Bát Chánh Đạo: Cái Bẫy Của Khổ Đau

BÁT CHÁNH ĐẠO: CON ĐƯỜNG ĐẾN HẠNH PHÚC
Tác Giả: Thiền Sư Bhante Henepola Gunaratana
Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
—o0o—

Cái Bẫy Của Khổ Đau

Đức Phật biết rằng sự chạy đuổi không mỏi mệt theo hạnh phúc trong dục lạc thế gian khiến chúng ta bị trói buộc vào cái vòng không cùng tận của nhân và quả, của yêu và ghét. Mỗi ý nghĩ, lời nói hay hành động là nhân đưa đến quả, rồi quả ấy lại trở thành một nhân khác. Để chỉ cho chúng ta thấy cái vòng khổ đau đó vận hành như thế nào, Đức Phật đã giải thích:

Do duyên thọ, ái sanh; do duyên ái, tìm cầu sanh; do duyên tìm cầu, lợi sanh; do duyên lợi, quyết định sanh; do duyên quyết định, tham dục sanh; do duyên tham dục, đam trước sanh; do duyên đam trước, chấp thủ sanh; do duyên chấp thủ, hà tiện sanh; do duyên hà tiện, thủ hộ sanh; do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp như tranh đấu, tranh luận, đầu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ. (Kinh Trường Bộ, Hòa Thượng Thích Minh Châu NXB Tôn Giáo-2005, trang 517)

Mỗi chúng ta đều trải qua những giai đoạn của vòng luân chuyển này trong đời sống hàng ngày. Thí dụ đang ở trong siêu thị, bạn nhìn thấy một chiếc bánh trông rất ngon với nhân màuđỏ, kem trắng điểm lên trên. Đó là chiếc bánh duy nhất còn lại. Dầu chỉ ít phút trước đó, tâm bạn thanh tịnh, tự tại, thì khi nhìn thấy cảnh này, mà Đức Phật gọi là “sự tiếp xúc giữa các căn và các trần,” tâm khởi lên những suy tưởng và cảm thọ khóai lạc.

Rồi tham muốn phát sinh từ lạc thọ. “Hừm. . . bánh dâu,” bạn tự nhủ, “với kem trứng đánh nổi phía trên.” Tâm sẽ chạy đuổi theo và khai triển những ý nghĩ khóai lạc. Bánh dâu ngon lắm! Thơm biết chừng nào! Kem trứng kia tan trong miệng hẳn là rất tuyệt vời! Một quyết định tiếp theo sau: “Tôi muốn ăn chiếc bánh đó.” Rồi sự bám víu (tham đắm) phát sinh: “Chiếc bánh đó là của tôi.” Có thể bạn sẽ nhận ra một sự bất ổn khi tâm bạn do dự trong chốc lát, khi nó nghĩđến những hậu quả tiêu cực của cái bánh đối với túi tiền hay vòng eo của bạn.

Bỗng nhiên bạn nhận ra có ai đó cũng ngưng lại ở quầy bánh và đang ngắm nghía chiếc bánh. Cái bánh của bạn! Bị chế ngự bởi lòng hẹp hòi, bạn chộp ngay chiếc bánh, tiến ra quầy thanh toán trong khi người khách kia trừng mắt phản đối. Một diễn tiến tiếp theo, dầu thông thường khó xảy ra, là vị khách hàng kia đuổi theo bạn đến tận chỗ đậu xe, cố gắng giật cái bánh lại, hãy tưởng tượng biết bao hành vi bất thiện có thể xảy ra -có thể là chửi rủa nhau hay đánh nhau. Nhưng ngay cả khi không có một sự đối đầu trực tiếp nào, hành động của bạn cũng khiến người kia phát sinh tâm bất thiện và đánh giá bạn là một người tham ăn. Như thế là tâm bình an của bạn đã bị hủy diệt.

Một khi tham ái đã phát khởi trong tâm, thì không thể tránh khỏi có những hành động ích kỷ, hẹp hòi theo sau. Trong khi chạy đuổi theo bất cứ hạnh phúc nhỏ mọn nào -một miếng bánh dâu- chúng ta cũng có thể hành động thô bạo và xém nữa tạo ra kẻ thù. Khi lòng tham ái làđối với một điều gì đó quan trọng hơn, như của cải, tài sản của người hay hành động tà dâm thì hậu quả còn tai hại hơn, bạo lực càng nghiêm trọng hơn và những đau khổ triền miên có thể xảy ra.

Nếu có thể đảo ngược lại vòng quay, bắt đầu từ những hành động tiêu cực của chúng ta, rồiđi ngược trở lại từng bước từng bước đến các nguyên nhân tâm và sinh lý, thì ta có thể đoạn trừ khổ đau tận gốc ngọn của nó. Khi lòng ham muốn, sự bám víu đã được đoạn trừ -hoàn toàn bị xoá bỏ- thì hạnh phúc mới được đảm bảo. Có thể chúng ta chưa biết phương cách để đạt được một điều như thế, nhưng khi đã nhận ra việc phải làm, là chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình của mình.

Add Comment