Bài 9 – Đọc kinh sách

HỌC PHẬT HÀNH NGHI
(PHÉP TẮC CHO NGƯỜI HỌC PHẬT)
Thích Minh Thông Lược dịch và Phụ chú

Bài 9 – Đọc kinh sách

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

Phàm sa-môn, cư sĩ đọc sách, nên phân biệt tà chánh, thiên viên (bất liễu nghĩa, liễu nghĩa). Phàm các loại sách thế gian như sách coi số, sách coi tướng, sách binh trận, sách bói khoa, xủ quẻ, cùng các sách địa-lý, tiên đạo thư, sách thiên văn, sách đồ sấm (hà đồ lạc thư), cho đến ngoại đạo Tế-công xuống cơ (sấm giảng), những phép lô-hỏa, huỳnh bạch, (những phép luyện đơn), những sách thần kỳ, quỷ quái, phù thủy (sách trừ thần, ếm quỷ, vẽ bùa phun nước trị bệnh), Tây Du ký, Phong thần bản (giả thuyết hư cấu), ngụy truyện tài tử, cùng các loại truyện tiểu thuyết thời nay, v.v… đều chẳng nên sanh tâm xem coi tập học. Dù là kinh Phật lại cũng phải nên biện biệt cho rõ chân ngụy (chân thật hay ngụy tạo), tức thuộc chánh Kinh. Lại chẳng được trước chọn kinh ứng phó đạo tràng, kinh sám mà tập học ; (nghĩa là học kinh sách để đi theo người thế tục mà tụng kinh lễ sám và các khoa văn, thủy lục… để đổi những tài lợi trong thế gian).
Lời phụ: Sách coi số: sách coi tuổi tác, giàu nghèo, chết yểu hay sống lâu. Nhà Nho nói: Trời thì có tai hoạn khá cầu, người thì có họa phước khá chuyển. Cho nên làm lành, thời trời ban cho trăm phước. Làm chẳng lành, thời trời ban cho trăm họa. (Trời là chỉ cho công lý tự nhiên, nhơn nào quả ấy). Người xưa nói: một niệm lành thời khí hòa gió tốt, một niệm ác thời yêu tinh quỷ dữ. Giàu sang nghèo hèn, tốt xấu được mất đều do đời trước tự mình gây tạo nghiệp nhân thiện ác, cho nên đến đời này được báo đáp. Tóm lại, y báo, chánh báo thọ quả chẳng đồng, chung quy vẫn tự mình tự gây tạo thiện ác. Nếu có thể dời đổi cố nhiên chẳng phải chỗ khả năng của con người vậy. Họa phước định số đều bởi nhân đời trước. Nhân trước tuy nhất định nhưng làm lành cũng có thể diệt được cái tội xưa. Làm ác quyết tổn phước lành của mình. Làm lành có thể bù lại cái quấy trước. Kinh Niết-bàn Phật nói: “sau khi Ta nhập Niết-bàn rồi, có những người ngu si phá giới, bỏ 12 bộ kinh, đọc tụng các thứ sách vở ngoại đạo, tay viết bài tụng, chứa những vật bất tịnh, nói là Phật cho. Những người như thế, khác nào kẻ đem hương “chiên đàn” tốt, đổi với “ngói gạch”, đem vị cam-lồ ngon đổi lấy chén thuốc độc. Bộ Cảnh Huấn nói: Luật cấm học bậy là vị sợ hại nghiệp chánh. Trong Luận nói: nếu người tu hành, đối với những lời Phật dạy bỏ hẳn không học, trở học những luận tà giáo của ngoại đạo, kinh điển thế tục, ấy gọi là phạm giới.
Nếu trí lực có dư, vì muốn biết giáo điển nội ngoại, cao thấp thế nào, thì có thể xem qua sử sách tông giáo Trung Tây, nền triết học của các nhà v.v… tuy nhiên chỉ có thể lược qua cho biết, song cũng đừng sanh tâm tưởng tập học. Nếu Phật Kinh sớm đã sâu hiểu thấu triệt rồi, phát tâm rộng độ chúng sanh, muốn tạo cơ duyên cho chúng sanh nếu chẳng minh liễu những sách kia ắt không thể được thì lại có thể tạm lược qua. Phán đoán thị phi (phải quấy), khúc trực (cong ngay) ắt phải lấy Kinh Phật làm tiêu chuẩn. Còn như là trẻ thơ, đang ở tuổi vị thành niên không thể không biết những việc phổ thông của quốc dân thì chẳng kể vào đây.
Lời phụ: Dù là bực thượng căn được trí bất động, ở nơi ngày tháng cũng phải 2 phần học Phật-pháp, 1 phần học sách ngoài mà thôi. Bằng học sách thế tục, lời tà giáo của ngoại đạo, ham mến không rời, chẳng sanh tâm buông bỏ, ấy gọi là phạm giới. Bộ Pháp Uyển nói: nếu cứ một mực bỏ nội điển tìm học ngoại điển, thời là mắc tội. Dù hiểu lý thực hành nhưng cũng chỉ tạm học mà thôi. Vì để diệt trừ bọn “ngoại đạo”, rồi phải nhàm bỏ, gắng tu nghiệp nội, chuyên cho thêm rộng. Như trong Kinh Phật nói: vì muốn dẹp bọn ngoại đạo nay phải lượng sức mình, gặp việc bất tài, thần thức tối câm ngu xuẩn, cứu mình không xong, làm sao lợi người được. Sắc hương chẳng thông làm sao biện rành bắp lúa, xin tự nghĩ lại, xét mình mà học, cũng chẳng đặng đem kinh Phật lộn lạo với sách đời. Bởi vì đời bây giờ nhằm thời mạt pháp, mạng người ngắn ngủi, “quỷ vô-thường” rình rập một bên, mai chẳng biết chiều, e một khi vào chốn “Minh-phủ”, nhiều kiếp khó ra, tưởng không đâu được thấy Phật-pháp lần thứ hai nữa. Bằng nói người ta cười mình không biết, chẳng học sách đời, sao bằng người ta hỏi mình nghĩa thú trong kinh, mình không thể đáp đặng!?