Bài 8 – Tiếp đãi khách

HỌC PHẬT HÀNH NGHI
(PHÉP TẮC CHO NGƯỜI HỌC PHẬT)
Thích Minh Thông Lược dịch và Phụ chú

Bài 8 – Tiếp đãi khách

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

Phàm sa-môn, cư-sĩ khi tiếp khách, ngoại trừ tối sơ giao chỉ hỏi thăm qua lại theo lễ, quen biết lâu dần thì nên đem nhân duyên Phật-pháp cùng nhân quả thiện ác, v.v… mà khuyến tấn. Cùng khách đàm luận thì tránh bàn thảo những việc chính trị, chiến tranh, chuyện tranh tụng, cùng hết thảy những lời tạp thoại vô ích ở thế gian.
Lời phụ: Kinh Phạm Võng nói: “nếu Phật-tử, từ Phật đệ tử, lục thân, tất cả thiện tri thức, cho đến ngoại đạo ác nhơn, đều phải khuyên bảo họ trì kinh luật Đại thừa. Nên giải cho hiểu nghĩa lý, khiến họ phát Bồ-đề-tâm, thập phát thú, thập trưởng dưỡng tâm, thập kim cang tâm. Trong 30 tâm ấy, giảng cho họ hiểu pháp dụng tuần thứ của mỗi món. Cư-sĩ ở nhà tức là phát tâm làm Bồ-tát cư gia, tùy thời tùy phương tiện độ hóa người khác vậy. Bồ-đề tâm tức là chí thành tâm, thâm tâm và hồi hướng phát nguyện tâm. Hoặc là Trực tâm, thâm tâm và đại-bi tâm vậy.
Bồ-đề tâm: 1. Tướng phát tâm: thấy tướng sanh tử và Niết-bàn, nhàm chán sinh tử mà phát tâm cầu Niết-bàn, 2. Tức tướng pháp tâm: biết bản tính của sinh tử vắng lặng không khác gì Niết-bàn, lìa tướng sai biệt mới khởi tâm bình đẳng, 3. Chân phát tâm: biết bản tánh Bồ-đề là tự tâm mình, tâm tức Bồ-đề, mà quay về tâm gốc của chính mình.
Trong các phòng khách nên treo một câu niêm yết viết rằng: “Gia đình tôi học Phật, chẳng bàn thế sự, chẳng uống rượu và chẳng ăn các thứ hành hẹ tỏi nén, v.v… chẳng ca múa hát xướng, chẳng làm tổn hại sanh vật, chẳng dùng bốc quẻ xem bói, chẳng hỏi tướng mạng, chẳng thờ phụng tà giáo. E ngại quý khách đến nhà chẳng rõ giới hạn nơi đây nên đặc biệt viết lời thưa trước để tránh việc xảy ra ngoài ý muốn.” Khi mời khách dùng cơm nên dùng đồ chay, chẳng được giết gà làm cá. Vạn bất đắc dĩ thì nên ra chợ mua về để đãi khách, những thứ tịnh nhục này là không thấy giết, không nghe giết, chẳng nghi vì mình mà giết. Tiếp đãi khách nên như vậy và lo ăn cho người làm công cũng lại như thế.
Lời phụ: Bài ca lời tình đều là thứ khêu gợi lòng ái dục, làm tăng trưởng niềm bi ai cho người, (bài ca) khiến người nghe xiêu cảm lòng người, (lời tình) hay rù quyến tình dục cho người, làm thay đổi tánh thường của người, xao động tâm chí người, làm mất chánh niệm của người.
Phật nói: nếu ai y ta làm thầy, thì không được uống rượu và đừng cho người uống, đừng chứa để, cho đến không được lấy ngọn cỏ nhúng rượu rồi nhỏ vào trong miệng. trừ phi có bệnh nặng, lương y bảo phải lấy rượu làm thuốc, thời tạm quyền mở cho, chớ không phải ăn uống hoài hủy. Nếu không bệnh giả bệnh, bệnh nhẹ giả bệnh nặng, đều phạm. Xưa có ông Ưu-bà-tắc nhơn phá giới rượu si mê bèn phá luôn các giới khác. Trong 36 lỗi, một phen uống rượu đủ hết, lỗi chẳng phải nhỏ vậy.
Kinh Tát-chi-ni-càn-tử nói: “rượu là gốc buông lung, muốn khỏi đường ác, đừng uống, thà bỏ trăm nghìn thân, chớ hủy phạm giới pháp. Thà khiến thân héo khô, trọn không uống rượu này, dầu cho tội hủy giới mạng sống đủ trăm năm, chẳng bằng giữ giới cấm, tức thời thân tiêu diệt.”
Kinh Luân Chuyển Ngũ Đạo nói: “làm người ưa uống rượu say, chết đọa vào trong Địa-ngục Phất-Thỉ (cứt đái), rồi đọa trong loài thú tinh tinh (đười ươi), sau sanh làm người ngu si, không biết chi cả.” (như người say mê trong khi uống rượu).
Phàm khi tiếp rước khách tham quan, trước nên đưa đến Phật đường, phòng kinh sách để chiêm ngưỡng Phật-tượng, kinh điển. Thứ đến mới đi tham quan vườn cây phòng khách các nơi. Ngoài ra, các nơi đều nên treo các câu liễn viết những câu cảnh tỉnh, giác ngộ thế nhân. Trong các phòng cũng nên dùng những lời trong kinh Phật để giác tỉnh ý tục. Nếu khách đến có chỗ nhu cầu, hoặc tìm hỏi việc làm hay các việc khác, nên thừa cơ hội này mà nói rằng: “anh có thể niệm Phật giới sát không?” Có thể làm được như thế thì giúp họ, không thể được thì thôi vậy. Phàm khi nói chuyện, chẳng được tự khen mình chê người, chẳng được nói lưỡi hai chiều, nói chuyện thị phi của người. Chẳng được phụng bồi khách đánh đàn, chơi cờ tướng, ca hát cùng đánh bạc các việc… Khi khách ra về, nên lấy kinh sách, chuỗi niệm Phật mà biếu tặng cho họ.
Lời phụ: Kinh Phạm Võng nói: “nếu Phật-tử, tự khen mình chê người, cùng bảo người khác khen mình chê người: nhơn chê người, duyên chê người, cách thức chê người, nghiệp chê người. Là Phật-tử lẽ ra phải thay thế chịu những sự khinh chê khổ nhục cho tất cả chúng sanh, tự mình nhận lấy việc xấu, nhường cho người việc tốt. Nếu Phật-tử tự phô dương tài đức của mình mà dìm che điều hay tốt của người, làm cho người bị khinh chê, thời phạm tội trọng.” Thành Thật Luận nói: “lòng lành dạy bảo, tuy họ biệt ly, nhưng mình không mắc tội. Bằng đem lòng ác, xúi người đánh lộn, tức là hai lưỡi, mắc tội rất nặng đoạn trong ba đường ác, đời đời mắc quả bà con hung dữ và phá hoại gia đình. Là vì đời nay ta phá hoại gia đình bà con người nên mắc phải quả báo biệt ly.
Nếu khi gặp trưởng lão, pháp sư, các vị đại đức đến thăm nên mau ra lễ bái nghinh tiếp, lại nên bảo con cái thân quyến mỗi mỗi đều lễ bái nghinh rước. Lúc ra về cũng nên lễ bái đưa tiễn. Kinh Phạm Võng nói: “nếu Phật-tử, thấy có vị pháp-sư đại thừa, hay những bực đồng học, đồng kiến, đồng hạnh đại thừa, từ trăm dặm, nghìn dặm đến nơi tăng phường, nhà cửa thành ấp, thời liền đứng dậy rước chào, đưa đi, lễ bái cúng dường. Mỗi ngày ba thời cúng dường, trăm thức uống ăn, giường ghế, thuốc men tất cả đồ cần dùng giá đáng 3 lượng vàng đều phải cấp hộ cho pháp-sư. Mỗi ngày: sáng, trưa và chiều, thường thỉnh pháp-sư thuyết pháp và đảnh lễ. Không hề có lòng sân hận buồn rầu. Luôn thỉnh pháp không mỏi nhàm, chỉ trọng pháp chớ không kể thân. Nếu Phật-tử không như thế thì phạm “khinh cấu tội.”
Lời phụ: Phật-tử gặp được pháp-sư đại thừa thì mừng rỡ cung kính, tiếp rước mời về nhà cúng dường, thỉnh giáo chánh pháp để rộng hiểu thêm đường tu hành, chỉ trọng pháp chứ không kể thân thể. Muốn trọng pháp thì trước phải biết trọng người nói pháp mới có thể lãnh thọ được pháp. Cúng dường cơm ăn, áo mặc, giường ghế, thuốc men là thuộc về “tứ sự cúng dường.”
Kinh Phạm Võng nói: đã đắc giới rồi, Phật-tử nên có lòng hiếu thuận và cung kính. Nếu thấy có bực thượng-tọa, A-xà-lê, những bực đại-đức, đồng học đồng kiến, đồng hạnh đến nhà, phải đứng dậy tiếp rước lạy chào, hỏi thăm. Mọi sự đều đúng như Pháp mà cúng dường hoặc tự bán thân cho đến quốc thành, con cái cùng bảy báu, trăm vật để cung cấp các bực ấy. Nếu Phật-tử lại sanh lòng kiêu mạn sân hận ngu si, không chịu tiếp rước lạy chào, cho đến không chịu y theo pháp mà cúng dường, Phật-tử này phạm khinh cấu tội.
Trong Đại Luật – Phật dạy có hai phép học: (1) tụng kinh và hiểu nghĩa. (2) tham thiền và quán tưởng.
Kinh Bát Nhã nói: (1) học tham thiền để khai mở trí tuệ. (2) học kinh để làm rộng thêm trí tuệ. Tuy vậy, bực cổ đức nói: người mà biết nhiều thì việc nhiều, chẳng bằng dứt ý. Lo nhiều thì tổn thất nhiều, chẳng bằng chuyên nhất. Lo nhiều thì lãng trí, biết nhiều thì loạn tâm. Loạn tâm thì sanh phiền não, chí lãng hại đạo.