GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC
(BUDDHISM COURSE)
Chan Khoon San
Biên dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2011
I. CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT
NỘI DUNG
Đản Sinh
Lời Tiên Tri
Lễ Hội Cày Ruộng
Tuổi Trẻ Của Thái Tử Siddhatta (Tất-Đạt-Đa)
Bốn Dấu Hiệu & Cuộc Từ Bỏ Vĩ Đại
Điều Nghiên & Nỗ Lực Phấn Đấu Tìm Sự Giác Ngộ
Giác Ngộ Và Bảy Tuần Sau Giác Ngộ
Đức Phật Thiết Lập Giáo Pháp (Dhamma)
Sự Chuyển Hóa Của Xá-Lợi-Phất (Sariputta) & Mục Kiền Liên (Moggallana)
Đức Phật Thăm Viếng Nơi Sinh Của Người
Sự Truyền Pháp Của Đức Phật
Bát-Niết-Bàn & Lời Khuyên Cuối Cùng Dành Cho Các Tỳ-Kheo
Chú Giải
Sách & Tài Liệu Tham Khảo
1. Đản Sinh
Vào thế kỷ thứ 17 trước CN, miền Bắc Ấn Độ được chia ra thành 16 bang chính (16 maha-janapada), trong đó 8 bang là Vương Quốc và những bang còn lại là những thể chế cộng hòa. Tên của những bang này được ghi rõ trong “Tăng Chi Bộ Kinh” (Anguttara I, 213) và trong Luật Tạng (Vinaya, T.2, 146). Trong số những vương quốc, vương quốc hùng mạnh nhất là Magadha (Ma-kiệt-đà) và Kosala.
Theo học giả lỗi lạc Tiến sĩ Rhys Davids (người sáng lập Hội Kinh Điển Pali-PTS), Magadha có một quận lý ngày này gọi là Bihar và có thủ đô là Rajagaha (thành Vương-Xá). Vào thời của Đức Phật, vương quốc này có 80 ngàn ngôi làng lớn nhỏ dưới sự trị vì của vua Bimbisara và sau đó là con trai của ông là vua Ajatasattu (vua À-xa-thế). Magadha kéo dài trên một diện tích 300 yojasnas tức có chu vi khoảng 2.400 dặm Anh.
Người thuộc tộc Kosala là những người trị vì vương quốc Kosala, thủ đô là Savatthi (thành Xá-Vệ), ngày nay là một phần của khu tàn tích được gọi là “Sahet-Mahet” gần địa danh Balrampur, bang Uttar Pradesh. (xem thêm quyển “Hành Hương về xứ Phật”). Người trị vì là Vua Pasenadi. Về phía bắc, gần biên giới Ấn Độ và Nepal ngày nay, là nước cộng hòa nhỏ bé tên là Sakya (Thích-Ca), một nước chư hầu của vương quốc Kosala. Người đứng đầu là vua Suddhodana (Vua Tịnh Phạn) và thủ đô là Kapilavatthu (Thành Ca-Tỳ-La-Vệ).
Theo truyền thống của Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada), Đức Phật đản sinh vào ngày trăng tròn Wesakha (cuối tháng Tư – tháng Năm) năm 623 trước CN, mặc dù ngày tháng này bị tranh cãi bởi nhiều trường phái khác (Chú giải 1). Mẹ của Người là Mahamaya Devi, Hoàng Hậu của Vua Suddhodana (Tịnh Phạn). Lúc đó bà đã 56 tuổi (Chú giải 2) và đã mang thai Bồ-tát hay vị Phật tương lai trong vòng 10 tháng tròn, bà đang trên đường trở về nhà của cha mẹ mình ở xứ Devadaha để hạ sinh con mình theo truyền thống cổ xưa của bộ tộc Koliya của mình. Dọc đường, khi đi ngang qua Vườn Lumbini, một khu rừng Sala Long Thọ nhỏ và đẹp, lúc ấy là ngày Trăng tròn. Khi nhìn thấy vẻ đẹp rực rỡ, bà quyết định đứng lại ở đó để chiêm ngưỡng bông hoa cây cỏ. Ngay sau đó, bà bắt đầu thấy chuyển dạ sinh con rất nhanh. Lập tức, bà gọi những người hầu gái dùng màn vải bao bọc xung quanh. Rồi bà tay phải nắm chặt cành cây Sala Long Thọ và bà hạ sinh vị Bồ-tát trong tư thế đứng.
Năm 249 trước CN, Hoàng Đế Asoka (A-Dục Vương), vị vua vĩ đại của xứ Maurya, năm 273-236 trước CN) đã viếng thăm Lumbini trong chuyến hành hương của ông về những thánh địa Phật giáo. Để ghi nhớ chuyến viếng thăm của mình, nhà vua đã cho xây một trụ đá và khắc chữ Brahmi (chữ viết thời vua A-Dục dùng để ghi tiếng Phạn) để ghi lại sự kiện này cho thế hệ con cháu mai sau được biết. Bảng khắc chữ trên cột đá gồm có năm dòng chữ được dịch ra như sau:
Tiếng Brahmi:
Devannapiyena piyadasina lajina-visativasabhisitena.
Atana-agacha mahiyite.
Hida Budhe-jate sakyamuniti.
Silavigadabhicha kalapita silathabhe-cha usapapite.
Hida Bhagavam jateti Lumbinigame ubalike kate,Athabhagiye ca.
Việt dịch:
“Quốc vương Devànampiya Piyadasi (A-Dục), đứa con yêu dấu của các vị Trời, hai mươi năm sau khi lên ngôi, đã đích thân ngự viếng và lễ cúng nơi này, vì Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đã đản sanh ở đây. Nhà vua ban lệnh khắc đầu một con ngựa trên đầu một trụ đá và dựng trụ đá lên. Bởi vì Đức Thế Tôn (Bhagavan) được sinh ra ở nơi đây, làng Lumbini được giảm thuế canh tác và chỉ còn đóng 1/8 so với mức thuế thường”.
Sau cuộc Chinh Phạt của người Hồi Giáo ở miền bắc Ấn Độ vào thế kỷ 12 sau CN dẫn đến việc cướp bóc và tàn phá những tu viện và đền thờ Phật Giáo, Lumbini đã bị bỏ hoang và cuối cùng bị rừng tarai bao phủ. Năm 1896, nhà khảo cổ người Đức, Tiến Sĩ. Alois A. Fuhrer, trong khi đang đi tìm nơi thánh tích trong khu rừng tarai ở Nepal, đã vô tình tìm thấy một cột đá và đã chắc chắn rằng chính nơi này là nơi Đức Phật đản sinh. Cột Đá Lumbini (hay còn gọi là Cột Đá Rummindei) vẫn kỳ diệu đứng vững cho đến ngày nay để làm chứng tích cho nơi Đức Phật được sinh ra.
2. Lời Tiên Tri
Khi tin tốt được báo về kinh đô Kapilavatthu (Ca-Tỳ-La-Vệ), mọi người trong đất nước đều vui mừng với sự kiện một Thái Tử được ra đời. Một tu sĩ khổ hạnh tên là Asita, còn được gọi tên là Ẩn Sĩ Kaladevila, cũng là một pháp sư của cung đình, đã đến thăm đứa bé hoàng gia. Nhà Vua bồng đứa bé đến để chào vị ẩn sĩ, nhưng nhà Vua thật kinh ngạc, hai chân của đứa trẻ xoay lại và đè lên trên mái tóc trên đầu vị ẩn sĩ. Nhà tu khổ hạnh nhận ra được sức mạnh và uy nghi đáng kinh ngạc và lạ thường của vị Bồ-tát, lập tức ông ta đứng dậy khỏi ghế ngồi và đảnh lễ chào. Chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ đó, nhà Vua cũng cúi đầu xuống trước con trai của mình. Asita là một chuyên gia về phân biệt nhân tướng và ngay sau khi xem qua đứa bé, ông khẳng định một cách chắc chắn về tương lai xuất chúng vượt trên tất cả nhân loại của đứa bé. Sau khi nghĩ về cái chết tất yếu sẽ đến của mình, vị ẩn sĩ đã khóc. Những người của dòng họ Thích-Ca nhìn thấy ông khóc, họ nghĩ rằng chắc có điềm xấu sắp xảy ra đối với Thái Tử. Nhưng Asita vẫn khẳng định chắc chắn rằng tương lai tốt đẹp của thái tử là đích thực, vì thái tử chắc chắn sẽ trở thành một vị Phật. Ông ta buồn vì ông sẽ chết trong nay mai và sẽ tái sinh vào cõi Vô Sắc Giới, sẽ mất đi cơ hội được gặp Đức Phật và nghe Giáo Pháp của Người.
Để bảo đảm có người trong gia đình của ông có người sẽ không mất cơ hội quý hiếm được gặp Phật, ông ta đã thuật lại lời tiên tri của mình cho người cháu của ông là Nalaka. Sau khi nghe lời khuyên của Asita, Nalaka đã từ bỏ thế giới phàm tục, xuất gia, và khi vị Bồ-tát chứng đạt được Giác Ngộ Tối Thượng 35 năm sau đó, Nalaka đã đến xin gặp Phật để xin tư vấn nhiều vấn đề. Sau khi lắng nghe những câu trả lời của Đức Phật, Nalaka đã trở thành một vị A-la-hán. Toàn bộ câu chuyện về tiên tri của Asita và Nalaka đến thỉnh cầu Đức Phật đã được ghi lại trong Kinh “Nalaka sutta”, thuộc bộ Kinh Tập (Sutta Nipata).
Năm ngày sau khi Bồ-tát đản sinh, nhà Vua tổ chức lễ ăn mừng để đặt tên cho Thái Tử mới ra đời. Theo như Luận Giảng Kinh Đức Phật Đản Sinh (Jataka), nhiều Bà-la-môn thông thái được mời đến Lễ Đặt Tên. Trong số họ có tám vị rất giỏi tiên đoán về tương lai của đứa trẻ bằng cách xem nhân tướng và vẻ đẹp trên cơ thể đứa bé. Bảy người trong số đó đã giơ hai ngón tay lên để cho biết đứa bé lớn lên sẽ trở thành một đại đế của Thế Giới hoặc là một vị Phật. Nhưng còn người thứ tám, tên là Sudatta của họ tộc Kondanna (Kiều Trần Như), là vị Bà-la-môn trẻ tuổi nhất và có kiến thức vượt trội hơn nhất trong số tám người đó, đã giơ một ngón tay lên và quả quyết rằng Thái Tử sẽ từ bỏ cuộc sống phàm tục, xuất gia và trở thành một vị Phật. Sau đó, các Bà-la-môn đặt tên cho thái tử là Siddhattha (Tất-Đạt-Đa), có nghĩa là “thành đạt ước muốn”, họ của thái tử là Gotama (Cồ-Đàm).
Đến ngày thứ bảy sau khi sinh, mẹ của Thái tử Siddhattha qua đời. Người em ruột của bà là Maha Pajapati Gotami, người cũng là thứ phi của Vua cha Suddhodana (Tịnh Phạn), trở thành mẹ nuôi của Thái Tử.
3. Lễ Hội Cày Ruộng
Trong suốt thời Đức Phật, kinh tế chủ yếu của Ấn Độ là nông nghiệp. Nên hàng năm đều có một lễ hội được tổ chức để khuyến khích trồng trọt, lúc đó nhà Vua và những người thuộc giới quý tộc cũng dẫn đầu nhân dân đến những cánh đồng để cày đất cho vụ mùa mới. Vào đúng ngày lễ hội, nhà Vua cũng mang theo con trai nhỏ của mình, có cả nhiều người bảo mẫu đi theo để chăm sóc cho Thái Tử. Đặt đứa bé nằm trên ghế dài, có che lộng, bên dưới bóng mát của một cây táo hồng, để cho những người bảo mẫu canh chừng cẩn thận. Nhà Vua đi tham dự Lễ Hội Cày Ruộng. Vào lúc Lễ Hội sôi nổi nhất, những người bảo mẫu bị cuốn theo và bỏ đi ra xem cảnh cày ruộng náo nhiệt.
Bị bỏ lại một mình, thay vì khóc lóc hay chạy theo những người bảo mẫu, vị Bồ-tát ngồi xuống đất, tréo chân lại và tập trung vào hơi thở ra, thở vào của mình, đạt được sự tập trung vào một điểm (nhất điểm) của tâm, và đạt được Trạng Thái Thiền Thứ Nhất (Sơ Thiền). Người chắc hẳn đã nhập định rất lâu, bởi vì khi những người bảo mẫu chợt nhớ lại việc bỏ đứa bé một cách sơ suất, lúc đó đã quá buổi trưa. Họ chạy trở lại gốc cây táo hồng và vô cùng ngạc nhiên khi thấy đứa bé ngồi tréo chân và đang nhập vào thiền định.
Sau khi nghe câu chuyện kỳ lạ này, nhà Vua chạy vội về chỗ Thái Tử, thấy cảnh tượng đó, nhà Vua cúi chào con trai mình, nói rằng : “Con trai yêu dấu, đây là lần thứ hai ta cúi chào con”. Nhiều năm sau đó và sau sáu năm gian khổ để tìm ra con đường Giác Ngộ, ký ức về thời trẻ thơ đã thúc giục vị Bồ-tát từ bỏ con đường khổ hạnh bởi sau khi nhận thấy đây (Thiền) đích thực là con đường dẫn đến sự Giác Ngộ.
4. Tuổi Trẻ Của Thái Tử Siddhatta
Mặc dù trong Kinh Điển Pali cung cấp rất ít thông tin về những năm tuổi trẻ của vị Bồ-tát, mọi người đều có thể đoán ra được rằng trong thời niên thiếu, Người đã theo học những thầy Bà-la-môn, cũng giống như Vua cha trước kia cũng học như vậy. Chắc hẳn, cùng với những Hoàng Tử trong dòng họ Thích-Ca, Người cũng đã học tất cả Văn Học Bà-la-môn, bao gồm Kinh Vệ-Đà (Vedas), Negamas (Giới Luật), Thần học (Puranas), Lịch Sử và nhiều môn học khác. Điều này cũng thể hiện rõ trong các ghi chép trong các Kinh rằng Đức Phật rất quen thuộc với những giới luật và kiến thức của Bà-la-môn. Vì cũng thuộc tầng lớp Chiến sĩ (khattiya), Người cũng được huấn luyện đặc biệt về quân sự và rất giỏi về cung tên và có nhiều kỹ năng tinh nhuệ.
Thái Tử Siddhata lớn lên trong nhung lụa xa hoa. Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara), Quyển Ba, Kinh số 38, Đức Phật đã miêu tả sự xa hoa gấm vóc mà Vua cha đã cấp dưỡng trong thời niên thiếu của Người. Người được nuôi dưỡng và ăn mặc bằng những trang phục sang trọng bậc nhất làm toàn từ vải lụa Kasi. Cả ngày lẫn đêm, luôn luôn có lộng dù màu trắng che nắng mưa, nóng, lạnh và sương, bụi cho Thái Tử. Thái Tử có ba Cung Điện: một cung điện mùa Đông, một cung điện mùa Hè và một cung điện để ở những tháng mùa Mưa. Trong cung điện mùa Mưa luôn có những cung nữ xướng ca để phục vụ đàn hát để làm vui lòng Thái Tử. Trong suốt bốn tháng mùa Mưa, Thái Tử không cần phải đi qua hai cung điện kia. Ngay cả khi những chỗ khác thường chỉ cho những người hầu hạ, xướng ca ăn gạo nát, canh rau đậu, nhưng ở đây, trong cung điện của Vua cha, những người này luôn cho ăn bằng gạo trắng, thịt thà đầy đủ.
Khi Thái Tử Siddhattha được 16 tuổi, Vua cha quyết định đưa Thái Tử lên ngai vàng và thu xếp chuyện gả vợ cho Thái Tử. Ngay sau khi lời của Vua Tịnh Phạn được truyền ra, nhóm giai cấp quý tộc của tộc Thích-Ca liền đưa ra những lời nhận xét coi thường, họ cho rằng mặc dù Thái Tử khôi ngô tuấn tú, nhưng Thái Tử chẳng có một nghề nghiệp, nghệ tinh nào để giúp làm trụ cột trong một gia đình. Do vậy, vị Bồ-tát phải biểu diễn bằng nhiều tài thao lược tinh nhuệ và tài nghệ cung tên của mình, làm cho giới quý tộc đầy ấn tượng và họ liền gửi những công nương, công chúa đến để Thái Tử kén vợ. Trong số những công chúa thuộc dòng họ Thích-Ca, người được chọn là Công Chúa Yasodhara (Da-giu-đà-la), tên lúc chưa lấy chồng của công chúa là Bhaddakaccana, cùng tuổi với Thái Tử. Công Chúa là con gái của vua xứ Koliya, thuộc vương quốc Devadaha, là vua Suppabuddha (cậu của Thái Tử) và Hoàng Hậu Amita (cô của Thái Tử). Công chúa được mang tên Yasodhara bởi vì nổi tiếng là tiết hạnh (Yaso= đức hạnh, tiết hạnh, dhara= người mang, người có). Sau cuộc hôn nhân hạnh phúc, Thái Tử sống cuộc đời vương giả, sung sướng, không hề biết gì đến những trầm kha, đau khổ của cuộc đời bên ngoài cổng cung thành.
5. Bốn Dấu Hiệu & Cuộc Từ Bỏ Vĩ Đại
Thời gian trôi qua, vị Bồ-tát dần dần trở nên cảm thấy nhàm chán đối với cuộc sống trong cung điện, và Người cứ muốn tìm kiếm sự khuây khỏa một mình bằng cách đi ra ngoài dạo cảnh trong vườn cây, ngự viên của hoàng gia. Trong bốn lần, trong khi đang cưỡi ngựa đi đến ngự viên, Người nhìn thấy liên tiếp những cảnh tượng kỳ lạ: một người già lụ khụ, yếu ớt, một người bệnh hoạn, một xác chết, và một thầy tu với vẻ mặt bình thản, trầm lặng.
Ba cảnh tượng làm cho Người đối diện với những sự thật trần trụi của kiếp sống. Chúng được gọi là những “Dấu hiệu khẩn cấp” (samvega nimitta), là dấu hiệu thúc giục khẩn thiết về tâm linh. Khi Người quán tưởng về những điều này, Người nhận thấy rằng bản thân mình cũng không thể tránh khỏi những điều này: già, bệnh và chết. Ảo vọng về tuổi trẻ, sức khỏe và cuộc đời đã hoàn toàn không còn nữa. Cảnh tượng cuối cùng mang lại một tia hy vọng như là một phương cách giải thoát khỏi đau khổ của kiếp người. Điều này được gọi là “Dấu hiệu của Thiền Quán” (padhana nimitta), là dấu hiệu thúc giục nỗ lực về thiền định là phương pháp để thoát khỏi già, bệnh, chết.
Khi Vua Tịnh Phạn biết được sự việc này, Ngài bắt đầu lo lắng, lo sợ rồi đây Thái Tử sẽ từ bỏ đời sống thế tục, giống như lời tiên tri của những nhà chiêm tinh của hoàng gia trước đây. Để phòng ngừa Thái Tử bỏ đi, nhà Vua cho xây dựng tường rào rất cao xung quanh cung điện, xây những cổng thành to lớn và tăng cường canh gác, tăng thêm người hầu hạ và cả những vũ nữ, xướng ca để chăm sóc cho Thái Tử. Nhưng sự thúc giục về tâm linh về Đạo (samvega) của vị Bồ-tát đã được đánh thức. Khoái lạc ngũ dục không còn hấp dẫn Người được nữa. Sau khi giác ngộ ra rằng tính phù phiếm của những khoái lạc ngũ dục chỉ là mục tiêu tầm cầu của những hạng người tầm thường và người có trí khôn thì tìm thấy niềm vui và giá trị của sự từ bỏ chúng, Người quyết định từ bỏ thế tục để đi tầm cầu sự Bất Tử. Trong lúc sự thúc giục tâm linh khẩn thiết đã được đánh thức, Người nhận được tin đứa con trai mới vừa được chào đời. Những người cha thông thường sẽ rất vui mừng khi nghe tin con mình vừa được sinh ra. Nhưng đối với vị Bồ-tát, sau khi đã suy tư chín chắn và đang quyết định từ bỏ cuộc sống phàm tục để ra đi, thì đó như là một chướng ngại. Người cho rằng: “Một chướng ngại (rahu) được sinh ra; thêm một gông cùm”. Nhà Vua nghe được chuyện, liền đặt tên cho cháu nội của mình là Rahula, có nghĩa là một Chướng Ngại.
Theo như những Luận giảng Phật giáo, Cuộc Từ Bỏ Vĩ Đại được thực hiện vào lúc nửa đêm của ngày Trăng Tròn của tháng Asalha (tháng Bảy/ tháng Tám) khi Bồ-tát đã được hai mươi chín tuổi.
Trước đó vào buổi chiều, nhóm cung nữ đàn ca và khiêu vũ trong cung điện, nhưng Thái Tử không còn hứng thú để thưởng thức và Người đã ngủ thiếp đi. Sau khi thấy chủ nhân đã ngủ, những vũ nữ, ca sĩ cũng ngừng biểu diễn và nghỉ ngơi. Ngay sau đó, họ cũng ngủ thiếp đi. Khi Bồ-tát thức dậy, Người thấy những cô gái đang nằm ngủ như xác chết ngoài nghĩa địa, những nhạc cụ và đồ đạc thì vung vãi khắp nơi, một số thì chảy nước bọt, một số thì nghiến răng khi ngủ, một số nói nhảm, một số thì ngáy, một số thì quần áo xốc xếch, hở hang, đầu tóc thì rối tung. Khi Bồ-tát thấy sự thay đổi của mọi người như vậy, trong lòng đầy sự ghê tởm và buộc miệng thốt ra rằng: “Thật là ngột ngạt, thật là kinh khủng !”. Tâm đã quyết: Ta phải ra đi từ lúc này”.
Rời cung điện, Người đi đến chuồng ngựa và lệnh cho người giữ ngựa là Channa thắng yên cương cho con ngựa quý của mình là Kanthaka chuẩn bị lên đường lập tức. Trong khi Channa chuẩn bị, Người quay lại phòng ngủ để nhìn vợ và đứa con của mình lần cuối trước khi ra đi. Người thấy vợ mình đang nằm ngủ với tay làm gối cho con nhỏ gối đầu. Người muốn ẵm con lên, nhưng sợ vợ thức dậy sẽ làm khó xử cho sự ra đi của mình. Người cũng biết rằng Vua cha sẽ chăm sóc tốt cho vợ và con trai của mình, nghĩ đến điều đó, Bồ-tát ra đi, thề nguyện rằng chỉ quay lại để gặp con trai khi nào đạt được Giác Ngộ. Leo lên yên ngựa, Channa đi theo sau đuôi ngựa, Bồ-tát đánh ngựa ra khỏi Ca-Tỳ-La-Vệ (Kapilavatthu) qua Cổng phía Đông và ra đi trong đêm tối. Họ đi suốt đêm không nghỉ và sáng hôm sau đến được bờ sông Anoma thuộc nước Mallas. Tại đây, Bồ-tát cắt bỏ tóc, râu bằng thanh kiếm của mình và cởi bỏ toàn bộ trang phục hoàng gia và trang sức đưa cho Channa, Người chỉ choàng chiếc áo đơn giản của một tu sĩ khổ hạnh. Mặc dù Channa cũng muốn từ bỏ để đi theo hầu hạ Thái Tử, nhưng Bồ-tát không cho và bắt ông phải quay về cung điện cùng con ngựa. Nhưng ngựa Kanthaka, sau khi thấy chủ của mình bỏ đi, liền buồn lòng ngã ra chết, và Channa trở lại thủ đô (Ca-Tỳ-La-Vệ) một mình để báo tin cho Vua Tịnh Phạn.
6. Cuộc Tầm Cầu & Đấu Tranh Để Giác Ngộ
Sau khi trở thành một nhà tu khổ hạnh, Bồ-tát trải qua một tuần ở khu rừng xoài tên là Anupiya trước khi tiến về Rajagaha (Thành Vương Xá) để tìm một đạo sư thích hợp có thể giúp Người hoàn thành mục đích. Thậm chí ngay khi đến thành Rajagaha, lúc đó vua Bimbisara mời Người ở lại để giao cho một nửa vương quốc của mình để trị vì, nhưng Người từ chối lời mời vàng ngọc đó, Người nói rằng Người phải tìm ra con đường để kết thúc sanh, già, chết và hứa với nhà Vua sẽ quay lại sau khi Người tìm ra câu trả lời đó. Là một người đang đi tìm Chân Lý và An Bình, Người tìm đến đạo sư Alara Kalama ở Vesali (thành Tỳ-Xá-Ly), một tu sĩ khổ hạnh có nhiều uy tín. Ở đó, Người nhanh chóng học những giáo lý của ông ta và tu tập phát triển đến tầng Thiền thứ 7 của cảnh giới Thiền Vô Sắc Giới, là Không Vô Biên Xứ, một giai đoạn thiền định rất cao sâu. Sau đó, Người cũng không thỏa mãn với hệ tu tập của Kalama, Người từ giã ông ta và để gặp đạo sư Uddaka Ramaputta ở Rajgir, ở đó Người học tập giáo lý của ông và đã tu tập đạt đến tầng Thiền Vô Sắc Giới cao nhất, đó là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
Rồi sau đó, Người vẫn chưa thỏa mãn được mục đích, và lại từ giã vị đạo sư để ra đi, tầm cầu con đường giải thoát theo cách riêng của mình. Người đang đi tìm Niết-bàn (Nibbana), sự chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau. Người nhận thấy rằng không có ai đủ năng lực để dạy cho Người giải thoát, vì tất cả vẫn còn đang vướng trong vô minh. Mặc dù thất vọng, nhưng Người không bao giờ nản chí trên hành trình đi tìm sự Bình An Tối Thượng đó. Người tiếp tục đi lang thang và cuối cùng đến khu rừng Uruvela bên bờ sông Neranjara (Ni-liên-thuyền), ở đây, Người đã ngồi tập trung vào việc hành thiền và cố gắng thành tựu mục tiêu đã đặt ra.
Sau khi nghe tin về sự xuất gia của Thái Tử, đạo sĩ Kondanna (Kiều Trần Như), chính là người Bà-la-môn thứ tám trước kia đã tiên đoán Thái Tử sẽ trở thành một vị Phật, và đạo sĩ Bhaddiya, Vappa, Mahanama và Assaji, là bốn người con trai của bốn họ tộc khác, cũng tuyên bố xuất gia, từ bỏ thế tục để đi theo Người. Trải qua sáu năm trời ròng rã, Siddhatta đã thực hiện những nỗ lực “siêu phàm”, hết sức công phu tu tập mọi hình thức khắc nghiệt nhất của pháp tu khổ hạnh, hành xác. Trong một bài giảng sau này, được gọi là Kinh “Tiếng Rống Của Sư Tử” (Sư Tử Hống), trong “Trung Bộ Kinh” (Majjhima Nikaya), Đức Phật đã kể lại cho Đại Đức Sariputta (Xá-Lợi-Phất) cách mà Người đã hết sức thực hành những Cực Hình của pháp tu Khổ Hạnh, cách sống trần trụi, sống bừa bãi và ẩn dật ở những nơi chết chóc, như rừng sâu nước độc, nghĩa địa khi Người còn là một Bồ-tát khổ hạnh. Đại Đức Nagasamala đứng phía sau hầu quạt cho Phật nói rằng ông cảm thấy lông tóc dựng ngược lên khi ông nghe Phật thuyết giảng lại (sự khắc nghiệt của đời tu khổ hạnh, hành xác), và ông muốn biết được bài thuyết giảng này được gọi là Kinh gì. Đức Phật bèn trả lời rằng, bài thuyết giảng này nên được gọi là “Bài Thuyết giảng Dựng Lông Tóc”. Những cách tu hành xác cực đoan đã khiến ngọc thân của Người trở nên tiều tụy, điêu tàn, chỉ còn là bộ xương và da, vắt kiệt sức lực, hậu quả của đói khát và hành xác cực hình. Người gầy ốm đến nỗi khi rờ vào cơ bụng cũng có thể chạm được cột sống ở phía sau thắt lưng. Người đang bên bờ vực giữa sự sống và cái chết, vì đã nỗ lực hết mình, chịu đựng hết cách, hơn hẳn những nỗ lực và sức chịu đựng của bất kỳ thầy tu khổ hạnh hay Bà-la-môn nào, trong nỗ lực khổ hạnh, hành xác. Nhưng tất cả chỉ là vô ích, chẳng đem lại kết quả gì. Lúc đó, Người bắt đầu chuyển hướng qua con đường khác để tìm ra cho được Sự Giác Ngộ.
Người nhớ lại thời niên thiếu khi Người đã đi vào trạng thái Sơ Thiền, không còn cảm thọ về những dục lạc giác quan. Quán tưởng về điều này, Người chợt nhận ra đây có thể là con đường dẫn đến sự Giác Ngộ. Sau khi thấy được rằng, sự Giác Ngộ không thể nào có được bằng việc hành xác, trong một cơ thể kiệt quệ sắp chết, Người quyết định từ bỏ cách tu khổ hạnh và bắt đầu thực hiện Con Đường Trung Đạo (Majjhima Patipada), đó là Con Đường ở giữa hai cực đoan của dục lạc giác quan và cực đoan hành xác, khổ hạnh. Lúc đó, Người quyết định phải ăn uống một số thức ăn, mặc dù điều đó đã làm cho năm người bạn tu khổ hạnh kia trở nên bất đồng, phản đối. Cho nên, ngay đến lúc quyết định ngã rẽ con đường này, những người bạn đồng tu cuối cùng của Người cũng rời bỏ Người, nhưng Người không cảm thấy thất vọng hay nản chí vì điều đó.
Sau khi ăn một bát cháo nấu bằng gạo và sữa do một cô gái tốt bụng tên là Sujata, Người đến ngồi bên gốc cây Đa Đề lịch sử (tên tiếng Anh: Pipal tree, tên khoa học Ficus religiosa, sau này được gọi là cây Bồ-Đề lịch sử của Phật Giáo) ở Bodhgaya (ngày nay địa danh này được gọi là Bồ-Đề Đạo Tràng, là một thành phố ở quận Gaya, Bihar, Ấn Độ) để ngồi quán tưởng, thiền định bằng một ý chí sắt đá và kiên định rằng sẽ không bao giờ đứng dậy cho đến khi chứng đạt được Sự Giác Ngộ.
7. GIÁC NGỘ & Bảy Tuần Sau Đó
Vào nửa đêm bước qua rạng sáng ngày Trăng Tròn tháng Vesakha Năm 588 trước CN, trong nỗ lực tham thiền, nhập định bằng tâm tĩnh lặng và thanh tịnh, vào Canh thứ nhất, (6g-10g tối), Người đã chứng đạt một “Trí tuệ siêu thế” có thể nhìn thấy lại những tiền kiếp trong quá khứ của mình, xua tan màn đêm vô minh che mờ Quá Khứ. (Hán-Việt gọi là Túc Mạng Minh).
Vào Canh Hai (10g tối-2g sáng), Người tham thiền chứng đạt được một “Tầm nhìn siêu thế” có thể nhìn thấy hết mọi nguyên nhân đưa đến sự sinh tử, tái sinh của mọi loài, xóa tan màn đêm vô minh che khuất Tương Lai. (Hán-Việt gọi là Thiên Nhãn Minh)
Vào Canh Ba (2g sáng-6g sáng), Người tham thiền, nhập định và chứng đạt thêm một “Trí tuệ siêu thế” để diệt trừ tất cả bất tịnh và ô nhiễm (Hán-Việt gọi là Lậu Tận Minh), quán chiếu được tận gốc sự Khổ, nguyên nhân khổ, sự chấm dứt khổ, và con Đường Chấm Dứt khổ (Tứ Diệu Đế), nhìn thấy bản chất của mỗi sự vật đúng “như chúng là”. Đó là sự Giác Ngộ Hoàn Toàn (Toàn giác, viên giác).
Cây Đa Đề lịch sử, như đã nói trên, sau đó và ngày nay được gọi tên là cây Bồ-Đề (Bodhi) bởi vì dưới gốc cây này, Thái Tử Siddhatta chứng ngộ Trí Tuệ Toàn Giác (Sambodhi, âm Hán đọc là Tam-Bồ-Đề, Hán-Việt gọi là Chánh Giác). Lúc này, Người đã 35 tuổi và trở thành vị Phật, Người chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đức Phật đã cống hiến phần còn lại của đời mình ở cõi trần để phục vụ, giúp đỡ nhân loại và nỗ lực hết mình để dẫn dắt mọi người đến với con đường “Bát Chánh Đạo” với mục đích chấm dứt mọi đau khổ.
Sau khi Giác Ngộ, Đức Phật nhịn đói luôn suốt bảy tuần và lưu lại bên dưới và xung quanh khu vực gần gốc cây Bồ-Đề:
1) Trong suốt bảy ngày của tuần lễ đầu tiên, Đức Phật ngồi yên một tư thế, trải nghiệm niềm An Lạc Của Sự Giải Thoát.
2) Trong tuần thứ hai, để tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với cây Bồ-Đề đã che chở cho Người suốt thời gian thiền hành để thành Đạo, Ngài đã đứng chăm chú ngắm nhìn cây Bồ-Đề suốt một tuần liền mà không hề nháy mắt (Animisalocana). Về sau, chính nơi này, vua Asoka đã dựng lên một Tháp tưởng niệm gọi là Animisalocana Cetiva và đến nay vẫn còn.
3) Trong suốt tuần thứ ba, Đức Phật đi kinh hành lên xuống trên quãng đường gần cây Bồ-Đề, sau này được gọi là “Đường Kinh Hành Ngọc Báu” (Ratana Cankamana).
4) Trong tuần lễ thứ tư, Đức Phật ngồi tham thiền trong thất, được gọi là “Bảo Thất” (Ratana-ghara: nghĩa là cái phòng bằng ngọc báu, trong ý nghĩa “cái phòng quý báu”) để suy niệm về “Vi Diệu Pháp” (Abhidhamma). Kinh sách ghi nhận rằng, tâm và thân Người phát sáng một vầng hào quang sáu màu. (Chú giải 3).
5) Trong tuần thứ năm, Đức Phật ngồi dưới Cây Ajapala Banyan để suy niệm về Giáo Pháp và thấm nhuần niềm hạnh phúc của sự giải thoát. (Ajapala có nghĩa là: “chỗ của những người chăn dê”. Cây Banyan là một loại cây đa, cây này là nơi những người chăn dê trong vùng thường ngồi nghỉ trong khi thả cho bầy dê ăn cỏ). Vào cuối tuần, khi Ngài xuất ra khỏi trạng thái siêu thế ấy, có một vị Bà-la-môn ngã mạn (Huhumka Jakita) đến gần và hỏi Người rằng “đứng về phương diện nào và những điều kiện nào ông ta có thể trở thành một Bà-la-môn thánh nhân (Brahmana)?”. Đức Phật đã trả lời và chỉ ra những phẩm chất cần có của một Bà-la-môn đích thực nên có.
6) Tuần thứ sáu, Đức Phật đến ngồi dưới cây Mucalinda (Cây Mãng Xà Vương). Lúc bấy giờ, trời giông bão, gió lạnh mù mịt kéo dài suốt bảy ngày. Truyền thuyết kể lại rằng, Mucalinda, Vua Rắn từ dưới hồ nước đi lên, dùng thân quấn quanh người Đức Phật và lấy cái mỏ to che trên đầu Đức Phật để che chở, bảo vệ cho Người.
7) Tuần thứ bảy, Đức Phật đến ngồi dưới cây Rajayatana, lúc đó có hai anh người lái buôn tên là Tapussa và Bhallika đến từ Ukkala (Orissa) dâng lên cúng dường Đức Phật bánh gạo nếp và mật ong. Sau khi Đức Phật thọ trai bữa ăn xong, hai người quỳ lạy dưới chân Người và xin được quy y nương tựa vào Đức Phật và Giáo Pháp của Người. Họ trở thành những Phật Tử cư sĩ đầu tiên, quy y vào Phật & Pháp (Nhị Bảo).
8. Đức Phật Khai Giảng Giáo Pháp (Dhamma)
Sau khi Đức Phật thọ trai bữa ăn xong bữa ăn do hai anh người lái buôn cúng dường đó, là bảy tuần sau khi thành Đạo, Đức Phật suy tính và cảm thấy do dự, không muốn truyền dạy Giáo Pháp (Dhamma) cho mọi người. Người nghĩ rằng, mọi người sẽ không thể nào hiểu được giáo lý cao ngời và thâm sâu của Người, vì tất cả đều đang chìm đắm trong bóng tối của vô minh. Truyền thuyết được ghi chép lại rằng, Phạm Thiên Brahma Sahampati (là Đấng Tạo Hóa, theo niềm tin của đạo Hindu) đã đến và thỉnh cầu Đức Phật khai giảng Giáo Pháp (Dhamma), Ngài thưa rằng sẽ có những người hiểu được Giáo Pháp. Sau khi quán chiếu khắp thế gian, Đức Phật nhận thấy rằng có những chúng sinh có khả năng hiểu được Giáo Pháp. Người chấp nhận lời thỉnh cầu của Phạm Thiên Brahma và bắt đầu truyền dạy Giáo Pháp.
▪ Người đầu tiên Đức Phật nghĩ đến là vị đạo sĩ Alara Kalama, người thầy cũ của Người trước kia, nhưng một thiên thần đã báo cho Đức Phật biết là ông ta đã qua đời cách đó bảy ngày. Sau đó, Đức Phật nghĩ đến đạo sĩ Uddaka Ramaputta, và một lần nữa, một thiên thần lại báo tin ông này cũng đã qua đời vào tối ngày hôm trước. Cuối cùng, Đức Phật nghĩ đến năm người bạn tu khổ hạnh trước đây, những người đã cùng chia sẻ những tháng ngày tu hành khổ hạnh cho đến trước khi Đức Phật thành Đạo. Bằng Thiên Nhãn Minh của mình, Người biết được họ đang ở tại Vườn Nai ở Isipatana, gần Benares (Ba-la-nại, tức địa danh Varanasi ngày nay).
Vào ngày thứ 50 sau khi Giác Ngộ, Đức Phật lên đường đi Benares để khai giảng Giáo Pháp cho 5 người bạn tu khổ hạnh trước đây, là Kondanna (Kiều Trần Như), Bhaddiya, Vappa, Mahanama and Assaji. Đức Phật đến Vườn Nai ở Isipatana vào ngày Trăng Tròn của tháng Asalhai, 2 tháng trước tháng Vesakha và Người bắt đầu bài thuyết giảng đầu tiên là Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma-cakkkapavattana Sutta), mà sau khi nghe xong bài pháp này, năm Người Bạn Tu Khổ Hạnh đã chứng ngộ được Thánh Quả Sotapatti (tầng Thánh đầu tiên, gọi là “Tu-đà-hoàn” (HV) hay “Nhập Lưu”. Sota: dòng nước, Apatti: đến được, đạt đến đầu tiên, nghĩa là đã nhập vào dòng Thánh, không còn thối chuyển trở lại).
Và họ trở thành những Tỳ Kheo đầu tiên của Đức Phật. Sau đó, Đức Phật giảng Kinh “Vô Ngã Tướng” (Anatta-lakkhana Sutta), mà sau khi nghe giảng, tất cả họ đều chứng ngộ thành A-la-hán (Arahant), là tầng Thánh Quả cuối cùng (Vô Sinh).
▪ Đức Phật cũng thành công trong việc truyền dạy Giáo Pháp cho công tử Yasa và 54 người bạn của anh ta, cùng nhau gia nhập Tăng Đoàn và cuối cùng đều trở thành bậc A-la-hán.
Cha, mẹ và vợ của Yasa cũng đắc được đạo quả Tu-đà-hoàn (Sotapatti) và chính họ đã trở thành những Phật Tử cư sĩ đầu tiên quy y Phật, Pháp và Tăng (Tam Bảo).
─ Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, đã có được sáu mươi (60) Tỳ kheo tu học theo Giáo Pháp và tất cả đều chứng đắc thành những A-la-hán. Đức Phật phái họ đi nhiều hướng khác nhau để truyền bá Giáo Pháp (Dhamma).
▪ Còn riêng mình, Đức Phật rời khỏi Benares và du hành về xứ Uruvela. Trên đường đi, Người đã gặp ba mươi (30) người quý tộc trẻ tuổi, được gọi là Bhaddavaggi, (thường được gọi là nhóm ba mươi người may mắn), bởi vì họ là những hoàng tử anh em, đang sống một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc. Trong khi họ đang vui chơi, thì một hầu nữ lấy cắp những trang sức quý giá của một hoàng tử. Ba mươi người hoàng tử liền kéo nhau đi tìm người hầu nữ và tình cờ họ gặp Đức Phật. Cũng như tất cả những trường hợp khác, câu chuyện chi tiết được ghi lại đầy đủ trong các kinh điển Nguyên Thủy, nhưng ở đây chỉ nói qua nhanh, sau khi gặp, Đức Phật cũng đã thành công trong việc giảng dạy Giáo Pháp cho họ. Tất cả họ đều chứng đắc nhiều bậc Thánh quả thứ nhất (Nhập lưu), thứ hai (Nhất Lai) và thứ ba (Bất Lai) khác nhau và họ đều được gia nhập Tăng Đoàn. Những Tỳ kheo ‘hoàng tử’ này, chính là anh em cùng cha khác mẹ với Vua Pasenadi của xứ Kosala, và vì họ thường cư ngụ tại Thành Paveyya ở miền Tây Kosala, nên sau này họ được gọi với tên là Những Tỳ Kheo Paveyyaka. Cuối cùng đến một ngày nọ, họ đều chứng đắc quả A-la-hán sau khi nghe giảng Kinh “Tương Ưng Vô Thủy” (Anamatagga Sutta: Bài Thuyết Giảng Về Những Vòng Luân Hồi Vô Tận Những Kiếp Sống), lúc Đức Phật đang ngụ tại Tịnh Xá Veluvana ở Thành Vương Xá (Rajagaha). Cũng theo yêu cầu của họ, Đức Phật đã cho phép tổ chức “Lễ Dâng Y Kathina”, (Chú giải 4), hàng năm sau thời gian An cư mùa Mưa (Vassa). (Vassa: nghĩa là “An cư mùa mưa”, hay còn gọi là Hạ An Cư, Kiết Hạ).
▪ Trong thời gian lưu lại Uruvela, có 3 anh em tu sĩ tóc búi là những Bà-la-môn tu khổ hạnh, tên là: Uruvela Kassapa, Nadi Kassapa và Gaya Kassapa (âm Hán dịch: Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Già-da Ca-diếp và Na-đề Ca-diếp), mỗi người theo thứ tự đang sống chung với 500, 300 và 200 đệ tử. Phải dùng nhiều nổ lực và đôi khi phải dùng đến thần thông, Đức Phật mới thuyết phục được tất cả họ gia nhập vào Tăng Đoàn sau khi giảng giải Giáo Pháp cho họ. Vì biết được họ là những người thờ thần Lửa, Đức Phật đã dùng hình ảnh lửa để thuyết giảng cho họ về giáo pháp. Bài thuyết giảng đó sau này được gọi là Kinh Lửa (Adittapariyaya Sutta), sau khi nghe hết bài thuyết pháp này, tất cả họ đều đạt được quả vị A-la-hán.
Như vậy, Đức Phật đã có được một đoàn Tỳ kheo theo người gồm 1.000 bậc A-la-hán, mà tất cả họ trước đây đều là những tu sĩ búi tóc tu khổ hạnh. Đức Phật hướng về Thành Vương Xá (Rajagaha) để gặp Đức Vua Bimbisara (âm Hán Việt: Tần-bà-sa-la) theo đúng như lời hứa trước khi Người thành Đạo. Khi vua Bimbisara và những công dân Bà-la-môn nhìn thấy Đức Phật cùng với ngài Uruvela Kassapa (Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp), người mà những Bà-la-môn rất mực tôn kính, họ phân vân không biết được ai là người dẫn đầu của đoàn Tỳ kheo đó. Đức Phật bèn hỏi ngài Ca-diếp (Kassapa) ai đã biết được Đức Phật như là người Thầy của mình nên dùng cách phi thân lên không trung để tôn kính Đức Phật ba lần. Sau đó, Đức Phật thuyết giảng về Chuyện Tiền thân Của Ngài Uruvela Kassapa (Maha Narada Kassapa Jataka), theo sau đó là một bài thuyết giảng khác. Cuối cùng, tất cả 110.000 Bà-la-môn do Vua Bimbisara dẫn đầu đều chứng đắc được Thánh quả đầu tiên là Nhập Lưu. Sau đó, nhà Vua Bimbisara xin cúng dường Rừng Trúc Lâm Veluvana để Đức Phật và tăng đoàn các đệ tử sử dụng, xem như là vật cúng dường đầu tiên là chỗ cư trú. Đức Phật đã trải qua ba lần Vassas (An Cư Mùa Mưa, Kiết hạ) liên tục và ba lần Vassas (An Cư Mùa Mưa) khác không liên tục ở tại lâm viên này.
9. Sự Chuyển Hóa của Ngài Sariputta (Xá-Lợi-Phất) và Ngài Moggallana (Mục-Kiền-Liên)
Không xa lắm khỏi Thành Vương Xá (Rajagaha) là ngôi làng tên Nalaka, nơi có một Bà-la-Môn trẻ tuổi nổi tiếng thông thái tên Upatissa, còn có tên khác là Sariputta (âm Hán-Việt: Xá-Lợi-Phất), là con cháu của một dòng họ đứng đầu trong ngôi làng này. Người này có một người bạn tâm giao tên Kolita, còn được gọi là Moggallana (âm Hán-Việt: Mục-Kiền-Liên). Cả hai đều đã từ giã cuộc sống xa hoa, thế tục và trở thành những tu sĩ khổ hạnh theo vị đạo sư tên là Sanjaya. Chẳng bao lâu, họ cảm thấy không thỏa mãn với giáo huấn của vị thầy và quay trở lại làng quê, với một lòng tâm huyết rằng, ai tìm được Con Đường Giải Thoát sẽ truyền dạy lại cho người kia.
Trong thời gian này, Ngài Assaji, một trong 5 đệ tử đầu tiên của Đức Phật (trong nhóm Kiều-Trần-Như) đang đi khất thực xung quanh Thành Vương Xá (Rajagaha). Cảm kích vì phong cách tĩnh lặng và điềm tĩnh của vị Tỳ kheo, Upatissa đã mời chỗ ngồi và nước uống cho Ngài Assaji trong khi Ngài đang dùng bữa thọ trai. Sau đó, khi nghe Upatissa thỉnh cầu Ngài chỉ dạy giáo pháp cho mình, Đại Đức Assaji liền thốt ra một bài kệ bốn câu, tóm tắt một cách tài tình ý nghĩa Giáo Pháp của Đức Phật về triết lý nhân quả như sau:
“Ye dhamma hetuppabhava –
tesam hetu tathagato
Aha tesan ca yo nirodho –
evam vadi Maha-Samano.”
“Những pháp nào do một nhân sinh–
Như Lai chỉ nhân ấy.
Và chỉ luôn sự diệt–
Đại Sa Môn dạy vậy”.
Ngay lập tức, sau khi nghe được hai câu đầu, một nửa bài kệ, Upatissa Xá-Lợi-Phất đã chứng đắc Thánh quả Nhập Lưu (Sotapatti). Theo như lời giao hẹn, Xá-Lợi-Phất truyền nguyên bài kệ lại cho người bạn Kolita (Mục-Kiền-Liên) và người này cũng liền đắc chứng được Thánh quả Nhập Lưu (Sotapatti). Sau đó hai người, cùng những người đệ tử khác, cùng đi đến gặp Đức Phật và thỉnh cầu Đức Phật cho gia nhập Tăng Đoàn. Đại Đức Mục-Kiền-Liên cũng chứng ngộ được bậc A-la-hán một tuần sau khi gia nhập Tăng Đoàn, nhưng Xá-Lợi-Phất trải qua hai tuần để suy niệm lại và phân tích bằng trí tuệ minh sát mọi mức độ của tâm thức, và Ngài chứng đắc quả vị A-la-hán ngay khi đang đứng hầu quạt Đức Phật khi Phật đang thuyết giảng giáo pháp cho một cư sĩ khổ hạnh tên là Dighanakha.
▪ Ngay chiều hôm đó, Đức Phật cho triệu tập tất cả những đệ tử Tỳ kheo đến diện kiến Đức Phật và công bố về những chức vị Đại Đệ Tử Thứ Nhất và Đại Đệ Tử Thứ Hai trong Tăng Đoàn Tỳ kheo, theo thứ tự là Đại Đức Xá-Lợi-Phất (Sariputta) và Đại Đức Đại Mục-Kiền-Liên (Maha Moggallana).
Đến lúc này, có nhiều Tỳ kheo tỏ ra không hài lòng và phân trần với nhau rằng Đức Phật đã lẽ ra nên trao những chức vị Đại Đệ Tử Thứ Nhất & Đại Đệ Tử Thứ Hai cho những người đã thọ giới Tăng Đoàn đầu tiên, chẳng hạn như trong nhóm 5 Người tu khổ hạnh (nhóm Kiều-Trần-Như), Tỳ kheo Yasa hay những người bạn của Yasa, hay trong nhóm Tỳ kheo “Ba mươi người may mắn” (Bhaddavaggiya); hay là những người khác trước đó, cho đến ba anh em nhà Ca-diếp (Kasspa). Thay vì vậy, Đức Phật bỏ qua tất cả những Tỳ kheo lớn tuổi xuất sắc đã thọ giới vào Tăng Đoàn trước (ý nói tuổi Hạ trong Tăng Đoàn) và lại trao chức vị quan trọng này cho người tuổi trẻ nhất (ý nói tuổi Hạ nhỏ nhất và mới vừa thọ giới vào Tăng Đoàn sau cùng nhất).
Khi Đức Phật biết được điều này, Người tập hợp tất cả Tỳ kheo và giải thích rõ về lý do chọn lựa của Người. Khi Đại Đức Đại Mục-Kiền-Liên và Xá-Lợi-Phất trong rất nhiều kiếp trước vào thời Phật Anomaddassin, họ được sinh ra trở thành Bà-la-môn trẻ tuổi tên Sarada và một thương nhân tên Sirivaddhaka, họ đã từng có đại nguyện là được làm những Đại Đệ Tử. Vì vậy cho nên Đức Phật đã làm như vậy, như cho họ cơ hội để họ thực hiện ý nguyện trong rất nhiều kiếp trước của mình, trong khi những Tỳ kheo lớn tuổi đời, tuổi hạ khác nhau chưa từng phát tâm đại nguyện được làm Đại Đệ Tử.
(Chữ “kiếp”, trong tiếng Pàli là “kappa” (tiếng Anh là: Aeon), một con số chỉ thời gian rất lâu trong toán học cổ đại Ấn Độ, có thể bằng tuổi thọ của trái đất, chứ không phải là một “kiếp người” 100 năm như chúng ta thường dùng). (Chú giải 5).
10. Đức Phật Về Thăm Lại Nơi Sinh Của Người
Khi Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) hay được Đức Phật đang giảng Giáo Pháp tại thành Xá-Vệ (Rajahaha), ngài đã chín lần phái chín cận thần đến để mời Đức Phật về lại kinh đô Kapilavatthu (Ca-Tỳ-La-Vệ), nhưng mỗi một cận thần đến gặp Đức Phật, đều được Đức Phật chuyển hóa và họ đều trở thành A-la-hán. Sau khi chứng đắc A-la-hán, họ không còn quan tâm đến cuộc sống trần tục nữa, và thậm chí họ không chuyển dụ thông điệp của nhà Vua cho Đức Phật. Cuối cùng, một cận thần khác tến Kaludayi, một người bạn thời niên thiếu của Đức Phật đã được chọn để phái đến chuyển lời thỉnh cầu đến Đức Phật. Ông ta đồng ý đi và cuối cùng cũng thọ giáo vào Tăng Đoàn. Sau khi gặp Phật và nghe giảng Giáo Pháp của Người, ông ta cũng chứng đắc thành quả A-la-hán, nhưng ông vẫn nhớ lời hứa đối với nhà Vua và ông đã chuyển lại thông điệp nhà Vua cho Đức Phật nghe.
Khi Đức Phật trở lại Kapilavatthu (Ca-Tỳ-La-Vệ), các vị cao niên ngã mạn dòng Thích-Ca vẫn không chịu nghênh đón và đảnh lễ Đức Phật. Để khắc phục tánh kiêu căng và cảm hóa các vị cao niên trong hoàng tộc, Người đã phải dùng một số năng lực thần thông của mình bay lên giữa lưng trời…, như trong kinh điển có ghi lại chi tiết cảnh tượng này. Sau khi chứng kiến cảnh tượng đó, Vua cha đã cúi đầu đảnh lễ Phật, đây là lần đảnh lễ thứ ba đối với con trai yêu dấu của mình. Sau đó, Đức Phật giảng Kinh Vessantara Jataka (Túc Sanh Truyện) cho nhiều người cùng họ hàng thân quyến. Phật tiếp tục giảng pháp cho nhà Vua thêm nhiều lần nữa, và Vua cha đã chứng đắc được Thánh quả thứ ba là Bất-Lai (Anàgàmi, âm Hán-Việt: A-na-hàm). Đức Phật cũng thành công trong việc giảng pháp và thuyết phục vị hoàng tử Nanda (em cùng cha khác mẹ) và người anh em họ là Ananda cũng thọ giới gia nhập Tăng Đoàn. (Theo Từ Điển Dictionary of Pali Proper Names của G.P Malalasekera, thì Ananda được sinh ra cùng ngày, tháng, cùng năm với Đức Phật -ND).
Khi Đức Phật đến thăm cung điện, Công chúa Yasodhara và con trai Rahula đã đến đảnh lễ tôn kính Đức Phật. Sau cùng, Đức Phật cũng thọ giới cho Rahula vào Tăng Đoàn, mặc dù lúc đó chỉ mới được bảy tuổi. Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) khi nghe được việc thọ giới của cháu nội của mình, ngài trở nên buồn bã vô cùng và yêu cầu Đức Phật không được chấp nhận thọ giới cho những vị thành niên vào Tăng Đoàn trước khi có sự đồng ý của bậc cha mẹ. Đức Phật đã đồng ý với lời thỉnh cầu của nhà Vua và sau này Phật đưa điều này vào trong Giới Luật của Tăng Đoàn Tỳ kheo.
Trước khi qua đời, vua lại được nghe Đức Phật giảng Pháp và đắc Quả A-la-hán. Sau khi hưởng thụ niềm an lạc của sự giải thoát trong bảy ngày, Vua Tịnh Phạn băng hà. Khi đó, Đức Phật bốn mươi tuổi. Sau khi nhà Vua băng hà, bà dì mẫu Maha Pajapati Gotami và Công Chúa Yasodhara cũng gia nhập Tăng Đoàn Tỳ kheo Ni và sau này cũng trở thành những bậc A-la-hán.
11. Thời Gian Truyền Bá Giáo Pháp Của Đức Phật
Sự truyền bá Giáo Pháp của Đức Phật đã được thực hiện thành công và Giáo Pháp đã được xiểng dương suốt 45 năm, cùng với sự ủng hộ, cúng dường nhiệt thành của nhiều Phật Tử cư sĩ, từ những vua chúa cho đến những thường dân.
Người cúng dường lớn nhất, đại nam thí chủ (dayaka) của Đức Phật là nhà triệu phú Sudatta, thường được gọi với cái tên Anathapindika (Cấp Cô Độc: có nghĩa là người hay cấp dưỡng, bố thí cho những người nghèo, đơn độc). Ngài Cấp Cô Độc đã cúng dường Tịnh Xá Kỳ Viên (Jetavana) ở Savatthi, nơi mà Đức Phật đã trải 19 mùa An Cư mùa Mưa (Kiết Hạ) và thuyết giảng nhiều Kinh quan trọng đã được ghi lại trong các kinh điển Phật Giáo.
Nữ thí chủ (dayika) lớn nhất là Phu Nhân Visakha, người đã cúng dường Tịnh Xá Pubbarama ở phía Đông của Savatthi, nơi mà Đức Phật đã ngụ lại 6 mùa Mưa Kiết Hạ.
Cũng tại Savatthi, Đức Phật đã có cơ hội gặp tướng cướp giết người khét tiếng Angulimala, người đã giết từng người và chặt lấy một ngón tay và sưu tập được 999 ngón tay. Khi tên cướp gặp Phật, hắn muốn giết Phật để có đủ bộ sưu tập 1.000 ngón tay. Đức Phật đã dùng năng lực thần thông và thuyết giảng Giáo Pháp và đã thu phục được tên cướp buông bỏ khí giới, gia nhập Tăng Đoàn và trở thành Tỳ kheo. Tất cả những câu chuyện này đều được ghi lại chi tiết trong các kinh điển nguyên thủy.
Trong suốt 45 năm, Đức Phật đi du hành và truyền bá giáo pháp một cách không biết mệt mỏi. Cùng với đôi chân trần, Đức Phật đã rong ruổi, vi hành khắp miền Bắc Ấn Độ cùng với đoàn Tỳ kheo của mình. Đức Phật, từ Vesali ở phía Đông cho đến Kuru (tức Delhi ngày nay) ở phía Tây, giảng dạy Giáo Pháp vì lợi ích của chúng sinh. Mặc dù ước muốn và động cơ của Đức Phật là hoàn toàn trong sáng và không vị kỷ, nhưng người luôn gặp những thế lực phản đối chống đối từ phía những lãnh tụ của những tôn giáo khác và những tầng lớp Bà-la-môn truyền thống.
Ngay cả trong Tăng Đoàn, Đức Phật cũng phải đối đầu với những vấn đề khó khăn, đặc biệt là sự xung khắc từ phía người anh em họ và cũng là anh của Công Chúa Yasodhara, là Devadatta, người luôn luôn âm mưu phá hoại, lật đổ và thậm chí giết Phật nhiều lần, nhưng đều thất bại. Cuối cùng, Devadatta rời khỏi Tăng Đoàn, nhưng ngay trước khi ông chết, ông đã ăn năn, hối hận và xin được gặp Phật. Trước khi ông vào Tịnh Xá Kỳ Viên (Jetavana) để gặp Phật, ông ta bị lún xuống chết trong vũng đầm lầy trước cổng Tịnh Xá. Ngay lúc đó, ông vừa kịp quay đầu lại quy y vào Đức Phật.
12. Bát-Niết-bàn (Parinibbanava) & Những Lời Khuyên Bảo Cuối Cùng dành cho các Tỳ kheo
Ba tháng trước khi Bát-Niết-Bàn (Parinibbana) của Đức Phật, Người đã từ bỏ ý định ở lại Đền Capala ở Vesali. Sau khi cho triệu tập tất cả Tỳ Kheo đến trước khán phòng của Căn Nhà Nóc Nhọn, Người đã truyền dụ Những Lời Khuyên Cuối Cùng trong đó Phật động viên các Tỳ kheo phải cố gắng học tập, phát triển, tu tập và truyền bá những Giáo Pháp mà Đức Phật đã trực tiếp truyền dạy trong thời gian qua, với mục đích nuôi dưỡng Đời Sống Thánh Thiện của các Tỳ kheo. Đức Phật dạy rằng: “Và, này các Tỳ kheo, những Giáo Pháp đó là gì? Đó chính là:
1) Bốn Nền Tảng Chánh niệm (Satipatthana, Tứ Niệm Xứ),
2) Bốn Nỗ Lực Chân Chính (Sammappadhana), (HV:Tứ Chánh Cần),
3) Bốn Cơ Sở Năng Lực Thần Thông (Iddhipada), (HV: Tứ Thần Túc),
4) Năm Giác Quan (Indriya), (HV: Ngũ Căn),
5) Năm Năng Lực (Bala), (HV: Ngũ Lực),
6) Bảy Yếu Tố Giác Ngộ (Bojjhanga), (HV: Thất Giác Chi), và
7) Tám Phần của Bát Chánh Đạo (Magganga), (HV: Bát Chi Thánh Đạo).”
▪ Lưu ý: Đây là 7 mục quan trọng của Giáo Pháp của Đức Phật, tổng cộng bao gồm 37 Bồ-Đề phần (hay 37 phần trợ đạo), cần phải được tu tập đầy đủ để chứng đạt được Giác Ngộ.
Bát Chánh Đạo, Bát Thánh Đạo hay Bát Chi Thánh Đạo…đều là một, tùy theo cách dịch của các dịch giả. -ND.
Từ Vesali, Đức Phật tiếp tục đi bộ hành đến nơi dừng chân cuối cùng là Kusirana, trên đường đi, Đức Phật vẫn liên tục thuyết giảng, chỉ dạy về Giáo Pháp cho các Tỳ kheo. Người thọ trai bữa cơm cuối cùng ở nhà người thợ rèn tên Cunda, rồi sau đó người giáo huấn, hóa độ du sĩ khổ hạnh tên Subhadda, đối với người này, Phật thuyết giảng Kinh Tiếng Rống Của Sư Tử (Kinh Sư Tử Hống), như trước đây đã nói, là bài thuyết giảng về những cực đoan không đáng làm của cách tu khổ hạnh, hành xác và tuyên thuyết Con Đường “Bát Chánh Đạo” chính là con đường đích thực để dẫn đến Niết-bàn (Nibbana):
“…Nầy Subhadda, nếu Giáo Pháp và Giới Luật nào mà không hàm chứa Tám Phần Thánh Đạo thì Giáo Pháp và Giới Luật đó không đào tạo các vị sa-môn đạt đạo Quả thứ nhất,…hay đạo Quả thứ hai,…hay đạo Quả thứ ba, hay đạo Quả thứ tư.”
“Này Subhada, nếu Giáo Pháp và Giới Luật nào có hàm chứa Tám Phần Thánh Đạo thì Giáo Pháp và Giới Luật đó sẽ đào tạo các vị sa-môn đạt đạo Quả thứ nhất,…hay đạo Quả thứ hai,…hay đạo Quả thứ ba, hay đạo Quả thứ tư.”
“Này Subhada, Giáo Pháp và Giới Luật của Ta có hàm chứa Tám Phần Thánh Đạo nên Giáo Pháp và Giới Luật đó đào tạo các vị sa-môn đạt đạo Quả thứ nhất,…hay đạo Quả thứ hai,…hay đạo Quả thứ ba, hay đạo Quả thứ tư.”
“Các hệ thống Giáo Pháp và Giới Luật khác đều không đào tạo các vị sa-môn đạt thánh đạo Quả, chứng đắc trí tuệ giải thoát. Này Subhadda, khi nào các vị sa-môn tu tập và sống một cách đúng đắn thì thế giới nầy sẽ không bao giờ thiếu vắng các bậc A-la-hán.”
(Trích “Kinh Đại Bát-Niết-bàn” – Trường Bộ Kinh, 16).
Đức Phật từ giã trần gian, hay Bát-Niết-bàn của Đức Phật, là vào ngày Trăng Tròn của tháng Wesakha bên dưới bóng mát của hai Cây Sala trong rừng Sala ở Mallas. Lúc này là năm 543, Đức Phật đã tám mươi tuổi. Thông điệp nổi tiếng cuối cùng mà Phật đã gửi gắm cho các Tỳ kheo là:
“Này các Tỳ kheo, Tất cả những pháp hữu vi đều biến hoại (vô thường). Hãy cố gắng tinh tấn (tu tập) để đạt được mục tiêu (giải thoát) của mình”.
Vậy là thế gian đã từ giã một bậc Thánh Nhân, bậc Giác Ngộ vô thượng mà đến hôm nay thế giới vẫn hằng biết đến. Người đã đản sinh như một con người thế gian. Rồi sống như một người xuất chúng, là một vị Phật, rồi Người từ giã trần gian. Trong biên niên sử của nhân loại, không ai được nhắc đến nhiều nhất vì sự cống hiến nhiều nhất trong cả cuộc đời mình cho phúc lợi của tất cả mọi chúng sinh, bất kể mọi tầng lớp, giai cấp, tín ngưỡng…như là Đức Phật, với Trí Tuệ vô thượng và lòng Bi Mẫn vô song.
Mặc dù Đức Phật lịch sử đã đi xa, nhưng Giáo Pháp (Dhamma) Người đã giảng dạy suốt 45 năm vẫn còn lưu truyền đến tận hôm nay, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của những Phật Tử kiên trung với tầm nhìn xa trông rộng, họ đã kết tập tất cả Giáo Pháp của Phật và truyền miệng suốt hơn năm thế kỷ trước khi những kho tàng Giáo Pháp được chép trên lá Bối trên đảo quốc Tích Lan, ngàn dặm cách xa từ nơi mà Giáo Pháp được sinh ra.
Câu chuyện Kho Tàng Giáo Pháp, được gọi là Tam Tạng Kinh “Tipitaka” (Ba Rỗ Kinh), chứa đựng những lời dạy và những cách tu tập để dẫn đến chấm dứt mọi đau khổ của kiếp người, vẫn còn nguyên thủy và không bị mai một, lan rộng ra khỏi biên giới của quê hương của Giáo Pháp, trở thành một chứng tích Biên Niên Sử diệu kỳ, như sẽ được trình bày thêm ở phần Chương XVII. Đó là minh chứng sống động về những nỗ lực kiên trung đầy hoài bão và những cống hiến vô song của những thế hệ Tỳ kheo, Phật tử thời cổ xưa trong việc bảo tồn, truyền bá và làm sống mãi những Giáo Pháp của Đức Phật, kể từ sau khi Đại Bát-Niết-bàn của Người cho đến tận hôm nay.
13. Chú Giải:
Chú giải 1:
Theo truyền thống của Phật Giáo Nguyên Thủy, Trưởng Lão Bộ, Đức Phật Bát-Niết-bàn (nhập diệt) vào ngày Trăng Tròn tháng Wesakha (tháng 4-5) năm 543 trước CN tại Kusinara. Lúc đó, Đức Phật đã 80 tuổi, năm sinh của Đức Phật là năm 623 trước CN. Những mốc thời gian này đều được thống nhất bởi tất cả các nước theo Phật Giáo Nguyên Thủy cũng như Hội Ái Hữu Phật Giáo Thế Giới. Trong Tăng Đoàn ngày xưa, họ đếm số năm theo con số của những mùa An Cư mùa Mưa (vassas), vì vậy, mùa Mưa đầu tiên (từ tháng 7 – tháng 10) sau Bát-Niết-bàn được đoán là Năm 1 của Phật Lịch (Buddha Era, BE), điều đó có nghĩa rằng năm 543 trước CN chính là Năm 1 của Phật Lịch (PL). Để tính chuyển từ Niên Lịch Gregorian qua Phật Lịch, chỉ cần cộng thêm 544 năm vào năm hiện hành, ví dụ như 1956 sau CN vừa qua được lấy làm năm để làm Lễ Tưởng Niệm 2.500 Năm Phật Lịch.
Tuy nhiên, những học giả Châu Âu ở đầu thế kỷ 20 đều từ chối cách tính này, vì họ phát hiện ra những sai sót, không trùng khớp trong cách tính của Phật Giáo Nguyên Thủy về sự kiện thời gian lúc vua Asoka (A-dục) lên ngôi, thời điểm này cũng có thể tính bằng những nguồn lịch sử của Hy-Lạp cổ, ví dụ như Quyển sách “Indika” (một quyển sách hồi ký viết về Ấn Độ) được viết vào khoảng năm 300 trước CN bởi Megasthenes, là Đại Sứ của Đế Chế Seleucid (Một Đế Chế của Hy Lạp Cổ) đã đến kinh đô nước Maurya của vua Chandragupta, ông nội của vua Asoka. Theo nguồn tư liệu lịch sử Hy Lạp cổ, họ tính năm vua Asoka lên ngôi sau hơn khoảng 60 năm so với cách tính của nguồn Kinh Điển Pali. Năm Đức Phật Đại Bát-Niết-bàn đã được tính lại là tương trùng với năm 483 trước CN và hầu hết các học giả đều đồng ý với cách tính này. Cả hai cách tính là đều dựa vào biên niên sử quá dài, bởi vì người ta cũng đồng ý rằng Kinh Điển Pali cho rằng vua Asoka đăng quang 218 năm sau Bát-Niết-bàn của Đức Phật. Tại một hội nghị tổ chức ở Gottigen, Germany vào năm 1988, một nhóm các học giả đã đề nghị tính lại thời gian, dựa vào sự diễn dịch lại Sứ Mạng Truyền Giáo Acariya-parampara (Dòng dõi Năm vị Đạo Sư), Đại Đức Mahinda, con của vua Asoka, được ghi trong Bộ Mahavamsa (Đại Vương Thống Sử) do Geiger dịch qua tiếng Anh. Trong quyển “The idea is nothing new” (Ý tưởng thì không có gì mới) năm 1881, của Tiến Sĩ T.W. Rhys Davids ghi nhận rằng khoảng thời gian là 236 năm cho sự kiện năm người đạo sư đó trước Lần Kết Tập Kinh Điển Thứ Ba là quá dài, và Tiến Sĩ đã đưa ra một khoảng thời gian ngắn hơn là 150 năm, kể từ khi Đức Phật Bát-Niết-bàn cho đến lần Kết Tập Kinh Điển Thứ Ba. Ý tưởng này khiến cho năm Đức Phật Bát-Niết-bàn rơi vào khoảng 400 năm trước CN, thay vì là 483 trước CN như cách tính trước kia của Kinh Điển Pali. Sự tính lại thời gian kiểu này là dựa trên lý do là một tu sĩ trong thời gian sau đó muốn thọ giáo một đệ tử mới thì phải có thâm niên tuổi Hạ khoảng 30-40 năm, tức là đã từng được thọ giới 30-40 năm trước; Và bốn thế hệ các tu sĩ thọ giáo liên tiếp, như vầy là đã đủ khoảng 150 năm, chứ không phải là 238 năm. Tuy nhiên giả thuyết này có vẻ đã quên đi một yếu tố đó là những Acariyas (Đạo Sư nói trên) sống đến tuổi thọ rất cao, nhờ vào lối sống giản dị và sự tâm hoàn toàn thanh tịnh, không giống như những tu sĩ trong thời hiện đại. Cho nên giả thuyết này cũng không đứng vững.
Chú thích: Sự kiện Acariyaparampara (Dòng Đời Năm Vị Đạo Sư) đã cung cấp số năm tuổi Hạ (hay số mùa An Cư mùa Mưa, Kiết Hạ, vassas) của một Tỳ kheo của một vị Đạo sư bắt đầu từ Đại Đức Upalo (74), Đại Đức Dasaka (64), Đại Đức Sonaka (64), Đại Đức Siggava (76), Đại Đức Moggaliputte (80) và Đại Đức Mahinda (60 năm).
Tham khảo:
1) The Dating of the Historical Buddha (Mốc Thời Gian của Đức Phật Lịch Sử): bài Tham Luận của tác giả L.S. Cousins- Journal of the Royal Asiatic Society, Series 3, 6.1 (1996): 57-63.
2) The Book of the Great Decease (Sách về Sự Qua Đời Vĩ Đại). Tác giả Tiến Sĩ T. W. Rhys Davids- Vol. XI, Sacred Books of the East. Clarendon Press 1881.
Chú giải 2:
Theo các sách Luận Giải, Hoàng Hậu Mahamaya đã ở tuổi hết 1/3 giai đoạn 2 của cuộc đời (cách giải thích trong luận giải-ND) khi bà mang thai Bồ-tát (tức Thái Tử Siddhatta). Bởi vì vòng đời của một người lúc bấy giờ được cho là 100 năm, và chia ra ba giai đoạn (trẻ, trung, già) thì mỗi giai đoạn là 33 năm 4 tháng. Rồi mỗi giai đoạn lại được chia làm ba giai đoạn nhỏ, mỗi giai đoạn nhỏ là 11 năm. Vì vậy Hoàng Hậu Mahamaya đã 55 năm 4 tháng tuổi khi bà mang thai Thái Tử. Cộng thêm 10 tháng của tuổi thai, như vậy Hoàng Hậu đã là 56 năm 2 tháng tuổi khi bà hạ sinh Thái Tử.
Chú giải 3:
Theo các sách Luận Giải, khi Đức Phật quán chiếu về Thuyết Nhân Duyên (Patthana), Trí tuệ của Người đã tìm thấy cơ hội để đưa ra một luận thuyết phổ quát, bao trùm, có thể xoay chuyển rộng khắp (như cá voi quay đầu, vùng vẫy khắp nơi chứ không phải cứng nhắc, hẹp hòi trong một chậu nước nhỏ). Đức Phật quán chiếu tâm mình đến từng vấn đề vi diệu và thâm sâu của Thuyết Nhân Duyên, nên khởi sinh sự hỷ lạc cao độ trong tâm. Và vì đạt được sự vui mừng lớn lao đó trong tâm, nên máu cũng trở nên trong suốt, và da cũng trở nên trong suốt. Và vì da đã trở nên trong suốt, nên những ánh sáng nhiều màu bắt nguồn từ châu thân Đức Phật phát ra ánh sáng bên ngoài. Màu Xanh phát ra từ những bộ phận màu xanh, như là ánh mắt; Màu Vàng và ánh vàng phát ra từ làn da; Màu Trắng phát ra từ xương, răng và phần trắng của mắt. Màu Đỏ phát ra từ máu, thịt và mắt. Từ những phần khác của châu thân, phát ra nhiều loại hào quang khác, như màu sáng và tối, do hỗn hợp nhiều màu phát ra cùng lúc, Màu chớp sáng và ánh sắc lấp lánh cũng phát ra. Nên gọi là sáu hào quang xanh, vàng, trắng đỏ, màu tối và màu sáng lấp lánh phát ra mười phương khác nhau.
Chú giải 4:
Nhóm Tỳ kheo Paveyyaka này trở về thành đô quê hương của họ và đi vào rừng để tu hành theo hạnh đầu đà (dhutanga), bao gồm việc: Sống trong rừng (arannakanga), đi khất thực (pindapatikanga), mặc y phục làm từ giẻ rách nhặt ở những đống rác hay ngoài nghĩa địa (pansukulikanga), chỉ dùng đúng 3 y cà-sa (tecivarikanga). Họ tu tập suốt 13 năm. Cuối cùng, vì mong ước muốn gặp lại Người Thầy để tỏ lòng tôn kính, họ bắt đầu chuyến đi đến Savatthi nơi Đức Phật đang ở đó. Nhưng vì quãng đường quá xa xôi, họ phải dừng chân lại ở Saketa, cách Sacvatthi khoảng yojanas (72 dặm Anh), vì mùa Mưa và kỳ An Cư Kiết Hạ (vassa) cũng đã đến. Thay vì cố gắng đi nhanh đến đế gặp Đức Phật, họ phải tìm nơi trú ngụ ở Saketa, bởi vì nếu các Tỳ kheo đi ra khỏi nơi cư ngụ hơn 3 ngày trong Mùa An Cư mùa Mưa sẽ vi phạm Giới Luật. Ngay sau khi Mùa An Cư đã hết, mặc dù vẫn còn mưa lớn, nhưng họ vẫn lên đường lập tức và đi bộ hành qua những vùng quê đầy bùn lầy và nước mưa, cho nên y phục của họ đều bị dính bùn đất, dơ bẩn khi họ đến được Savatthi để đảnh lễ Đức Phật. Nhìn vào bộ dạng hốc hác, tiêu điều và dính đầy bùn đất đó của họ. Đức Phật lòng tràn đầy lòng bi mẫn, và Người cũng đã cho phép làm Lễ Dâng Y Kathina. Lễ Kathina, nghĩa đen của từ này nghĩa là “cứng”, để miêu tả chỗ chất vải do những Phật Tử thành kính cúng dường để cho Tăng Đoàn sử dụng. Những vải này phải được nhuộm màu, may khâu lại thành y cà-sa, sau đó trở thành tài sản chung của Tăng Đoàn, nhưng cũng được chia đều phát cho các Tỳ kheo trong cùng ngày đó.
Chú giải 5:
Theo “Luận Giải Kinh Pháp Cú” (Buddhist Legends, Book I, Story 8, Những Truyền Thuyết Phật Giáo, Quyển I, Chuyện 8), những Đại Đệ Tử đã có ước nguyện cách đây một asankheyya (A-tăng-kỳ) kiếp và 100,000 kiếp luân hồi trên thế gian (CHƯƠNG VIII, 10), tức là vào thời của Đức Phật Anomadassin. Và sau đó, họ phải tu tập hoàn toàn Mười Hạnh Ba-la-mật (Parami) – (Tiếng Anh: Ten Perfections), trong suốt quãng thời gian dài thăm thẳm đó trước khi được trở thành Đại Đệ Tử dưới Thời của Đức Phật Thích-Ca Cồ-đàm. Để trở thành một Đại Đệ Tử (hay một Đại A-la-hán: Maha Arahant), những người thệ nguyện đó, phải hoàn tất tu tập chứng đạt hết Mười Hạnh Ba-la-mật (Parami) trong vòng 100,000 kiếp sống thế gian.
Cũng cách đó 100,000 kiếp sống thế gian, Đại Đức Kondanna (Kiều-Trần-Như) đã có thệ nguyện sau này sẽ trở thành người đầu tiên được tiếp cận Giáo Pháp (Dhamma) khi ngài thực hiện việc bố thí, cúng dường liên tục 7 ngày lên Đức Phật Padumuttara (Liên Hoa). Và cách đây 91 kiếp thế gian, ngài đã được sinh ra là một nông phu tên là Culakala và ngài đã cúng dường đến 9 lần tất cả lúa ngô thu hoạch trong vụ mùa đầu tiên cho Đức Phật Vipassi (Tỳ-bà-thi). Tuy nhiên, người anh trai của ngài là Mahakala không có thệ nguyên đó, mặc dù sau này người anh cũng thực hiện cúng dường, bố thí. Đến thời Đức Phật, ngài Culakala được sinh ra là Đại Đức Kondanna (Kiều-Trần-Như) và đã thành người đầu tiên tiếp cận và giác ngộ Giáo Pháp Dhamma khi Đức Phật Thích Ca đến khai giảng giáo pháp tại Vườn Nai ở Isipatana, gần Sarnath. Trong khi đó, người anh trai Mahakala lại được sinh ra thành một du sĩ khổ hạnh tên Subhadda như đã nói trước đây, và trở thành người cuối cùng được nghe Giáo Pháp của Đức Phật và được thọ giới vào Tăng Đoàn. Và Subhadda chứng đắc quả vị A-la-hán ngay sau khi Đức Phật Bát-Niết-bàn (Parinibbana) ở Kusinara.
Đại Đức Yasa và 54 người bạn thì có lời thệ nguyện trở thành bậc A-la-hán từ nhiều kiếp sống trước kia trước mặt một vị Phật và họ cũng đã thực hiện rất nhiều việc công đức rất đáng tôn kính.
Còn nhóm 30 Tỳ Kheo Bhaddavaggiya (Ba Mươi Người May Mắn) thì cùng nguyện trở thành bậc A-la-hán trước mặt nhiều vị Phật trước kia. Sau đó, họ lại bị sinh ra thành những kẻ nghiện rượu. Sau khi nghe lời dạy bảo, khuyên răn từ một vị Bồ-Tát như đã ghi lại trong Tundila Jataka (Chuyện Con Heo Mõm Dài, Tiền thân Tundila), họ đã thay đổi hoàn toàn về thực hiện việc tuân giữ theo Năm Giới Hạnh hơn 60.000 năm.
Sau khi nguyện được trở thành A-la-hán, anh em nhà Kassapa (Ca-diếp) cũng thực hiện rất nhiều việc công đức đáng ca ngợi. Cách đây 92 kiếp sống thế gian, ngay trong kiếp đó, xuất hiện liên tiếp 2 vị Phật là Phật Tissa và Phật Phussa. Thì anh em nhà Kassapa chính là những anh em của Đức Phật Phussa ở kiếp đó và họ đã dẫn dắt hàng ngàn người để tu theo họ thực hiện việc bố thí, cúng dường (dana) và tu tập, tuân giữ Mười Giới Thập Thiện trong suốt 3 tháng. Sau khi chết, họ đã được sinh về cõi trời trở thành những vị Thần (devas) và tái sinh lại 92 kiếp làm Thần trên Cõi Trời (Deva). Vì vậy, Ba anh em Ca-diếp đã thệ nguyện được trở thành bậc A-la-hán và đã thực hiện nhiều việc công đức lớn sau đó, nên họ cũng được toại nguyện tu tập trở thành những A-la-hán trong cõi này của Đức Phật Thích Ca.
14. Sách & Tài Liệu Tham Khảo
1) “A Manual of Buddhism” (Cẩm Nang Phật Giáo). Tác giả ĐĐ. Narada Maha Thera..
2) “Some Notes on the Political Division of India when Buddhism Arose” (Một Số Chú Giải về Chính Trị Của Ấn Độ vào thời Phật Giáo Xuất Hiện). Tác giả Tiến Sĩ T. W. Rhys Davids – Journal of the Pali Text Society, 1897 – 1901”.
3) “The Life of the Buddha” – According to the Pali Canon (Cuộc Đời Đức Phật Theo Như Kinh Điển Pali). Tác giả Tỳ kheo Nanamoli – Buddhist Publication Society, Sri Lanka.
4) “The Great Chronicle of Buddhas” (Đại Biên Niên Sử Chư Phật). Tác giả HT. Mingun Sayadaw Bhaddanta Vicittasarabhivamsa – Yangon, Myanmar.
5) “Buddhist Legends translated from Dhammapada Commentary” (Những Truyền Thuyết Phật Giáo dịch từ Luận Giải Kinh Pháp Cú). Tác giả Eugene Watson Burlingame – Part 1, Book I, 8.
6) “Last Days of the Buddha (Mahaparinibbana Sutta)” (Những Ngày Cuối Cùng Của Đức Phật (Kinh Đại Bát-Niết-bàn). Tác giả Tỳ kheo Ni Vajira, Buddhist Publication Society, Sri Lanka, 1964.
7) “Middle Length Discourses of the Buddha – A New Translation of the Majjhima Nikaya” (Bản Dịch Mới Trung Bộ Kinh). Dịch giả Tỳ kheo Bhikkhu Bodhi và Tỳ kheo Bhikkhu Nanamoli – Xb bởi Buddhist Publication Society, Sri Lanka.
Lê Kim Kha
- Edit
Kính gửi thầy Thanh Tịnh Luu Ly:
Xin chân thành cảm ơn trang nhà đã đăng quyển sách lên để nhiều người tham khảo.
Khi nào có tái bản và có sửa chữa hay bổ sung, con sẽ gửi lại cho quý thầy để bỏ sung thêm.
Sadhu!
Lê Kim Kha
+++
Thanh Tịnh Lưu Ly
- Edit
Kính đạo hữu !
Thanh Tịnh Lưu Ly rất hoan hỷ ! Chân thành tri ân quý đạo hữu đã dày công viết quyển sách này ! Chúc đạo hữu nhiều an lạc.
@ Thanh Tịnh Lưu Ly là Phật tử tại gia thôi ạ.
eolyket VT
- Edit
xin cho câu hỏi để chốt lại những điều cần học trong mỗi bài để có thể làm giáo trình cho người học ạ