HỌC PHẬT HÀNH NGHI
(PHÉP TẮC CHO NGƯỜI HỌC PHẬT)
Thích Minh Thông Lược dịch và Phụ chú
Bài 23 – Tống táng hậu sự
Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề
Đại Sư Hoằng Nhất khai thị cho người sắp mất:
1. Khi bịnh chưa nặng: có thể tiếp tục uống thuốc, nhưng phải niệm Phật, không nên nghĩ rằng uống thuốc sẽ lành bịnh.
2. Lúc bịnh nặng: phải buông bỏ hết tất cả, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương (nếu thọ mạng chưa hết, thì sẽ mau lành bịnh), nếu cảm thấy đau đớn, cũng không nên sanh lòng kinh hoảng, mà nghĩ rằng ta đang trả nghiệp, lúc tâm trí còn sáng suốt, phải thỉnh thiện tri thức đến thuyết pháp, khiến cho sanh lòng hoan hỷ.
3. Lúc lâm chung: không nên hỏi di chúc, không nên trò chuyện. Nếu bịnh nhân muốn lau mình, thay quần áo, thì nên y theo ý của bịnh nhân làm, bịnh nhân muốn ngồi hay nằm thì cũng tùy ý của bịnh nhân, không nên miễn cưỡng, phải thỉnh người đến hộ niệm, trong phòng bịnh nhân phải thờ một tượng Phật A Di Đà tiếp dẫn, để cho bịnh nhân trông thấy. Phải luân phiên hộ niệm, khuyên bảo bịnh nhân niệm Phật, tiếng niệm Phật không thể chói tai.
4. Lúc mạng chung: không nên khóc lóc, dời động, lau mình, thay áo, không cần rờ đỉnh đầu xem có hơi nóng hay không, tám tiếng đồng hồ sau, nếu các khớp xương đã cứng, thì nên lấy khăn thấm nước nóng đắp lên, không bao lâu sẽ mềm mại.
Phàm cư sĩ khi trong nhà gặp phải cha mẹ hay người thân quyến lâm chung. Trước lúc người ấy mạng chung, nên lấy chỗ đi về của người lâm chung mà xử sự, phải đem sự việc này thông báo trước cho mọi người trong nhà cùng biết. Trong phòng nên quét dọn sạch sẽ, nên đốt nhang khuyên cả nhà cùng niệm Phật. Luôn lấy cảnh giới tốt đẹp ở tây phương Tịnh-độ để khuyến khích cho người bệnh hướng về.
Lời phụ: Kinh ghi rằng, người lúc lâm chung muốn nghe tiếng chuông, tiếng khánh làm tăng thêm chánh niệm cần thiết ngay trước lúc hơi thở chưa dứt hẳn. Thông Cáo Lúc Hộ Niệm: Thân bằng quyến thuộc đến phúng viếng, đều phải tuân theo những điều sau đây:
1. Trong khi Ban hộ niệm đang niệm Phật, mọi người phải giữ im lặng.
2. Bây giờ là lúc mọi người tỏ ra lòng thành kính, chỉ có niệm Phật, tiếng niệm Phật sẽ giúp cho bịnh nhân an lành tự tại vãng sanh tây phương cực lạc thế giới.
3. Xin quý thân hữu niệm Phật ra tiếng, nếu không biết niệm, thì niệm theo nhỏ tiếng.
4. Trong lúc Ban hộ niệm đang niệm Phật, xin đừng làm bốn điều dưới đây:
Xin đừng đốt giấy tiền vàng bạc. (để tránh không khí làm ô nhiễm, ảnh hưởng mọi người đang niệm Phật)
Xin đừng rờ mó thân thể. (để tránh bịnh nhân động tình ái, khiến cho mất đi chánh niệm).
Xin đừng khóc than thê thảm. (nếu cảm thấy quá đau lòng, xin mời ra bên ngoài)
Xin đừng hỏi han bịnh nhân. (để tránh làm trở ngại bịnh nhân đang niệm Phật)
5. Muốn đàm luận chuyện khác, xin mời đi nơi khác.
***
Đại Sư Ấn Quang khai thị ba điều lúc lâm chung:
1. Phải khéo khai thị an ủi, khiến cho bịnh nhân sắp mất sanh lòng chánh tín. Tha thiết khuyên bịnh nhân, buông bỏ tất cả, nhất tâm niệm Phật, nếu có dặn dò việc gì, bảo họ mau dặn dò, dặn dò xong, bảo họ không nên lo nghĩ chuyện khác, chỉ nghĩ đến ta sắp theo Phật sanh về cõi Cực Lạc, nhất tâm chí thành niệm Phật, nhất định cảm được lòng từ bi của Phật, Ngài đích thân đến tiếp dẫn, liền được vãng sanh.
2. Mọi người luân phiên niệm Phật, để hộ trì tịnh niệm cho bịnh nhân. Tâm lực của bịnh nhân yếu ớt, không thể liên tục niệm lâu dài, ngay trong lúc này phải nhờ người khác hộ niệm, mới được đắc lực. Nên biết rằng: Những người chịu giúp bịnh nhân tịnh niệm vãng sanh, cũng được quả báo người khác hộ niệm cho mình, đừng nói là chỉ vì cha mẹ mới hộ niệm như vậy, cho dù là người không quen biết cũng phải giúp họ hộ niệm, cũng là bồi dưỡng phước điền của mình, giúp cho một người thành tựu vãng sanh tịnh độ, tức là giúp cho một người thành tựu làm Phật, hộ niệm nên chia thành từng nhóm luân phiên niệm Phật, pháp khí chỉ dùng một cái khánh, niệm Phật không mau không chậm, từng chữ rõ ràng.
3. Tuyệt đối không nên dời động hay khóc lóc, e sợ làm hỏng việc. Bịnh nhân lúc sắp phân chia Phàm, Thánh, Người, Quỷ, lúc đó chỉ niệm Phật cho thần thức của họ, không nên lau mình, thay quần áo, dời động, khóc lóc, để cho họ tự nhiên ngồi nằm, vì vậy có thuyết rằng: Đỉnh nóng sanh cõi Phật, nơi mắt sanh cõi trời, ngực nóng sanh cõi người, bụng nóng sanh ngạ quỷ, đầu gối đọa súc sanh, bàn chân xuống địa ngục. Lúc này mọi người nên khẩn thiết mà niệm Phật, không nên thăm dò hơi nóng của người lúc lâm chung, họ quyết định đới nghiệp vãng sanh.
Nếu người bệnh đã dứt hơi thở, người trong nhà chớ nên bi ai khóc lóc, cũng không nên hoang mang vội vã, cần tiếp tục gia công niệm Phật, cùng chung niệm Phật liên tục từ 3 cho đến 5 canh giờ sau mới ngưng nghỉ. Nếu người chết hơi ấm còn chưa tan hết, chẳng nên tô điểm, cũng không được lấy tay sờ mó lên thi thể. Đợi đến khi hơi ấm tan hết, sau đó mới trang điểm tẩm liệm. Chớ nên đốt “quan phiếu” (giấy công cứ) cùng giấy tờ vàng mã tế lễ.
Lời phụ: Ngài Liên Trì nói rằng: “người để tang chỉ buồn thương bên trong không nên để lộ bi thương sầu khổ.” Sau khi dứt hơi thở chờ tàn một cây nhang mới sắp xếp tang lễ, hoặc đưa ra một số việc cần làm, chia đều để tránh tranh cãi nhau.
Nên sắp xếp với nhân viên nhà thương hay nhà quàng không được động tới thân xác trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Trong thời gian đó nên luân phiên niệm Phật không dứt. Sau đó mới tắm rửa, thay quần áo và di chuyển thi hài đi nơi khác. Nếu người chết lúc sống tu hành tịnh nghiệp đến lúc này thời hẳn được người khác trợ lực cũng như gấm có thêu hoa.
Chứng nghĩa ghi rằng: Công tích người lúc sanh tiền tới lúc lâm chung mới trắc nghiệm, không hẳn là người có bịnh hay không bịnh, mà chỉ xem trước giờ ra đi có nhẹ nhàng, tự tại hay không mới biết được mà thôi.
Xin đọc thêm Những Điều Cần Biết Khi Hộ Niệm ở Phần Phụ Lục bên dưới để hiểu thêm.
Khách đến tất cần phải thỉnh họ niệm Phật, nên từ chối tất cả phẩm vật tế lễ bằng các loài súc sinh. Nếu gần đó có bậc tịnh giới sa-môn, nên thỉnh đến niệm Phật, tụng kinh làm đám. Bằng chẳng có, thì hàng cư sĩ tự thân cùng tang quyến tắm gội sạch đốt hương làm lễ, trong “Nghi Đường” nên thiết lập một bàn thờ Phật, rồi cùng chung nhau thiết lễ tụng kinh. Vì thần thức người chết và tâm linh của tang quyến đặc biệt vô cùng gần gũi tương thông. Khi tụng niệm, hàng quyến thuộc càng thêm chí thành khẩn thiết vậy. Bất tất phải y theo tập tục thế gian nhất quyết phải thỉnh cho được Tăng đạo.
Lời phụ: Nếu người chết lúc sanh tiền không tu tịnh nghiệp, thì đến lúc này đây hoàn toàn trông vào tha lực, chính là từ trước lúc tắt hơi thở trở đi niệm Phật ngay cho tới khi nhập quan về sau. Tuy không mong được lợi ích nhiều, nhưng lợi ích có thừa. Chỉ có lúc lâm chung mới qui tụ được người đồng chí phân ban niệm Phật, giúp người mất được chánh niệm vãng sanh. Cho nên niệm Phật là điều không thể thiếu được.
Thứ nữa, trừ các nghi thức thông thường ra, nên dán cáo phó viết thêm vào các khoảng còn trống. Viết rằng: “Trong hàn-xá có tang, cả nhà đều tuân thủ theo Phật chế, chẳng giết sanh mạng, chẳng dùng đồ mặn, các thứ nồng cay, chẳng đốt vàng mã giấy tiền. Quý khách có lòng viếng thăm phúng điếu, ngoài việc dâng hương niệm Phật ra, chẳng dám phiền đến các việc khác.”
Nếu khai đường tế lễ, muốn dùng lễ Nho-gia cũng tốt, chỉ cần lấy việc chẳng sát sanh làm trọng. Phàm quan khách khiêng gánh phải tốn nhiều sức lực thì lấy rượu riêng đãi. Ngày khai đàn giảng linh, nên trước chuẩn bị bày biện một giảng đường, thỉnh một thầy có thể thuyết giảng Phật-pháp tùy thời gian ấn định bao lâu đó, quan khách đều đến ngồi nghe, trong gia quyến cũng đều trải chiếu dưới đất ngồi nghe. Nếu không có giảng sư, trong hàng cư sĩ tự cũng có thể thuyết giảng. Nếu người giảng là cư sĩ thuộc hàng con cháu của người chết, thì chẳng được tự đứng trên đài giảng, mà nên đứng ở chính giữa bên dưới giảng đài, hướng lên mà thuyết giảng, trong nhà mọi người trải chiếu ngồi trên đất. Ngồi tất nên ngồi xếp bằng, khiến cho quan khách thảy đều sanh tịnh cảm.
Lời phụ: Đã nhập quan xong, đặt quan tài nơi trượng thất, bày các đồ cúng như lúc sống. Giữa pháp tòa trên đặt chân dung và bài vị. Nhân tuần thất thì thiết bày phẩm vật phụng cúng, ngoài ra, lư nhang, bình hoa phải chăm sóc gọn gàng sạch sẽ, đốt nhang liên tục, hai buổi dâng trà, cơm, thức ăn cúng dường.
Nếu có bậc trưởng lão và quan chức hàng tôn quí phúng viếng, môn đồ lạy đáp lễ cho phải phép. Tiếp đón các vị khách cho đủ lễ nghi không nên thiếu sót, thì đám mới trang trọng; đồ đạc của họ không di dời chỗ khác.
Lại trong nhà chẳng nên dùng phèn la chiên trống inh ỏi, nên lấy “pháp loa” (kèn ốc, hay tù và) làm hiệu lệnh, dùng ống sáo, ống tiêu để hòa nhạc tiếc thương. Trước cổng treo một lá phang dài, lá phang có thể dùng vải hay giấy, đính lên phía trên hình Phật phóng quang tiếp dẫn. Lúc khởi hành, cầm lấy phang này đi hàng trước dẫn đường. Quan khách có nhiệm vụ tống táng, có thể không cần dùng đồ trắng, nhưng trên vai mang băng-rô cài hoa sen, mầu sắc có thể là xanh hồng lục trắng đều được, không nhất thiết phải dùng thuần trắng; Nếu dùng màu trắng, thì trên vải trắng nên viết sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, khiến cho mọi người nhìn thấy đều nhiếp niệm Phật hiệu, trợ giúp kia vãng sanh. Trên đường gặp người điếu viếng cũng lại như vậy. Nên chuẩn bị trước một bài văn Tịnh độ, nói rõ lý do ở trong đó. Trên quan tài nên an trí đài hoa sen, ở giữa đài hoa sen an trí tượng Phật tiếp dẫn, để cải đổi tập tục dùng chim bạch hạc. Còn trong suốt thời gian trên đường đi đều nên xưng niệm danh hiệu Phật, như xướng bái bài Tán Hương vậy, dùng trường vận hợp với sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật niệm rải dài ra, để tránh trường hợp người trước người sau sai lệch chẳng đồng. Khi đưa tiễn đến đầu núi, mọi người cùng chung tụng một cuốn A Di Đà Kinh, xưng niệm danh hiệu Phật chừng 1 canh giờ rồi mới giải tán.
Lời phụ: Phật dạy: Tăng viên tịch nên thiêu tán, làm cho lìa phần đoạn thân tạm thời đó mà chứng pháp thân thường trụ. Người thế gian thấy việc này không theo kịp, cho rằng thiêu xác là vô tình bất nhẫn.
Ở một vài nước Phật giáo như Tây Tạng, chủ trương thiên về hỏa táng và điểu táng. Vì theo họ, làm tan hoại xác chết càng nhanh thì càng dễ dàng cắt đứt sự luyến ái và chấp thủ về sắc thân, giúp cho thần thức nhanh chóng thoát ly tham ái tự ngã, để thành tựu giải thoát.