Vạn loại hữu tình và ngay cả loài vô tình tồn tại và sinh trưởng đều phải nhờ có sự trao đổi chất. Sự trao đổi chất đối với loài động vật bao gồm con người không thể không kể đến vấn đề ẩm thực. Hai từ “ẩm thực” vừa có nghĩa là thức ăn, nước uống hay thực phẩm; vừa là cách thức ăn uống.
Từ ngàn xưa, vấn đề ẩm thực đã được xã hội loài người quan tâm bởi qua đó văn hóa được biểu hiện. Ngày nay, văn hóa ẩm thực đã trở nên phổ biến và mỗi quốc gia, thậm chí mỗi địa phương đều có văn hóa ẩm thực đặc trưng. Đó là sự biểu hiện về mặt tinh thần từ ẩm thực. Ngoài ra, ẩm thực còn liên quan đến sức khỏe con người qua câu nói “bịnh tùng khẩu nhập” nên nó trở nên rất quan trọng trong cuộc sống con người. Chế độ ăn uống, chế độ dinh dưỡng… đối với tầng lớp khá giả không còn là điều mới lạ nữa. Với Phật giáo, mặc dù vấn đề ẩm thực được khuyến khích chỉ để nuôi thân phục vụ tu tập, không nên tham đắm chấp mắc vào nó nhưng xem ra vấn đề này cũng đã gây ra không ít tranh luận trong giới tu sĩ và cả cư sĩ. Vì sự tranh luận phát sinh từ ẩm thực mà các giới luật được chế ra để hướng dẫn và điều chỉnh việc thực hành cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Bài viết sẽ đề cập một số vấn đề liên quan đến ẩm thực và giới luật Phật giáo.
Thức ăn uống và cách được chúng
Như đã nói trên, ẩm thực có nghĩa là thức ăn uống và cách thức ăn uống. Trong Phật giáo, thức ăn chia ra làm hai loại là thức ăn mặn và thức ăn chay. Thức ăn mặn là thịt của tất cả các loài động vật dù là có máu hay không có máu, máu đỏ hay màu vàng… Thức ăn chay là thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như trái cây, rau quả… Những loại thức ăn bao gồm sữa, mật ong được đa số thừa nhận là thực phẩm chay nhưng một số cũng không sử dụng. Các loại thực phẩm khác như trứng công nghiệp, ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, kiệu/nén, hưng cừ) cũng thuộc vào thành phần bất phân rõ ràng. Thực phẩm chay trong Phật giáo, như thế, khác với thực phẩm chay theo quan niệm của Thiên Chúa giáo. Theo họ, thực phẩm chay là bao gồm tất cả thực phẩm như tôm, cá, trứng… chỉ trừ thịt của động vật có máu nóng. Về nước uống, Phật tử được dùng các loại nước uống như nước lọc, nước trái cây… trừ các loại rượu, bia hay các thứ có nồng độ làm say người.
Khi Phật còn tại thế, cách được thức ăn duy nhất của Tăng Ni là khất thực. Truyền thống này vẫn còn được duy trì tại các nước Phật giáo theo truyền thống Nam tông như Thái Lan, Lào…. Khi thực hành hạnh khất thực, Tăng Ni đều phải hoan hỷ thu nhận phẩm vật cúng dường bất luận là chay hay mặn và không có tâm phân biệt. Do đó, Tăng Ni được phép ăn mặn. Đối với các nước Phật giáo theo Bắc tông như Trung Quốc, Nhật Bản… do truyền thống văn hóa khác nhau nên Tăng Ni không thể duy trì hạnh khất thực được mà phải tự cung tự cấp hay nhận thực phẩm cúng dường từ tín đồ tại các chùa. Chùa thời xưa được cấp đất để canh tác thu hoa lợi sinh hoạt. Ngày nay, nhiều chùa ở đô thị không có đất canh tác nên nhờ sự cúng dường của tín đồ Phật tử. Dù xưa hay nay, Tăng Ni cũng phải tự nấu ăn hoặc có nơi Phật tử đến chùa làm công quả phụ giúp chăm lo ẩm thực. Như vậy, có sự khác biệt giữa hai truyền thống Phật giáo. Một bên nhận thực phẩm từ cư sĩ không phân biệt chay mặn thông qua hạnh khất thực còn một bên phải tự lo thức ăn tại chùa. Vì tự cung tự cấp thức ăn nên truyền thống Bắc tông chỉ chế biến và sử dụng thực phẩm chay.
Do có sự khác biệt trên nên giới luật cho Tăng Ni thuộc hai truyền thống cũng có điểm giống và khác nhau. Hai truyền thống đều có giới liên quan đến việc sát sanh(1) – hành động trực tiếp sản xuất ra thịt. Hai truyền thống đều có giới không được uống rượu và các chất làm say người(2). Về sự khác nhau, bên Nam tông được ăn thịt nhưng thịt ấy có được phải từ nguồn không thấy, không nghe, không nghi gọi là tam tịnh nhục(3). Ngoài ra, Phật cũng chế là không được dùng 10 loại thịt gồm thịt người, voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, hổ, beo, gấu, và chó sói; nếu ăn thì phạm tác ác (dukkata)(4). Ngược lại, bên Bắc tông, ngoài lý do truyền thống văn hóa, còn có giới Bồ-tát quy định không ăn thịt. Giới thứ nhất trong 10 giới trọng là giới sát sanh thay vì giới giết mạng người như phần giới Thanh văn của Tỳ-kheo. Ở phần 48 giới khinh, các giới thứ 2, 3, 4 quy định rõ không uống rượu, ăn thịt và ăn ngũ tân theo thứ tự(5). Về cách được thức ăn, trong Tỳ-kheo giới kinh của Bắc tông có các giới 29, 34, 40 thuộc 90 tội đọa(6).
Ẩm thực theo lời Phật dạy
Theo đạo Phật, mọi hành động phải nên dựa trên tinh thần từ bi, vô ngã. Nghĩa là không bám víu, chấp mắc vào bất cứ một thứ gì dù đó là thiện, huống chi là bất thiện. Mục đích của ăn uống là nuôi thân để tu tập hướng đến giác ngộ, giải thoát và làm lợi lạc tha nhân. Do đó, tham đắm chấp mắc vào việc ăn uống là vướng vào một trong 5 món dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) làm cản trở con đường tu tập tâm linh và tiến thân của con người. Vì lẽ ấy, Phật dạy các đệ tử về thái độ khi ăn và cách thức ăn rất rõ ràng. Có thể nói đây là đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực nếu xét theo tinh thần trên.
Về thái độ khi ăn, trong kinh Jivaka thuộc kinh Trung bộ, Đức Phật dạy: Tỳ-kheo biến mãn hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới với tâm có lòng từ và an trú; tâm câu hữu với quảng đại, vô biên, không hận, không sân và an trú. Khi đó, vị ấy sẽ không nghĩ: “Thật tốt lành thay, người cư sĩ này thỉnh ta dùng các món ăn khất thực thượng vị. Mong rằng người cư sĩ này trong tương lai sẽ thỉnh ta dùng các món khất thực thượng vị như vậy.” Vị ấy thọ dụng các món khất thực với tâm không tham trước, không tham đắm, không đam mê, thấy rõ các tai họa, ý thức rõ rệt sự xuất ly…Và do đó, Tỳ-kheo ấy, trong thời gian ấy không có nghĩ đến tự hại, hay nghĩ đến hại người, hay nghĩ đến hại cả hai. Hơn nữa, Đức Phật còn dạy: “Này Jivaka, người nào vì Như Lai hay vì đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, người ấy chất chứa nhiều phi công đức”(7). Như vậy, Đức Phật không ủng hộ việc giết hại sinh vật vì Ngài hay đệ tử của Ngài. Thái độ của một vị Tỳ-kheo khi ăn là không được tham đắm món ăn thượng vị, không tỏ ý chê bai hay chán ghét món ăn không hợp khẩu vị, và quan trọng là phải an trú trong khi ăn và nhận biết rõ nó. Đó cũng là một cách thực tập thiền vậy.
Ngoài việc chỉ dạy thái độ ăn uống, Đức Phật còn hướng dẫn cách ăn uống để thể hiện oai nghi tế hạnh và nét văn hóa trong ẩm thực. Sự hướng dẫn được ghi trong các giới gồm 4 giới trong 4 tội hướng bỉ hối, các giới từ 31 đến 37 trong 90 tội đọa và các điều 26 đến 31, 33 đến 48 trong 100 pháp chúng học thuộc giới Tỳ-kheo Bắc tông(8).
Thời gian ẩm thực
Thời gian thọ thực được thực hành rất nghiêm túc trong truyền thống Nam tông. Thời Phật còn tại thế, một ngày chỉ ăn một bữa. Thời gian được ăn là sau khi khất thực xong và không quá giữa ngày hay không quá giờ ngọ (chánh thời). Sau giờ ngọ gọi là phi thời. Quy định không được ăn phi thời là giới thứ 37 trong 90 tội đọa của Tỳ-kheo. Giới ăn phi thời cũng là giới thứ 9 trong 10 giới Sa-di và giới thứ 8 trong 8 giới Bát quan trai. Trong truyền thống Bắc tông, sau giờ ngọ được khai cho phép ăn nhưng với điều kiện là phải sanh lòng hổ thẹn và “quán” thức ăn như là lương dược (thuốc hay) để chữa bịnh đói khát(9). Do đó, ngày nay đa số các chùa Bắc tông đều có bữa ăn chiều. Ngoài ra, cũng có một số vị theo Nam tông hay Bắc tông phát nguyện ăn chay một ngày một bữa kết hợp giới của hai truyền thống.
Sự phân phái liên quan ẩm thực
Tưởng chừng ẩm thực trong Phật giáo là chuyện nhỏ có thể dàn xếp được nhưng thực sự nó cũng góp phần gây ra những tranh luận khá lớn. Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) đã từng đề nghị Phật giao Tăng đoàn cho ông lãnh đạo. Không được chấp nhận, ông lập phe nhóm và đến thách đố với Phật nhằm hạ uy tín Ngài. Một trong 5 điều ông yêu cầu Tăng đoàn của Phật thực hành là “Không ăn cá thịt cho đến trọn đời, vị nào ăn cá thịt thì vị ấy phạm tội”(10). Sau khi Phật nhập diệt khoảng hơn 100 năm, sự phân phái thành Thượng tọa bộ (Phật giáo Nguyên thủy hay Nam tông) và Đại chúng bộ (tiền thân của Phật giáo Đại thừa hay Bắc tông) xảy ra do bất đồng về giới luật, trong đó có các giới liên quan đến ẩm thực. Trong 10 điều được cho là trái giới luật thì hết 5 điều liên quan đến thực phẩm(11).
Trong thời hiện đại, Phật giáo Nam tông và Bắc tông có sự chia rẽ phần lớn cũng vì ẩm thực. Phật giáo Nam tông khó chịu với bữa ăn chiều của Bắc tông trong khi Bắc tông thì chưa cảm thông được với việc ăn mặn của Nam tông. Trong một bài thuyết trình tại hội thảo với chủ đề “Truyền bá Phật giáo Nam truyền (Theravada) thế kỷ XXI” tại Trường Đại học Mahamakut, Thái Lan, giáo sư Gombrich đã có đề cập một việc mà theo giáo sư là tổn thương cho Phật giáo. Đó là việc Phật tử Sri Lanka không xem Phật tử Bắc tông là đồng đạo chỉ vì lý do duy nhất tiêu thụ thực phẩm vào buổi chiều(12). May thay, trong những năm gần đây Tăng-già của hai truyền thống có hợp tác với nhau cũng như tổ chức nhiều hội thảo về Phật giáo nên vấn đề vừa nêu đã giảm thiểu. Hai bên đã có sự cảm thông lẫn nhau và biết tôn trọng truyền thống khác nhau. Ít ra, đó cũng là dấu hiệu đáng mừng cho Phật giáo.
Thay lời kết
Ẩm thực là vấn đề sinh tử của con người. Nó là nỗi lo của bao người nghèo khó nhưng lại là đối tượng hưởng thụ của giới khá giả, giàu sang. Vì ẩm thực con người có khi trở nên tồi tàn(13) nhưng cũng chính ẩm thực biểu hiện văn hóa con người cao thấp giữa các quốc gia, các dân tộc. Người Phật tử ăn uống không vì hưởng thụ và luôn thể hiện tầm mức văn hóa ẩm thực rất cao. Ăn trong chánh niệm, ăn trong sự biết ơn những người nông phu cực khổ (nhựt thực tam san, mỗi niệm nông phu chi khổ) là một nét văn hóa tri ân và báo ân rất đáng trân trọng. Những giới luật liên quan đến ẩm thực nhằm hướng dẫn thái độ và hành vi khi ăn uống của người xuất gia nói riêng và người Phật tử nói chung. Bản thân nó không phải là nguyên nhân gây nên sự tranh luận, bất hòa hay chia rẽ. Do vậy, hành xử linh động và tùy duyên với nó là cách khôn ngoan để tạo sự đoàn kết và bảo vệ Phật giáo. Bởi lẽ, chúng ta chưa từng nghe một đấng giác ngộ hay tiên tri chỉ vì ăn uống mà thành tựu sự nghiệp tâm linh.
Chú thích
(1) Giới thứ nhất trong 10 giới của Sa-di và Sa-di-ni; giới thứ nhất trong 8 giới của người tu Bát quan trai; và giới thứ nhất trong 5 giới của người cư sĩ. Đối với Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni thì giới thứ 3 trong 4 giới hay 8 giới Ba-la-di (giới trọng) không phải là giới sát sanh mà là giới giết mạng người.
(2) Giới thứ 51 trong 90 tội đọa (Bắc tông) và giới thứ 51 trong 92 ưng đối trị (Nam tông); giới thứ 5 của Sa-di, của cư sĩ tu Bát quan trai và cư sĩ ngũ giới.
(3) HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ: kinh Jivaka 55, TP.Hồ Chí Minh: NXB. TP. HCM, 1999.
(4) Đại Phẩm, http://www.budsas.org/uni/u-luat-daipham/dp-06.htm
(5) HT.Thích Trí Tịnh, Kinh Phạm võng Bồ-tát giới, Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2006, tr.19, 26-7.
(6) HT.Thích Thiện Hòa, Tỳ-kheo giới kinh, Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2005, tr. 41-3.
(7) HT. Thích Minh Châu dịch, kinh Trung bộ: kinh Jivaka 55, TP. HCM: NXB. TP.HCM, 1999.
(8) HT.Thích Thiện Hòa, sđd, tr.41-3, 53-5, 57-9.
(9) HT.Thích Thiện Hòa, sđd, tr.12.
(10) http://www.budsas.org/uni/u-luat-tieupham/tp-07.htm.
(11) http://vi.wikipedia.org/wiki/đại-hội-kết-tập-kinh-điển-Phật-giáo-lần-thứ-hai.
(12) Richarch Gombrich, Dissemination of Theravada Buddhism in the 21st Century, http://www.ocbs.org/lectures-a-articles-ocbsmain-121/144-comfort-or-challenge?showall=1.
(13) “Miếng ăn là miếng tồi tàn; mất đi một miếng, lộn gan lên đầu”.