Bố thí Ba La Mật – Bố thí Ba La Mật là gì

BỐ THÍ BA LA MẬT
Thích Trí Siêu
Nhà xuất bản: Phương Đông 2007

Phần II

5. Bố thí ba la mật

Thế nào gọi là bố thí Ba La Mật?

Về Bố thí (Dàna) thì chúng ta đã được trình bày trong các phần trước rồi. Bây giờ chúng ta tìm hiểu chữ Ba La Mật (paramità).

Paramità dịch âm là Ba La Mật Đa. Nhưng ở đây chúng ta nói tắt là Ba La Mật (parami). ‘Para’ có nghĩa là bờ bên kia, ‘mi’ có nghĩa là đi đến. Bố thí Ba La Mật có nghĩa là băng qua con sông Bố thí (dànanadi) và đến được bờ bên kia. Chữ ‘đến được bờ bên kia’ quan trọng lắm. Vì sao? Vì có nhiều khi ta bắt đầu qua sông, nhưng đến nửa đường ta lại quay trở về, đó không gọi là Ba La Mật.

1. Ngoài ra ‘bờ bên này’ còn có nghĩa là bờ tham lam, bỏn xẻn, con sông là sự Bố thí, ‘bờ bên kia’ là bờ đại bi (mahakarunà).

2. ‘Bờ bên này’ là bờ tà kiến chấp trước (mithyàdrsti), ‘bờ bên kia’ bờ Trí huệ (prajnà).

3. ‘Bờ bên này’ là bờ sanh tử luân hồi (Samsàra), ‘bờ bên kia’ là bờ Niết Bàn giải thoát (Nirvàna).

4. Ngoài ra, Bồ Tát khi bố thí thấy rằng sự bố thí không sanh, không diệt, không có thiệt, tức là không thấy có người cho, vật được cho, và người nhận, đó gọi là Bố thí Ba La Mật.

Ở chỗ này ta nên dừng lại, phân tách một chút, vì đa số chúng ta đều lầm lẫn cho rằng mình Bố thí Ba La Mật nhưng thực sự thì không phải vậy. Ta thường được nghe giảng trong Kinh Kim Cang nói rằng bố thí mà không phải bố thí thì mới thực là bố thí, hoặc bố thí mà không chấp nhân, ngã, chúng sinh, thọ giả mới thực là bố thí, hoặc bố thí mà không thấy ta là người cho, đây là vật được cho, và kia là người nhận mới là bố thí,v…v…

Chữ Bố thí mà ‘không thấy’ ở đây không có nghĩa là bố thí mà nhắm mắt lại để khỏi thấy, hoặc bố thí mà tâm không dám nghĩ gì hết. ‘Không thấy’ ở đây là kết quả của một sự quán chiếu nhân duyên thấy được các pháp không có tự tánh. Vì thấy các pháp không có tự tánh nên thấy sự bố thí không có tự tánh. Như ta đã xem qua ở các phần trước, bố thí không thể là một cái gì tự nhiên có được, phải có đầy đủ ba yếu tố (người cho, vật cho, người nhận) hợp lại mới có nó. Nếu thiếu một trong ba thì không thể có sự bố thí. Do đó bố thí không có thiệt, nó chỉ là giả danh của một hợp thể (yếu tố). Xa hơn nữa, ba yếu tố vừa kể trên, chúng cũng lại là giả danh của một hợp thể nào đó. Như người cho và người nhận là giả danh của hợp thể ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), đồ vật được cho là giả danh của một hợp thể vô số chất liệu. Và cứ thế ta quán chiếu để thấy không có một yếu tố nào có thực tướng, nó hiện hữu vì vô số các yếu tố khác hiện hữu. Thấy được như vậy gọi là thấy ‘Không’ (sùnya). Đem áp dụng cái thấy ‘Không’ vào sự bố thí ta sẽ thấy không có cái gì thực sự là bố thí cả, mà chỉ có một sự biến chuyển, diễn tiến, sinh diệt của vô số nhân duyên, đây gọi là Bố thí Ba La Mật.

Chúng ta nên cẩn thận, đừng vội vã hấp tấp thực hành ‘Bố thí Không’, nếu ta chưa thực sự hiểu được ‘tánh Không’ (Sùnyatà), hay thấy được sự duyên khởi của các pháp. Tốt hơn là ta nên thực hành sự Bố thí trong sạch như đã nói ở phần trước. Còn nếu ta cố chấp cứ muốn bố thí theo kiểu (hiểu lầm) Kim Cang, tức là nhắm mắt để khỏi thấy ta, thấy vật, thấy người, hoặc bố thí mà tâm không nghĩ gì cả thì đó chẳng khác gì một người máy ‘Rô bô’ cầm hộp bánh bố thí cho một em bé. Đó gọi là Bố thí Rô bô máy, chứ không phải là Bố thí Ba La Mật ! Dĩ nhiên là Rô bô chả được phước báo gì hết !

* Bồ Tát thực hiện Bố thí Ba La Mật ra sao?

– Bồ Tát thực hiện tất cả các loại bố thí trong sạch, Tài thí, Nội thí, Ngoại thí, Pháp thí không bao giờ hối tiếc.

– Bồ Tát bố thí một cách bình đẳng với tất cả mọi loài, không bao giờ nghĩ rằng:

– Phải bố thí cho người lớn chứ không cho trẻ em.

– Phải bố thí cho người tu hành chứ không cho người thường.

– Phải bố thí cho người chứ không cho thú vật.

– Phải bố thí cho Hòa Thượng chứ không cho chú tiểu.

– Bồ Tát bố thí không cầu được phước báo.

– Bồ Tát bố thí không kể ngày hay đêm, mùa đông hay mùa hè, trời tốt hay trời xấu.

– Bồ Tát bố thí để thực hiện thực tướng (bhùtalaksana) của sự bố thí.

Add Comment