với thọ thủ uẩn.., thức thủ uẩn).

Qua sự cắt nghĩa Năm thủ uẩn trên, một Tỷ-kheo hạch hỏi Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, chấp thủ ấy là Năm thủ uẩn ấy hay chấp thủ ở ngoài Năm thủ uẩn?” (Ibid., tr.120).

– “Này Tỷ-kheo, chấp thủ ấy không là Năm thủ uẩn ấy, và chấp thủ cũng không ngoài Năm thủ uẩn. Nhưng chỗ nào có tham và dục, chỗ ấy có chấp thủ”. (Ibid., tr.120).

– “Như thế nào, bạch Thế Tôn, là có thân kiến?” (Ibid., tr.121).

– “Ở đây, này Tỷ-kheo, kẻ phàm phu… quán sắc như là tự ngã; hay quán tự ngã như là có sắc, hay quán sắc ở trong tự ngã; hay quán tự ngã ở trong sắc (tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức). Như vậy, này các Tỷ-kheo, là có thân kiến” (Ibid, tr.122).

– “Bạch Thế Tôn, do biết như thế nào, do thấy như thế nào đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài không có quan điểm: Ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên? ” (Ibid., tr. 123).

– “Này Tỷ-kheo, phàm sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại…, tất cả sắc (tương tự đối thọ, tưởng, hành và thức) Tỷ-kheo như thật thấy với chánh trí tuệ như sau: “Ðây không phải là tôi! Ðây không phải là của tôi! Ðây không phải là tự ngã của tôi!” Này Tỷ-kheo, do biết như vậy, thấy như vậy, đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có quan điểm: ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên”. (Ibid, tr.123).

Một hôm, Tôn giả A-nan (Ananda) lập lại lời dạy của Tôn giả Mạn-từ Tử (Punna Mantaniputta) trước một số các vị Tỷ-kheo rằng: “Này Hiền giả Ananda, do chấp thủ mà khởi lên tư tưởng “tôi là”. Do chấp thủ gì?” – “Do chấp thủ sắc… tho.ĩ.. tưởng… hành…thức, khởi lên tư tưởng “tôi là”. (Ibid., tr.125).

Ðấy là một số lời dạy về chấp thủ liên hệ với Năm uẩn.

Thế Tôn đã trình bày Năm uẩn liên kết chặt chẽ với duyên sinh, với ái và thủ. Ngài cũng đã trình bày liên kết mật thiết Năm uẩn với Tứ đế; Năm uẩn tập khởi là khổ tập khởi, gốc của khổ tập khởi này là tham ái và chấp thủ. Năm uẩn đoạn diệt hay ái diệt, là khổ diệt, và con đường đưa đến khổ diệt là Bát Thánh đạo.

Chính điểm nhất quán này trong giáo lý Phật giáo đã làm nổi bật điểm trọng tâm của giáo lý, như đã được Thế Tôn nhiều lần nhấn mạnh rằng, Thế Tôn chỉ giảng dạy về Khổ và Con đường đoạn diệt khổ. Ðây là điểm mà những người học Phật và những người thuyết giảng cần hết sức để tâm khi học hỏi giáo lý hay thuyết giảng giáo lý.

Một lần, một số Tỷ-kheo xin phép Thế Tôn đi hành đạo ở một quốc độ phương xa, Thế Tôn dạy các Tỷ-kheo ấy đến xin phép Tôn giả Xá-lợi-phất.

Bởi vì quốc độ mà các Tỷ-kheo này sẽ đến là nơi có mặt nhiều học giả, nhiều nhà tri thức, nhiều bậc hiền trí, nên Tôn giả Xá-lợi-phất đã sửa soạn cho các Tỷ-kheo ấy một số hành trang Phật Pháp trước khi lên đường, dưới hình thức đặt một số câu hỏi trắc nghiệm về sự hiểu biết Phật Pháp của các vị ấy (xem Tương Ưng III, tr. 8, 9).

* Câu hỏi 1:

“Này chư Hiền giả! Các bậc hiền trí có thể hỏi: “Bậc Ðạo Sư của các Tôn giả nói gì? Tuyên bố gì?” thì các Hiền giả phải trả lời thế nào để không xuyên tạc lời dạy của Thế Tôn?”

Tôn giả Xá-lợi-phất dạy tiếp: “Ðược hỏi vậy, các Hiền giả phải trả lời: “Bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham”.

* Câu hỏi 2:

“Ðiều phục dục và tham đối với cái gì?”

– “Ðiều phục dục và tham đối với sắc, thọ, tưởng, hành và thức”.

* Câu hỏi 3:

“Nhưng do thấy những nguy hiểm gì, bậc Ðạo Sư của các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với Năm uẩn?”

– “Ðối với Năm uẩn, ai chưa viễn ly tham, dục, nhiệt tình, khát ái, thì khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức biến hoại, đổi khác, sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Này chư Hiền giả, do thấy sự nguy hiểm này đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói lên sự điều phục dục và tham”.

* Câu hỏi 4:

“Nhưng do thấy những lợi ích gì, bậc Ðạo Sư của các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức?”

– “Ðối với sắc, thọ, tưởng, hành và thức, ai đã viễn ly tham, dục, nhiệt tình, khát ái, thì khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức biến hoại, sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Do thấy sự ích lợi này, bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham đối với sắc, thọ, tưởng, hành và thức”.

Cho đến khi nào những người Phật tử không thấy rõ được gốc của sinh tử, khổ đau và lòng dục, tham đối với Năm thu uẩn, thì cho đến khi ấy có thể nói rằng họ chưa hiểu Phật pháp. Và cho đến khi nào những người Phật tử chưa tu tập để đoạn trừ dục và tham đối với Năm thủ uẩn, thì cho đến khi ấy, chắc chắn, họ chưa cảm nhận được hương vị giải thoát của giáo lý đạo Phật.

Cũng thế, cho đến khi nào người tu sĩ Phật giáo chưa nói đến sự nguy hiểm của dục, tham đối với Năm thủ uẩn, thì cho đến khi ấy, người tu sĩ ấy chưa thuyết giảng đạo Phật.

Và, cho đến khi nào, người tu sĩ chưa giới thiệu con đường đưa đến đoạn tận dục, tham đối với Năm thủ uẩn, thì cho đến khi ấy, vị tu sĩ ấy chưa giới thiệu đạo Phật một cách đầy đủ và thiết thực.

Vị Ngọt, Sự Nguy Hiểm, và Sự Xuất Ly của Năm Uẩn.

Khi còn là Bồ-tát, trước lúc chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, Thế Tôn tự hỏi: “Cái gì là vị ngọt? Cái gì là sự nguy hiểm? Và cái gì là sự xuất ly của sắc?” (Tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức).

Bấy giờ Thế Tôn tự nghĩ:

“Do duyên sắc, lạc hỷ sanh. Cái ấy là vị ngọt của sắc. Vô thường, đau khổ, biến hoại của sắc là sự nguy hiểm của sắc. Sự nhiếp phục dục, tham, đoạn tận dục, tham đối với sắc là sự xuất ly của sắc” (Tương Ưng Bộ Kinh III, tr. 34).

(Tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức).

Thế Tôn đã dạy tiếp, cho đến khi nào Thế Tôn chưa biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc, thọ, tưởng, hành và thức thì Thế Tôn chưa tuyên bố Thế Tôn đã chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. (Theo Tương Ưng Bộ Kinh III, tr. 34 – 35).

Sự hiểu rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Năm uẩn ở trên không phải là sự thông hiểu bằng tri thức thuần túy, mà phải bằng trí tuệ thể nhập.

Hầu hết chúng ta đều có thể nhận ra dễ dàng vị ngọt của sắc, thọ, tưởng, hành và thức bằng cách sống với nó, hoặc bằng trí tuệ quán sát cuộc sống chung quanh mình. Nhưng chúng ta biết còn rất ít về sự nguy hiểm của Năm uẩn, lại càng biết rất ít về sự xuất ly khỏi Năm uẩn. Cần phải có nhiều công phu tu tập, phải Thiền quán sâu xa, thâm trầm về tính Vô ngã, Vô thường, Hoại diệt và Khổ đau của các pháp, ta mới thấy rõ khía cạnh nguy hiểm của chúng.

Từ chỗ thấy rõ nguy hiểm ấy, chúng ta mới khởi niệm tinh cần để yếm ly, ly tham. Sau khi đoạn tận dục, tham, ta mới thấy rõ sự xuất ly khỏi Năm uẩn.

Sự Liên Hệ giữa Duyên Sinh và Năm Thủ Uẩn.

Một Tỷ-kheo hỏi: “Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, được gọi là sắc uẩn?… thọ uẩn?… tưởng uẩn?… hành uẩn?… thức uẩn?…” (Tương Ưng III, tr. 121).

– “Do nhân bốn đại, này Tỷ-kheo, do duyên bốn đại được gọi là sắc uẩn. Do nhân xúc, do duyên xúc được gọi là tưởng uẩn. Do nhân xúc, do duyên xúc được gọi là thọ uẩn. Do nhân xúc, do duyên xúc được gọi là hành uẩn. Do nhân danh sắc, do duyên sanh sắc được gọi là thức uẩn”. (Sđd, tr.121).

Năm uẩn do duyên sinh nên Năm uẩn là Vô ngã, Vô thường và đem lại Khổ đau. Thế Tôn dạy:

“Này các Tỷ-kheo… sắc đã được cái Vô ngã làm cho sanh khởi, từ đâu là ngã được? Sắc đã được cái Vô thường làm cho sanh khởi, từ đâu là thường được? Sắc đã được cái Khổ làm cho sanh khởi, từ đâu có thể lạc được?”.(Tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức). — (Sđd, tr. 28 và 29).

Trước đây có quan điểm cho rằng Nam tạng chủ trương “Ngã không, Pháp hữu”, nhưng thật ra đây chỉ là một ngộ nhận. Nikàya xác định rất rõ rằng con người do Năm uẩn sinh khởi là Vô ngã và cả đến sắc uẩn cũng Vô ngã, thọ uẩn là Vô ngã, tưởng uẩn là Vô ngã, hành uẩn là Vô ngã. Ðấy là “Ngã không, Pháp không”.

Mỗi uẩn tự nó là duyên sinh, nương vào bốn uẩn kia mà có mặt, không thể có mặt tách rời khỏi chúng.

Kinh Ðại Duyên (Trường Bộ III) trình bày: Nếu thức vắng mặt, thì cái thân danh-sắc (Năm uẩn) không thể hình thành hay tồn tại. Nếu không có mặt nghiệp thức thì bào thai không thể hình thành. Ngay cả khi bào thai hình thành, hay ngay cả khi trẻ đã ra đời, nếu thức không có mặt thì thai nhi sẽ chết hay đứa trẻ sẽ chết.

Tương Ưng III (tr. 64) lại ghi:

“Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức”; sự việc như vậy không xãy ra”.

Như vậy, sự tồn tại của một uẩn là sự tồn tại của Năm uẩn. Khi tham ái được đoạn tận, có nghĩa là hành uẩn diệt thì Năm uẩn diệt hay khổ diệt. Ðây là Niết-bàn. Khi thức diệt thì Năm uẩn cũng bị tận diệt, gọi là khổ diệt hay Niết-bàn. Hệt như Phẩm Kiến Lập Niết-bàn của Kinh Lăng-già nói: “Vọng tưởng thức diệt tức là Niết – bàn”, hoặc như Kim Cương Bát-nhã nói: “Thủ diệt, là đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề (Thủ diệt tức là ái diệt, tức là thức diệt)” mà ta sẽ bàn đến ở phần tiếp.

Năm Thủ Uẩn và Bắc Tạng

– Bài Kinh “Bát-nhã Tâm Kinh” là phần tóm tắt của Bát-nhã, giáo lý mà các nhà học giả Phật giáo xem là nền tảng của Bắc tạng. Trọng tâm của Bát-nhã Tâm Kinh nằm ở câu đầu: “Quán tự tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thế khổ ách”.

Bát-nhã chú trọng đến vấn đề thoát khổ. Con người sẽ thoát khổ, theo Bát-nhã, khi thực hành trí tuệ Bát-nhã sâu xa soi rọi rõ Năm uẩn là Vô ngã (Không). Thấy Năm uẩn là Vô ngã là thấy hết thảy các pháp là Vô ngã: khổ là Vô ngã, và người cảm thọ khổ là Vô ngã, bởi cả hai đều là duyên sinh. Như thế rõ ràng, không thực có khổ, cũng không thực có cái gọi là con người thọ khổ, thì hẳn là không còn có một thứ khổ ách nào ràng buộc cả. Mặt khác, thấy rõ Năm uẩn là Vô ngã thì không còn chấp thủ Năm uẩn là mình, là của mình, hay là tự ngã của mình. Chấp thủ diệt thì ái diệt, khổ diệt. Ðấy là ngõ vào giải thoát. Nội dung của nhận thức và tu tập của giáo lý Bắc tạng xuyên qua Bát-nhã như thế là hệt như nội dung của giáo lý Năm uẩn được kết tập ở Nam tạng (nói rõ là ở Nikàya).

Tại đây chúng ta có thể kết luận: giáo lý Năm thủ uẩn là giáo lý rất nền tảng của các bộ phái Phật giáo, Bắc tạng cũng như Nam tạng.

– Chương Kiến Lập Niết-bàn ở kinh “Lăng-già” nói rõ, khi ý thức diệt thì thức Mạt-na (thứ 7) cũng diệt, tất cả vọng thức đều diệt. Vọng thức diệt là Niết-bàn.

Ý thức được đề cập ở Lăng-già này chính là thức uẩn trong Năm thủ uẩn. Khi Thức diệt thì Năm thủ uẩn diệt. Năm thủ uẩn diệt là khổ diệt. Và khổ diệt chính là Niết-bàn.

Phần giáo lý này của Lăng-già không nói gì khác hơn giáo lý Năm thủ uẩn của Tương Ưng Bộ Kinh III (Nikàya) cả.

Năm Thủ Uẩn và Những Câu Hỏi Siêu Hình

Một thời, vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) đến yết kiến Tỷ-kheo-ni Khemà tại Teranavatthu, giữa Xá-vệ (Sàvatthi) và Sàketa, và đặt bốn câu hỏi về Như Lai:

1. Như Lai có tồn tại sau khi chết?
2. Như Lai không tồn tại sau khi chết?
3. Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?
4. Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

Nữ Tôn giả Khemà trả lời: “Thế Tôn không trả lời cho bốn câu hỏi trên”.

Vua Pasenadi liền hỏi tiếp: “Vậy do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn không trả lời bốn câu hỏi ấy?”

Nội dung câu trả lời của Tôn ni Khemà cho câu hỏi này là: Bởi vì Thế Tôn đã đoạn tận gốc rễ sắc, thọ, tưởng, hành và thức, làm cho như cây ta-la bị chặt đứt không thể tái sanh trong tương lai. Như Lai là thâm sâu vô lượng, đã giải thoát ước lượng của sắc, của thọ, của tưởng, của hành và của thức, nên không thể định nghĩa Như Lai ngang qua sắc, hay ngang qua thọ hoặc tưởng, hành, thức. Do đó, không thể chấp nhận sự kiện cho rằng: Như Lai có tồn tại sau khi chết. Tương tự, không thể chấp nhận sự kiện Như Lai không tồn tại sau khi chết v.v…

Rồi vua Pasenadi đến hầu Thế Tôn và đặt lại bốn câu hỏi trên, và được Thế Tôn trả lời y hệt nội dung mà nữ Tôn giả Khemà đã trả lời. (Tương Ưng IV, phẩm Tương Ưng Không Thuyết).

Trong một dịp đàm đạo, Tôn giả Ðại Kiều-thi-ca (Mahà Kotthika) đặt lại bốn câu hỏi trên với Tôn giả Xá-lợi-phất (Sàriputta). Tôn giả Xá-lợi-phất đã trả lời là Thế Tôn không trả lời bốn câu hỏi ấy, do vì nếu trả lời mỗi một trong bốn câu hỏi ấy là rơi vào chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Do nhân đó, do duyên đó mà Thế Tôn không trả lời. (Tương Ưng IV, phẩm Tương Ưng Không Thuyết).

Rồi một chiều khác, Tôn giả Xá-lợi-phất đặt lại bốn câu hỏi trên với Tôn giả Kiều-thi-ca (Mahà Kotthika) đã được Tôn giả Kiều-thi-ca (Mahà Kotthika) trả lời rằng Thế Tôn không trả lời, và đã được giải thích vì lý do rằng:

– Chỉ với ai chưa đoạn trừ tham dục, tham ái đối với sắc, thọ, tưởng, hành và thức mới có quan điểm Như Lai có tồn tại sau khi chết, hoặc Như Lai không tồn tại sau khi chết, v.v…

– Chỉ với ai còn ái lạc Hữu, ái lạc Thủ, ái lạc Ái thì mới có những quan điểm “Như Lai còn tồn tại sau khi chết”, v.v… (Sđd, 386-387).

Một dạo, du sĩ ngoại đạo Bà-sa-cù-đa (Vacchagotta) đặt mười câu hỏi siêu hình với Thế Tôn: Thế giới là thường? Vô thường? Là hữu biên? Là vô biên? Sinh mạng và thân thể là một hay là khác? Vừa là một vừa là khác? Như Lai có tồn tại sau khi chết? Như Lai không tồn tại sau khi chết? Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết? Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

Thế Tôn đã không trả lời mười câu hỏi này và cắt nghĩa rằng: “Vì Như Lai quán sắc không phải là tự ngã, hay tự ngã không phải có sắc, hay quán sắc không ở trong tự ngã, hay tự ngã không ở trong sắc (Tương tự, đối với thọ, tưởng, hành và thức) (Sđd, tr.392).

Mười câu hỏi trên là sản phẩm của tư duy nhị nguyên đầy ngã tính. Trả lời mười câu hỏi trên là chấp nhận thế giới là thường hoặc là vô thường, v.v… như vậy là rơi vào chấp thủ: chấp thường hoặc là chấp đoạn, hoặc chấp Năm thủ uẩn. Như Lai thì chủ trương trung đạo, đoạn tận ái, thủ. Do đó, Như Lai không trả lời.

Năm Thủ Uẩn và Sáu Mươi Hai Học Thuyết Ngoại Ðạo ở Aán Ðộ.

Qua mười câu hỏi siêu hình ở trên đại biểu cho nhiều câu hỏi siêu hình khác, chúng ta thấy rằng các chủ trương, chủ thuyết ngoài Phật giáo đều rơi vào chấp thủ, tham ái sắc, thọ, tưởng, hành và thức, hay gọi là rơi vào tà kiến như Thế Tôn dạy ở Kinh Tương Ưng III (Bản dịch Hòa thượng. Thích Minh Châu, Viện Phật Học Vạn Hạnh 1982) rằng:

“Này các Tỷ-kheo, do có sắc, có chấp thủ sắc, do thiên chấp sắc, nên khởi lên tà kiến” (Sđd, tr. 22C)

(Tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức).

Sau mươi hai học thuyết ngoại đạo được trình bày ở Kinh Phạm Võng (Trường Bộ Kinh I) hay Kinh Phạm Ðộng (Trường A-hàm) đều gọi là tà thuyết hay tà kiến (gồm mười tám luận chấp về quá khứ, năm luận chấp về hiện tại Niết-bàn luận và ba mươi chín luận chấp về tương lai). Thế Tôn đánh giá sáu mươi hai tà thuyết ấy rằng:

“… Những Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ vào quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp. Tất cả những vị này có những cảm thọ (những chủ trương trên) do sự xúc chạm, xúc tiếp qua sáu xúc xứ. Do duyên với những cảm thọ mà tham ái phát khởi; do duyên tham ái, thọ phát khởi; do duyên thọ, hữu phát khởi; do duyên hữu, sanh phát khởi; do duyên sanh, lão, tử, sầu bi, khổ, ưu não, phát khởi. Này các Tỷ-kheo, khi vị Tỷ-kheo như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt và sự nguy hiểm của sáu xúc xứ, vị ấy sẽ có một sự hiểu biết vượt ra ngoài những điều trên”. (Trường Bộ Kinh I, tr. 45).

Như thế, sáu mươi hai học thuyết ở Ấn Ðộ, hay tất cả những chủ thuyết ở đời, chỉ là kết quả của sự tham ái, chấp thủ Năm thủ uẩn; kết quả ấy bị trói buộc với sự tập khởi của Năm uẩn.

Ðịnh Nghĩa Vô Minh và Minh theo Năm Thủ Uẩn

Như đã được định nghĩa ở chi phần vô minh, Vô minh là không hiểu Tứ Thánh đế, không hiểu rõ lý Duyên khởi.

Ngoài định nghĩa trên, Thế Tôn còn định nghĩa Vâ minh gắn liền với Năm thủ uẩn:

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không biết rõ sắc tập khởi, không biết rõ sắc đoạn diệt, không biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt; không biết rõ thọ..; tưởng..; hành…; thức…; không biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt. Này Tỷ-kheo, đây gọi là vô minh”. (Tương Ưng III, tr. 194).

Ngược lại, bậc đa vãn Thánh đệ tử biết rõ sắc tập khởi…, v.v…; gọi là Minh.

Năm Thủ Uẩn: Con Người Toàn Diện…

Ở mặt tương đối của hiện tượng giới, con người được hiểu như là tổng hợp thể của Năm thủ uẩn. Thiếu một trong Năm uẩn thì không thể hiểu là con người. Sắc uẩn thuộc phần vật lý; thọ, tưởng, hành và thức thuộc phần tâm lý. Theo giáo lý này, vật lý và tâm lý không thể rời nhau mà có được.

Con người toàn diện, theo nghĩa của giáo dục, thì gồm có cơ thể vật lý, tri thức, tình cảm, tình yêu, ý chí và trực giác. Không thể chấp nhận một con người chỉ có mặt tư duy, khối óc; cũng không thể chấp nhận một con người chỉ có mặt tình cảm, trái tim. Con người toàn diện là con người đang trôi chảy trong hiện tại với các hiện tượng tâm lý, vật lý, sinh lý, tri thức… (hay nói gọn là con người vật lý và tâm lý). Một nền giáo dục tốt là một nền giáo dục phát triển một cách toàn diện con người toàn diện ấy. Hiểu như vậy là hiểu đúng với sự hình thành và tồn tại của Năm uẩn.

Một người chưa có quyết tâm đoạn diệt ái, thủ, thì việc tạo điều kiện để phát triển tốt đẹp và điều hòa. Năm uẩn là điều cần thiết để đem lại hạnh phúc tương đối trong hiện tại. Nếu cơ thể vật lý bệnh hoạn thì con người toàn thể sẽ bệnh hoạn; nếu tình cảm mà thất vọng, chán nản, v.v… thì sự duy trì hay phát triển con người toàn thể sẽ bị ảnh hưởng xấu. Nói tóm, các hiện tượng tâm lý, sinh lý và vật lý có ảnh hưởng tương quan rất mật thiết với nhau và với con người toàn diện.

Người tu tập giải thoát chỉ có một điểm duy nhất khác với người bình thường là hướng sự phát triển tâm lý về mặt giải thoát của vô tham, vô sân và vô si.

Ngoài việc giới thiệu con người toàn diện của ý nghĩa tương đối, giáo lý Năm uẩn còn giới thiệu cho con người một nhận thức quý giá khác (điều mà ta gọi là chánh kiến, chánh tư duy, hay trí tuệ) là: vấn đề khổ đau và hạnh phúc giải thoát là cái gì khác hơn những gì mà chúng ta đang có (ví dụ như là con người Năm uẩn đang là). Chúng ta không làm chủ con người Năm uẩn, nhưng với trí tuệ, chúng ta có thể làm chủ việc đón nhận khổ đau hay hạnh phúc.

Chẳng hạn, được sinh ra với cái mũi tẹt, khổ đau của chúng ta không phải vì cái mũi tẹt, xấu, mà thực sự là vì lòng khát ái và chấp thủ – do muốn có một chiếc mũi cao và đẹp, do chấp đắm vào sắc tướng.

Hoặc giả, lời mắng nhiếc của người khác không phải là cái làm cho ta khó chịu, mà cái khó chịu là do chúng ta ưa thích những âm thanh, lời lẽ ngọt ngào và chấp trước vào âm thanh, sắc tướng và tự ngã.

Con đường đi ra khỏi những phiền não, khổ đau do thân Năm uẩn của mình và cuộc đời đem lại do vậy là con đường chế ngự lòng khát ái, chấp thủ vào các hình, danh, sắc, tướng.

Việc chế ngự khát ái là điều chúng ta có thể chủ động, có thể thực hiện được ngay trong hiện tại với chính trí tuệ của mình.

Nếu sự thật của khổ đau và hạnh phúc chính là khát ái hay loại trừ khát ái về con người, cuộc đời thì quả thực giáo lý Năm uẩn đã mở ra cho con người một phương trời tự do, giải thoát trước mặt. Ðây mới thật sự là giáo lý rất thiết thực hiện tại, đúng nghĩa là nhân bản đích thực.

Trầm Tư về Con Người Năm Uẩn.

Sống, chúng ta cứ mãi đinh ninh rằng thân Năm uẩn này là ta, là của ta. Thân vật lý này là ta, là của ta. Hiểu biết, tri thức này là ta, là của ta. Tình cảm yêu thương, tri giác (cảm thỏ) này là ta, là của ta. Ý chí và tài năng này là ta, là của ta. Yêu mình là yêu thân thể, tri thức, tư tưởng, tình cảm, ý chí… ấy của mình, là nắm giữ và làm đẹp chúng, là nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc ngang qua chúng. Xa hơn nữa, còn mơ ước trong tương lai, đời này và đời sau nữa, chúng sẽ đẹp đẽ hoàn mỹ hơn để cho chính mình đẹp đẽ, hoàn mỹ và hạnh phúc hơn. Sống hình như chỉ là công việc nắm giữ, làm đẹp chúng và tiếp tục mơ ước cho chúng trở nên tốt đẹp hơn. Chính trong hướng sống này, chúng ta phải đối đầu với bao nhiêu trở lực, gây ra biết bao nhiêu khổ đau.

* Trở lực thứ nhất là thân thể, sức khỏe, tình cảm, tri thức và ý chí ấy tự thân chúng biến đổi trong từng phút, từng giây. Tất cả những biến đổi này ở ngoài sự làm chủ của mình, do đó gây ra những sầu muộn, khổ đau. Càng yêu thương, nắm giữ chúng bao nhiêu, chúng ta càng chịu đau đớn bấy nhiêu.

* Trở lực thứ hai, từ khi chúng ta nhận ra mình có mặt giữa cuộc đời này, nhận ra mình là nam hay nữ, đẹp hay xấu, thông minh hay mê muội, v.v… thì đồng thời chúng ta cũng nhận ra rằng những gì của thân Năm uẩn của chúng ta đang là, là những gì do nghiệp chướng của đời quá khứ tạo ra, mà không phải do ý muốn của mình trong hiện tại. Nếu tai, mắt, mũi, mặt, da, tóc, chiều cao, năng khiếu, v.v… của mình ngược với mong muốn, thì đấy là nỗi khổ thâm trầm dằn vặt mình suốt đời. Ðôi mắt lé, chiếc mũi khểnh, âm thanh “the thé” hay “khàn khàn” hình như làm héo úa đi hạnh phúc và nghĩa sống của mình, hình như hạnh phúc và nghĩa sống của mình cũng “lé”, cũng “the thé”, “khàn khàn” hay “khễnh” đi vậy. Kiến thức, dòng dõi của mình cũng ám ảnh mình tương tự; hạnh phúc và nghĩa sống của mình hình như cũng tầm thường như chính dòng dõi hay kiến thức của mình. Ngay cả khi ta có được một thân sắc đẹp, một trí tuệ (theo nghĩa thông thường) minh mẫn thì chúng ta lại phải đối đầu với trở lực thứ nhất và đối đầu với cái kết quả khổ đau ở đời mà chính thi hào Ôn Như Hầu, Ðoàn Thị Ðiểm và Nguyễn Du đã nhận thức rằng:

“… Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má đào”. (Cung Oán Ngâm Khúc).

“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời kia quen thói má hồng đánh ghen”. (Ðoạn Trường Tân Thanh).

“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”. (Chinh Phụ Ngâm Khúc).

* Trở lực thứ ba, một làn gió độc có thể làm tê bại cơ thể mình, hay có thể chấm dứt mạng sống mình. Một tai nạn xe cộ cũng thế; thở ra mà vì một trục trặc nào đó không thở vào, hay thở vào mà không thở ra nữa, thì mạng sống cũng kết thúc, và kết thúc luôn cả những mơ ước, sự nghiệp và hạnh phúc của mình. Sự nghiệp và hạnh phúc thiêng liêng của mình xuất hiện mong manh như hơi thở, treo ở đầu hơi thở. Khổ đau biết bao! Nhưng, sống làm sao chúng ta không nhận ra điều mong manh này?

Có thể vì một rủi ro nào đó, vào một lúc nào đó, thân này bị cụt mất một tay, một chân, hay chột đi một mắt, thì hẳn chúng ta sẽ thấy hình như mình và hạnh phúc, nghĩa sống của mình bị chột mắt hay cụt tay vậy.

Cũng có thể, qua một cơn bệnh, thông minh và hiểu biết của mình bỗng thành “tàn phế”, bấy giờ mình còn nói chi đến nghĩa sống và hạnh phúc nữa?

* Trở lực thứ tư, mọi người đều phải chết. Mình cũng sẽ đi đến cái chết sớm hay muộn (thực sự chúng ta đang tiến gần cái chết) giữa khi mơ ước của mình muốn mình tồn tại mãi mãi. Mâu thuẫn này gây nên khổ đau.

Ngay khi đang sống yên lành trong hiện tại thì tư duy của mình đặt ra những câu hỏi: Thế thì mình là ai? Mình sẽ kết thúc mọi thứ theo cái chết của thân sắc này sao? Sống là cái gì? Hạnh phúc là cái gì? v.v.. Những câu hỏi đặt ra trong tư thế xác định chính mình là thân Năm uẩn này, sẽ mãi mãi là những gì dằn vặt, ray rứt mình mà nghìn thu vẫn không có được câu trả lời thỏa đáng. Ðây là một mối khổ đau, tuyệt vọng.

* Trở lực thứ năm, khi người đời chê bai, khinh khi cái thân xác này, cái hiểu biết này, v.v… thì mình cảm nhận như chính mình bị chê khinh, khiến mình khổ sở, tức bực. Hiện tượng bị chê khinh thì lại thường xãy ra ở đời, đe dọa hạnh phúc của mình, do chính sự tự đồng hóa mình với Năm uẩn.

Thân bị đau vì một quả đấm trong chừng ít phút, nhưng lòng vì nghe nỗi đau kéo dài đến hàng tháng, hàng năm, và có thể đến trọn đời. Quả đấm tình cảm cũng đem lại khổ đau như thế. Chính tư duy lệch lạc về quả đấm khiến mình nghe đau đớn nhiều hơn.

* Trở lực thứ sáu, cả đến nhà cửa, vật sở hữu và các người thân của mình bị hư hỏng, hoại diệt cũng có thể gây ra những buồn nản, khổ đau tương tự. Có người trở thành điên, mất trí trước sự khánh kiệt hay mất mát lớn về tài sản, hoặc trước sự vĩnh biệt, biệt ly của người thân.

* Trở lực thứ bảy, có khi chúng ta lại đồng hóa mình với sự thành bại của công việc làm. Một người có thể vì thi hỏng hoặc vì thất bại trong công việc kinh doanh mà đi đến tự hủy hoại cuộc sống.
-oOo-

Tất cả những khổ đau vừa nêu trên có mặt là do vì sự có mặt của ý niệm “tôi là”: tôi là sắc, là thọ, là tưởng, là hành, là thức. Tất cả những khổ đau ấy có mặt cũng có thể phát biểu là do lòng tham ái có mặt: ái sắc, ái thọ, ái tưởng, ái hành, ái thức. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, mà ái có mặt thì có mặt ý niệm “tôi là”. Bất cứ lúc nào và ở đâu mà ý niệm “tôi là” có mặt thì ái có mặt, ở đâu mà ý niệm “tôi là” hay ái có mặt thì ở đấy có mặt của niềm đau, của sinh tử thiên thu vĩnh kiếp của con người.

Con đường đi ra khỏi niềm đau thiên thu ấy hẳn là con đường đi ra khỏi ái, hay đi ra khỏi ý niệm “tôi là”.

Nhưng cái niềm băn khoăn lớn nhất, và đây cũng là niềm đau ray rứt, là làm sao chúng ta có thể quan niệm được sống là gì, hạnh phúc là gì khi không còn có mặt cái ý niệm “tôi là”, khi không còn có mặt lòng tham ái yêu thương của mình đối với những gì mình đang có và đang là?

Có phải xóa sạch đi lòng tham ái, hay ý niệm “tôi là” để rồi đi vào chỗ rỗng không, tiêu diệt mất hết mọi ý nghĩa, ý vị của cuộc sống?

Chính tại đây, chính tại niềm băn khoăn và nghi vấn này là ngõ rẽ của sinh tử và giải thoát. Ở đây, cần lấy lại một chút bình tĩnh và thanh thản của trầm tư để đặt lại hướng sống cho cuộc đời. Chúng ta phải nhận thức thật rõ ràng, chỉ có tư duy lệch lạc của ngã tính mới đưa tất cả vào chỗ rỗng không; chỉ có tham ái và ý niệm “tôi là” mới thật sự rỗng không. Cần phải rời gấp khỏi tư duy ấy để đi vào cuộc sống, vào thực tại, và hãy thử một lần xóa đi ý niệm “tôi là” và lòng tham ái thì chúng ta sẽ nhận ra ngay chúng ta không đi vào chỗ rỗng không, mà là đi vào cảm nhận hạnh phúc. Bấy giờ thực tại vẫn còn nguyên ở đấy mà chỉ vắng mặt khổ đau, hay “tôi khổ đau”.

Tất cả bí mật của cuộc sống, tất cả những gì ngăn cách ta với hạnh phúc và chân lý đang nằm gọn ở trong ta, đang nằm ở ngay trong sự nắm giữ lòng tham ái hay ý niệm “tôi là” ấy.

Tu Tập Giải Thoát với Năm Uẩn

Con đường tu tập giải thoát luôn luôn có nền tảng là sự tu tập Bát Thánh đạo.

– Thường xuyên thấy rõ sắc, thọ, tưởng, hành và thức là Vô ngã, Vô thường. Vì Năm uẩn vô thường nên chúng dẫn đến khổ đau. Năm uẩn là vô thường, khổ đau nên caàn nhìn nó không phải là mình, không phải là của mình, không phải là tự ngã của mình. Ðây là chánh kiến về Vô ngã.

– Tư niệm, tư duy về Năm uẩn gắn liền với Vô ngã, Vô thường và Khổ, gọi là chánh tư duy về Năm uẩn.

– Nhớ nghĩ Năm uẩn là Vô ngã, Vô thường, đem lại khổ đau, là chánh niệm.

– Nỗ lực để trú niệm trên sự thật Vô ngã, Vô thường, Khổ đau ấy của Năm uẩn là chánh niệm.

– Do công phu tu tập trên mà đi vào Thiền định, luôn luôn giác tỉnh Năm uẩn là Vô ngã, Vô thường, là Khổ đau, không phải là mình, không phải là của mình, không phải là tự ngã của mình, là chánh định.

Nhờ thấy rõ tính Vô ngã, Vô thường và Khổ đau của Năm uẩn mà sinh lòng nhàm chán, ly tham. Do ly tham mà có giải thoát. Trong sự giải thoát này, một trí tuệ phát sinh biết rằng đã giải thoát gọi là Tri kiến giải thoát.

Tại đây công việc tu tập giải thoát kết thúc, không còn có gì để làm, để tu nữa.

Các Nghi Vấn về Giáo Lý Năm Thủ Uẩn.

Mang sẵn trong mình thói quen chấp ngã, người học đạo và hành đạo thường có những nghi vấn về giáo lý Vô ngã. Những câu hỏi căn bản nhất về giáo lý Năm thủ uẩn tương tự với những câu hỏi về giáo lý Duyên khởi: Nếu là Vô ngã thì ai tu? Ai chứng? Ai thọ quả? Ai luân hồi? v.v…

Những câu hỏi ấy luôn luôn là sản phẩm của tư duy nhị nguyên, nhuốm màu ngã tính. Chúng là tiếng nói của bên này vùng sinh tử, thứ tiếng nói mà tự thân không thể nói lên được những gì của bên kia bờ giải thoát. Hỏi là muốn hỏi về sự thực, nhưng sự thực thì không bao giờ có mặt trong câu hỏi. Vì vậy nên các câu hỏi bao giờ cũng sai lầm một cách nào đó. Vấn đề của giáo lý Phật giáo là không phải trả lời những câu hỏi, mà là chỉ rõ chỗ sai lầm của câu hỏi để chuyển thành những câu hỏi thích hợp (đúng). Từ đó, câu trả lời thích hợp xuất hiện.

“Ai” hay “Ngã” là của tư duy. Thực tại như thật thì không có “Ai”, không có “Ngã”.

Một số người nghiên cứu Phật học cho rằng nếu Năm uẩn không phải của Ta (self), thì thật ngã hay chân ngã phải ở ngoài thế giới hiện tượng này. Quan niệm này nêu ra hai điểm:

1. Có chân ngã hay cái ngã tuyệt đối, và
2. Chân ngã hay ngã tuyệt đối ở ngoài thế giới Duyên sinh.

– Về điểm thứ nhất, thực tại như thật ở ngoài mọi ý niệm của ngã tính, nên nó thoát ly hết thảy khái niệm về vọng ngã hoặc chân ngã. Vì thế, chủ trương có chân ngã cũng chỉ là hậu quả của một sự chấp thủ tướng.
– Về điểm thứ hai, xác nhận sự thật có mặt ở ngoài hiện tượng giới chỉ là xác nhận sự thật như có ngã tướng. Ðây cũng chỉ là hậu quả của chấp thủ.
Lại nữa, nếu sự thật không có mặt ở hiện tượng giới thì quyết định không thể thực hiện được giải thoát ngay trên đời. Nhưng sự kiện giải thoát có mặt ở đời nên quyết định sự thật không hẳn ở ngoài hiện tượng giới. Hệt như sóng không phải nước, nhưng không phải vì thế mà “nội dung” của sóng không phải là nước. Sóng vốn chính là nước, nếu rời khỏi cái nhìn ngã tướng – cái nhìn đã làm hiện ra tướng “sóng”. Cũng thế, Năm thủ uẩn có mặt của ý nghĩa sóng, nhưng “nội dung” của cái gọi là Năm thủ uẩn không hẳn là ở ngoài thực tại. Vì thế, chúng ta không thể cho rằng thực tại chính là Năm thủ uẩn, cũng thể cho rằng thực tại ở ngoài Năm thủ uẩn. Chủ trương thực tại ở trong hay ngoài đều rơi vào chấp thủ.
Vấn đề nền tảng của Phật giáo không phải là để hỏi và trả lời những câu hỏi trên, mà là nói lên cái khổ và con đường diệt khổ. Khổ là do ái, thủ; đoạn trừ ái, thủ là khổ diệt. Ðến đây, nếu lòng của người học Phật còn chưa ổn, muốn đặt ra nhiều câu hỏi khác nữa, thì nên nhớ lời trao của Tuệ Trung Thượng Sĩ: “Ðạo bất tại vấn, vấn bất tại đao”, rồi bắt tay ngay vào công việc nhiếp phục khổ đau, lên đường tảo trừ tham ái, vô minh. Trọng tâm của công việc nhiếp phục khổ đau này đã được Thế Tôn dạy trong thời pháp: “Sơ Chuyển Pháp Luân”: Tứ Thánh đế, sẽ được trình bày ở Tiết III, Chương Pháp Bảo này./.

Add Comment