BÁT CHÁNH ĐẠO: CON ĐƯỜNG ĐẾN HẠNH PHÚC
Tác Giả: Thiền Sư Bhante Henepola Gunaratana
Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
—o0o—
Từng Bước Tu Tập
Giờ thì bạn có thể hiểu tại sao chúng tôi nói rằng hạnh phúc thật sự chỉ đến khi tham ái đãđược đoạn diệt. Ngay nếu như ta có nghĩ rằng việc đạt được hạnh phúc cao thượng nhất là không thực tế, thì việc giảm thiểu tham ái cũng đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Càng có thể buông bỏ được lòng tham ái, thì ta càng dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc hơn. Nhưng làm thế nào để giảm bớt lòng tham ái? Chỉ ý nghĩ làm giảm thiểu lòng ham muốn – nói chi đến việc đoạn diệt nó- cũng đã có thể khiến bạn thối chí. Nếu bạn biết rằng chỉ dùng ý chí để đẩy lùi ham muốn là hoài công, thì bạn rất đúng. Đức Phật đã đưa ra một giải pháp tốt đẹp hơn: đó là từng bước tu tập theo Bát Chánh Đạo.
Phương cách phát triển từng bước theo con đường của Đức Phật ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống. Tiến trình này có thể bắt đầu bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu. Bạn có thể bắt đầu từ chỗ của bạn và tiến tới, từng bước một. Mỗi sự thay đổi mới tốt đẹp hơn trong hành vi hay hiểu biết đều dựa trên các bước đã qua.
Trong số những người đã được nghe Đức Phật thuyết pháp, có những vị với tâm dễ dàng tiếp thu đến nỗi họ có thể đạt được hạnh phúc viên mãn ngay sau khi nghe những lời hướng dẫn tu theo từng bước của Đức Phật lần đầu tiên. Một số ít đã quá sẵn sàng đến nỗi tuy vừa nghe qua giáo lý siêu việt -Tứ Thánh đế- thì tâm họ đã hoàn toàn được giải thoát. Nhưng phần đông các đệ tử Phật phải cố gắng thực hành các lời dạy, thấu triệt từng bước trước khi chuyển sang bước tiếp theo. Nhiều vị phải mất hàng năm để vượt qua những chướng ngại trong sự hiểu biết trước khi họ có thể tiến lên một bậc cao hơn của sự hiểu biết.
Phần đông chúng ta phải mất rất nhiều công sức để tự tháo gỡ mình ra khỏi những hành vi hay thái độ tự hại mình và hại người đã được hình thành qua bao năm tháng. Chúng ta phải chậm rãi bước theo con đường tu tập từng bước của Đức Phật với rất nhiều kiên nhẫn và khích lệ. Không phải ai cũng có thể thấu triệt mọi thứ ngay lập tức. Đến với sự phát triển tâm linh, tất cả chúng ta đều mang theo những kinh nghiệm quá khứ riêng và mức độ dốc tâm khác nhau.
Đức Phật là một vị thầy tinh tế tuyệt vời. Ngài biết rằng chúng ta cần có những hiểu biết căn bản rõ ràng trước khi có thể tiếp thu những giáo lý cao siêu hơn. Thuyết Bát Chánh Đạo đưa đến hạnh phúc của Đức Phật gồm có ba giai đoạn được xây dựng dựa lên nhau: giới, định và tuệ.
Giai đoạn đầu tiên, giới luật, bao gồm việc chấp nhận một số giá trị cơ bản và sống dựa theo chúng. Đức Phật hiểu rằng sự suy nghĩ, nói năng và hành động đúng theo giới luật là những bước căn bản cần phải có trước khi tiến đến sự phát triển tâm linh cao hơn. Nhưng dĩ nhiên là chúng ta phải có một ít trí tuệ để biết rõ đạo đức là gì. Vì thế Đức Phật bắt đầu bằng cách giúp chúng ta vun trồng cấp bậc cơ bản của chánh kiến (bước thứ nhất) và chánh tư duy (bước thứ hai). Những khả năng tâm linh này giúp chúng ta phân biệt giữa ý nghĩ và hànhđộng đạo đức hay vô đạo đức, giữa những hành động thiện với những hành động làm hại mình và hại người chung quanh.
Khi chánh kiến đã phát triển, chúng ta có thể bắt đầu đem sự hiểu biết mới mẻ của mình ra áp dụng bằng cách thực hành chánh ngữ (bước thứ ba), chánh nghiệp (bước thứ tư), và chánh mạng (bước thứ năm). Những giai đoạn thực hành các hành động đạo đức tốt đẹp giúp tâm ta cởi mở, giải thoát khỏi các chướng ngại, hoan hỷ và tự tin. Khi các chướng ngại từ những hành động tiêu cực bắt đầu phai mờ đi thì định mới có thể phát sinh.
Định có ba giai đoạn. Đầu tiên là chánh tinh tấn (bước thứ sáu), giúp tâm tập trung vào từng bước trên con đường đạo. Những sự cố gắng như thế đặc biệt cần thiết khi nhiều tư tưởng bất thiện khởi lên trong tâm khi chúng ta ngồi thiền. Tiếp theo là chánh niệm (bước thứ bảy). Muốn có tâm chánh niệm đòi hỏi ta phải có sự chú tâm toàn vẹn từng phút, để ta có thể kiểm soát được sự biến đổi của tâm pháp. Chánh định (bước thứ tám) cho phép chúng ta trụ tâm không gián đoạn trên một đối tượng hay một ý nghĩ nào đó. Vì đó là một trạng thái tâm tích cực, không sân hận hay tham luyến, định mang đến cho ta một sức mạnh tâm linh mà ta cầnđể có thể nhìn thấu đáo hoàn cảnh thật sự của mình.
Với giới luật làm nền tảng, định sẽ phát sinh. Do có định, giai đoạn thứ ba trên con đường của Đức Phật -trí tuệ- sẽ phát triển. Điều này mang chúng ta trở lại với hai bước đầu tiên trên conđường: chánh kiến và chánh tư duy. Chúng ta bắt đầu cảm nghiệm trí tuệ bùng vỡ trong các hành động của mình. Chúng ta nhận ra mình đã tự tạo đau khổ cho bản thân như thế nào. Chúng ta nhận ra bằng ý nghĩ, lời nói, và hành động của mình, ta có thể tự làm tổn thương bản thân và người khác như thế nào. Chúng ta nhận ra những sự giả dối của mình và đối diện với cuộc đời như nó thực sự là. Trí tuệ là ngọn đèn sáng soi cho chúng ta con đường thoát khỏi vòng trói buộc của khổ đau.
Dầu tôi đã trình bày con đường của Đức Phật như là một chuỗi của những giai đoạn liên tục nhau, thực ra nó vận hành theo một vòng tròn. Giới, định, và tuệ hỗ trợ, phát triển lẫn nhau. Mỗi bước trong bát chánh đạo cũng củng cố, phát huy các bước còn lại. Khi bạn bắt đầu thực hành cả quá trình, mỗi bước sẽ lần lượt mở ra và mỗi hành động thiện hay tuệ giác sẽ làđộng lực đưa ta đến bước kế tiếp. Trên bước đường tu tập đó, bạn sẽ có nhiều chuyển đổi, nhất là khuynh hướng đổ lỗi cho người khác về sự bất hạnh của mình. Với từng bước rẽ, bạn sẵn sàng để chấp nhận trách nhiệm đối với ý nghĩ, lời nói và hành động có chú ý của mình nhiều hơn.
Thí dụ, khi bạn áp dụng trí tuệ ngày càng phát triển của mình để thấu hiểu các hành động đạo đức, bạn sẽ nhận thấy giá trị của tư tưởng và các hành động đạo đức này một cách sâu sắc, dẫn đến những sự thay đổi trong cung cách hành động của bạn càng nhanh chóng hơn. Tương tự, khi bạn có thể nhìn thấy rõ ràng hơn trạng thái tâm nào là hữu ích và trạng thái tâm nào bạn cần buông bỏ, thì bạn sẽ đem sự tinh tấn của mình áp dụng đúng chỗ hơn, và kết quả là tâm định của bạn trở nên sâu lắng hơn và tuệ giác được phát triển.