Bản đồ tu Phật – Tập 08 Câu Xá Tôn và Thành Thật Tôn

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
HT. Thích Thiện Hoa
BẢN ĐỒ TU PHẬT
Nhà xuất bản Tôn Giáo

TẬP VIII – CÂU XÁ TÔN – THÀNH THẬT TÔN

CÂU XÁ TÔN
CON ĐƯỜNG TU THỨ CHÍN TRONG 10 TÔN

I. DUYÊN KHỞI LẬP TÔN

Tôn này thuộc về Tiểu thừa, phát xuất từ bộ luận Câu xá tôn của ngài Thế Thân. Bộ luận Câu xá lại dựa theo ý nghĩa của bộ kinh Đại Tỳ bà sa (Mahavib-hasacastra) mà thành lập. Bộ luận Câu xá được ngài Trần Chân Đê dịch và truyền sang Tàu rất sớm, nhưng về sau bị thất truyền. Trong giai đoạn đầu này, Câu xá tôn chưa thành một tôn phái riêng biệt ở Trung Hoa. Chỉ đến khi ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh ở Ấn Độ trở về, đem dịch lại bộ luận Câu xá và đệ tử của ngài là Đại sư Phổ Quang dựa theo bộ luận nói trên mà làm ra bộ “Câu xá thuật ký”, và ngài Pháp Bảo làm bộ “Câu xá luận sớ” thì Câu xá tôn mới thành một tôn và được thịnh hành ở Trung Hoa. Nhưng hết đời Đường (từ đầu thế kỷ thứ VII đến cuối thế kỷ thứ XI) thì tôn này dần dần suy tàn và nhường địa vị quang trọng cho những tôn phái Đại thừa khác, thích hợp với triết học và tâm lý của người Trung Hoa hơn.

II. TÔN CHỈ VÀ GIÁO LÝ CĂN BẢN

1. Tôn chỉ : Tôn này chủ trương “ngã không, pháp hữu”, nghĩa là không có thật ngã nhưng có thật pháp.

Đối với các tôn giáo khác thì chủ trương có một cái thật ngã, chủ tể thường nhất, một cái linh hồn trường tồn bất biến, mặc dù mọi sự vật đổi thay, sống hay chết. Theo Câu xá tôn thì một cái ngã như thế không thể có được, vì mọi sự mọi vật trong vũ trụ, kể cả con người đều là giả hợp mà thành, chứ không có một vật gì đồng nhất và bất biến. Đây cũng là chủ trương chung của các giáo phái khác trong Phật giáo. Điểm sai khác giữa Câu xá tôn với các tôn phái khác là : Câu xá tôn thì chủ trương Pháp hữu, trong khi các giáo phái khác thì bảo rằng Pháp không; Pháp hữu, nghĩa là bản thể thật tại của các pháp, hay nói một cách dễ hiểu hơn, nguyên liệu sinh ra các sự vật trong vũ trụ, là thường có, là có thật. Thí dụ : con người không có thật ngã, nhưng những nguyên liệu làm ra con người, như ngũ uẩn, tứ đại là thật có.

2. Vũ trụ quan : Câu xá tôn phân biệt vũ trụ vạn hữu ra làm vô vi pháp và hữu vi pháp. Hữu vi pháp chỉ về vạn tượng trong hiện tượng giới, có sanh diệt, chuyển biến. Vô vi pháp chỉ về cảnh giới thường trụ, không sanh diệt, chuyển biến, cũng tức là chỉ về lý thể.

Hữu vi pháp gồm có 72 món, và Vô vi pháp gồm có 3 món, cộng tất cả là 75 món, hay 75 pháp.

Trong phạm vi nhỏ hẹp của tập sách, chúng tôi không thể đi sâu để giải thích từng pháp một được. Tuy thế, để có một ý niệm về các loại pháp ấy, chúng tôi xin sơ lược giải thích đại khái sau đây :

Sắc pháp : Phàm cái gì có thể hư nát và có tánh cách chướng ngại đều thuộc về sắc pháp. Trong 11 món thuộc về sắc pháp, gồm có 5 căn và 5 cảnh, thì độc giả cũng đã biết rồi, không cần phải giải nữa; còn món thứ 11 là vô biểu sắc, cần phải giải thích. Vô biểu sắc là cái sắc pháp không biểu hiện ra ngoài (pháp trần); nó là đối tượng của ý căn.

Tâm pháp : Cũng gọi là Tâm vương, vì nó có năng lực chủ động như ông vua có quyền chủ trương trong một nước. Tâm vương có ba tên : tâm, ý, và thức. Theo Câu xá luận thì : “Nhóm góp các tập quán mà khởi ra gọi là tâm; nghĩ ngợi gọi là ý; phân biệt gọi là thức”.

Tâm sở pháp : Là cái pháp sở hữu phụ thuộc của tâm vương, như các ông quan phụ thuộc dưới quyền sai sử của ông vua, hay các nhân viên phụ thuộc dưới sự điều khiển của ông chủ.

Bất tương ưng hành pháp : Có thể gọi tắt là cái pháp bất tương ưng, nghĩa là các pháp không hẳn thuộc về sắc, mà cũng không hẳn thuộc về tâm, nhưng là kết quả của sự tiếp xúc giữa tâm và sắc. Thí dụ như “sự được” là một pháp bất tương ứng. Khi ta được một cái gì, sự được ấy không thuộc về sắc pháp, cũng không thuộc về tâm pháp. “Cái mà ta được” là sắc pháp : “cái nỗi vui mừng” khi được là tâm pháp; còn “sự được” không thể liệt vào sắc pháp hay tâm pháp được, vì thế cho nên gọi là bất tương ưng hành pháp.

Vô vi pháp : Nghĩa là những pháp không sanh diệt, chuyển biến, vượt ra ngoài sự đối đãi. Vô vi gồm có ba pháp là : trạch diệt vô vi, phi trạch diệt vô vi và hư không vô vi.

Bảy mươi lăm pháp này bao gồm tất cả sự vật trong vũ trụ.

Sự vật trong vũ trụ chia ra làm hai loại lớn là : Hữu tình thế gian và khí thế gian.

– Hữu tình thế gian tức là toàn thể chúng sanh, có sự sống – Khí thế gian tức là hoàn cảnh mà chúng sanh nương vào để sống như đất cát, núi sông, nhà cửa v.v…

Xét về phương diện thời gian, thì vũ trụ là vô thỉ và vô chung, nghĩa là không có lúc bắt đầu và cũng không có lúc chung cục, mà chỉ có sự thay đổi, biến chuyển thôi. Trong vũ trụ có hằng hà sa thế giới, thế giới này thành, thì thế giới kia hoại, đắp đổi cho nhau. Tuy thế, riêng mỗi thế giới, từ khi sanh thành cho đến khi tiêu diệt, phải trãi qua bốn giai đoạn (thành, trụ, hoại, không) gồm một đại kiếp, tức là một ngàn hai trăm tám chục triệu năm (1.280.000.000).

Xét về phương diện không gian, thì vũ trụ rộng lớn không thể tưởng tượng được. Trước tiên đơn vị nhỏ nhất của vũ trụ là thế giới (như thế giới nhỏ mà chúng ta đang ở đây). Họp một ngàn thế giới mới thành được một tiểu thiên thế giới; họp một ngàn tiểu thiên thế giới mới thành một trung thiên thế giới; họp một ngàn trung thiên thế giới mới thành một đại thiên thế giới. Như thế một đại thiên thế giới gồm (1.000 x 1.000 x 1.000) một ngàn triệu thế giới nhỏ (như thế giới chúng ta đang ở đây). Nhưng trong vũ trụ không phải chỉ có một đại thiên thế giới mà có vô lượng vô số đại thiên thế giới; cho nên trong kinh thường nói là : thập phương vi trần thế giới (mười phương thế giới nhiều như cát bụi) hay thập phương hằng hà sa thế giới (mười phương thế giới nhiều như cát sông Hằng).

Xét về phương diện phẩm chất thì vũ trụ chia làm ba từng bực cao thấp khác nhau, cũng gọi là tam giới, hay ba cõi là : dục giới, sắc giới, vô sắc giới.

Dục giới là cõi của loài hữu tình chưa xa lìa được dâm dục và thực dục. Trong dục giới có năm loại chúng sanh là : thiên, nhân, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục.

Sắc giới là cõi của loài hữu tình có hình sắc tốt đẹp, đã rời bỏ được dâm dục và thực dục. Cõi này có bốn bực là : Ly sanh hỷ lạc địa, Định sanh hỷ lạc địa, Ly hỷ diệu lạc địa, và Xả niệm thanh tịnh địa.

Vô sắc giới là cõi không có hình sắc. Các loài hữu tình sanh trong cõi này chỉ có tâm thức mà thôi. Cõi này cũng chia làm bốn từng bực cao thấp, thông thường gọi là Tứ không thiên : Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

3. Nhân sinh quan : Chúng sanh nói chung, và con người nói riêng, do đâu mà có ? Và đời sống của chúng sanh có giá trị như thế nào ?

a/Theo Câu xá tôn, thì chúng sanh sở dĩ bị xoay chuyển trong vòng sanh tử luân hồi, là do “nghiệp cảm duyên khởi”, nghĩa là do mê hoặc mà tạo nghiệp, do tạo nghiệp làm nhân mà cảm thọ các quả báo.

Thế nào gọi là hoặc ? Hoặc nghĩa là mê mờ, không sáng suốt, không biết đâu là phải, đâu là trái, tức là vô minh, mê vọng. Hoặc có 2 loại : bổn hoặc và tùy hoặc. Bổn hoặc là sự mê lầm cội gốc, cũng gọi là căn bản phiền não, như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Tùy hoặc là những mê lầm dựa theo bổn hoặc mà phát sinh; cũng gọi là tùy phiền não.

Trong 6 bổn hoặc nói trên, thì năm hoặc đầu : tham, sân, si, mạn, nghi, vì tánh chất chậm lụt, ăn sâu gốc rể trong thâm tâm chúng ta, rất khó dứt trừ, nên gọi là ngủ độn sử (sử là sai sử, xúi sử; những sử này sai khiến một cách tiềm tàng, sâu kín loài hữu tình làm cho chúng sanh cứ lẩn quẩn trong chỗ mê lầm nên gọi là độn sử).

Còn hoặc thứ sáu là ác kiến, thì vì tánh chất lanh lẹ, không ăn sâu gốc rể trong thâm tâm và dễ dứt trừ, nên gọi là lợi sử. Ác kiến hay lợi sử gồm có năm thứ là : Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ.

Thân kiến là chấp một cách sai lầm rằng cái thân do ngũ uẩn giả hiệp này là có thật ngã.

Biên kiến là chấp sai lầm rằng cái thân này chết rồi thì tiêu diệt hẳn, không còn gì cả (đoạn kiến) hay trái lại, chấp cái thân này chết rồi, linh hồn vẫn còn mãi mãi (thường kiến). Những sự chấp ấy làm mất hẳn lý trung đạo, nên gọi là biên kiến.

Tà kiến là chấp những đạo lý mơ hồ và bài bác những lý nhơn quả chơn chánh.

Kiến thủ là chấp chặt kiến giải sai lầm của mình, mà không chịu theo lời các bậc hiền thánh.

Giới cấm thủ là giữ giới sai lầm như giữ những giới khổ hạnh của ngoại đạo v.v…

Do những bổn hoặc và ác kiến nói trên sai sử, chúng sanh tạo ra các nghiệp, làm nhân quả cho nhau và khiến cho chúng sanh phải xoay vần mãi trong sanh tử luân hồi. Nghiệp có ba thứ :

Ý nghiệp, tức là sự suy nghĩ, hành động của ý niệm.

Ngữ nghiệp, tức là sự nói năng.

Thân nghiệp, tức là những hành động về thân xác.

Nghiệp có ba tánh là : lành, dữ và vô ký (nghĩa là trung bình, không lành, không dữ). Nghiệp lành thì có quả báo lành, nghiệp dữ thì có quả báo dữ. Còn nghiệp vô ký thì có quả báo không lành không dữ. Nghiệp lành, cũng như nghiệp dữ, đều có mười thứ :

Mười nghiệp dữ là : giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối gạt, nói thêu dệt, nói chia rẽ, nói ác độc, tham lam, giận dữ, si mê.

Mười nghiệp lành là : không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không dối gạt, không nói thêu dệt, không nói chia rẽ, không nói ác độc, không tham lam, không giận dữ, không si mê.

Quả báo của mười nghiệp lành và mười nghiệp dữ có mau có chậm, nghĩa là có khi xảy ra ngay trong một đời, có khi hai ba đời sau mới thọ quả báo.

Khi thời kỳ cảm quả chịu báo đã xác định, thì gọi là định nghiệp. Trái lại, thì gọi là bất định nghiệp, Bất định nghiệp có hai thứ : một là quả báo đã định mà thời kỳ chịu quả báo chưa định; hai là cả quả báo và thời kỳ chịu quả báo đều chưa định.

b/Trên đây là nói lý do vì sao có sự hiện diện của chúng sanh trong thế giới này. Dưới đây, chúng ta sẽ nói đến giá trị của sự hiện diện ấy theo quan niệm của Câu xá tôn, tức cũng là quan niệm của Tiểu thừa Phật giáo.

Quan niệm ấy không xa lạ gì đối với chúng ta. Đó là : cõi đời là một biển khổ, trong ấy, chúng sanh đang lặn hụp, trôi lăn, sống chết. Con người khổ vì sanh, lão, bệnh, tử. Con người khổ vì yêu nhau mà phải xa lìa, ghét nhau mà phải chung sống, muốn một đàng mà thực tế đưa đi một nẻo. Con người khổ vì tai trời, nạn nước : bão, lụt, chiến tranh, trộm cướp v.v…Con người khổ vì sống trong một hoàn cảnh mê mờ, tối tăm, không biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là ảo ảnh giả dối. Con người khổ vì mong được trường tồn mà cõi đời lại vô thường, luôn luôn biến đổi, có đó không đó, còn đó mất đó, như một trò mộng huyễn. Con người khổ vì tưởng rằng có một cái thật ngã làm nòng cốt cho sự sống, thuần nhất, tự tại, ngờ đâu cái Ngã ấy là giả dối, không có thật, và bị hoàn cảnh chi phối làm cho điêu đứng, đảo điên.

Tóm lại, cõi đời là một bể khổ làm bằng nước mắt của tất cả chúng sanh.

III. PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH

1. Tứ diệu đế : Muốn giải thoát ra ngoài bể khổ mênh mông của cõi đời, Câu xá tôn chủ trương phải tu theo pháp “Tứ diệu đế”. Tứ diệu đế tức là bốn lẽ chân thật đưa người tu hành từ cảnh mê đến cảnh ngộ, từ cõi Ta bà đau khổ, đến cảnh giới Niết Bàn tịch tịnh.

– Diệu đế thứ nhất chỉ rõ cho người tu hành thấy cõi đời là đau khổ.

– Diệu đế thứ hai chỉ rõ cho người tu hành thấy được nguyên nhân của sự đau khổ trong cõi Ta bà.

– Diệu đế thứ ba chỉ rõ cảnh giới an lạc sau khi ra khỏi cõi đời đau khổ.

– Diệu đế thứ tư chỉ rõ con đường tu hành để đi đến cảnh giới an lạc của Niết Bàn.

Bốn Diệu đế ấy tức là : khổ, tập, diệt, đạo vậy.

2. Thập nhị nhân duyên : Đối với những căn cơ lanh lợi, thì có thể tu theo pháp Thập nhị nhân duyên. Thập nhị nhân duyên là 12 nhân duyên kế tiếp theo nhau, làm nhân làm quả khiến cho chúng sanh phải mãi mãi xoay vần trong biển khổ sanh tử luân hồi. Mười hai nhân duyên ấy là : vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử. Mười hai nhân duyên này như mười hai vòng xích nối liền với nhau làm thành một chuỗi xích, không biết đâu là đầu, đâu là cuối. Nếu cắt đứt được một vòng xích thì chuỗi xích ấy tất phải đứt đoạn. Đối với kẻ tu hành, muốn chấm dứt sanh tử luân hồi, thì cái mắc xích cần phải bị cắt đứt là “ái”. Ái ở đây tức là luyến ái. Vì luyến ái nên mới cố thủ cho mình, “thủ” sanh “hữu”. Và từ đó, cái vòng sanh tử lại tái diễn. Vậy không có “ái” thì không có “hữu”, không có “hữu” thì không có “sanh”, không có “sanh” thì không có “lão tử”, nghĩa là không có khổ đau.

VI. QUẢ VỊ TU CHỨNG

1/Người tu theo pháp Tứ diệu đế, nếu mau lắm thì cũng phải trải qu ba đời, còn nếu chậm, thì phải trải qua 60 kiếp, mới chứng được quả A la hán, là cõi cao nhất của hàng Thanh Văn.

Trước khi chứng được quả vị A la hán, hành giả tuần tự chứng các quả dưới đây :

Tu đà hoàn, Tàu dịch là Nhập lưu, hay dự lưu, nghĩa là bắt đầu nhập vào dòng Thánh.

Tư đà hàm, Tàu dịch là Nhất lai, nghĩa là còn phải đầu thai vào cõi dục giới một lần cuối cùng nữa, để tu hành cho rốt ráo, trước khi vĩnh viễn xa rời cõi này.

A na hàm, Tàu dịch là Bất lai, nghĩa là không còn đầu thai vào cõi Dục giới nữa.

Hết bực này là đến quả vị A la hán, A la hán, Tàu dịch là Ứng cúng hay Vô sanh, nghĩa là dứt bỏ được các điều mê lầm trong cõi Sắc giới và Vô sắc giới, không còn phiền não, không còn chịu sanh tử luân hồi, vượt ra khỏi ba cõi, hưởng sự cúng dường của thiên và nhân. Bậc này cũng gọi là bậc vô học, nghĩa là không còn phải học pháp gì nữa.

2/Đối với lối tu Duyên giác, nghĩa là tu theo lối quán 12 nhân duyên, thì quả vị không có chia ra nhiều tầng bậc, chẳng qua khi đang tu hành thì gọi là Duyên giác hướng, nghĩa là đi lần tới mục đích của sự tu hành là quả Duyên giác. Còn khi tu hành được đầy đủ, dứt mối mê lầm chứng được chân lý, thường hưởng được cái vui giải thoát trong cảnh Niết bàn, thì gọi là Duyên giác quả. Vị chứng được quả này thì gọi là Bích chi Phật, tức là vị Phật đã tự giải thoát cho mình, nhưng chưa có thể giác tha. Từ khi bắt đầu tu hành cho đến khi chứng quả Duyên giác, thời gian dài ngắn khác nhau tùy theo căn cơ của kẻ tu hành : với căn cơ lanh lợi thì ít ra cũng trải qua 4 đời tu luyện; với căn cơ chậm lụt thì phải trải qua 100 kiếp tu hành.

V. KẾT LUẬN

Câu xá tôn, mặc dù chỉ là một tôn phái trong nhiều tôn phái của Tiểu thừa, nhưng có thể đại diện một cách gần đầy đủ cho phái Tiểu thừa Phật giáo. Bởi thế, đọc câu xá tôn, chúng ta có thể hiểu một cách khá tường tận giáo lý căn bản và phương pháp tu hành của hàng Tiểu thừa trong quá khứ xa xưa.

Nhưng từ khi tôn này được thành lập ở Trung Hoa đến bây giờ, thời gian đã trôi qua hơn một ngàn năm. Trong thời gian ấy, chắc cũng có nhiều sự biến đổi trong chi tiết. Chúng tôi rất tiếc không có nhiều tài liệu để nghiên cứu một cách đầy đủ những biến chuyển của tôn này qua thời gian và sự tồn tại của nó trong hiện tại như thế nào. Do đó, chúng tôi thành thật đề nghị với quý độc giả hãy xem tập sách nhỏ này như một tập nghiên cứu về một trong mười tôn phái ở Trung Hoa, chứ chưa phải là một “con đường” hoàn bị, hướng dẫn trực tiếp quý vị vào sự tu luyện. Chúng tôi muốn nói, nếu quý vị thấy căn cơ mình thích hợp với giáo lý Tiểu thừa, mà muốn bắt tay vào sự tu luyện, thì cũng cần phải tìm đọc thêm nhiều nữa và nghiên cứu cho đến nơi đến chốn để khỏi lạc hướng sai đường.

*

THÀNH THẬT TÔN

CON ĐƯỜNG TU THỨ MƯỜI TRONG 10 TÔN

I. DUYÊN KHỞI LẬP TÔN

Tôn này thuộc về Tiểu thừa, ý cứ vào lý nghĩa của bộ Thành thật luận, do đó mà gọi là Thành thật tôn.

Bộ thành thật luận do ngài Ha lê bạt ma (Harivarman, Tàu dịch là Sư tử khải) học trò thông thái nhất của ngài Cưu ma la đà (Kumaraladha) thuộc phái Tiểu thừa Tát bà đa làm ra, vào khoảng 900 năm sau khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn. Như chúng ta đã biết qua trong phần lịch sử truyền giáo ở Ấn Độ, sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, phái Tiểu thừa chia ra thành nhiều nhóm, giải thích kinh điển của Phật không giống nhau. Nhận thấy nguy cơ có thể làm cho Phật giáo suy đồi vì sự không đồng quan điểm về giáo lý của các chi phái ấy, Ngài Ha lê bạt ma đã đem hết tâm lực và trí huệ uyên bác của mình, rút nghĩa lý tinh túy trong các bộ kinh luận của Tiểu thừa, làm ra bộ Thành thật luận. Sở dĩ Ngài dùng hai chữ “Thành thật” để đặt tên cho bộ luận của mình là hàm ý muốn nói rằng những lý nghĩa trong bộ luận của mình là chân thật, đúng đắn hoàn toàn với giáo lý căn bản trong ba tạng kinh điển của Phật. Mà thật như thế, bộ Thành thật luận là bộ luận có thể tiêu biểu một cách trung trực giáo lý của Tiểu thừa.

Và cũng vì giá trị chân chính ấy mà bộ Thành thật luận được truyền sang Trung Hoa và được ngài Cưu ma la Thập trong đời Giao tần dịch ra văn Tàu, gồm tất cả 16 cuốn, chia làm 202 phẩm. Nhưng mặc dù được người đời hâm mộ, bộ luận này phải đợi đến đời Nam Bắc triều mới lập thành một tôn riêng tức là “Thành thật tôn”.

II. TÔN CHỈ VÀ GIÁO LÝ CĂN BẢN

Tôn này chủ trương “nhân không, pháp không” Như chúng ta đã biết, theo Câu xá tôn thì nhân là không, nhưng pháp là có. Thành thật tôn, đi xa hơn, cho rằng nhân là không thật, mà pháp cũng là không có thật.

Để giải thích chủ trương “hai không” này, Thành thật tôn lập ra 2 môn là : Thế giới môn và Đệ nhất nghĩa môn.

1. Thế giới môn : Môn, nghĩa đen là cửa; Thế giới môn tức là cửa đi vào thế giới; nói một cách thông thường như ngày nay thường nói : “Thế giới môn” tức là đứng về “phương diện thế tục, phương diện tương đối” mà quan sát, suy luận.

Xét về phương diện tương đối, thì nhân cũng có, mà pháp cũng có. Thật vậy, theo sự nhận xét thông thường, thì ta có một cái thân; ta đi, đứng, nằm, ngồi; ta có một cái tâm để suy xét, phân biệt, nhớ chuyện quá khứ, tính chuyện tương lai ? Thế mà bảo là không có ngã thì thật là vô lý. Lại trong kinh cũng thường nói : ta thường tự ngăn ngừa và gìn giữ lấy ta, làm lành tự mình được hưởng điều lành; làm dữ, tự mình chịu hưởng quả dử. Vậy nếu bảo rằng không có người, không có ta, thì thật là trái với nhận xét và lý luận thông thường.

Xét về các pháp cũng vậy, bảo rằng không thì cũng là vô lý. Nếu không có sắc pháp thì làm sao có thân ta, có cảnh giới chung quanh ta ? Ừ, thì thân ta, do ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, giả hợp mà thành. Nhưng những thứ này cũng là pháp cả. Thí dụ, nếu ta chia chẻ cái sắc pháp ra thành nhỏ mãi, thì cuối cùng, dù nhỏ đến không thể chia chẻ được nữa, cũng vẫn còn là sắc, chứ sắc không thể chia ra mà thành “không” được. Ngược lại, nếu đã là không, thì không thể đem cái “không” ấy nhân lên mãi mà thành “có” được. Cũng như trong toán học, dù có nhân bao nhiêu lần với con số không, thì không cũng vẫn là không.

2. Đệ nhất nghĩa môn : Đệ nhất nghĩa môn, hay chơn đế, là nói vê phương diện tuyệt đối. Đứng về phương diện này mà xét, thì Ngã và Pháp đều là giả có, chứ không thật có. Khi năm uẩn hòa hợp thì tạm gọi là ta; khi năm uẩn tan rã thì cái ta ấy cũng không còn nữa. Vả lại cái ta ấy, trong lúc còn sanh tiền, thì mỗi phút, mỗi giây cũng đều có đổi thay, biến chuyển chứ không thuần nhất và bất biến.

Các pháp cũng vậy, tương đối mà nói thì có, nhưng tuyệt đối mà xét thì cũng không thật có. Các pháp cũng do nhân duyên hòa hiệp mà tạm gọi là có, chứ không thể có một cách tuyệt đối, nghĩa là không thuần nhất và bất biến. Vì thế cho nên Phật dạy : “các pháp đều là như huyễn như hóa”. Kinh Bát nhã cũng nói : “Sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc tức là không, không tức là sắc”…Tóm lại, đứng về đệ nhất nghĩa môn mà xét, các pháp rốt ráo là chơn không. Chơn không là thế nào ? Chơn không có nghĩa là : chơn lý của các pháp trong vũ trụ vốn là chơn thật, nhưng không phải là có hình tướng như các hình tướng giả dối mà người đời thường thấy ở chung quanh. Cái “có” và cái “không” trong đời, đối với chơn đế, hay đệ nhất nghĩa đế, đều là giả dối, không thật.

Nên biết thế “không” hiểu theo nghĩa Chơn đế, khác với cái “không” hiểu theo nghĩa Tục đế. Cái “không” của Chơn đế thì gọi là Chơn không; còn cái “không” của Tục đế là cái “không” đối với cái “có” mà thành, đó là Không giới. Chơn không thường vắng lặng tịch diệt ra ngoài cái đối đãi của “có” và “không” phàm tục. Còn không giới chẳng qua là cái sắc đối với nhãn căn đó thôi. Chơn không, không phải là sắc; Không giới mới là sắc. Chơn không, không thấy được; Không giới có thấy được. Chơn không, không đối tượng; Không giới thuộc về đối tượng. Chơn không là vô lậu, Không giới là hữu lậu, Chơn không là vô vi, Không giới là hữu vi.

3. Tương quan giữa Thế giới môn (Tục đế) và Đệ nhất nghĩa môn (Chơn đế) : Theo Đệ nhất nghĩa môn thì chơn lý của vũ trụ vốn là Chơn không dịch diệt, vắng lặng; theo thế giới môn thì có ta và người, có sắc và không, nghĩa là có ngã và pháp. Vậy thì giữa thế giới môn và Đệ nhất nghĩa môn có tương quan gì với nhau không ? Làm sao từ Chơn không, tịch tịnh lại phát sanh ra ngã và pháp, nghĩa là từ chỗ Chơn không lại phát sanh ra chúng sanh và sơn hà đại địa ?

Thành thật tôn cắt nghĩa : đó là vì vô minh. Các pháp trong vũ trụ, thể tánh vốn vắng lặng, tịch diệt, nhưng vì do tâm vọng tưởng phân biệt mà thấy có rối loạn, lăng xăng. Nói một cách rõ ràng hơn, bản tánh của vũ trụ vốn là không có ngã, không có pháp, nhưng vì “hai món chướng” mà thấy có ngã và pháp. Hai món chướng ấy là : Phiền não chướng và Sở tri chướng.

a/Phiền não chướng, tức là các nghiệp chướng về Kiến hoặc và Tư hoặc. Chướng này vì chấp cái ta là thật có, nên mới sanh các phiền não, rối loạn thâm tâm, chướng ngại đạo Niết bàn tịch tịnh. Chướng này trong Câu xá luận, thì gọi là “tánh nhiễm ô vô tri”.

b/Sở tri chướng, cũng gọi là trí chướng. Căn bản của chướng này là chấp các pháp là thật có, làm che lấp cái tánh vô điên đảo đối với các cảnh mình hay biết, làm chướng ngại đạo Bồ đề. Chướng này, trong Câu xá luận, gọi là “bất nhiễm ô vô tri” (không nhiễm ô, nhưng vẫn thuộc về si mê không biết, vì làm cho mình không chứng rõ được chơn lý).

4. 84 pháp : Như chúng ta đã thấy trong Câu xá tôn, những hiện tượng của nhơn sanh và vũ trụ, được phân loại thành 75 pháp. Theo thành thật tôn, thì nhân sanh, vũ trụ lại được chia làm 84 pháp. Còn Pháp tướng tôn lại chia thành 100 pháp. Như thế, chúng ta nên hiểu rằng sự phân chia ra ít hay nhiều pháp chỉ là một vấn đề tương đối, chứ không có nghĩa nhất định. Sự phân loại các pháp này, chỉ có một mục đích là để nghiên cứu cho rõ ràng nhân sanh, vũ trụ mà thôi. 84 pháp mà Thành thật tôn đã phân loại là :

14 Sắc pháp : 5 căn, 5 trần, 4 Đại.

50 Tâm pháp : 1 Tâm vương, 49 Tâm sở (so với Câu xá tôn, thì có thêm 3 Tâm sở là Hân (tánh hớn hở), Yểm (tánh nhàm chán) và Thùy miên mà Câu xá tôn ghép thành một Tâm sở, còn Thành thật tôn thì chia làm hai là :Thùy và Miên).

17 Phi sắc phi tâm pháp (tức là Bất tương ưng hành pháp). Về loại này, Thành thật tôn hơn bên Câu xá tôn 3 pháp : Thành thật tôn hợp “Mạng căn” và “Đồng phận” lại làm một, nhưng lại thêm : Lão, Tử, Phàm phu và Vô tác (tức là Vô biểu sắc bên Câu xá tôn).

3 Vô vi pháp : (như bên Câu xá tôn) Trạch diệt vô vi, Phi trạch diệt vô vi và Hư không vô vi.

III. PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH

Phương pháp tu hành của Thành thật tôn cũng gần giống như Câu xá tôn; nhưng vì Câu xá tôn chủ trương “nhân không pháp hữu”; còn Thành thật tôn thì chủ trương “nhân không pháp không”, nên về phương pháp tu hành của Thành thật tôn, đặc biệt có hai phép quán là : Ngã không quán và Pháp không quán.

1. Ngã không quán và Pháp không quán :

a/Ngã không quán : như quán trong cái bình không có nước, thì gọi là Không. Quán thân ta do năm uẩn hòa hợp giả tạm mà có, chứ không có một cái ta chân thật. Phép quán này mục đích là để nhận rõ ý ngã (nhân) không, nên gọi là “ngã không quán”.

b/Pháp không quán : như sau khi quán cái bình không có nước, lại quán thêm một tầng nữa để thấy rằng, thể chất của cái bình cũng không chân thật. Áp dụng phép quán này trong thân người, hành giả đi đến kết luận rằng : không những cái ta là không thật, do ngũ uẩn tạo thành; mà chính các phép tạo ra ngũ uẩn cũng không chân thật. Ấy là phép quán về pháp không.

2. Tam tâm và diệt đế : Phương pháp này cũng gần giống như hai phép quán trên, nhưng đi xa hơn một tầng, nghĩa là không chấp có, nhưng cũng không chấp không. Tam tâm là :

a/Giả danh tâm, tức là cái tâm chấp những giả danh, như chấp người ta là có thật. Đối với sự chấp trước này hành giả dùng trí huệ mà quán sát, biết nó đều là nhân duyên hòa hợp mà sanh, tức chứng được lý nhân không.

b/Pháp tâm, là cái tâm chấp pháp thể năm uẩn là thật có. Đối với sự chấp trước này, hành giả dùng trí Chơn không mà trừ bỏ, thấy được pháp không.

c/Không tâm, là cái tâm chấp cái “không” là thật có, nghĩa là đã quán biết được Nhân ngã, Pháp ngã đều không, mà lại chấp cái “không” là thật. Như thế, chấp “có” đã là sai, mà chấp “không” lại càng sai hơn. Vậy phải quán Ngã, Pháp đều không, mà cái không, mà cái Không ấy cũng không có tướng nắm bắt, nhận thấy được như không giới. Rốt lại, chỉ còn cái “Chơn không” là chơn lý tuyệt đối, ra ngoài “có” và “không” của phàm tục. Đến đây tứ là Diệt đế.

IV. QUẢ VỊ TU CHỨNG

Về quả vị tu chứng, tôn này cũng giống như Câu xá tôn, có 27 từng bực, tức là 27 vị Hiền Thánh.

1. Dự lưu hướng : Dự lưu hướng, nghĩa là hướng tới dòng thánh; nói một cách nôm na, hành giả đang đi dần đến để nhập vào dòng thánh, như chiếc thuyền đang đi trên dòng sông con, để vào con sông cái. Dự lưu hướng gồm có 3 bực sau đây :

1.1. Tùy tính hành : Tùy tín nghĩa là nghe theo lời dạy bảo của các bậc đã chứng quả, rồi tin và tu tập theo.

1.2. Tùy pháp hành : Vị này không còn đợi có những lời dạy bảo của các bậc thánh hiền, nhưng chỉ thuận theo chánh pháp mà tự tu hành.

1.3. Vô tướng hành : Là bậc kiến đạo, thấy được chân lý của Tứ diệu đế, trí vô lậu đã phát sinh.

2. Dự lưu quả : Tức là quả Tu đà hoàn. Bực này đã dứt hết những kiến hoặc trong ba cõi, dự vào dòng thánh đạo.

3. Nhứt lai hướng : Bực này đã dứt được năm phẩm tư hoặc ở cõi Dục giới, đang hướng đến quả Nhứt lai.

4. Nhứt lai quả : Bực này đã dứt được phẩm tư hoặc thứ sáu ở cõi Dục giới, nhưng còn phải trở lại lần cuối cùng (nhứt lai) ở cõi Dục giới.

5. Bất hoàn hướng : Bực này đã dứt được hai phẩm tư hoặc thứ bảy và thứ tám ở cõi Dục giới và đang tu hành để hướng đến quả Bất hoàn, là quả đã thoát ra ngoài vòng Dục giới và không còn trở về Dục giới nữa.

6. Bất hoàn quả : Bực này đã hoàn toàn dứt được 9 phẩm tư hoặc nơi cõi Dục giới, cho nên không còn trở về cõi Dục giới nữa. Quả này gồm có 11 bực như sau :

6.1. Trung ban : Bực này, sau khi ở cõi Dục giới vừa chết, sắp sanh lên cõi sắc giới, cái thân trung ấm tuy còn ở vào khoảng trung gian mà đã dứt trừ các mê lầm phiền não của cõi Sắc giới, nên vào ngay Niết bàn.

6.2. Sanh ban : Bực này sau khi chết lên cõi Sắc giới, chẳng bao lâu thì vào Niết bàn; ấy là do sức siêng năng về đường tu đạo mà mau tới vậy.

6.3. Hữu hành ban : Bực này, sau khi sanh về cõi Sắc giới, tu hành tinh tấn mãi không nghỉ mà vào được Niết bàn.

6.4. Vô hành ban : Bực này, trái lại, sau khi sanh vào cõi Sắc giới, vì trễ nãi đường tu hành, nên thành quả dầu chậm đến, nhưng cuối cùng cũng vào Niết bàn.

6.5. Lạc huệ ban : Bực này, sau khi sanh về cõi Sắc giới, lại lần lượt sanh lên cõi Sắc cứu cánh là cõi là cõi cao nhất ở cõi Sắc giới, mới vào Niết bàn. Cõi trời Sắc giới có định, có huệ, bực này dùng huệ làm vui nên gọi là “Lạc huệ”.

6.6. Lạc định ban : Bực này không chịu vào Niết bàn nơi cõi Sắc giới, mà còn muốn chuyển sanh lên cõi Hữu đỉnh là cõi cao của Vô sắc giới, mà vào Niết bàn. Trong cõi vô sắc giới này, chỉ có định mà không có huệ, hành giả lấy định làm vui, cho nên gọi là Lạc định.

6.7. Chuyển thệ : Bực này, sau khi ở cõi Dục giới, chứng được quả Dự lưu và Nhất lai, đáng lẽ sanh về cõi Sắc giới hay Vô sắc giới, nhưng hành giả lại chuyển sanh lại cõi Dục giới mà tu hành, chứng được quả Bất hoàn rồi vào thẳng ngay Niết bàn.

6.8. Hiện ban : Bực này, không sanh vào cõi Sắc giới, Vô sắc giới, cũng không cần chuyển sanh, chỉ tu tập trong một thời kỳ, chứng luôn ba quả, và đi thẳng từ cõi Dục giới vào Niết bàn.

6.9. Tín giới : Bực này, vì căn cơ hơi chậm lụt, nên chỉ tin theo lời dạy bảo của kẻ khác mà tu hành, chứng được quả Bất hoàn.

6.10. Kiến đắc : Bực này, trái lại với bực Tín giới nói ở trên, chứng được quả Bất hoàn là nhờ có căn cơ lanh lợi, tự nương theo trí huệ của mình mà thôi.

6.11. Thân chứng : Bực này là bực lợi căn tột độ, chứng được Diệt tận định.

Mười một bực Bất hoàn quả kể trên này, không phải có thứ bậc tuần tự mà hành giả phải vượt qua. Đây chỉ là 11 trường hợp khác nhau trong quả Bất hoàn, do căn cơ lanh lẹ, hay chậm lụt, do sở nguyện hay hoàn cảnh, tâm tính khác nhau mà ra. Nhưng dù sao, thì cũng ở trong quả Bất hoàn cả, không có cao và thấp, hơn và kém, và đều gọi là A la hán hướng, nghĩa là đang hướng đến quả A la hán.

Nếu kể từ bậc đầu tiên là : Dự lưu hướng cho đến bậc Bất hoàn quả, gồm cả thảy 18 bậc, thì gọi là bậc Hữu học.

Còn chín bậc cuối cùng sau đây là chín bậc A la hán quả, cũng gọi là bậc Vô học.

7. A la hán quả : Quả vị này gồm có 9 bậc, cũng gọi là bậc Vô học, nghĩa là không cần học hỏi gì nữa.

7.1. Thối pháp tướng : Thối nghĩa là thối lui. Thối lui ở đây không có nghĩa là thối lui về sanh tử, làm chúng sanh, mà chỉ thối lui về cảnh thiền định đã đặng, như các bậc độn căn La hán.

7.2. Thủ hộ tướng : Thủ hộ là gìn giữ bảo hộ. Thủ hộ tướng tức là bậc La hán giữ gìn bảo hộ cảnh thiền định đã được, không mất.

7.3. Tử tướng : Là bậc La hán rất nhàm chán thế gian, lại sợ thối nát mất chỗ chứng ngộ của mình, nên muốn vào liền cõi Niết bàn.

7.4. Trú tướng : Là các bậc La hán, căn cơ không thể tu tới mà cũng không đến nỗi thối lui, chỉ giữ về bực trung mà thôi.

7.5. Khả tấn tướng : Khả tấn là có thể tiến thêm nữa. Đây là bực La hán đã chứng được bực thiền định, mà còn tu tới mãi.

7.6. Hoại tướng : Đây là bậc La hán, căn cơ chậm lụt, nhưng vẫn giữ được không thối lui, mặc dù gặp phải nhơn duyên trở ngại.

7.7. Huệ giải thoát : Bực La hán này đã chứng được diệt tận định, được chơn trí vô lậu, đã giải thoát các phiền não, nhưng chưa ly được sự chướng ngại về cảnh thiền định.

7.8. Cầu giải thoát : Đây là bực La hán đã giải thoát được cả huệ chướng và định chướng; nghĩa là không còn bị trí huệ hay thiền định làm chướng ngại nữa.

7.9. Bất thối tướng : Đây là bực La hán có căn cơ lanh lợi, bao nhiêu công đức trí huệ đã tu tập đều không thối lui hay là tiêu mất được.

Tóm lại, mặc dù quả vị tu chứng của tôn này có chia ra đến 27 bậc, nhưng là đó là muốn chia chẻ một cách rốt ráo của từng trường hợp, chứ đại khái cũng giống như quả vị tu chứng trong Câu xá tôn. Thật vậy, nếu chúng ta đem so sánh quả vị của 2 tôn Câu xá và Thành thật, thì sẽ thấy như sau :

CÂU XÁ TÔN

1. Tu đà hoàn (Nhập lưu)

2. Tư đà hàm (Nhứt lai)

3. A na hàm (Bất lai)

4. A la hán (Vô sanh, Vô học)

THÀNH THẬT TÔN

1.Dự lưu hướng và Dự lưu quả.

2.Nhứt lai hướng và Nhứt lai quả.

3.Bất hoàn hướng và Bất hoàn quả.

4.A la hán (vô sanh, vô học)

V. KẾT LUẬN

Thành thật tôn, cũng như Câu xá tôn, đều thuộc các tôn phái của Tiểu thừa Phật giáo. Giáo lý căn bản của hai tôn cũng gần giống nhau, chỉ có khác ở điểm : Câu xá tôn thì chủ trương “nhân không pháp hữu”, còn Thành thật tôn thì chủ trương “nhân không pháp không”. Như thế, Thành thật tôn đã bước thêm một bước lại gần Đại thừa Phật giáo hơn. Đó là một điểm chứng minh rằng theo với thời gian, Tiểu thừa và Đại thừa càng xích lại gần nhau hơn. Với cái đà ấy, chúng ta hy vọng rồi đây, biên giới giữa hai phái lớn của Phật giáo sẽ được xóa hết, chỉ còn lại một danh từ, một cái đạo chung cho cả thế giới là Đạo Phật.

Hoài bảo ấy, hiện Tổng hội Phật giáo Thế giới đang cố gắng thực hiện qua nhiều quyết nghị trong các Đại hội Phật giáo Thế giới. Và ở Việt Nam hoài bảo ấy đã được thể hiện trong những ngày đầu năm 1964, dưới danh hiệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Trong Giáo hội này, các giáo phái Đại thừa và Tiểu thừa đều thề nguyện chung sức chung lòng để phát huy nền Phật giáo Việt Nam mỗi ngày thêm rạng rỡ.

Add Comment