Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Phật Học Khái Luận
Thích Chơn Thiện In Lần Thứ Hai – 1997
—o0o—
Chương Một – Phật Bảo
Tiết III – Ðức tướng và đức tánh của Thế Tôn
Kinh điển truyền thống của hầu hết các bộ phái Phật giáo đều ghi đức Thế Tôn có đủ ba mươi hai tướng quý của một bậc Ðại nhân và tám mươi vẻ đẹp phụ. Ðây là “Báo thân” của Thế Tôn do công đức tu tập nhiều kiếp về trước.
Bắc tạng còn “vẽ” thêm hào quang kỳ diệu xung quanh thân tướng trang nghiêm của Ngài.
Về đức tánh, kinh Phạm Võng (Nikàya) và kinh Phạm Ðộng (Agama) nói đến Giới, Ðịnh và Tuệ của Thế Tôn. Thông thường, phàm phu và ngoại đạo ca ngợi Như Lai về Giới Ðức: “Ngài là bậc giới đức thanh tịnh, không sát sinh, không lấy của không cho, không tà hạnh, không nói dối, v.v…. không du hí, không bói toán, không bùa chú, không buôn bán, không làm môi giới v.v…” Thế Tôn cho đó là những điều nhỏ nhặt. Chỉ có người trí mới biết ca tụng Thế Tôn về Ðịnh đức và Tuệ đức, như Thế Tôn chứng đắc Cửu định, Lục thông, Tam minh, hoàn toàn giải thoát và chỉ dạy rõ con đường đi đến giải thoát mà ngoại đạo không thể chứng ngộ và giới thiệu. Chỉ có sự ca tụng của Thế Tôn mới là sự ca tụng chân chánh (sẽ bàn thêm ở Tuệ giác của Thế Tôn).
Thấy như thật tự thân của khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, thấy như thật khổ đau đoạn diệt và con đường đưa đến đoạn diệt khổ đau, đó là trí tuệ của Như Lai. Nhờ có Tuệ giác ấy, hành giả ly tham; từ ly tham có giải thoát; từ giải thoát một trí tuệ sinh khởi, biết rằng: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, đây là đời sống cuối cùng, không còn trở lui lại cuộc đời này nữa”. Trí tuệ này được gọi là Tri kiến giải thoát, hay Tuệ giải thoát. Ðiểm giải thoát này được đề cập đến hầu như giống nhau ở Nikàya, Agama và Bắc tạng qua năm danh từ: Giới, Ðịnh, Tuệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến./.