Bắc Tông Phật Giáo Tư Tưởng Luận – tập 3 BẮC TÔNG PHẬT GIÁO THỰC TIỄN LUẬN: CHƯƠNG 7 HIỆN THỰC VÀ TỊNH ÐỘ

BẮC TÔNG PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN

Tác giả: Kimura Taiken
Hán dịch: Thích Diễn Bồi

Việt dịch: Thích Quảng Độ

———-O0O———-

CHƯƠNG THỨ BẢY
HIỆN THỰC VÀ TỊNH ÐỘ

TIẾT THỨ NHẤT
HAI SỨ MỆNH LỚN CỦA PHẬT GIÁO

Ðến đây, tôi thiết tưởng nên nói qua về sự điều hòa giữa cuộc sống lý tưởng và cuộc sống thực tế trong Phật Giáo như thế nào.

Phật Giáo, trên phương diện học vấn, đã dần dần coi trọng việc nghiên cứu. Có thể nói, Phật Giáo Nhật Bản từ khi du nhập, có lẽ chưa bao giờ mà sự nghiên cứu thịnh hành như ngày nay. Ngày xưa, những người học Phật là những người đặc thù chứ chưa phải nhất ban, phổ biến như ngày nay. Ngày nay, số tăng lữ tuy có nhiều nhưng ít người có học. Trái lại, giữa đám người phổ thông đã có rất nhiều người lưu tâm nghiên cứu Phật Giáo, do đó, ta thấy thành tích nghiên cứu vô cùng phong phú. Trong các trường Ðại Học của chúng ta cũng có nhiều cơ quan Phật Giáo, số giáo thụ và trợ giáo cùng số giảng sư cũng đã tăng thêm rất nhiều; số sinh viên chuyên môn nghiên cứu Phật học mà không hẳn là tăng lữ cũng tăng lên nhiều, thế rồi trong các giảng đường số thính giả phụ nữ cũng nhiều. Nhìn vào hiện trạng đó, ta thấy sự nghiên cứu Phật Giáo ngày nay thật phi thường thịnh hành. Có lẽ chúng ta có thể tự hào mà nói rằng, Nhật Bản là nơi trung tâm nghiên cứu Phật Giáo. Sự nghiên cứu Phật học đã phổ biến như thế cho nên sự nghiệp xã hội do Phật Giáo đồ tạo dựng cũng rất nhiều và nhìn vào những hoạt động ấy khiến người ta phải ngạc nhiên. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều làm cho người ta hoàn toàn thỏa mãn.

Về phương diện học vấn tuy nỗ lực nghiên cứu học vấn, nhưng làm thế nào để xuy động xã hội thực tế? Về điểm này, từ trước, ta thấy một phong-khí thờ ơ. Còn về mặt xã hội thì người kinh doanh chuyên đứng trên bản vị sự nghiệp cho nên chủ yếu đại khái là theo phong khí Châu Âu, chẳng hạn, những trường học Chủ nhật, cô nhi viện, v.v.. Tuy phỏng theo phong khí Âu Mỹ, nhưng căn cứ trên nguyên lý căn bản của Phật Giáo thì ta thấy nó thiếu hẳn tinh thần và khí phách, do đó mà mất tính cách triệt để. Thí dụ, một lớp học Chủ nhật được đặt tại một ngôi chùa, đến ngày giờ học thì bỗng có người đến xin cúng đám, thế là đám cúng được coi là chủ yếu mà lớp học thì biến thành phụ thuộc, rồi nhà chùa cho biết hôm đó nghỉ học. Ðứng trên lập trường tinh thần căn bản của Phật Giáo mà nói thì tác phong ấy hoàn toàn thiếu sót. Căn cứ theo điểm này, Phật Giáo, về mặt học vấn tuy được phổ cập hơn trước, nhưng về mặt xã hội, dùng động lực căn bản để xuy động sự nghiệp thì còn có nhiều khuyết điểm.

Tôi thường tự nghĩ, theo Phật Giáo, đặc biệt là theo lập trường của Tịnh Ðộ chân tông mà nói, giả sử có người vô ý rớt xuống sông và gần chết đuối, người Phật tử khi gặp trường hợp như thế thì cần phải làm gì để giúp kẻ bất hạnh? Nên bảo cho họ biết là họ không còn hy vọng thoát chết và phải niệm mười câu danh hiệu Phật rồi buông tay trôi theo dòng nước, hay tuy biết rằng không còn cách nào cứu họ thoát chết, nhưng vẫn thản nhiên nhảy xuống nước để mong cứu họ? Trong hai cách đó, đáo cùng cách nào phù hợp với tinh thần căn bản của Tịnh Ðộ chân tông? Hiển nhiên đây là vấn đề không dễ gì mà điều hòa được.

Nói theo lập trường của Tịnh Ðộ chân tông, thế giới này là thế giới ô uế. Giả sử có người té xuống nước, không muốn cho họ ra khỏi mà muốn họ niệm Phật lần cuối cùng rồi cứ thế mà trôi đi, về phương diện Tịnh Ðộ thì thái độ đó không thích đáng. Tuy biết không thể làm được nhưng vẫn cứ tìm đủ mọi phương pháp, hoặc hy sinh tính mệnh của mình để cứu người: đó có phải lập trường “lân mẫn chúng sinh” của Phật Giáo không? Vấn đề này nên phải giải quyết như thế nào? Vì phạm vi của Phật Giáo vô cùng rộng rãi, nên tư tưởng chán ghét uế độ cũng có, mà tư tưởng khẳng định hiện thế cũng có, vậy thì vấn đề đó, theo lập trường Phật Giáo phải giải quyết như thế nào? Về điểm này, có rất nhiều người nghiên cứu Phật Giáo chưa được rõ. Như vậy sự nghiên cứu Phật học tuy có vẻ rất tiến bộ, nhưng theo một ý nghĩa nào đó mà nói thì nó cũng có vẻ lạc hậu. Ðó là một điều đáng tiếc! Trong khi nghiên cứu chúng tôi thường lưu tâm đến vấn đề này. Chúng tôi tự hỏi nên phải xử lý như thế nào khi đem lý tưởng Phật Giáo thích ứng với lập trường căn bản của xã hội thực tế? Vấn đề này chúng tôi đề xuất một cách sơ lược hai sứ mệnh lớn của Phật Giáo như sau:

1. Yêu cầu giải thoát.

2. Hoàn thành việc kiến thiết một thế giới tốt đẹp hơn.

Hai phương diện trên đây tuy đều nằm trong Phật Giáo, nhưng nếu không điều hòa được nó thì đó là một khuyết điểm lớn. Trên thực tế, có thể điều hòa được không? Về điểm này, ở một nơi khác tôi đã từng nói qua, nên ở đây không cần lập lại căn cứ giáo lý của Phật Giáo mà chỉ trực tiếp đề cập đến cái kết luận của sự quan sát giữa hai cương mục lớn trên đây.

TIẾT THỨ HAI
LÝ TƯỞNG TỊNH ÐỘ KẾT HỢP HAI SỨ MỆNH LỚN

Như vậy là Phật Giáo, trên phương diện tổng thể, gồm có hai đề mục lớn, và phải điều hòa chúng như thế nào? Ðây thật là vấn đề trọng đại trong Phật Giáo.

Ðứng về mặt yêu cầu giải thoát mà nói thì đại khái cần phải phủ định sinh hoạt hiện thực, còn việc kiến thiết một “Thế giới tốt đẹp hơn” thì vì thuộc hiện thực nên trong đó không tránh khỏi sự mâu thuẫn. Ðiều này đem đối chiếu với Phật Giáo sử Nhật Bản thì Phật Giáo Nhật Bản vì lạ Ðại Thừa, nên vào triều đại Nam Lương, Phật Giáo đồ đã tận lực cải tạo xã hội thành một nơi tốt đẹp hơn như Hạnh Cơ, Quang Minh hoàng hậu, v.v. đều là những nhân vật mô phạm. Nhưng đồng thời với việc cải tạo xã hội, chủ nghĩa giải thoát cũng thịnh hành, nhất là đến cuối triều đại Bình An, điều này rất rõ rệt. Như đọc tiểu thuyết, ta thấy như Tây Hạnh Pháp sư đều là những người vì tránh phiền lụy ở đời mà xuất gia, tìm cầu đạo giải thoát. Tuy đó chỉ là tiểu thuyết, nhưng truyện đã được dựng nên và miêu tả một cách rất thù thắng và lý thú. Trên thực tế, chính tôi cũng muốn cái lối sống đó được hiển hiện trên thế gian nà. Bỏ tất cả mọi sự tình ở đời để sống một cuộc sống tịch tĩnh, đứng về mặt toàn thể xã hội mà nói tuy là một việc khó nhưng cũng muốn biểu hiện ít nhiều. Thế gian dần dần đã biến thành trường cạnh tranh kịch liệt, người làm ác cũng nhiều, kẻ tuyệt vọng cũng lắm, những người đó cuối cùng muốn trốn tránh thế gian, mong tìm cuộc sống bình thản trong các đạo việc. Từ xưa, Phật Giáo Nhật Bản vốn đặt trọng tâm trong rừng núi nên các đạo việc tu hành mới có được bầu không khí thanh tịnh tịch mịch. Nhưng ngày nay rủi ro Phật Giáo Nhật Bản đã tiến đến cái gọi là “Tự viện kinh doanh” cho nên dần dần các cảnh chùa không còn thích hợp cho đạo giải thoát chân chính, cho tổ chức khai ngộ nữa: đó thật là một tình trạng bi thảm. Theo tôi, Nhật Bản nên phải có mười nơi thanh tĩnh để cho những người đã vứt bỏ tất cả mọi phiền lụy ở đời cư trú, nhưng ngày nay người ta không còn tìm thấy một nơi nào như vậy, thật là một điều đáng tiếc! Tại Tích Lan có rất nhiều nơi như thế. Như những người Ðức xuất gia mà tôi biết đã nói Phật Giáo Nhật Bản không phải là Phật Giáo chân chính thế rồi họ bỏ để qua Tích Lan. Ngày nay tại Tích Lan, một mặt nghiêm trì giời luật, tu Thiền định, mặt khác nghiên cứu và phiên dịch Phật điển bằng văn Pàli. Riêng tôi, tôi rất hâm mộ sự sinh hoạt này.

Song theo lập trường cố hữu của Ðại Thừa thì trên đây là phương diện thuộc Tiểu Thừa giáo. Tinh thần chân chính của Ðại Thừa Phật Giáo tuy an trụ ở giải thoát, nhưng đồng thời cũng lấy việc thanh tịnh hóa xã hội hiện thực làm lý tưởng để hướng thượng. Gần đây Phật Giáo đồ Nhật Bản rõ ràng đã chú mục vào các vấn đề xã hội, muốn đóng góp phần mình vào công cuộc tiến hóa và phát triển của xã hội, đó thật là kết qủa của tinh thần giác tỉnh trong Phật Giáo, thật đã muốn căn cứ vào tinh thần Ðại Thừa mà theo dõi hành tích và hảo ý của Hạnh Cơ Bồ-Tát và Quang Minh hoàng hậu vậy. Song thật ra những hoạt động đó vẫn chưa được phổ cập, phần lớn các tự viện vẫn chưa ý thức được nhiệm vụ xã hội của mình, chẳng qua mới chỉ biểu hiện một cách hình thức giải thoát pháp hoặc pháp sự mà thôi. Do đó, tuy có lưu tâm đến hai sứ mệnh lớn của Phật Giáo đồ tôi có sách động nhưng đại khái thì công việc của họ rột cuộc cũng chỉ có tính cách đầu voi đuôi chuột mà thôi.

Vậy thì cái phương pháp chung cực để điều hòa giữa lý tưởng giải thoát và lý tưởng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn phải như thế nào? Về điểm này tôi có lý luận khó hiểu nhưng đưa ra đồ án giải quyết chính là lý tưởng của Tiểu Thừa chuyên về chủ nghĩa giải thoát, thành ra Tịnh Ðộ cá nhân không có lý tưởng xã hội; còn lập trường của Ðại Thừa thì có thệ nguyện “trên cầu đạo Bồ Ðề, dưới hoá độ chúng sinh”, lấy tiêu ngữ “giai cộng thành Phật, tất cả đều thành Phật” làm lý tưởng, cho nên mới biến toàn thể xã hội thành một Vương Quốc lý tưởng, do đó trong Ðại Thừa mới có Tịnh Ðộ. Mà lý tưởng Tịnh Ðộ đó đứng ở một phương diện mà nói thì lấy hiện thực không hoàn toàn làm mục tiêu giải thoát siêu việt và ở một phương diện khác, cũng có mục tiêu xây dựng một thế giới rất hoàn toàn, cho nên, ở đây mới biến giải thoát thành sự kiến thiết quốc độ lý tưởng. Song, tôi cũng nói là Tịnh Ðộ nhưng có nhiều quan niệm khác nhau, cho nên do cách giải thích tương tự mà cũng có ý nghĩa phủ định hiện thực. Trong các Tịnh Ðộ quan xưa nay, khuynh hướng này rất rõ rết. Nhưng trong toàn thể Phật Giáo cũng có phương diện muốn kiến thiết Tịnh Ðộ như thực ngay trong hiện thực giới. Bởi vậy, hãy lấy đó làm trung tâm để nói qua về Tịnh Ðộ quan sau đây.

Trên đại thể, tôi tưởng nên chia Tịnh Ðộ quan của Phật Giáo thành ba loại:

1. Quán Chiếu Tịnh Ðộ.

2. Tha phương Tịnh Ðộ.

3. Tịnh Ðộ trong tương lai ở ngay cõi này.

TIẾT THỨ BA
QUÁN CHIẾU TỊNH ÐỘ

Trước hết hãy nói về Quán Chiếu Tịnh Ðộ, đây là một phương pháp dựa vào tâm thanh tịnh mà cải tạo hiện thực thành một loại Tịnh Ðộ. Thế giới này cứu kính là tốt hay xấu? Hợp vối tâm ý hay trái với tâm ý? Quyết định điều đó như thế nào? Thông thường người ta lấy dục làm tiêu chuẩn: Họp với lòng dục là tốt, mà trái với lòng dục là xấu. Chẳng hạn trời mưa mà lặn lội trở về nhà, nếu cảm thấy chán nản thì mưa trở thành đáng ghét, nhưng nếu trừ được lòng tư dục của người ta vốn là vô hạn, do đó ở thế giới này không thể có sự không thể có sự thỏa mãn lòng dục. Cho nên nếu lấy dục làm tiêu chuẩn thì thế gian này là một cảnh giới bất mãn thường xuyên, là một vũ đài của khổ não. Trái lại, nếu bỏ được lòng dục, dựa vào tâm thanh tịnh mà cải tạo thế giới, thì đó là sự triển khai một thế giới tốt đẹp. Trong Tịnh Ðộ quan của Phật Giáo, đã lấy lòng dục vĩnh viễn không được thỏa mãn làm lý tưởng thì thế giới này tuy là khổ giới, nhưng nếu chúng ta trừ khử sự lợi hại của cá nhân mà nhận xét thì thế giới này tự nó sẽ sáng sủa. Trong kinh Duy Ma đã phát sinh nghi vấn cho thế giới này do Phật Giáo hóa mà sao lại ô nhiễm. Ðể trả lời, đức Phật bảo là tại tâm chúng sinh ô nhiễm nên mới thấy thế giới này bất tịnh, nếu chúng sinh diệt được lòng tư dục nhơ nhớp thì lập tức sẽ thấy thế giới này trong sạch và tươi đẹp. Ðó là ý nghĩa câu văn rất nổi tiếng “tâm tịnh nhi quốc độ tịnh”. Ðúng! Dưới mắt chúng ta, một cánh hoa rơi hay một tàu lá rụng không gợi lên một ý nghĩa gì cả, nhưng dưới mắt một nhà thơ nó có một ý nghĩa xao xuyến, khó tả. Tức là nếu đứng trên lập trường ly dục mà nhận xét thì tất cả đều đẹp, đều là nghệ thuật. Nếu ta cảm thấy mưa là chán ghét thì vẻ đẹp của mưa không thể hiện ra được; và nếu cho tuyết lạnh thì cái vẻ đẹp của tuyết cũng không thể thấy. Nếu bỏ được lợi hại của tự kỷ mà nhìn thì mưa hay tuyết đều có vẻ đẹp của nó. Phật Giáo gọi phương pháp tư tưởng đó là Quán Chiếu Tịnh Ðộ và Liên Hoa Tạng thế giới là tiêu bản của nó.

TIẾT THỨ TƯ
THA PHƯƠNG TỊNH ĐỘ

Thứ đến Tha-Phương Tịnh Ðộ. Quán Chiếu Tịnh Ðộ căn cứ vào tự tâm thanh tịnh mà nhận xét tất cả đều đẹp, tất cả đều là sự phát hiện của lý niệm Chân-như pháp tính. Theo lập trường này mà nhận xét thì các loài hữu tình cư ngụ trên toàn thế giới đều là Bồ-Tát, đều là thiện nhân: đó là cái thông quy của Tịnh Ðộ quan. Song, đứng trên lập trường luân lý mà nói thì điều đó trở thành kết luận hết sức phiền toái. Giả định tất cả đều là Bồ-Tát, là thiện nhân, thì những kẻ ác mà chúng ta thường gọi là giặc cướp, sát nhân, những kẻ đốt nhà v.v… đều biến thành Du Hý Tam Muội của Bồ-Tát. Ðương nhiên, những kẻ ác trên màn kịch, dù là giặc cướp hay sát nhân đều đẹp cả, nếu đứng trên lập trường quán chiếu mà nhận xét thì cái thế giới rối bời này cũng có thể được coi như một vở tuồng mà thôi. Nhưng trên thực tế coi thiện, ác như nhau, đáo cùng có phù hợp với chân ý của Phật Giáo không? Ý nghĩa “chư ác mạc tác” ra sao? Ngoài thế giới nghệ thuật ra chúng ta còn phải sống trong thế giới đạo đức, thế giời lợi hại, cho nên không thể nói tất cả đều cùng một duộc_ có người lương thiện cũng có những kẻ sát nhân và trộm cướp, tất cả đều sống trong thế giới lợi hại hiện thực. Còn Quán Chiếu Tịnh Ðộ là cảnh giới đặc thù của các nhà đại thi hào, đại tôn giáo, tuy đáng kính thán, nhưng đối với quần chúng phổ thông thì cảnh giới đó không phải là thông dụng. Nói thế không có nghĩa là hoàn toàn vô hiệu đối với giá trị nhất ban. Tinh thần văn hóa Ðông Phương chính đã được bồi dưỡng nhiều nhờ sức quán chiếu, đó là một sự thật không thể phủ nhận, nhất là nền văn học và nghệ thuật Nhật Bản đã nhờ đó mà được tạo thành. Ðiển hình là tinh thần Trà Ðạo của Nhật Bản, muốn trong cái không gian hữu hạn mà hiện xuất một cái gì vô hạn, có thể nói điều này đã phát xuất một cái gì vô hạn, có thể nói điều này đã phát xuất từ Du Hý Tam Muội của Quán Chiếu Tịnh Ðộ và rất khó hiểu đối với người Tây Phương, vì người Tây Phương chỉ hiểu cái gì được cụ thể hoá mà thôi.

Song đứng về mặt toàn thể mà nói, nếu chỉ có Quán Chiếu Tịnh Ðộ thì chưa đủ; theo điểm này, đem quan niệm lợi hại đối chiếu với những sự xuất hiện xưa nay thì quyết không phải ở thế giới hoàn toàn viên mãn sau khi chết: tức là lý tưởng Tha Phương Tịnh Ðộ. Từ rất sớm, tuy đã có Tịnh Ðộ của Phậ A-Sơ, nhưng phổ thông, Tịnh Ðộ Cực Lạc của Phật Di Ðà mới là Tịnh Ðộ của Phật Giáo. Quán Chiếu Tịnh Ðộ nếu không phải là những cao thủ thì khó có thể hoàn thành, còn tín ngưỡng Cực Lạc Tịnh Ðộ thì bất luận người nào hễ chí tâm tín niệm Phật Di Ðà đều có thể cảm hứng được. Do đó, đứng về phương diện tôn giáo mà nói, Cực Lạc Tịnh Ðộ phổ cập mọi tầng lớp và dễ tin hơn. Ngày nay tại Trung Quốc, bất luận là Thiền Tông hay Thiên Thai Tông đều y vào sáu chữ Nam Mô A Di Ðà Phật mà cầu vãng sinh và điều này đã trở thành nhất trí trong tất cả các tôn phái. Do đó, ta cũng có thể nói Ðại Thừa Phật Giáo do Thiền và niệm Phật chi phối, và điều này không phải ngẫu nhiên.

TIẾT THỨ NĂM
TỊNH ÐỘ TƯƠNG LAI TRÊN CÕI NÀY

Ngoài thế giới này ra, cầu sinh về thế giiới Cực Lạc cố nhiên là một việc tốt, nhưng thế giới này đỐI với chúng ta như thế nào? Tất cả đều lấy thế giới Cực Lạc làm lý tưởng mà coi thế giới này không đáng thì e đó không khỏi là một điều đáng phàn nàn. Ðúng ra chúng ta hiện sống trong thế giới này phải coi nó cũng là nơi đáng sống nữa! Những người vì thấy thế giới này quá bẩn thỉu đâm ra chán ngấy rồi buông xuôi tất cả mà chỉ châm chú vào việc cầu mong sinh sống một thế giới Cực Lạc ở tận đâu đâu thì cũng là cố chấp thái quá. Thế giối này nhơ nhớp, diều đó không ai phủ nhận nhưng tại sao chúng ta không nỗ lực cải tạo nó, thanh tịnh hóa nó, cố tâm biến nó thành một nơi sạch sẽ trang nghiêm? Khi yêu cầu đó được đặt ra tức là người ta phải nghĩ đến Tịnh Ðộ Tương Lai trên cõi này. Ðại biểu cho loại Tịnh Ðộ này là Di Lặc Tịnh Ðộ.

Tín ngưỡng Di Lặc Tịnh Ðộ có hai loại. Một tin rằng hiện nay BồTát Di Lặc ở trên cung trời Ðâu Suất và thường thuyết pháp tại đó và chúng ta, sau khi chết được sinh về cõi trời Đâu Suất. Tín ngưỡng này được gọi là Di Lặc Tịnh Ðộ và đã một thời trở thành Tịnh Ðộ Vãng Sinh Quan Ðược thực hành tại Trung Quốc, Ấn Ðộ và Nhật Bản.

Một loại khác tin rằng trong tương lai Phật Di Lặc sẽ xuất hiện trên cõi này, rồi cùng hiệp lực với Chuyển Luân Vương cải tạo để biến cõi này thành Tịnh Ðộ về hai phương diện văn hóa và tinh thần. Tín ngưỡng này từ xưa đã được các bậc cao tăng đại đức tin mạnh. Tại Ấn Ðộ có nhiều vị La Hán vì tin như thế nên đã nhập định để chời ngày Di Lặc xuất thế. Ở Nhật Bản thì có Hoằng pháp Ðại-sư cũng nói rằng khi nào Di Lặc giáng sinh thì Ngài cũng xuất hiện trở lại và hiện giờ thì đang nhập định. Cho đến nay, ít ra là vùng Cao Dã Sơn vẫn tin như thế. Mà theo tôi, tôi cho rằng tín ngưỡng Phật Di Lặc tương lai này có ý nghĩa rất sâu xa. Sâu xa không phải ở điểm lấy việc vãng sinh Ðâu Suất làm đối tượng, mà ở chỗ trong tương lai Phật Di Lặc sẽ xuất hiện trên cõi này để cải tạo nó thành Tịnh Ðộ. Thời kỳ xuất hiện đó đại khái nói là 56 triệu năm nữa, nhưng niên số này không nhất định. Tóm lại, tín ngưỡng Phật Di Lặc sẽ thanh tịnh hoá thế giới này, biến nó thành Tịnh Ðộ, để đối lại với các Tịnh Ðộ vĩnh viễn ở các phương khác. Như vậy, ở đây ý nghĩa yêu cầu giải thoát và việc kiến thiết một thế giới tốt đẹp hơn có lẽ sẽ được Di Lặc Tịnh Ðộ điều hòa không? Về điểm này, riêng tôi, tôi rất hy vọng như thế. Cái gọi là Tịnh Ðộ và tinh thần đó một cách toàn vẹn, không phải chỉ thuộc ở lĩnh vực tinh thần mà ngay trong vật chất giới cũng có thể thực hiện được những điều đó.

Gần đây có nhiều người than phiền là cuộc sống tinh thần càng ngày càng sút kém, lại cũng có nhiều người nguyền rủa sự tiến bộ của nền văn minh vật chất, tôi cho rằng những quan niệm đó đều không chính xác. Dĩ nhiên, nếu cho chủ nghĩa vật chất là vạn năng thì không nên, nhưng sinh hoạt tinh thần chân chính phải thông qua vật chất mà biểu hiện mới hoàn toàn, lìa vật chất mà cô lập thì tức khắc sẽ mất thăng bằng. Nếu cho vật chất là vật chất, tinh thần là tinh thần, hai cái không tương quan gì với nhau, thì nền văn hóa đó không thể hoàn toàn. Nếu đặt văn hóa vật chất lên hàng đầu mà coi thường tinh thần như thế là quên mất sinh hoạt tự do của tinh thần, cho nên đối với quan niệm cho vật chất là vạn năng, chúng ta cần phản đối, nhưng nếu lại đi quá trớn mà coi tinh thần là độc tôn thì như thế đã bỏ một cực đoan này để chạy sang một cực đoan khác, thái độ ấy cũng sai lầm. Thí dụ: đèn dầu hoặc nến, thế nhưng dầu hay nến cũng vẫn là văn minh vật chất phải bỏ cả chúng đi để dùng ánh trăng. Như thế có thể gọi là văn minh tinh thần không?

Căn cứ theo kiến giải trên đây, Phật Giáo khi nhìn tướng trạng Tịnh Ðộ, thì Quán Chiếu Tịnh Ðộ tuy cũng hệt như thế, nhưng như đã nói trên, Tịnh Ðộ không phải chỉ thanh tịnh viên mãn ở phương diện tinh thần, mà về phương diện vật chất cũng phải là một nơi lý tưởng nữa. Trong kinh văn thường nói về Tịnh Ðộ như sau: “Ðất toàn bằng lưu ly, hàng rào toàn bằng giây vàng, bảy hàng cây báu, đủ các màu sắc và có hoa trái tứ thời”. Nghĩa là tư cách Tịnh Ðộ còn là một cõi rất hoàn bị về phương diện văn hóa nữa. Ðọc qua kinh điển ta thấy trong thế giới của Di Lặc sau này đường sá bằng phẳng như mặt gương, tất cả mọi người trong toàn thế giới nói chung một ngôn ngữ duy nhất chứ không có những ngôn ngữ khác biệt như Anh, Pháp, Nhật, v.v… Lại do tâm thống nhất mà người trên toàn thế giới đều coi nhau như anh em. Lúc đó sẽ không còn có nhà tù vì không còn ai phạm tội nữa. Cái thế giới lý tưởng ấy tức là lý tưởng Tịnh Ðộ. Không một ai tưởng tượng đến hệ thống giao thông trong Tịnh Ðộ của Di Lặc là vật chất thì cái lý tưởng văn minh cận đại có rất nhiều điểm tương tự. Chẳng hạn, trong Tịnh Ðộ Di Lặc núi với núi là bằng phẳng, giữa bể và lục địa có sự giao tiếp nhau, thì điều đó có thể là dự tưởng về xe lửa, tàu biển, v.v… Ngôn ngữ thống nhất thì tựa như cuộc vận động thế giới ngữ. Nhất là việc vệ sinh, trong Di Lặc Tịnh Ðộ xuất xứ xong rồi đất tự nhiên khép lại, có lẽ cũng dự tưởng cái phong khí trong các nơi vệ sinh tân tiến ngày nay. Duy về phương diện đạo đức và tôn giáo thì giữa văn minh cận đại và lý tưởng Tịnh Ðộ cách xa nhau xa lắm, cho nên cần phải đợi đến 56 triệu năm sau.

Tóm lái, nếu đứng về phương diện lịch sử mà nói thì tư tưởng Di Lặc hạ sinh phát xuất trước Quán Chiếu Tịnh Ðộ quan và Di Ðà Tịnh Ðộ quan rất sớm. Ở nhiều điểm, tư tưởng Di Lặc hạ sinh còn chất phác và chưa triệt để, nhưng chính như thế mới thực tế ấy mới có điểm thích thú, bởi lẽ nó phù hợp vời những điều kiện hiện thực. Cho nên, về mặt văn hóa và đạo đức Tịnh Ðộ, tôi hy vọng nhiều ở Di Lặc Tịnh Ðộ. Nhưng ở đây vấn đề được đặt ra là: nếu như thế thì cái đại tiền đề của Phật Giáo là giải thoát sinh tử nên phải nghĩ như thế nào cho đúng? Nếu phải đợi đến 56 triệu năm để thực hiện Tịnh Ðộ thì trong khoảng thời gian sinh tử của Phật Giáo nên được xử lý ra sao? Riêng ý kiến tôi về vấn đền này là: nếu người đã chí nguyện kiến thiết Tịnh Ðộ Di Lặc thì cái thời luân hồi sinh tử vô cùng tự nó đã là giải thoát rồi, bởi thế nếu đi tìm cầu giải thoát sinh tử ở bên ngoài thì không thể có được. Chúng ta, do tạo nghiệp mà phải lưu chuyển trong dòng sinh tử ở bên ngoài thì không thể có được. Chúng ta, do tạo nghiệp mà phải lưu chuyển trong dòng sinh tử vô hạn để kiến thiết Tịnh Ðộ Di Lặc thì sinh tử tự nó biến thành hoạt dụng của đạo Bố-Tát. Và sự sinh tử ấy có thể gọi là Nguyện sinh luân hồi, hoặc là Bất Trụ Niết- Bàn. Cái gọi là giải thoát là không do người khác cưỡng bách, chi phối, mà do ý chí tự do của mình, tự nguyện làm như thế, theo ý nghĩa đó thì sinh tử là giải thoát, là Niết-Bàn.

TIẾT THỨ SÁU
KẾT LUẬN

Nếu Phật giáo đồ chúng ta đem tâm niệm đó mà hoạt động thì hai sứ mệnh lớn của Phật Giáo tự nhiên được điều hòa, thống nhất và do đó sẽ mở ra con đường tiến triển vô hạn.

Sau hết xin thêm vài lời, đó là: chúng ta đừng quan niệm tín ngưỡng Di Lặc Tịnh Ðộ tương lai cũng giống như tín ngưỡng Di Lặc thần thoại được nhiều người tin tưởng xưa nay. Theo tín ngưỡng Di Lặc thần thoại thì A Dật Ða là một nhân vật đặc biệt, do tu hành mà thành Di Lặc Bồ- Tát, khi thế giới này có một Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện thì Bồ-Tát giáng sinh thành Phật Di Lặc, rồi ngồi dưới gốc cây Long Hoa khai Ba Hội thuyết pháp mà cứu độ chúng sinh đó là thuyết “Long Hoa Tam Hội”. Nhưng tín ngưỡng của chúng ta không quan niệm Di Lặc như một nhân vật đặc biệt thành Phật mà chính mỗi người chúng ta cũng hoài bão lý tưởng Di Lặc, cũng tự mình tham gia công tác kiến tạo trong mọi lĩnh vực tinh thần, vật chất, tôn giáo, chính trị, xã hội, tất cả đều thống nhất theo một nguyên lý, tổng hợp tất cả các lập trường để chung cùng biến cái thế giới này thành một cõi đại Tịnh Ðộ trang nghiêm thanh tịnh!

Add Comment