Bài 5 – Hầu Thầy

HỌC PHẬT HÀNH NGHI
(PHÉP TẮC CHO NGƯỜI HỌC PHẬT)
Thích Minh Thông Lược dịch và Phụ chú

Bài 5 – Hầu Thầy

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

Phàm là sa-môn hầu thầy thì nên y chiếu theo chương thứ 2(*) và chương thứ 3(**) trong oai nghi môn mà học tập, nơi đây chẳng cần thuật lại. Còn là cư sĩ hầu thầy, thì phải thật tâm làm cho tốt giống như hàng con cháu đối với hàng tôn trưởng neo đơn, phải vậy! Chẳng phải chỉ biết nói lời suông. Hầu thầy cũng như làm thị giả hầu phụng sư trưởng vậy, tức nên có một hai tín đồ quy y phụng thị trưởng lão. Lại cũng chiếu theo chương “sự sư oai nghi môn” mà học tập theo, chẳng cần thuật lại.
Lời phụ:
(*) Chương 2: nên dậy sớm. muốn vào cửa, trước hết nên đàn chỉ (khảy móng tay lên cửa) 3 lần. nếu có lỗi, hòa-thượng, xà-lê dạy răn lỗi ấy thì không được nói trả nghịch. Cầm đồ ăn, đồ uống của thầy đều nên bưng 2 tay, ăn rồi dọn đồ thì phải từ từ. Hầu thầy, không được đứng đối diện, không được đứng chỗ cao, không được đứng quá xa; phải (đứng sao) để thầy nói nhỏ mình nghe được, khỏi phí sức thầy.
Nếu hỏi nhân duyên của Phật-pháp thì phải sửa y, lễ bái, chắp tay, hồ quỳ, thầy có dạy thì lắng lòng nghe kỹ, suy nghĩ vào sâu. Nếu hỏi việc thường của trú xứ thì không cần lạy quỳ, chỉ đứng ngay thẳng cạnh thầy, cứ thật trình bày. Nếu thầy mệt mỏi cơ thể hay tâm trí, bảo đi thì nên đi, không được lòng dạ không vui hiện ra sắc mặt. Phàm có những việc phạm giới, v.v… không được che giấu, phải cấp tốc đến trước thầy, thiết tha xin sám hối. Thầy chấp nhận thì tận tình phát lộ, chân thành hối cải, lại được thanh tịnh. Thầy nói chưa xong, không được nói. Không được ngồi chơi chỗ ngồi của thầy, và nằm chơi giường thầy, dùng chơi áo mão của thầy, v.v… Vì thầy đi đưa thư từ, không được lén tự mở coi, cũng không được cho người coi. Đến, người nhận có hỏi, nên trả lời thì trả lời thành thật, không nên trả lời thì khéo lời khước từ câu hỏi ấy. Họ lưu giữ thì không được ở liền, phải nhất tâm nhớ thầy mong về. Thầy tiếp khách thì hoặc đứng chỗ thường đứng, hoặc đứng cạnh thầy, hoặc đứng sau thầy, phải làm cho tai mắt tiếp nhau, hầu thầy cần dùng. Thầy đau ốm thì nhất nhất chú ý chăm sóc, như phòng thất, chăn nệm, thuốc thang, cháo cơm, v.v…
Phàm hầu thầy, thầy không bảo ngồi thì không dám ngồi, không hỏi thì không dám thưa, trừ mình có việc muốn hỏi. Phàm đứng hầu thì không được dựa vách, tựa ghế, mà nên mình ngay thẳng, chân tề chỉnh, đứng cạnh thầy. Muốn lễ bái, nếu thầy ngăn lại thì nên thuận theo mạng lệnh của thầy, đừng lạy. Phàm thầy cùng khách đàm luận mà lời nói liên hệ đạo pháp, hữu ích thân tâm thì đều nên nhớ lấy. Thầy có sai khiến gì thì nên kịp thời làm cho xong, không được trái, nhác hay khinh thường. Phàm ngủ nghỉ, không được trước thầy. Phàm ai hỏi tên húy của thầy thì nên nói trước chữ chi đó, sau chữ chi đó. Phàm đệ tử thì phải chọn bực minh sư, thân cận cho lâu, không được rời thầy quá sớm; nếu thầy quả thật bất minh thì phải tìm riêng vị lương đạo. Giả sử rời thầy thì phải ghi nhớ giáo huấn của thầy, không được buông lòng tự dụng, tùy theo dòng nước thế tục mà làm việc bất chánh; cũng không được cùng thầy mỗi người ở một nơi mà làm tất cả việc ác trong thế pháp.
(**) Chương 3: Không được ghé qua nhà người khác. Không được dừng ở bên đường cùng người khác nói chuyện. Đến nhà đàn việt nên đứng một bên thầy, thầy dạy ngồi thì nên ngồi. Đến tự viện khác, thầy lạy Phật hoặc mình lạy, đều không được tự chuyên đánh khánh. Nếu đi núi thì phải cầm tọa cụ theo thầy. Nếu đi xa thì không được rời nhau quá xa. Nếu chợt tách nhau mà đi, hẹn ở chỗ nào gặp nhau, thì không được đến sau giờ hẹn.