Bản đồ tu Phật – Tập 03 Thiền tôn – quyển 1

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
HT. Thích Thiện Hoa
BẢN ĐỒ TU PHẬT
Nhà xuất bản Tôn Giáo

TẬP III – THIỀN TÔN (Quyển Nhất)

CON ĐƯỜNG TU THỨ BA TRONG 10 TÔN

A. Phần mở đầu

Sau khi đi qua bốn con đường đầu tiên trong Bản đồ tu Phật là con đường tu của quảng đại quần chúng, con đường tu thông thường của giới Phật tử, con đường tu về Luật tôn và Tịnh độ tôn. Hôm nay chúng ta đi vào con đường tu thứ năm là Thiền tôn. Con đường này mở chung cho cả hàng Đại thừa và Tiểu thừa. Cũng như bao nhiêu tôn phái khác trong Phật giáo, vị khai sáng đầu tiên của Thiền tôn vẫn là Đức Phật. Trước Ngài, sự tham thiền nhập định của các ngoại đạo không phải là không có. Nhưng đến Ngài, phương pháp thiền định mới đạt đến chỗ rốt ráo. Như chúng ta đều biết qua lịch sử của Ngài, sau khi xuất gia, Đức Phật đã trãi qua nhiều năm đi tìm đạo và tu khổ hạnh, nhưng vẫn chưa đạt được đạo quả như ý muốn. Ngài tự bảo cái đạo ấy không phải đi tìm đâu xa mà chính phải tìm trong trí huệ sáng suốt của Ngài. Và từ đó, luôn trong 49 ngày đêm dưới cội Bồ đề, Ngài đã ngồi tham thiền nhập định cho đến khuya mùng 8 tháng chạp âm lịch, lúc sao mai vừa mọc thì Ngài “minh tâm kiến tánh”, chứng được đạo quả Bồ đề. Đó là một cuộc tham thiền nhập định vô tiền khoán hậu, mở đầu cho một pháp môn vô cùng hiệu nghiệm của đạo Bồ đề. Và từ đấy về sau, một tôn phái riêng đã được thành lập. Đó là Thiền tôn.

Sao gọi là Thiền Tôn ?

Thiền tôn là một tôn phái của Phật giáo lấy pháp môn tham thiền nhập định làm căn bản tu hành.

Chữ “Thiền” là do chữ “thiền na”, một tiếng Phạn, phiên âm theo tiếng Trung Hoa, và dịch nghĩa là định lự (định các tư lự). Hiệp chung cả tiếng Phạn và tiếng Trung Hoa, thành ra chữ Thiền định.

Có chỗ giải : Chữ “thiền” xưa dịch là “tư duy”, nay dịch là “tịnh lự”. Tư duy có nghĩa là suy nghiệm, nghiên cứu, suy tầm những đối tượng của tâm thức (tức là quán). “Tịnh lự” có nghĩa là để tâm vắng lặng không cho khởi các vọng tưởng tư lự (tức là chỉ) để cho tâm thể được sáng tỏ.

Chữ “định” nguyên tiếng Phạn là Samadhi, người Trung Hoa phiên âm là tam muội, nghĩa là tập trung tư tưởng vào một cảnh duy nhất không cho tán loạn.

Hợp hai chữ Thiền và Định, chúng ta có một nghĩa chung như sau : Tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất, không cho tán loạn, để cho tâm thể được vắng lặng, tâm dụng được sáng tỏ, mạnh mẽ, đặng quan sát và suy nghiệm chơn lý.

Phương pháp thiền định có hai cách :

1. Tham cứu về lý thiền, để cầu minh tâm kiến tánh, tỏ ngộ đạo quả, nên gọi là “tham thiền”, như tham cứu câu thoại đầu (câu nói thiền) v.v…

2. Tập trung tư tưởng để quan sát cho sáng tỏ chân lý về một vấn đề gì, như quán bất tịnh, quán từ bi v.v…, nên cũng gọi là “quán tưởng”.

Có chỗ gọi là tu “chỉ quán” hay tu “định huệ”. Chỉ là đình chỉ các vọng tưởng, không cho khởi động, tức là Định. Quán là quán sát cho sáng tỏ một vấn đề gì tức là Huệ.

“Chỉ” là nhơn, mà “Định” là quả.

“Quán” là nhơn, mà “Huệ” là quả.

CHỦ TRƯƠNG CỦA THIỀN TÔN

Tất cả chúng sanh, trải bao đời kiếp phải trôi lăn trong biển khổ sanh tử luân hồi vì bị vô minh mê hoặc.

Tại sao lại có vô minh mê hoặc ? chúng ta hằng ngày bị thất tình (mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, muốn) lục dục (những sự tình dục do lục căn sanh ra) bát phong (lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc) xuy động làm cho tâm tánh của chúng ta phải bị mờ ám, cũng như ngọn đèn bị gió thổi leo lét, không sáng tỏ được để phá tan cái hắc ám ở chung quanh và soi sáng cảnh vật. Đèn tâm của chúng ta không giờ phút nào chẳng bị gió lục trần (sáu trần cảnh là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) làm chao động. Vì đèn tâm chao động (không định) nên ánh sáng trí huệ không thể tỏa ra, và vì ánh sáng trí huệ không tỏa sáng nên không xé tan được mây vô minh hắc ám ở chung quanh và không chiếu soi chơn lý của vũ trụ.

Vậy hành giả muốn rõ chơn lý của vũ trụ, muốn được minh tâm kiến tánh để thành Phật, thì phải phá trừ mây vô minh hắc ám. Muốn phá trừ vô minh hắc ám, hành giả phải làm sao cho đèn trí huệ của mình được sáng tỏ. Muốn thế, hành giả phải tu thiền định. Tâm có định, mới phát sinh trí huệ. Trí huệ có phát sinh mới phá trừ được vô minh hắc ám, và mới minh tâm kiến tánh thành Phật.

Mới nghe qua chủ trương của Thiền tôn thì thấy không có gì là mới lạ và tưởng là dễ dàng quá, nhưng khi thực hành thì lại không phải dễ dàng như thế. Trái lại, phép tu thiền định rất khó, phải thường có thiện hữu tri thức dắt dẫn, phải tốn rất nhiều công phu và kiên nhẫn, phải trãi qua một thời gian lâu dài, thì mới thu được kết quả.

B. Các loại Thiền định

Thiền định có nhiều loại, nhiều thứ. Có thứ chánh, thứ tà, có thứ sâu, thứ cạn, có thứ thiền của ngoại đạo, có thứ thiền của phàm phu, có thứ thiền của Tiểu thừa, có thứ thiền của Đại thừa.

Hãy nghe Ngài Tôn Mật Thiền sư dạy :

(…Người muốn cầu Thánh đạo, tất phải tu thiền. Chơn tánh không có dơ và sạch, thánh và phàm. Song thiền định có cạn và sâu, từng bực không đồng :

– Người tà kiến, chấp trước sái lạc, ưa cõi trên, chán cõi dưới mà tu thiền là ngoại đạo thiền.

– Người chánh tín nhơn quả, nhưng cũng dùng sự ưa cõi trên chán cõi dưới mà tu thiền, là phàm phu thiền.

– Người biết rõ lý “ngã không” mà tu thiền, là Tiểu thừa thiền.

– Người ngộ được lý “ngã, pháp đều không” mà tu thiền, là Đại thừa thiền.

– Người đốn ngộ tự tâm, xưa nay vốn thanh tịnh, không có phiền não, đầy đủ trí huệ vô lậu, tâm ấy tức là Phật, rốt ráo không khác, y theo tâm ấy mà tu thiền là Tối thượng thừa thiền, cũng gọi là chơn như tam muội”

Vì thiền có nhiều loại khác nhau như thế, nên trước khi muốn thực hành cho đúng đắn, chúng ta cần biết sơ lược các lối tu thiền, để khỏi lạc vào đường nguy hiểm.

I. NGOẠI ĐẠO THIỀN

Trong phần ngoại đạo thiền nầy, chúng tôi muốn nói đến các loại thiền của ngoại đạo như đạo tiên, đạo Bà la môn, các lối thôi miên, và những tà thiền định với mục đích không chơn chánh.

Sao gọi là không chơn chánh ? Theo quan niệm của đạo Phật thì những hành động gì không nhằm mục đích trau giồi tâm tánh, dẹp trừ phiền não hữu lậu, để cầu giải thoát sanh tử luân hồi, đều là không chơn chánh. Dựa vào quan niệm trên mà phê phán thì những tà thiền định hay những loại thiền định của ngoại đạo đều không chơn chánh, vì những người tu theo các lối thiền định nầy chỉ nhằm mục đích cầu được sống lâu, cầu được khỏe mạnh, được thần thông biến hóa để dạo chơi các thế giới, được những phép lạ, huyền bí để cám dỗ, mê hoặc người, hay được thành tiên để hưởng lạc thú tiêu diêu nơi tiên cảnh v.v…

Bởi họ dụng tâm không chơn chánh, tu phương pháp không chơn chánh, nhằm mục đích thiển cận, bề ngoài, và bị các phiền não tham, sân, si, làm động cơ thúc đẩy, nên các loại thiền của họ không thể rốt ráo và toàn thiện được. Trước tiên, chúng ta hãy nói đến các tà thiền định.

1. Tà thiền định

Đọc những sách truyện xưa, chúng ta thường nghe nói đến các loài cầm thú như : bạch xà, chồn, cáo, khỉ, vượn v.v… tu luyện lâu năm ở trong rừng sâu núi thẳm, cuối cùng cũng có được những phép thần thông, biến hóa. Nhưng mục đích của chúng là cầu cho được nhiều phép tắc để gần gủi phụ nữ, nhiễu hại nhân dân, hớp hồn, hớp vía người lương thiện, để thỏa mãn thú tánh. Đó là những loài yêu tinh quỷ quái, mà ngày nay theo con mắt nhà khoa học thì khó có thể tin được là có. Nhưng có lẽ người xưa muốn đặt ra những chuyện yêu tinh quỷ quái như thế, để ngụ ý các loài thú, nếu tu luyện lâu năm cũng có thể có phép thuật hơn người. Nhưng bởi chúng thiếu lòng nhân, thiếu thiện tâm, cho nên phép thuật càng cao cường bao nhiêu lại càng gây tai họa lớn lao bấy nhiêu.

Chúng ta cũng thường nghe các thầy phù thủy luyện thiên linh cái (đầu lâu). Họ cũng tập trung tư tưởng, luyện phép định tâm, và khi thành công, cũng sai được âm binh bộ hạ, được ma quỷ mách bảo cho các việc quá khứ, vị lai v.v… và cũng tác oai, tác quái không ít.

Đó cũng là do tu định cả, nhưng bởi dụng tâm tà, nên gọi là tà thiền định, và kết quả là có hại cho mình và nhân quần xã hội.

Chúng ta hãy nghe lời Phật dạy Ngài A Nan trong kinh Lăng nghiêm về các lối thiền định :

“… A Nan ! Nếu ông tu thiền định mà không đoạn lòng dâm, thì quyết đọa vào ma đạo, bực thượng thành ma chúa, bực trung thành ma dân, bực hạ làm ma nữ… Vì gốc của nó là dâm, thì làm sao khỏi sanh tử luân hồi được ?..”

“… A Nan ! Nếu ông tu thiền định mà không đoạn tâm sát hại, thì chỉ đọa vào thần đạo, bực thượng thành đại lực quỷ, bực trung làm phi hành dạ xoa và các quỷ tướng soái, bực hạ làm địa hành La sát và các quỷ thần…”

“…A Nan ! Nếu ông tu thiền định mà không đoạn trừ tâm trộm cướp thì quyết đọa vào tà đạo, bực thượng thành loài yêu tinh, bực trung làm ma quỷ, bực hạ làm người tà, bị các tà ma nhập (đồng bóng).”

2. Thiền định của đạo tiên

Theo các kinh sách của đạo tiên để lại như kinh Huỳnh đình, hay bộ Tánh mạng khuê chỉ v.v… thì con người sở dĩ sống được và minh mẫn là nhờ có đủ ba món tinh, khí và thần. Tinh, khí là chủ của xác thân, thần là chủ của mạng sống. Hễ thất tình lục dục quá mạnh thì tinh khí hao mòn, tinh khí hao mòn thì thân bị che lấp tối tăm, con người mất sáng suốt. Vì thế cho nên cần phải trừ dục tình để dưỡng tinh, luyện khí cho thân được cởi mở và phát hiện.

“Tiên đạo cho rằng khắp giáp thân thể con người đều có những cái huyệt, tức là những lỗ thông khí âm dương, huyệt ở chót bàn chân gọi là chi âm, huyệt ở đỉnh đầu là thiên thông. Khí đi trở lên là dương khí, đi trở xuống là âm khí. Người tu tiên cốt luyện cho âm khí mất đi, chỉ còn cái khí thuần dương đi lên đỉnh đầu, tức là có thần thông và đắc đạo. Vì sao phải trừ bỏ khí âm ? Bởi vì âm khí là trược khí, làm cho nặng nề tối tăm, ưa thích điều dâm dục, làm hao tổn tinh thần. Hễ tinh thần hao tổn thì cái Thần là cái linh động sáng suốt nhất cũng là cái thông hiệp với trời đất, bị bế tắc. Vậy nên, kẻ phàm là kẻ nặng khí âm, còn bực tiên chỉ còn là khí thuần dương mà thôi”.

Để luyện khí, người tu tiên có nhiều phép tu gần giống như phép tọa thiền, nghĩa là ngồi ở một nơi thanh tịnh, rồi tập luyện các phép như : “tọa công”, “giao thiên trụ”, “thiệt giải thấu yết” v.v…

Tóm lại, những người tu theo đạo nầy, nếu kiên tâm trì chí tập trung tư tưởng, luyện “tinh” hóa “khí”, luyện “khí”, hóa “thần”, sau khi đã thuần thục, cũng được năm phép thần thông biến hóa. Họ trở thành tiên, có thể xuất thần bay đi dạo chơi các thế giới. Hoặc họ hứng nước mặt trăng, luyện linh đơn để trị bệnh hay để uống cho được trường sinh bất tử, thành Địa tiên.

Những vị tiên nầy, rất tiếc là ngày nay, chúng ta không được thấy, nên không dám chắc là có hay không. Nhưng dù có đi nữa, thì trên lý thuyết, các vị nầy vì chưa được lậu tận thông (phiền não hữu lậu chưa hết) nên khi phiền não nổi lên, họ cũng bị đọa trở xuống, như trường hợp ông Uất Đầu Lâm Phất, hay ông Độc Giác Tiên Nhân v.v… Hơn nữa, dù họ có luyện cái thân mình cho được trường sanh bất tử, cũng không thể toại nguyện được, vì cái thân nầy là do tứ đại giả hiệp, tất phải bị luật vô thường chi phối, không thể sống vĩnh viễn được. Nó lại là cái đãy da chứa các vật bất tịnh, thì dù có công dưỡng cho mấy, rốt cuộc rồi cũng bị tan rã. Bởi lẽ đó, người tu hành phải xem nó như là cái bè đưa qua sông, khi qua sông rồi, chẳng nên mến tiếc cái bè mà chẳng chịu lên bờ.

Trong bộ Quy nguyên Trực chỉ, có kể chuyện ông tiên Lữ Đồng Tân, học trò của Tiên Hớn Chung Ly, sau khi đấu phép với ngài Huỳnh Long Hòa Thượng bị thua, đã bỏ đạo tiên theo đạo Phật. Lý do sự đầu Phật nầy là vì ông Lữ Đồng Tân tự nhận thấy mình đã dụng tâm sai và đã đi lầm đường tu hành. Do đó, ông đã làm bài thơ sau đây để nói lên sự sai lầm của ông :

Nguyên văn :

Khí khước biển nan, kích tý cầm,

Như kim bất luyến hống trung câm.

Từ tùng nhứt kiến Huỳnh long hậu

Thỉ giác tùng tiên thố dụng tâm.

Dịch nghĩa :

Bỏ bầu linh dược, ném đờn cầm

Tôi nay chẳng tiếc nước miếng vàng

Từ khi gặp Huỳnh long Hòa thượng

Mới biết từ trước dụng tâm sai.

3. Luyện Du già (yoga)

Yoga là một danh từ Ấn, gốc là ở chữ Yuj, Trung Hoa dịch là Du già, nghĩa đen là “tự đặt mình dưới một cái ách”, nghĩa bóng là “tự trói buộc cả tinh thần, thể xác vào một quy luật khắc khe” tự kiềm chế mình theo một kỷ luật đặc biệt, mà mục đích là tập trung toàn thể thân tâm làm Một với bản thể của trời đất.

Du già cũng gọi là thuật luyện khí của Ấn Độ, gần giống như thuật luyện khí của Đạo Tiên. Theo thuyết Du già, trong thân thể con người có rất nhiều huyệt, trong số ấy, có bảy huyệt từ hậu môn lên tới đỉnh đầu là quan trọng nhất. Bảy huyệt ấy nằm dài theo xương sống, và có một đường lên, một đường xuống thông nhau. Vì sự si mê và các thứ dục vọng che lấp cho nên bảy huyệt ấy bị chướng ngại khiến cho cái “chân hỏa” từ dưới “hỏa hậu” (chỗ hậu môn) không thể lên được. Nhất là vì thân thể không luyện tập, xương sống bị cong đi, các huyệt do đó dễ bị bế tắc. Vậy muốn cho Hỏa hậu (tức là cái thần lực trong con người) được thông qua các huyệt, lên tới đỉnh đầu thì phải chú tâm luyện cho xương sống giãn ra, các khớp xương được thông và thẳng.

Để đạt được mục đích nói trên, người luyện Du già phải tập nhiều tư thế, như tư thế “giãn lưng”, tư thế “lưỡi cày”, tư thế “trồng chuối”, để cho hỏa hậu dễ lưu thông tới đỉnh đầu.

Ngày nay Du già được phổ biến sang các nước Âu Mỹ, gần như một phong trào. Phần đông cho đó là một phương pháp thể dục, để luyện cho thân thể được khỏe mạnh, trí tuệ được sáng suốt để tính toán và làm việc được nhiều hiệu quả. Một số người đi xa hơn, muốn luyện Du già để được sống lâu, trẻ mãi, vượt ra khỏi những sự ràng buộc của xác thân đầy dục vọng, thoát ra ngoài những nỗi lo âu, sợ sệt hằng ngày và sống một cuộc đời an vui, tự tại. Lại có một hạng người khác, mong rằng Du già sẽ làm cho họ khám phá ra những năng lực tiềm tàng ẩn núp trong con người và làm cho họ trở thành những nhân vật phi thường, có những thần thông biến hóa, phép mầu chước lạ. Họ cũng tập trung tư tưởng, định tâm chú ý như các lối tu thiền định, ngoài ra họ còn tu tập một cách rất khổ sở, hành hạ thân xác, bắt nó chịu đựng những thử thách cực độ, như phơi nắng dầm sương, ngồi trên chông gai, đứng bằng hai tay, treo chân lên cổ, nhịn đói, nhịn khát v.v… Đó là những đạo sĩ mà người Ấn Độ thường gọi là “pha kia” (fakir).

Những người này, khi tu đến mức độ cao, cũng có được những phép lạ, như dao chém không đứt, đâm không thủng, nhai ve chai, uống ác xít không sao, nằm ngủ một giấc luôn trong ba tháng không ăn, không uống v.v…

Nhưng dù họ thành công bao nhiêu đi nữa, thì cũng không thể thoát ngoài vòng trần tục liễu sanh thoát tử và minh tâm kiến tánh được.

4. Luyện thôi miên

Đây cũng là một lối tu thiền của ngoại đạo, hiện nay rất thịnh hành trên thế giới. Nguyên tắc của phương pháp tu luyện nầy cũng là vận dụng, tập trung tư tưởng vào một chỗ để cho tinh thần có sức mạnh sai khiến được sự vật. Người tập thôi miên lúc mới đầu ngồi yên một chỗ, nhìn chăm chú vào một chấm đen vẽ ở trên tường, để cả tâm trí tập trung vào đó, ngoài ra không còn để ý vào một sự vật gì ở chung quanh nữa. Họ tập ngồi hàng giờ như thế, bao giờ tinh thần không còn tán loạn nữa, và có đủ sức mạnh để sai sử kẻ khác là họ thành công. Những người thôi miên giỏi, có thể dùng thôi miên để trị lành bệnh, hay sai sử những người khác làm những chuyện phi thường, như xuất thân đi đến một xứ khác để thăm bà con, kể lại quá khứ hay tiền thân của một người khác v.v…

Tóm lại nhờ luồng điện tinh thần đã được tập trung thành sức mạnh, người thôi miên có thể bắt người khác làm những việc kỳ lạ theo ý muốn của mình. Nhưng vì lợi dụng tâm không chơn chánh, chỉ tham cầu những điều huyền bí, mầu nhiệm bên ngoài, không lo dẹp trừ phiền não hữu lậu, trau giồi tâm tánh bên trong, để được minh tâm kiến tánh, nên không phải là chánh đạo. Đến khi phiền não hữu lậu nổi lên hoặc nhiễm sắc tham tài v.v… thì các thần thông, diệu dụng đều mất hết. Bởi thế nên Phật dạy các đệ tử : “Ngộ được Đạo thì tự nhiên sẽ có các thần thông. Nếu được thần thông mà chưa ngộ được Đạo thì thần thông ấy có khi bị mất”

II. PHÀM PHU THIỀN

Phàm phu thiền cũng gọi là thế gian thiền. Sở dĩ gọi là phàm phu hay thế gian thiền là vì các pháp thiền nầy chưa có thể đưa hành giả ra ngoài tam giới, chưa chứng được thánh quả, mà vẫn còn quanh quẩn trong vòng phàm phu hay thế gian. Các pháp như Tứ thiền, Tứ không v.v… đều thuộc về phàm phu thiền.

1. Tứ thiền

Tức là bốn giai đoạn tham thiền của phàm phu, đi dần từ cái chỗ nhàm chán cái vui thô thiển đến cái vui vi tế thanh tịnh. Bốn giai đoạn tham thiền nầy tuần tự diễn tiến như sau :

a) Sơ thiền, ly sanh hỷ lạc : Hành giả khởi đầu bằng tâm lý nhàm chán cái ô trược của cõi Dục, và mong cầu được xa lìa. Sau khi nhờ tham thiền mà xa lìa được cái ô trược của dục giới, hành giả sanh vui mừng (sanh hỷ lạc). Đó là kết quả của giai đoạn tham thiền đầu tiên (sơ thiền).

b) Nhị thiền, định sanh hỷ lạc : Nhưng cái vui mừng nói trên, lại làm cho tâm chao động, cần phải dứt trừ, vì thế hành giả phải vào định. Khi định có kết quả, các vui mừng thô phù của Sơ thiền chấm dứt và cái vui mừng vi tế ở trong định lại nẩy sinh, vì thế cho nên gọi là “Định sanh hỷ lạc”.

c) Tam thiền, ly hỷ diệu lạc : Cái vui mừng ở cõi Nhị thiền mặc dù vi tế, nhưng vẫn còn làm cho tâm rung động, vì thế hành giả lại cần bỏ cái vui mừng ở cõi Nhị thiền. Khi bỏ được cái vui mừng nầy, thì một nỗi vui mầu nhiệm khác lại phát sinh, vì thế cho nên gọi là “Ly hỷ diệu lạc”.

Trong các kinh thường chép : cõi Tam thiền là vui hơn hết (diệu lạc), vì ở các cõi dưới thì chỉ có cái vui thô động, còn ở các cõi trên thì chỉ là tịch tịnh, không còn vui nữa.

d) Tứ thiền, xả niệm thanh tịnh : Ở cõi Tam thiền, tuy đã hết cái vui thô động của Sơ thiền và Nhị thiền, nhưng vẫn còn cái vui mầu nhiệm. Nhưng hễ còn niềm vui, thì tâm chưa hoàn toàn thanh tịnh. Hành giả lại còn phải tiến lên một bậc nữa, đi vào cái thiền thứ tư xả luôn cả cái niệm vui, để tâm được hoàn toàn thanh tịnh, vì thế nên gọi là “Xả niệm thanh tịnh”.

2. Tứ không định

Sau khi đã trãi qua Tứ thiền và đã thành tựu viên mãn, hành giả tiếp tục tu thiền định và sẽ trãi qua bốn giai đoạn gọi là Tứ không định sau đây. Sở dĩ gọi là Tứ không, vì khi vào bốn định nầy, thiền giả sẽ không còn thấy có cảnh và thức tâm nữa.

a) Không vô biên xứ định : Thiền giả khi đã đạt được Tứ thiền, tâm đã được hoàn toàn thanh tịnh, nhưng vẫn còn thấy có sắc giới, còn thân còn cảnh và bị hình sắc trói buộc, nên sanh tâm nhàm chán. Để rời bỏ các hình sắc về thân và cảnh, thiền giả vào định thứ nhất của Tứ không, thể nhập với “hư không vô biên”, tứ là không thấy có ngăn cách, có biên giới của cảnh.

b) Thức vô biên xứ định : Thiền giả khi đã được định thứ nhất của Tứ không, rời bỏ được sắc tướng của thân và cảnh, thấy được cái vô biên của hư không, nhưng vẫn còn giữ cái bản ngã hẹp hòi, vẫn còn thấy biên giới của tâm thức. Vậy thiền giả phải vào định thứ hai của Tứ thiền, để xóa bỏ cái biên giới của thức, khi thành tựu, tức thể nhập được vào cõi “Thức vô biên”.

c) Vô sở hữu xứ định : Thiền giả mặc dù không còn thấy biên giới, ngăn cách của thức, nhưng vẫn còn thấy có ngã, có tâm thức, có năng sở, mà hễ còn thấy có năng sở, tức còn thấy mình và người, còn thấy có sở hữu. Vậy thiền giả phải vượt lên một tầng nữa, xa lìa sự chao động, năng sở, tức nhập định “Vô sở hữu xứ” (cõi không sở hữu).

d) Phi tưởng, phi phi tưởng xứ định : Thiền giả khi đã nhập định “Vô sở hữu”, không còn thấy nhân ngã, năng sở, nhưng vẫn còn “tưởng”. Mà còn tưởng thì còn vọng động. Vậy thiền giả phải tiến lên một tầng nữa, vào cõi “Định không tưởng”. Nhưng không tưởng đây, không có nghĩa là vô tri vô giác như đất đá, không tưởng, nhưng không phải không tưởng của đất đá, không tưởng mà vẫn sáng suốt như một tấm gương, chứ không phải là một tấm ván hay mặt đá. Đó là ý nghĩa của cõi định “Phi tưởng, phi phi tưởng”

* * *

Có thể nói định “Tứ không” thuộc về ngoại đạo. Những người tu thiền, bắt đầu từ Sơ thiền đến Tam thiền, lúc bấy giờ có hai con đường tẻ, một con đường đi về ngũ A na hàm (là năm cõi A na hàm : a) Vô phiền, b) Vô nhiệt, c) Thiện kiến, d) Thiện hiện, đ) Sắc cứu cánh.) ở cõi Tứ thiền (Tứ thiền có chín cõi, ngoài năm cõi A na hàm, còn bốn cõi : Vô vân, phước sanh, quảng quả, vô tưởng) thuộc về cảnh giới của thánh thứ ba (Tiểu thừa thanh văn có bốn quả thánh, A na hàm thuộc quả thánh thứ ba), một con đường đi về Tứ không của cõi Vô sắc, thuộc về ngoại đạo.

III. NHỊ THỪA THIỀN

Nhị thừa thiền hay Tiểu thừa thiền thuộc về xuất thế gian thiền, nghĩa là những người tu theo các loại thiền nầy có thể vượt ra ngoài thế gian, thoát được sanh tử luân hồi. Tuy thế, những pháp tu thiền nầy không đem lại một chứng quả mau lẹ, lớn lao toàn diện như các lối Đại thừa thiền, mà chỉ có tánh cách chậm chạp, tuần tự, cuộc bó, tu một pháp chỉ trừ được một phiền não, nghĩa là những quả thấp nhỏ, có hạn lượng, nên thuộc về Nhị thừa thiền (Nhị thừa là Thinh văn thừa và Duyên giác thừa).

Nhị thừa thiền có rất nhiều phương pháp tu, như ngũ đình tâm quán, thập nhất thế xứ quán, bát bối xả, bát thắng xứ quán, cửu tưởng quán, thập lục đặc thắng, lục diệu pháp môn, tứ vô lượng tâm, thông minh thiền, bát niệm, thập tưởng, thứ đệ định, sư tử phấn tấn, siêu việt tam muội, ba mươi bảy phẩm trợ đạo v.v… Tóm lại, hành giả của Nhị thừa thiền có thể đem giáo lý của một hay nhiều pháp môn của Nhị thừa để quán sát tham thiền.

Trong phạm vi hẹp hòi của tập sách phổ thông nầy, chúng tôi không thể nói hết tất cả pháp môn tu thiền của Nhị thừa được. Chúng tôi xin chỉ nói sơ lược một ít phương pháp. Nếu hành giả muốn đi sâu vào đường tu nầy, phải chuyên môn học tập, phải nhờ Minh sư dạy bảo, phải trải qua nhiều thời gian và nhiều công phu tu tập mới thành công.

1. Ngũ đình tâm quán :

Quán sổ tức, trừ tâm tán loạn

Quán bất tịnh, trừ tâm tham sắc dục

Quán từ bi, trừ tâm sân hận

Quán nhân duyên, trừ tâm si mê

Quán giới phân biệt, trừ tâm chấp ngã

2. Cửu tưởng quán :

1) Tưởng thây sình trướng

2) Tưởng thây hoại

3) Tưởng máu mủ chảy

4) Tưởng thây rục rã

5) Tưởng thây xanh chàm

6) Tưởng thây bị giòi rút rỉa

7) Tưởng thây tan rã

8) Tưởng thây còn lại đống xương

9) Tưởng thây bị đốt tiêu

3. Tứ vô lượng tâm :

a) Tâm từ vô lượng : Thiền giả mở rộng lòng Từ vô lượng, bao bọc chúng sanh trong tình thương rộng lớn vô biên.

b) Tâm bi vô lượng : Thiền giả mở rộng lòng Bi vô lượng, cứu khổ cho chúng sanh trong năm đường.

c) Tâm hỷ vô lượng : Thiền giả mở rộng tâm Hỷ (hoan hỷ) vô lượng, làm cho chúng sanh đều được Hỷ.

d) Tâm xả vô lượng : Thiền giả mở rộng lòng Xả vô lượng, không lưu luyến, cố chấp một việc gì.

Tứ vô lượng tâm là một pháp môn rất linh nghiệm, Phàm phu tu Tứ vô lượng tâm, thì sao khi mạng chung sẽ sanh làm vua ở cõi Tứ thiền, Nhị thừa tu Tứ vô lượng tâm, thì phước đức được tăng trưởng, mau đặng Niết bàn, Bồ tát tu Tứ vô lượng tâm thì lòng từ bi mở rộng vô biên và làm lợi ích cho chúng sanh không xiết kể.

4. Thập lục đặc thắng :

Thập lục đặc thắng tức là mười sáu phép rất đặc biệt thù thắng, có thiền có quán, đủ các thứ thiền và có thể phát sanh ra quả vô lậu, không phải như tứ thiền, tứ không, không ra khỏi sanh tử. Mười sáu phép đặc biệt thù thắng nầy là :

1) Biết hơi thở vào

2) Biết hơi thở ra

3) Biết hơi thở dài ngắn

4) Biết hơi thở khắp thân

5) Trừ các thân hạnh

6) Thọ hỷ

7) Thọ lạc

8) Thọ các tâm hạnh

9) Tâm tác hỷ

10) Tâm tác nhiếp

11) Tâm tác giải thoát

12) Quán vô thương

13) Quán xuất tán

14) Quán ly dục

15) Quán diệt

16) Quán khí xả

5. Thông minh thiền :

Thông minh thiền tức là tham thiền để được lục thông và tam minh.

a) Lục thông tức là sáu phép thần thông như : thiên nhân thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, túc mạng thông, lậu tận thông.

b) Tam minh tức là thiên nhãn minh, thiên nhĩ minh, lậu tận minh.

6. Thập nhứt thế xứ quán :

Thập nhứt thế xứ quán tức là phép quán mười món biến khắp các xứ sở, sau đây :

1) Quán sắc Xanh, khắp giáp tất cả chỗ

2) Quán sắc Vàng, khắp giáp tất cả chỗ

3) Quán sắc Đỏ, khắp giáp tất cả chỗ

4) Quán sắc Trắng, khắp giáp tất cả chỗ

5) Quán Đất, khắp giáp tất cả chỗ

6) Quán Nước, khắp giáp tất cả chỗ

7) Quán Gió, khắp giáp tất cả chỗ

8) Quán Lửa, khắp giáp tất cả chỗ

9) Quán Hư không, khắp giáp tất cả chỗ

10) Quán Thức tâm, khắp giáp tất cả chỗ

7. Bát bối xả quán :

Bát bối xả quán tức là tám phép quán có thể trái bỏ (bối xả) cảnh giới Tứ thiền, Tứ định của thế gian, để thành tựu pháp xuất thế gian. Tám phép bối xả quán là :

1) Trong có sắc tướng, ngoài quán sắc để trái bỏ cảnh giới Sơ thiền.

2) Trong không sắc tướng, ngoài quán sắc, để trái bỏ cảnh giới Nhị thiền.

3) Quán thanh tịnh để trái bỏ cảnh Tam thiền và Tứ thiền.

4) Quán trái bỏ Hư không vô biên xứ

5) Quán trái bỏ Thức vô biên xứ

6) Quán trái bỏ vô sở hữu xứ

7) Quán trái bỏ Phi tưởng, phi phi tưởng xứ

8) Quán trái bỏ Diệt thọ tưởng

8. Bát thắng xứ quán :

Thắng có nghĩa là thù thắng, là hơn, tám phép quán này về cảnh sở duyên, cũng như công đức thu thập được trong khi tu hành, đều thù thằng hơn tám món Bối xả nói trên, nên gọi là “Bát thắng xứ quán”.

1) Trong có sắc tướng, ngoài quán ít sắc, thắng xứ.

2) Trong có sắc tướng, ngoài quán nhiều sắc, thắng xứ.

3) Trong không sắc tướng, ngoài quán ít sắc, thắng xứ.

4) Trong không sắc tướng, ngoài quán nhiều sắc, thắng xứ.

5) Quán sắc xanh, thắng xứ

6) Quán sắc vàng, thắng xứ

7) Quán sắc đỏ, thắng xứ

8) Quán sắc trắng, thắng xứ

9. Lục diệu pháp môn

Lục diệu pháp môn là sáu pháp môn mầu nhiệm sau đây :

1) Sổ, 2) Tùy, 3) Chỉ, 4) Quán, 5) Hoàn, 6) Tịnh.

10. Bát niệm quán :

Với phép quán tám niệm sau nầy, thiền giả sẽ trừ được sự sợ hãi khi tu Cửu tưởng và sẽ được đạo quả :

Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm Giới, Niệm Xả, Niệm Thiên, Niệm hơi thở ra vào, Niệm Chết (nhớ chết).

11. Thập quán tưởng :

Thập quán tưởng gồm có :

Tưởng vô thường, Tưởng khổ, Tưởng vô ngã, Tưởng ăn vật bất tịnh, Tưởng thế giang không vui, Tưởng chết, Tưởng bất tịnh, Tưởng đoạn, Tưởng lìa, Tưởng hết.

12. Cửu thứ đệ định :

Cửu thứ đệ định là 9 món thiền định mà thiền giả sẽ tuần tự theo thứ lớp tu luyện, từ Sơ thiền đến Tứ thiền, rồi đến Tứ định và cuối cùng, cộng thêm định Diệt thọ tưởng là chín món tất cả.

13. Sư tử phấn tấn tam muội :

Với pháp thiền này, hành giả bắt đầu tham thiền như pháp Cứu thứ đệ định nói ở trên, nghĩa là bắt đầu từ Sơ thiền đến thiền định thứ chín là Diệt thọ tưởng định, rồi đi ngược trở lại, từ thiền thứ chín đến Sơ thiền. Thiền giả tới lui trong thiền định một cách thông suốt, tự tại, đường hoàng, oai nghi như dáng đi đứng, tiến thoái của con sư tử, nên gọi là “Sư tử phấn tấn tam muội”. Kết quả của lối thiền này, nếu được hoàn toàn siêu việt thì thiền giả sẽ là Bồ tát, nếu không hoàn toàn tự tại và chưa siêu việt thì thành Thanh Văn.

14. Ba mươi bảy món trợ đạo :

Thiền giả cũng có thể lấy một pháp môn hay nhiều pháp môn trong số 37 món trợ đạo để tham thiền, tu luyện. Ba mươi bảy món trợ đạo đã có nói rõ trong Phật học Phổ thông khóa III. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhắc qua để quý độc giả nhớ lại thôi :

Ngũ căn, Ngũ lực, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Tứ niệm xứ, Thất Bồ đề phần, Bát chánh đạo phần.

NÓI RÕ VÀI PHÁP MÔN CỦA NHỊ THỪA THIỀN

Như chúng ta đã thấy ở trên, pháp tu của Tiểu thừa thiền rất nhiều, nếu nói cho rốt ráo, tỉ mỉ thì sẽ vượt ra ngoài hạn lượng của tập sách nhỏ nầy. Nhưng nếu nói một cách phớt qua, thì độc giả không biết y cứ vào đâu để hạ thủ công phu trong lúc sơ khởi. Vì thế, chúng tôi xin trích đăng lại đây vài phương pháp quán trong “Ngũ đình tâm quán” để hành giả thuận tiện tu hành.

QUÁN SỔ TỨC

Bất luận trong công việc gì, sự định tĩnh của tâm trí là một yếu tố chính yếu để thành công. Nhất là công việc tu hành, sự định tĩnh tâm thần lại càng quan trọng hơn nữa. Người tu hành mà tâm trí luôn luôn tán loạn, học trước quên sau, học sau quên trước, tư tưởng thiếu tập trung, thì dù có khổ tâm tu tập, cũng khó được kết quả khả quan. Vì thế phần nhiều trong các tôn giáo, người ta thường có những phút “lắng lòng”, tập trung tư tưởng vào bên trong để khám phá nội tâm và soi sáng lẽ đạo. Riêng về đạo Phật thì có những phép quán tưởng hay thiền định, chúng ta sẽ tìm hiểu trong các kinh sách nói về thiền định.

Hôm nay chúng tôi xin đề cử một vài phương pháp trong Ngũ đình tâm quán, mà pháp quán đầu tiên là Sổ tức. Sở dĩ chúng tôi nói bài quán Sổ Tức trước là vì khi đi sâu vào các pháp quán, thiền giả trước tiên, phải biết quán là gì ? quán như thế nào ? và phải có một tâm trí định tĩnh không tán loạn. Muốn được thế, trước tiên phải tập quán Sổ tức. Khi quán sổ tức đã thuần thục rồi, thì các pháp quán sau mới có kết quả, nghĩa là mới có thể trừ diệt dần các tâm bệnh : tham, sân, si, mạn v.v…

Quán Sổ tức là đếm hơi thở. Quán là tập trung tư tưởng để quan sát, phân tích hay suy nghiệm đến một vấn đề. Sổ tức quán là tập trung tâm trí để đếm hơi thở ra vào của mình, mà mục đích là để đình chỉ tâm tán loạn.

VÌ SAO PHẢI ĐÌNH CHỈ TÂM TÁN LOẠN ?

– Tâm trí chúng ta bị muôn việc ở đời chi phối, khi vui khi buồn, khi lo việc nầy khi suy nghĩ chuyện khác, khi mừng khi giận, khi thương khi ghét, không bao giờ được định tĩnh. Dù cho ta có ngồi yên một chỗ, khoanh tay lại, tâm trí chúng ta cũng không ngừng nghĩ, mà vẫn sống với đời sống lăng xăng rộn ràng của nó. Bao nhiêu hình ảnh phức tạp, như một cuốn phim hiện lên trên màn ảnh của trí óc, và mỗi hình ảnh như thế lại mang theo nó một cảm tưởng vui buồn thương ghét, cho nên khi ta ngồi yên, chỉ là để cho thân xác được yên nghĩ, chứ còn tinh thần thì vẫn hoạt động, có nhiều khi lại hoạt động nhiều hơn cả lúc làm việc. Hầu hết chúng ta đều khổ tâm, bực tức về sự hoạt động lỗi thời ấy của tâm trí chúng ta : Không muốn nhớ nữa mà vẫn cứ nhớ, không muốn thương nữa mà vẫn cứ thương không muốn giận nữa mà vẫn cứ giận. Làm chủ thể xác đã là khó, mà làm chủ tinh thần lại càng khó hơn. Nhất là trong thế giới máy móc, phức tạp ngày nay, một thế giới đầy màu sắc rộn ràng âm thanh chát chúa, hình ảnh kỳ dị, một thế giới cuồng loạn như thế, trí óc không mạnh mẽ vững vàng, thì rất dễ bị rối loạn. Vì thế, theo các bảng thống kê của các nhà bác học, số người mắc bệnh điên mỗi ngày mỗi nhiều trong thế giới ngày nay.

Riêng trong phạm vi nhỏ hẹp, chúng ta cũng nhận thấy có nhiều người học hành chẳng nhớ, gặp việc hay quên, niệm Phật không thành công, tham thiền quán tưởng chẳng kết quả, đều do sự tán loạn tâm trí mà ra.

Vậy muốn học hành mau nhớ, gặp việc không quên, niệm Phật được bất tâm bất loạn, tham thiền quán tưởng được thành tựu, đều cốt yếu là phải làm sao cho tâm trí được yên tĩnh.

Vì sao tâm trí được yên tĩnh, thì dễ đạt được những kết quả như trên ? Ta hãy lấy một thí dụ thông thường mà nhiều người đã kinh nghiệm : Khi ta học một bài thuộc lòng hay làm một bài toán vào lúc hoàng hôn hay giữa cảnh náo nhiệt, thì ta thấy vất vả khó khăn vô cùng, vì suốt ngày tâm ta đã mệt mõi tính toán lăng xăng, phân tán theo trần cảnh. Trái lại, cũng bài học đso, hay bài toán đó, mà trong buổi khuya thanh vắng, một mình một bóng với ngọn đèn, thì ta học bài rất mau thuộc, làm bài rất mau xong, tâm tánh ta hình như thông minh sáng suốt phi thường. Vì sao vậy ? Vì buổi khuya mới thức dậy, tâm trí ta yên định, chưa bị trần cảnh chi phối.

Ta có thể đặt một thí dụ thứ hai nữa, để vấn đề càng thêm sáng tỏ : Một cây đèn dầu, mặc dù rất lớn ngọn, nhưng khi thắp lên, bị gió tứ phía đàn áp phải lung lay, leo lét khi mờ khi tỏ, có nhiều khi gần muốn tắt. Một ngọn đèn như thế chỉ làm hao dầu rất nhiều, chứ không thể soi sáng được gì hết. Nhưng khi chúng ta lấy ống khói chụp lại, gió không đánh bạc được nữa, ngọn đèn đứng thẳng và tỏa ánh sáng khắp gần xa, chiếu phá được một vùng bóng tối trong đêm trường.

Cũng như ngọn đèn bị gió bạt kia, tâm hành giả bị bát phong xuy động, thất tình lục dục chi phối, lục trần bủa vây, làm cho tán loạn, không soi sáng được gì cả. Vậy hành giả, muốn cho tâm được minh mẫn thì phải đừng cho nó tán loạn, nghĩa là phải định tâm, định càng thâm thì tâm càng tỏ, như ngọn đèn càng đứng lặng, thì ánh sáng càng tỏa. Phật dạy : “Tâm có định mới phát sinh trí huệ, có trí huệ mới phá trừ được vô minh để minh tâm kiến tánh”. Sở dĩ các vị Thánh hiền được biết việc quá khứ vị lai và có nhiều điều thần diệu, đều do tâm đã định mà phát sinh trí huệ sáng suốt, nên mới được như thế. Kinh chép : “Chẽ tâm nhứt xứ, vô sự bất biện”, nghĩa là ngăn vọng tâm lại một chỗ, thì không việc gì chẳng thành tựu. Hành giả muốn cho tâm mình hết tán loạn, được yên định, thì phải tu pháp quán Sổ tức, một pháp quán rất dễ thực hành và rất kiến hiệu, ai cũng có thể làm được.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC KHI QUÁN SỔ TỨC.

Trước khi quán Sổ tức cần phải theo đúng những điều sau đây :

1) Thức ăn : Phải ăn những thức ăn hợp với cơ thể của mình. Nếu ăn đồ nóng nảy quá, thì thân thể sẽ bị bức rức, tâm sanh loạn động. Trái lại, nếu ăn những vật sanh lãnh, không tiêu hóa được, thì thân thể nặng nề, lừ đừ dễ sanh buồn ngủ.

2) Đồ mặc : Phải mặc cho hợp thời tiết. Khi trời nực phải mặc đồ mỏng, khi trời lạnh, mặc đồ ấm. Nếu trái lại thân thể mất sự điều hòa, quán lâu có kết quả.

3) Chỗ ở : Phải ở chỗ thanh vắng, thì sự tu quán mới mau được thành công. Nếu ở chỗ ồn ào, đối với người mới tu, không sao khỏi bị loạn động.

4) Thời giờ tu : Nên lựa những giờ thanh vắng, như 10 giờ đêm, hay 4 giờ khuya. Nếu ở thành thị thì lựa giờ nào gia đình ngủ hết, chung quanh bớt tiếng động.

5) Tắm rữa : Thân thể phải thường tắm rữa sạch sẽ, để khỏi ngứa ngáy bức rức trong người.

6) Cách thức ngồi : Phải ngồi kiết già (hai chân tréo xấp lại gọn, thúc vào bắp vế cho sát), hoặc ngồi bán già (chân mặt tréo lên chân trái hay chân trái tréo lên chân mặt, thúc sát vào vế cho gọn gàng). Cách ngồi nầy đầu tiên chưa quen, không sao khỏi bị tê chân (chỉ tê chân khi đang ngồi thôi), qua thời gian hết tê thì đau mõi cả hai chân. Khi hết đau mõi, về sau ngồi bao lâu cũng được.

7) Lưng : Lưng phải ngồi thẳng như vách tường, để cho các khớp xương sống ăn chịu vào đều nhau, như thế ngồi mới lâu được. Hành giả nên xem tấm vách tường kia, nhờ nó đứng thẳng, các viên gạch ăn chịu đồng đều, nên mới đứng lâu được, nếu hơi nghiêng, cố nhiên nó phải ngã.

8) Hai tay : Hai cánh tay để vòng xuôi xuống, hai bàn tay để trên hai chân, tay mặt gát lên tay trái, cách thức như Phật ngồi.

9) Cổ và đầu : Cổ phải thẳng, đầu hơi ngã tới, hai mắt chỉ mở phần tư (nếu mở mắt lớn thì tâm bị loạn động, còn nhắm mắt lại thì sanh hôn trầm).

PHƯƠNG PHÁP SỔ TỨC

Khi đã ngồi yên ổn và đúng như cách thức đã nói trên, hành giả bắt đầu đếm hơi thở. Trước khi đếm, phải thở ra hít vào chín mười hơi thật dài, để cho hơi thở điều hòa và những trược khí, uất kiết, nặng nề trong người đều tuông ra cả, và thay thế vào bằng những thanh khí mát mẻ, trong sạch của thiên nhiên.

Khi thở ra, hành giả phải tưởng : “Những điều phiền não, tham, sân, si, các chất bẩn trược trong người đều bị hơi thở tống ra sạch hết, không còn một mảy may nào”. Khi hít vào, hành giả nên tưởng “Những chất nhẹ nhàng trong sạch sáng suốt của vũ trụ đều theo hơi thở thấm vào bủa khắp thân tâm”.

Khi đủ mười hơi rồi, hành giả bắt đầu thở đều đều, không dài không ngắn, không mau không chậm, phải thở nhẹ nhàng như hơi rùa thở. Nếu thở mau và dài thì tâm sanh loạn động, còn thở chậm và ngắn, thì tâm sanh hôn trầm, hoặc bị uất kiết, có khi lại sanh ra giải đãi, rồi tâm dong ruổi duyên theo ngoại cảnh. Nên phải thở cho nhẹ nhàng và đều đặn, không mau không chậm, thì trong người mới được thơ thới khỏe khoắn.

Từ đây mới bắt đầu đếm hơi thở. Phương pháp đếm hơi thở có bốn cách như sau :

1) Đếm hơi thở : Nghĩa là thở hơi ra đếm một, hít vào đếm hai, thở hơi ra đếm ba, hít vào đếm bốn, đếm cho đến mười, không thêm, không bớt, rồi bắt đầu từ một cho đến mười lại. Cứ đếm đi đếm lại từ một đến mười, trong khoảng nửa giờ, một giờ hay hai giờ tùy ý.

2) Đếm hơi chẵn : Nghĩa là hít vào rồi thở ra đếm một, hít vào rồi thở ra lần nữa đếm hai, cứ tuần tự như thế đếm cho đến mười. Khi đến mười rồi, lại bắt đầu đếm một cho đến mười lại, mãi như thế cho đến nghỉ.

Phương pháp đếm hơi thở nầy rất thông dụng, xưa nay người ta thường dùng, và đếm hơi thở ra dễ hơn, khỏi bịnh tồn khí (chứa hơi lại trong phổi).

3) Đếm thuận : Nghĩa là đếm theo hai cách trên, cách nào cũng được, nhưng tuần tự từ một đến mười.

4) Đếm nghịch : Nghĩa là cũng dùng hai cách đếm trên, nhưng đếm ngược lại từ mười đến một.

Bốn phương pháp nầy, tùy ý hành giả muốn dùng một phương pháp hay cả bốn phương pháp thay đổi cho nhau cũng được. Miễn sao thuận tiện cho mình và khỏi lộn, là thành công, nghĩa là đối trị được tâm tán loạn.

NHỮNG ĐIỀU LẦM LỘN THƯỜNG XẢY RA TRONG KHI ĐẾM HƠI THỞ

Những điều lầm lộn mà hành giả thường mắc phải trong khi mới bắt đầu tu phép Sổ tức là :

1) Tăng : Nghĩa là thở ít mà đếm nhiều, đếm nhảy vọt, như mới ba liền đếm năm, hoặc mới năm liền nhảy đếm lên tám v.v…

2) Giảm : Nghĩa là thở nhiều mà đếm ít, đếm thụt lùi, đếm thụt lùi, như đến bốn rồi lại đếm ba, hay bảy rồi lại đếm sáu v.v…

3) Vô ký : Nghĩa là không rõ mình đã đếm đến mấy rồi.

Mỗi khi lầm lộn như thế, phải bắt đầu đếm lại. Phải tập cho đến khi nào không còn mắc phải những lầm lộn nói trên, thì tâm trí mới được yên tịnh.

Tóm lại, quán Sổ tức là một phương pháp đối trị tâm tán loạn rất hiệu nghiệm và rất thông dụng trong các môn phái của Phật giáo, từ Tiểu thừa cho đến Đại thừa, từ các nước Á châu đến Tây phương. Nhất là trong các giới Phật tử Nhật Bản và Âu châu, pháp quán nầy rất được thịnh hành. Người tu hành áp dụng pháp này thì tâm hết tán loạn, niệm Phật mau được “nhất tâm bất loạn” tham thiền quán tưởng mau được thành công.

Không những kẻ tu hành, người thế gian cũng nên tu theo pháp quán nầy, thì thân thể sẽ được khỏe mạnh, tinh thần sẽ được yên tịnh thư thái, trí huệ lại sáng suốt, học hành mau nhớ, suy tính phán đoán công việc làm ăn được mau lẹ và phân minh.

Nhưng trong mọi công việc gì cũng vậy, muốn thành công, tất phải kiên nhẫn bền chí. Phương pháp dù hay đẹp bao nhiêu mà thiếu chuyên tâm trì chí, thì cũng không đưa đến kết quả khả quan nào cả. Chúng ta hãy xem người lái đò chèo ngược nước kia, nếu chèo được năm bảy mái chèo lại buông tay ngồi nghỉ, thì không những chẳng đi tới được bến bờ đã định, mà còn thụt lùi rất xa nữa. Cổ nhân cũng dạy “Giả sử có một thứ giống gì dễ trồng, mà một ngày nắng, mười ngày lạnh, thì giống đó cũng khó sinh”. Vậy hành giả đừng nên thấy pháp quán này dễ mà kinh lờn, giãi đãi, tu một ngày nghỉ mười ngày, làm như thế tất nhiên không bao giờ được thành công.

Ngoài sự chuyên cần, hành giả còn phải theo đúng lời chỉ dẫn trên nầy, áp dụng đúng phương pháp thì mới được kết quả mỹ mãn.

Là Phật tử, phải thực hành pháp môn Sổ tức nầy để cho tâm trí hết tán loạn, trí huệ dễ phát sinh, vô minh chấm dứt và trở lại với bản tâm thanh tịnh của mình.

Nói một cách thiết thực hơn nữa, nếu muốn tu các pháp quán trong “Ngũ đình tâm quán”, mà chúng tôi sẽ đề cập đến, trong những bài sau, trước tiên phải tập quán cho thuần thục pháp Sổ tức nầy. Nếu pháp quán nầy chưa thành công, nghĩa là tâm đang còn tán loạn, mà vội quán những pháp quán khác, như “Bất tịnh quán, Từ bi quán v.v…” thì chẳng khác chi xây lầu trên cát, thế nào cũng sẽ bị sụp đổ.

QUÁN BẤT TỊNH

Trong thế gian nầy, không có ai là không tham sống. Sự tham sống nầy vô cùng mãnh liệt, vì nó được di truyền tiếp nối từ muôn vạn thế kỷ cho đến nay. Vì tham sống nên chúng sanh tìm hết mọi cách để được sống, để nuôi dưỡng thân mạng, và để duy trì sự sống. Vì tham sống nên người ta bất chấp cả sự bất công, phi lý và tàn nhẫn, xấu xa mà mình có thể phạm đến đổi với những người và vật khác ở chung quanh. Vì tham sống, người ta đã không từ chối hiếp đáp, giành giựt, cướp bóc, chém giết người đồng loại, và có khi cả đến những đồng bào thân thích nữa. Tóm lại, sự tham sống là một nguyên nhân chính của khổ đau, tàn phá và chết chóc.

Vả lại, càng tham sống bao nhiêu lại càng sợ chết bấy nhiêu. Mà đã sợ thì không bao giờ có thể vui được.

Hơn nữa, có ai sợ chết mà thoát được chết đâu ? Đã có sống thì tất phải có cái trái lại là chết. Chúng ta thấy đó, lòng tham sống đem lại cho ta biết bao hậu quả tai hại, buồn thảm, xấu xa.

Nhưng cuộc đời, thân mạng, thật có quý báu, thật có xứng đáng cho chúng ta tham lam, mến chuộng đến thế không ?

Để xét đoán đúng đắn giá trị của thân mạng. Đức Phật dạy chúng ta thực hành một pháp quán. Pháp quán đó mệnh danh là “Quán bất tịnh”.

“Bất tịnh” nghĩa là không sạch sẽ, trọn lành. Quán bất tịnh tức là quán sát một cách tỉ mỉ, cùng tột thân con người, để nhận thấy rõ ràng nó là không trong sạch, như hầu hết người đời đều lầm tưởng.

QUÁN BẤT TỊNH NHƯ THẾ NÀO ?

Trong bài thứ bảy của tập Phật Học Phổ Thông khóa III, chúng ta đã biết sơ qua về pháp quán Bất tịnh như thế nào rồi. Nhưng trong bài đó, chúng ta chỉ mới biết một phần của pháp quán bất tịnh mà thôi, nghĩa là hành giả, muốn thấy thân xác là bất tịnh như thế nào, thì vào “thi lâm” (rừng bỏ xác người chết) để quán sát. Nhưng quán sát như thế, cũng chỉ mới biết một phần của cái thân bất tịnh nầy mà thôi. Hơn nữa, cái phần ấy cũng không phải là phần quan trọng, vì nó thuộc về giai đoạn sau khi chết. Nhất là đối với hạn người có quan niệm : “chết là hết”, thì “quán thây ma” như thế chưa phải là phương thuốc mầu nhiệm, để họ nhàm chán cái thể xác của mình và của người khác. Muốn cho họ nhàm chán, ghê tởm cái thể xác thì phải chỉ cho họ thấy tận mắt cái “bất tịnh” của nó, từ khi nó bắt đầu thành hình cho đến khi nó bị hủy hoại, từ trong cho đến ngoài, từ thể cho đến tướng. Để sự quán sát được rốt ráo, hành giả phải chia thành năm phần, tuần tự như sau :

– Quán chủng tử bất tịnh

– Quán trụ xứ bất tịnh

– Quán tự tướng bất tịnh

– Quán tự thể bất tịnh

– Quán chung cánh bất tịnh

Dưới đây chúng tôi sẽ lần lượt giải rõ năm phần quán trên.

1) Quán chủng tử bất tịnh : Chủng tử là một hột giống, là yếu tố hay nguyên nhân để phát sinh. Sự vật nào cũng có nguyên nhân của nó. Thân ta là vật hữu vi, dĩ nhiên cũng phải có chủng tử của nó. Chủng tử của thân mạng gồm có hai phần : Phần tinh thần và phần vật chất. Phần tinh thần nầy cũng gọi là thần thức. Thức nầy là nơi dung chứa tất cả nghiệp nhân lành, dử của thân, khẩu, ý trong quá khứ, vì thế, nên cũng gọi là tạng thức (tạng hay tàng nghĩa là nơi chứa nhóm). Khi con người chết cái tạng thức ấy vẫn còn, và theo nghiệp lực thiện ác của nó mà dẫn sanh ở các loài, hoặc trầm luân, hoặc giải thoát. Nó là chủ nhân ông của kiếp sống, là sinh lực chính của loài hữu tình.

Cái tạng thức hay thần thức nầy lẽ dĩ nhiên là không bao giờ trong sạch cả, vì nó là kết tinh của những nghiệp nhân phiền não : tham, sân, si. Hễ tham, sân, si…là nhiễm ô, là bất tịnh.

Đã bất tịnh thì tất phải tìm bạn bất tịnh mà kết giao (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu). Thần thức nầy, để thể hiện một đời sống khác, đã gá vào, hòa mình vào một vật chất bất tịnh. Chất ấy tức là cái điểm hòa hiệp của tinh cha, huyết mẹ. Nói một cách khác rõ ràng hơn, tức là cái thai mới kết tụ vậy. Mà tinh huyết là gì ? Chính là hai chất hôi tanh ở trong con người. Sự bất tịnh của nó, tưởng không cần nói, ai ai cũng đã rõ.

Xem thế thì đủ biết cái chủng tử, cái điểm khởi đầu của một thân mạng con người, từ tinh thần cho đến vật chất, đều là nhiễm ô bất tịnh cả, không có gì đáng để tự hào và quý chuộng.

Trong khi quán, hành giả vận dụng, tập trung ý lực để tưởng tượng một cách rõ ràng, như thấy trước mắt tất cả sự bất tịnh của chủng tử, để mà nhàm chán thân người, dẹp lòng tham luyến.

2) Quán trụ xứ bất tịnh : Trụ xứ là chỗ ở. Như chúng ta đã thấy ở đoạn trên, chủng tử, cái thai hay con người mới cấu thành là một khối hôi tanh, thì nơi ở của nó cũng không sạch. Kẻ xấu xa dơ bẩn thì tìm hoàn cảnh xấu xa, dơ bẩn mà sống, đó là một lẽ thường, không có gì mà khó hiểu. Nói một cách rõ ràng hơn, chỗ ở của cái thai mà chúng tôi muốn nói đây, tức là cái bào thai. Cái bào thai, không nói, ai cũng biết là một cái bọc chứa đầy máu nhớt tanh hôi, dơ bẩn. Cái bào thai nằm lẫn lộn và lớn dần trong cái bọc bé nhỏ dơ bẩn ấy, như trong một cái ngục tối. Nhưng trong ngục, dù sao cũng còn có khoảng trống để xê dịch, còn có cửa thông hơi để ánh sáng và không khí lọt vào. Chứ trong bào thai, thì cái thai phải nằm co rút lại, đầm mình trong những chất nước, máu và nhớt vô cùng hôi tanh, và không có được một chút không khí hay ánh sáng mặt trời lọt vào. Cái thai phải sống trong hoàn cảnh ấy, không phải chỉ một ngày, một tuần hay một tháng, mà phải đến chín tháng mười ngày mới thoát ra được. Không trách gì, khi mới sinh ra chào đời, nó đã khóc thét lên…Cụ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều thì bảo nó…

“Khóc vì nỗi thiết tha sự thể,

Ai bày trò bãi bể nương dâu”.

Nhưng theo chỗ chúng tôi nghĩ, nó khóc vì thiết tha cho sự thể vô thường thì chỉ một phần, mà khóc vì tủi cực, khóc để phản đối sự giam cầm quá lâu lắc quá tàn nhẫn, quá thiếu vệ sinh, quá mất “nhân phẩm” thì đến mười.

Vậy quán trụ xứ có nghĩa là vận dụng toàn lực ý niệm để nhận chân một cách rõ ràng như thấy ở trước mắt cái dơ bẩn, cái bất tịnh của bào thai là chỗ ở của chủng tử, hầu dẹp lòng rạo rực ham muốn tham đắm sắc thân người.

3) Quán tự tướng bất tịnh : Sau khi đã thoát bào thai mà ra chào đời bằng những tiếng khóc, đứa bé bắt đầu sống một đời sống riêng biệt, có đầy đủ giác quan để tiếp xúc với ngoại cảnh, có đủ bộ phận cần thiết để điều hòa cuộc sống thể xác của mình. Những giác quan bên ngoài và bộ phận bên trong ấy, thường bài tiết những chất dơ bẩn, hôi hám, do đó, ta biết rằng cái thân nầy không trong sạch. Vậy quán tự tướng bất tịnh là quán những hình tướng không sạch sẽ, mà mỗi người đều có thể nhận thấy được, khi nhìn qua cái hình tướng bên ngoài của xác thân…

Trong mỗi thân xác, ngoài những lỗ chân lông thường bài tiết những chất mồ hôi là những thứ nước gần giống như nước tiểu, còn có chín lỗ nữa. Mỗi ngày cũng tiết ra nhiều chất dơ bẩn, hôi hám, gớm ghiết. Chín lỗ ấy là : đường đại, đường tiểu, miệng, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, và hai con mắt. Chín lỗ này chẳng khác gì chín “cái lỗ cống”, lớn có, nhỏ có, để thải những thứ nhơ nhớp trong người ra. Nói một cách không quá đáng, thì chín lỗ cống nầy còn dơ hơn cả những lỗ cống ta thường thấy ở các đô thị nữa. Thật thế, một lỗ cống dơ nhất cũng chỉ chứa đựng những thứ nước tiểu, phẩn, đờm, mũi, dãi, ghèn, nhưng ít ra những lỗ cống ấy cũng còn pha trộn và chảy theo với nước lã, chứ chín lỗ trong người chúng ta, chỉ bày tiết rặt những thứ nguyên chất nói trên, mà không pha trộn với nước lã như các lỗ cống ở đô thị.

Đây là nói khi thân xác còn đang mạnh khỏe, cường tráng, chứ khi đau ốm, già nua thân xác không tự làm chủ được nữa, thì những lỗ ấy tự động xuất phát, hay tự do để cho các thứ dơ bẩn trong người chảy ra, thì lại càng ghê ghớm hơn nữa. Những lúc ấy thì những “nguyên chất” nói trên lại càng hôi hám, ung độc không khí rất gay gắt, khó thở hơn nữa.

Những điều chúng tôi nói trên đây không phải là quá đáng. Nếu bình tâm mà xét, chúng ta sẽ thấy thân của mỗi chúng ta thật đáng ghê tởm. Nhưng ít khi chúng ta thừa nhận như thế, vì từ lâu đời lâu kiếp, với tánh mê chấp, với tâm tham đắm, nhãn quan của chúng ta như có một bức màn nhung lụa phủ ngang, nên chúng ta trông cái gì cũng thấy đẹp. Và cho đến khi bức màn ấy đã bị xé toang rồi, sự thật xấu xa, dù có bày ra lộ liễu trước mắt, chúng ta cũng bàng hoàng, không cho là thật. Vì thế cho nên hành giả muốn thành công và nhàm chán cái thân này, phải quán tưởng nhiều lần, từ ngày này sang ngày khác, cho đến khi nào nhận thấy một cách rõ ràng thân nầy quả thật là bất tịnh mới thôi.

4) Quán tự thể bất tịnh : Như chúng ta đã thấy chín lỗ cống trong người, mỗi ngày bài tiết không biết bao là thứ nhơ nhớp. Vậy chắc chắn bên trong thân xác, những chất liệu cấu kết nên thể xác chúng ta, cũng không trong sạch được. Vậy quán tự thể bất tịnh là quán sát cái thể chất của thân người, để nhận thấy nó bất tịnh như thế nào.

Thể chất của con người đại khái gồm có ba chất : Chất cứng như xương, tóc, lông, móng tay v.v…Chất lõng như máu, nước miếng, nước mắt v.v…Chất sệt (không cứng mà cũng không lõng) như mỡ, óc, tủy v.v…Trong các chất ấy, dù cứng, mềm, hay lõng cũng chẳng có thứ nào là trong sạch.

– Về chất cứng, như tóc chẳng hạn, là một vật mỹ quan để chưng diện trên đầu. Thế thường ai cũng quý nó. Nhưng nếu không săn sóc nó một cách chu đáo, không sữa soạn nó một cách công phu, nghĩa là không trâm cài, lượt giắt, không chải chuốt, gội rữa, xức ướp nước hoa, mà để bê tha cho nó tự do quét bụi, tự do dầm sương dãy nắng, tự do rối nùi lại để làm ổ cho trứng chí sinh nở, thì dù cho không xua đuổi, người ta cũng chạy dài, không dám lại gần. Đó là chưa nói khi nó bị đốt cháy hay rời da đầu, rơi vào thức ăn hay vào trong miệng, thì thật là nguy hiểm vô cùng. Tóc là thứ ở nơi cao quý của người mà còn bất tịnh như vậy, thì những thứ khác như ruột, gan v.v…lại còn bất tịnh biết chừng nào ?

– Về chất lõng, thì nước miếng là sạch nhất, vì nó được ở trong miệng là nơi hằng ngày được lau chùi súc rữa nhiều nhất. Thế mà lúc ra khỏi miệng, dù là của kẻ khác hay của chính mình, rủi bị dính vào mặt vào áo, thì ta liền có những cử chỉ tỏ rõ sự nhờn gớm ngay.

– Về chất sệt, thì não là phần quan trọng và được ở trong đầu óc là nơi cao quý nhất. Nhưng thử tưởng tượng, khi chúng đi xe hơi chẳng hạn, rủi bị tai nạn, người ngồi bên cạnh ta bị để đầu, não trắng như đậu hủ tung tóe vào mặt mày chúng ta, thì chắc chắn những người thiếu bình tỉnh sẽ chết giấc vì ghê tởm.

Chỉ đơn cử một vài thí dụ trên, cũng đủ thấy rõ được cái bất tịnh của những chất cấu tạo thành thân thể chúng ta. Nếu nói nhiều hơn nữa lại càng thấy bất tịnh nhiều nữa, và chắc chắn một số quý độc giả sẽ nhờm gớm mà không đọc tiếp nữa.

5. Quán chung cánh bất tịnh : Chung cánh ở đây là muốn nói cái giai đoạn hư hoại của thân người sau khi trúc hơi thở cuối cùng. Vậy quán chung cánh bất tịnh nghĩa là quán cái bất tịnh của thân người sau khi chết.

Đây là thời kỳ chung kết của mấy mươi năm sinh trưởng của thân thể. Trong kinh Đức Phật đã bảo : Thân người do tứ đại giả hiệp mà thành, như thế dĩ nhiên khi chết, xác con người phải trả về cho tứ đại. Trước hết, là hơi thở về với phong đại. Kế là hơi ấm trở về với hỏa đại. Tiếp theo là chất lõng trong người trở về với thủy đại, và cuối cùng chất cứng và sệt như thịt xương…hóa lần theo địa đại. Nhất là hai thứ sau nầy, trong thời kỳ mềm hư, tan rã, thì trên thế gian nầy không còn thứ gì nhơ nhớp, hôi hám, ghê tởm hơn nữa. Dù cho xác chết trước kia là người thân mến nhất đời, nhưng để năm bảy ngày chưa kịp tẩn liệm, chôn cất, thì ta vẫn ghê tởm, không thể đến gần bên cạnh mà không bịt mũi. Sự thật tàn nhẫn nầy được phơi bày nhan nhãn khắp nơi trong những giai đoạn chiến tranh. Nói một cách tổng quát từ kẻ sang đến người hèn, từ kẻ giàu đến người nghèo, từ kẻ già đến người trẻ, từ kẻ đẹp đến người xấu, ai ai đến giai đoạn chung cánh nầy, cũng chỉ có một mùi giống nhau : mùi hôi, một chất như nhau : chất nhơ nhớp. Cái bất tịnh của con người trong giai đoạn kết thúc nầy đã rõ rành rành, tưởng không cần phải giải bày thêm nữa. Vả lại, trong bài thứ bảy của tập Phật học Phổ thông khóa thứ ba, cũng đã nói một cách tường tận đến cái bất tịnh của thân người trong giai đoạn nầy rồi. Nếu quý độc giả nào không nhớ, xin hãy đọc lại đoạn ấy.

Tóm lại, qua năm giai đoạn quán bất tịnh nầy : chủng tử, trụ xứ, tự tướng, tự thể và chung cánh, chúng ta đã có một quan niệm rõ ràng, chân xác về cái bất tịnh của thân người. Cả một thời gian dài đăng đẳng, từ lúc đầu thai đến khi bị vùi xuống đất, quả thật thân người không tìm thấy một tí gì thơm sạch. Dầu có tài hùng biện đến đâu, cũng không ai có thể ngụy biện cho cái thân bất tịnh trở thành thanh tịnh được.

MỤC ĐÍCH CỦA QUÁN BẤT TỊNH

Có người sẽ hỏi : Tại sao trong khi cuộc đời đã xấu xa, đau khổ, mà Đức Phật lại còn vạch thêm cho người ta thấy cái dơ bẩn nhớp nhúa của thân người làm gì ? Tại sao không cho người đời có cái ảo ảnh rằng thân người là đẹp đẽ, trong sạch để họ có thể tự an ủi và quên lãng một phần nào cái xấu xa của kiếp người, mà lại cho làm đời thêm chán chường tuyệt vọng khi nhận rõ cái thân bất tịnh của mình ?

Trước tiên, chúng ta phải nhận định dứt khoát rằng : Đạo Phật là “Đạo như thật”, đạo của chân lý, Đức Phật không muốn lừa phỉnh chúng sinh, lấy xấu làm tốt, lấy dở làm hay, hoặc trái lại.

Thứ đến, chúng ta đừng bao giờ quên rằng : chính cái vọng tưởng rằng thân người là thơm sạch, đẹp đẽ gây tai họa lớn cho người đời. Vì lầm tưởng thân người có giá trị quý báu, nên đối với chính thân mình thì người ta nâng niu, cưng dưỡng, tìm hết mọi cách, không từ một hành vi xấu xa nào để nuôi dưỡng phụng sự nó, đối với thân người khác giống thì say mê, đắm đuối, tìm mọi cách để chinh phục, làm của riêng của mình. Vì sự đánh lầm giá trị, tham đắm sắc thân giả dối ấy mà cuộc đời chung cũng như cuộc đời riêng, đã xấu xa lại càng thêm xấu xa, đã đen tối lại càng thêm đen tối.

Lại nữa, khi đã đánh lầm giá trị lấy xấu làm đẹp, lấy dở làm hay, lấy thúi làm thơm, thì tất nhiên cái đẹp cái hay, cái thơm chân thật sẽ bị bỏ rơi, không còn được biết và dùng đến. Loài người vì đã tham đắm cái xác thân nhỏ hẹp, xấu xa, ngắn ngủi, mà bỏ mất cái tâm rộng lớn đẹp đẽ trường tồn.

Vậy Đức Phật khi đã xé tan cái màn ảo ảnh bao bọc xác thân và làm lộ nguyên hình cái xác thân bất tịnh là nhằm mục đích hướng tầm mắt và sự hoạt động của kẻ tu hành vào cái giá trị chân thật đẹp đẽ, rộng lớn và trường tồn hơn.

Nhưng chúng ta cũng đừng nên kết luận một cách sai lầm rằng : cái thân nầy đã là bất tịnh, thối tha, thì hãy diệt ngay nó đi, như năm chục vị Tỳ kheo đã làm, sau khi nghe Phật thuyết pháp về cái thân thể bất tịnh. Làm như vậy là đã xét đoán một cách nông nỗi, máy móc! Đừng khinh trong núi đất dơ không có ngọc, chớ cho trong bể nước mặn không có vàng. Chớ nên tưởng rằng trong thân thể bất tịnh nầy không có Phật tánh, mà đi tìm Phật tánh ở đâu xa. Đức Phật thường dạy: “Mỗi chúng sinh đều có Phật tánh”. Trong kinh Lăng Nghiêm, ngài lại phát minh Phật tánh “bất sanh diệt” trong cái sinh diệt. Phật tánh hay tánh bất sinh diệt là căn bản tinh thần của ta đó. Nó thì vô hình nhưng không mất, lẫn lộn trong “bất tịnh” mà thường vẫn thanh tịnh.

Biết lợi dụng cái thân bất tịnh, vô thường nầy mà tìm ra cái “tịnh” cái “thương”, ấy là bổn ý của Đức Phật khi dạy pháp quán tưởng nầy vậy.

Chơn tâm con người vẫn là thanh tịnh, nó nằm sẵn trong thân bất tịnh của mỗi chúng sinh.

Nhưng vì người đời bị phiền não tham, sân, si lôi cuốn, phỉnh gạt nên say mê quay cuồng đeo đuổi theo ngũ trần, lục dục, mà không thấy được bản tâm thanh tịnh.

Muốn chận đứng sự tham đắm quay cuồng ấy, Đức Phật dạy phải quán bất tịnh.

Vậy quán bất tịnh có mục đích :

– Đối trị lòng tham dục, chứ không phải để chán đời, tự hủy diệt thân mình.

– Dứt trừ vọng niệm và giác ngộ Phật tánh, để tiến mạnh trên đường giải thoát cho mình và cho người.

– Nhưng, vàng không tự nhiên nằm sẵn trong tủ, ngọc chẳng phải nằm khơi trên đất. Phật tánh cũng vậy : Nó không tự biến cho ta khi ta an nhiên ngồi đợi. Vậy kẻ tu hành muốn thành tựu phép quán nầy để giác ngộ Phật tánh, cần phải gia công tu luyện, và nhất là phải trau dồi ba đức tánh sau đây :

– Sáng suốt (trí huệ) : Đừng để cho dục vọng làm mờ mắt, lấy giả làm chân, lấy xấu làm đẹp. Đừng hời hợt nhìn bên ngoài, mà phải sâu sắc nhìn vào bên trong.

– Thành thật : Thấy thơm thì nói thơm, thấy thúi thì nói thúi, đừng tự ái, đừng thiên vị, chỉ một mực tôn thờ sự thật, dù sự thật ấy làm cho ta đau lòng, buồn tủi.

– Kiên nhẫn : Phải bền tâm, trì chí, đừng thấy khó mà ngã lòng, đừng thấy đường dài mà lùi bước. Ở đời không có công việc gì tốt đẹp mà chẳng gặp khó khăn. Một nữa sự thành công là do ở kiên nhẫn. Nếu chúng ta có đủ ba đức tánh nói trên, thì nhất định ta sẽ thành tựu tốt đẹp trong pháp quán bất tịnh nầy.

VÀI CÂU CHUYỆN ĐẶC BIỆT CỦA NHỊ THỪA THIỀN

a) Một thiền giả ở đời Tùy : Đời nhà Tùy ở Trung Hoa, có một đệ tử của Ngài Huệ Viễn, tu pháp Diệt tận định, tọa thiền trong bọng cây đại thọ. Vì ngồi lâu năm chày tháng, thiền giả dần dần bị thân cây bọc lại, không còn vết tích gì nữa. Đến đời Đường, nhà vua sai người lên rừng đốn cây về tu bổ cung điện. Thợ rừng đốn nhằm cây ấy, đem về cưa đến khúc có thiền giả ngồi, thì cây chỉ nháy lửa ra, chứ không đứt. Thợ cưa lấy làm lạ, bổ ra xem, thì thấy một khối tròn, giống hình người ngồi. Nhà vua cho đăng bảng hỏi dân chúng, xem có ai biết cái khối ấy là gì không.

Trong bảng có hai câu thơ như sau :

“Tá vấn sơn trung cổ lão chùy,

Cá trung tiêu tức hữu thùy tri ?

Dịch nghĩa :

Trong non có khối lão chùy,

Hỏi ai có biết thứ gì hay không ?

Sau một thời gian, có một vị Thiền sư đi ngang qua, thấy tấm bảng đề hai câu thơ trên, đến gỡ tấm bảng, và được lính gác mời vào cung. Nhà vua mừng rỡ, hỏi Thiền sư vật ấy là gì ? Thiền sư trả lời :

– “Tâu bệ hạ, nếu bần đạo hiểu không lầm, thì đây là một vị tu thiền, do sức định kiên cố mà duy trì được thân hình không tan rã và trở thành cứng rắn như thế”

Nhà vua hỏi :

– “Làm sao để thí nghiệm lời giải thích ấy là đúng ?

– Xin cho hai cái linh

Quan hầu đem ra hai cái linh, thiền sư nắm lắc một hồi lâu, thì cái khối ấy từ từ bung ra như cây pháo tre bị sút mối. Đây là những sợi râu, tóc và móng tay của Thiền giả, do nhiều năm không cạo, cắt nên nó quấn tròn lấy thiền giả. Thiền sư lấy dao cạo râu tóc và lấy kéo xắp móng tay cho thiền giả. Bấy giờ thiền giả đứng dậy chào hỏi mọi người, và nói :

– “Tôi nhập định từ đời nhà Tùy”

Nói xong, thiền giả cáo từ mọi người và đi thẳng về núi. Tính ra thì đúng một ngàn năm.

b) Câu chuyện ướp xác của các vị thiền giả ở Nhật Bản : Gần đây, một nhà bác học Nhật Bản, có viết một bài báo so sánh thuật ướp xác của người Ai Cập mấy ngàn năm trước và của các vị thiền sư Nhật ở thế kỷ 13, 14 và cho rằng kỹ thuật ướp xác của các vị thiền sư Nhật, hơn hẳn về mọi phương diện kỹ thuật ướp xác của người Ai Cập, mà từ trước đến nay được xem như là tinh vi, kỳ diệu nhất trên thế giới, và chưa ai có thể bắt chước được. Bài báo nầy đã làm chấn động dư luận thế giới và rất được nhiều tờ báo khác đăng tải lại.

Nội dung bài báo ấy đại khái như sau :

Vào những thế kỷ 13 và 14, ở Nhật các thiền sư sau nhiều năm tham thiền nhập định đã có kết quả, quyết tâm giữ lại cái thân cho được nguyên vẹn, mãi mãi như khi còn sống. Họ tập ăn rất ít và tránh ăn các món có chất dầu mỡ. Dần dần họ chỉ ăn một ít ngũ cốc và hoa quả. Mỡ thịt trong người họ tiêu dần, chỉ còn da và xương. Vào khoảng vài năm cuối cùng, họ chỉ uống nước, để rửa cho sạch ruột gan. Và họ ngồi tham thiền mãi như thế cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Các đệ tử của họ tắm rửa sạch sẽ thân thể của thiền giả, rồi đem đến một nơi chuyên về kỷ thuật ướp xác, để giữ cho thân thể của thiền giả được tồn tại mãi. Sau đó, các đệ tử đặt thiền giả lên bàn thờ.

Theo nhà bác học nói trên, thì lối ướp xác nầy hơn hẳn lối ướp xác của người Ai Cập, vì người Ai Cập khi ướp xác, phải mổ xác người chết, lấy ruột gan ra để khỏi sình thúi, rồi mới tẩm thây vào các chất hóa học, để giữ cho thây đừng tan rã. Còn lối ướp của người Nhật thì không cần phải mổ bụng, lấy ruột gan ra, vì thiền giả trong lúc sinh thời đã tự làm cho các bộ phận trong người sạch sẽ và teo dần. Và vì không mổ bụng, toàn thân được nguyên vẹn như khi sống, cho nên linh khí trong người thiền giả không mất. Hơn nữa, thiền giả trước khi trút hơi thở cuối cùng, vẫn sáng suốt và làm chủ được thân xác mình, chứ không phải bị thân xác chi phối. Và do đó, có thể nói rằng thiền giả vẫn còn mãi mãi ở trong thiền định.

KẾT LUẬN VỀ NHỊ THỪA THIỀN

Các pháp tu thiền của Nhị thừa hay Tiểu thừa nói trên, như quý độc giả đã thấy, nhiều không thể kể xiết. Tuy thế, hành giả muốn cho có kết quả, phải chọn lựa phương pháp nào thích hợp với trình độ của mình, chứ không phải gặp pháp môn nào tu pháp môn nấy được. Sự lựa chọn nầy cũng cần được những bậc thầy hướng dẫn. Vì thế, chúng ta thường nghe ngày xưa các vị chân tu đi “cầu pháp”, hết xứ nầy đến xứ nọ, không quản công lao khó nhọc, có nhiều khi hy sinh cả đến tánh mạng nữa. Cầu pháp nghĩa là tìm cầu minh sư chỉ dạy phương pháp tu hành như ngài Thiện Tài đi tham cầu 53 vị Thiện tri thức, ngài Huyền Trang đi hết nước Trung Hoa rồi sang Ấn Độ để cầu Pháp. Hành giả sau khi được vị minh sư nhận lời, còn phải theo hầu hạ một thời gian rất lâu để vị minh sư ấy quan sát căn cơ trình độ của học trò như thế nào, rồi mới truyền cho phương pháp tu. Có như thế, sự tu hành của hành giả mới có kết quả. Trái lại, nếu vị minh sư truyền lầm pháp môn cho đệ tử, vì không quan sát, thăm dò căn cơ, trình độ một cách chu đáo, như ngài Xá lợi Phất đem pháp Sổ tức dạy người giữ nghĩa địa, hay phép quán Bất tịnh dạy người thợ rèn tu, thì chỉ hoài công vô ích, chứ không kết quả gì hết.

Hành giả cũng nên nhớ một điều nữa, là trên bước đường tu hành chớ nên bôn chôn, nóng nảy vô ích. Sự tu hành cũng như nghề trồng cây, không thể nóng nảy được, người trồng cây, hằng ngày lo vô phân tưới nước, làm đầy đủ bổn phận của mình, rồi kiên nhẫn chờ đợi, đến khi đủ sức, đúng thời tiết, cây sẽ tự đơm bông trổ trái một cách tự nhiên.

Người tu hành cũng vậy, cứ hằng ngày lo tu tập, tích trữ nhiều năm, đến khi công tròn quả mãn, thì được minh tâm kiến tánh.
Hãy nhớ rằng tu hành phải trãi qua nhiều đời nhiều kiếp, chứ không phải mới một hai đời mà thành Phật được.

Add Comment