BẮC TÔNG PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN
Tác giả: Kimura Taiken
Hán dịch: Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Thích Quảng Độ
———-O0O———-
CHUƠNG THỨ SÁU
TỊNH ÐỘ QUAN NIỆM, TỊNH ÐỘ THỰC TẠI VÀ SINH THÀNH
TIẾT THỨ NHẤT
THIỀN ÐỊNH VÀ TỊNH ĐỘ
Lập trường căn bản của Phật Giáo Nguyên thủy, là do nơi tâm ta mà giải quyết tất cả mọi vấn đề. Giá trị thế giới cũng được quy định bởi trạng thái do tâm chủ trì: mê ngộ, hạnh phúc, khổ đau, ma quỷ, Phật Thánh: tất cả đều do nơi tâm. Ðối với ý nghĩa này, lập trường của Phật Giáo Nguyên thủy tuy không thể nói là triết học Quan niệm-luận, nhưng ít ra là thực tiễn Duy tâm luận. Chúng ta có thể gọi là Do-tâm-luận hay cũng có thể gọi là Luân lý duy tâm luận. Nhưng bất luận mệnh danh như thế nào đi nữa, Phật Giáo lúc khởi thủy rõ ràng là lấy khuynh hướng Quan niệm luận làm đặc sắc, đó là điều ta cần ghi nhận nếu ta muốn hiểu rõ Phật Giáo. Song, điều ta cần lưu ý ở đây là: Phật Giáo tuy cho tâm là căn bản của hết thảy sự vật, nhưng quyết không phải hoàn toàn đóng khung tất cả trong chủ quan, phủ định hết thảy đối tượng của tâm ở ngoại giới. Ðứng trên lập trường nhận thức mà xét thì tâm, trong sự phát hiện, phải đủ cả phần chủ quan và khách quan. Về điều kiện khách quan đó, ít ra cũng phải dự liệu một thứ ngoại giới theo ý nghĩa đối tượng. Ðương nhiên cái đối tượng đó không hẳn cần phải là thực tại khách quan mà cũng có thể là quan niệm hoặc ảnh tượng được cấu tạo trong nội tâm. Phật Giáo tuy trước sau vẫn đặt trọng ở nội tâm, nhưng về điều kiện phát động của tâm thì ít ra ở thời đại Nguyên thủy Phật Giáo cũng đã thừa nhận sự tồn tại khách quan ngoài tâm. Và ngoài trường hợp nhận thức phổ thông ra, Phật Giáo còn khoáng trương cái đối tượng của Thiền định tư niệm, khuynh hướng cho đối tượng của tư niệm ấy một thực tại tính. Mà Thiền-định Tam Muội lại chiếm địa vị trung tâm trong tu hành quan của Phật Giáo nên cái đối tượng tự niệm ít ra cũng trở thành mục tiêu sinh hoạt tinh thần, và dưới nhiều hình thái đã hình thành chủng tử của thế giới quan Phật Giáo, từ Phật Giáo Nguyên thủy đến Ðại Thừa, đều này đã trở thành đặc chất nhất quán của Phật Giáo.
Phật Giáo tuy lấy tâm hay quan niệm làm điểm xuất phát nhưng dần dần đã thừa nhận có thực tại khách quan. Do đó, vấn đề được nêu lên ở đây là: Như-lai và Tịnh Ðộ nên được coi là sự tồn tại trong quan niệm hay đó là thực tại khách quan?
Tưởng không cần nói ai cũng biết rằng đặc chất của giáo lý Ðại Thừa lúc đầu, theo lập trường Ðệ Nhất Nghĩa Ðế, ít ra đã chủ trương thuyết “không”, nghĩa là hết thảy không ngoài sự biến hiện của tâm, mà ngay chính cái tâm cũng không còn tồn tại tính: đó là lập trường của Phật Giáo Ðại Thừa lấy Bát-Nhã làm trung tâm. Song, đồng thời, Ðại Thừa giáo, để phương tiện đạt đến không quán thực tiễn đó, đã thành lập nhiều loại Tam Muội mà trong đó sự thanh tịnh hóa, tâm về mặt biểu tượng, là Tam Muội có một nội dung tích cực. Ðặc biệt một điểm rõ rệt là nhờ tư niệm các đức Như-lai và các cõi Tịnh Ðộ của Ngài mà tâm được vui mừng, diệt bỏ được phiền não, rồi dần dần tiến sâu vào không quán tự thân để tạo thành cái gọi là “Bát chu Tam Muội Phật hiện tiền định” hay là “Quán Phật Tam Muội”. Trong Ðại Thừa, đứng trên lập trường Thiền Ðịnh, có thể nói đã theo Phật hiện tiền Tam Muội hoặc Quá-Phật-Tam Muội này mà lập nên các thuyết về Phật-Ðà. Mà điểm hữu hiệu nhất là tự niệm Phật A-Di-Ðà và Tịnh Ðộ của Ngài là thế giới Cực Lạc, hay nói theo một ý nghĩa khác là quán Vô Lượng Thọ, đại khái là đại biểu cho Quán Phật Tam Muội. Cho nên, trong Ðại Thừa lúc đầu, cái điều kiện tất nhiên để quán chư Phật là nhập Thiền Ðịnh, nói cách khác nếu xa lìa Thiền quán thì không thể thấy được Phật. Ðiều đó đã được nói rõ trong Bát-Nhã, Pháp-Hoa và nhất là trong kinh Quán Phật Tam Muội, kinh Bát Chu Tam Muội (kinh Chư Phật Hiện Tiền Tam Muội), và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật A Di Ðà và thế giới Cực Lạc của Ngài lúc đầu cũng đã do đối tượng của Thiền quán mà được thành lập. Bởi thế, cái gọi là Như-lai (Di Ðà) và Tịnh Ðộ (Cực Lạc) bản lai là sự tồn tại trong quan niệm, đây là một sự thật hiển nhiên trong giáo lý của Phật Giáo.
Song, ở đây ta cần lưu ý: lúc đầu Như-lai hay Tịnh Ðộ điều chỉ là vì phương tiện hoặc đối tượng của Thiền quán mà được thành lập, thế dần dần nó đã đạt đến một ý nghĩa và biểu tượng độc lập khách quan. Chủ nghĩa quan niệm tuy đã tiến đến cái gọi là “tự thân tức Di Ðà, duy tâm tức Tịnh Ðộ”, nhưng về phương diện thông tục hóa thì Như-Lai và Tịnh Ðộ đã xa lìa Thiền quán mà tự thân ở vào một phương sở nhất định, rồi do lòng từ bi và năng lực trí tuệ mà tiếp dẫn và cứu độ những chúng sinh biết tư niệm đến. Do đó, đến đây, sự chỉ phương lập hướng không còn là một quyền nghi phương tiện nữa mà đã trở thành một chân lý như thực. Ðúng như Phật Giáo Nguyên thủy_thời đại Tiểu Thừa giáo, do tâm thái Thiền mà rồi Dục, Sắc, Vô Sắc chung cùng đã tiến đến thế giới khách quan. Và cái tư tưởng dùng Thiền quán để đạt đến quả Bất Hoàn (sinh lên Thiên giới và ở đó nhập Niết-Bàn) của thời đại Nguyên thủy Phật Giáo đã được ứng dụng và biến thành tư tưởng niệm Phật Di Ðà cầu vãng sinh Cực Lạc và ở vào ngôi vị Bất Thoái Chuyển (tương đương với quả Bất Hoàn). Không bao lâu Cực Lạc được giải thích là một cảnh giới đứng sau Niết-Bàn: đó là lập trường của kinh Ðại Vô Lượng Thọ.
Tịnh Ðộ giáo trong Phật Giáo thật đã khai triển như trên chứ không phải lấy Di Ðà hay Tịnh Ðộ làm lý niệm mà là do tín ngưỡng cụ thể có thể thấy được thật sự, chính đó là cái đặc trưng của Tịnh Ðộ giáo. Nhất là Tịnh Ðộ giáo tại Trung Quốc và Nhật Bản đã ly khai ý nghĩa và hứng vị Thiền quán, chiếu theo văn tự mà nhận xét thì việc nhờ ở sự dẫn dụ của Phật Di Ðà ở thế giới Cực Lạc bên phương Tây mà được vãng sinh đã trở thành tín ngưỡng đệ nhất nghĩa. Nói theo lập trường này thì tuy Tịnh Ðộ giáo có đủ ý nghĩa quan niệm dự liệu bên trong, nhưng về mặt biểu diện thì thuyết chỉ phương lập hướng của Thiện Ðạo Ðại sư ít ra cũng đại biểu cho chủ ý của Tịnh Ðộ giáo, nếu cho nó chỉ tồn tại trong quan niệm thì nói theo một ý nghĩa nào đó, hẳn là đã đi ngược lại với Thánh Ðạo Môn.
TIẾT THỨ HAI
ÐIỂM LỢI. HẠI CỦA THUYẾT QUAN NIỆM VÀ THUYẾT THỰC TẠI
Bây giờ, lấy vấn đề Kim Tử (cho rằng Như-Lai và Tịnh Ðộ là sự tồn tại quan niệm) làm trung tâm để thảo luận vấn đề Tịnh Ðộ quan niệm và Tịnh Ðộ thực tại, thì đứng trên lập trường giáo lý sử mà nhận xét, bất luận vấn đề nào cũng có lý do tương đương của nó. Sự bất đồng chủ yếu trong vấn đề này là: căn cứ vào điểm xuất phát là quan niệm Thiền mà nhận xét hay căn cứ vào kết quả của sự biểu tượng hóa của Thiền mà nhận xét? Nếu đứng trên lập trường chân tông truyền thống Tịnh Ðộ mà nói thì thuyết của Kim Tử hơi tiền tiến thái quá, đó là điều công còn hồ nghi gì nữa. Song cái nhận xét đó dù có phù hợp với chân ý của Phật Gáio cũng như có thảo mãn được nhu cầu lý tính của chúng ta không? Vì phương diện biểu tượng tuy có, nhưng cái lập trường nhất quán của Phật Giáo thông cả Tiểu Thừa và Ðại Thừa là tất cả đều do nơi tâm, hơn nữa, cái căn cứ chung cùng của tôn giáo là phải tìm nơi tinh thần: đó là phương pháp bất biến từ ngàn xưa. Như vậy trong thuyết Quan niệm của Kim Tử, đứng về mặt truyền thống mà nói, có nhiều điểm hợp lý. Ðối lại với vấn đề này là lý tưởng tôn giáo tìm ở ngoài tâm, theo thuyết truyền thống Chỉ phương lập hướng mà tiến hành, tín niệm Phật A Di Ðà trong thế giới Cực Lạc ở phương Tây, cầu sự tiếp dẩn để mong được an tâm lập mệnh.
Như vậy, nếu có thể nói có điểm lợi, hại trong vấn đề quan niệm và thực tại thì đó là do có chỉ dương thống hợp được hai phương diện này để tìm ra con đường chung mà tiến hành Tịnh Ðộ Giáo hay không. Duy có điều đáng tiếc là vấn đề này đã phát sinh nhiều nghị luận mà trong đó không có một người nào đã có thể thử đưa ra phương pháp điều hòa hai thuyết trên đây. Ða Ðiền Ðỉnh không cho thuyết quan niệm của của Kim Tử là quan niệm cá nhân của chúng ta mà lại cho nó là quan niệm của đức Thích Tôn rồi đưa ra ý kiến tu chính. Song khốn nỗi cái ý kiến tu chính đó lại không có được thỏa đáng tính lịch sử. Sự thống hợp chân chính là phải lấy lịch sử làm bối cảnh, biện minh đặc chất của giáo lý, rồi phải khảo lự điểm lợi, hại của yêu cầu mới có thể thí nghiệm được, bằng không thì đó chẳng qua là sự độc đoán mà thôi.
TIẾT THỨ BA
THUYẾT SINH THÀNH THỐNG HỢP HAI THUYẾT TRÊN
Trong khi tổng hợp Quan niệm Tịnh Ðộ và Thực tại Tịnh Ðộ, đồng thời để cho phù hợp với mục đích của nó, đối với cuộc vận động xã hội của Phật Giáo, cần phải đề xuất một nguyên lý chỉ đạo. Ðó là vấn đề coi Như-Lai và Tịnh Ðộ là mục tiêu lý tưởng có thể thực hiện ở tương lai. Nói cách khác, Như-Lai và Tịnh Ðộ tuy được coi như là quan niệm chủ quan, nhưng điều đó quyết không phải chỉ thuộc về không tưởng, mà do ý chí của ta, nó có thể được coi là một đồ án thực hiện được và sáng tạo được. Ðiều này căn cứ vào cái gọi là “Nghiệp Luận Tổng Hợp pháp” của Phật Giáo. Nghĩa là, nó được xây dựng trên thuyết Do Nhiệp (ý chí, hành vi, tập khí) mà hình thành cái lý pháp của chính mình và thế giới trong tương lai, một đồ án lý tưởng giới dự định có thể thực hiện được. Nhận xét này phù hợp với tinh thần kiến thiết Cực Lạc thế giới của Phật Di Ðà. Nói theo kinh Ðại Vô Lượng Thọ thì Phật A Di Ðà, trong thời kỳ còn là Bồ-Tát, đã tham quan vô số Tịnh Ðộ, trải qua nhiều kiếp cố gắng, nhờ cái gọi là Bản Nguyện Nghiệp-lực, cuối cùng đã kiến thiết nên thế giới Cực Lạc. Tham-quan các Tịnh Ðộ chính là để cấu thành đồ án, nhiều kiếp tu hành và cuối cùng do nghiệp lực mà sáng tạo và thực hiện được. Nghĩa là, Phật Di Ðà do đồ án mà sáng tạo Cực Lạc, còn chúng ta lại lấy Cực Lạc làm đồ án rồi nhờ vào nỗ lực của ý chí chúng ta mà trù hoạch việc thực hiện thế giới lý tưởng: đó là ý nghĩa quan niệm Như-Lai và Tịnh Ðộ. Duy Tịnh Ðộ của Phật Di Ðà do Bản Nguyện nghiệp lực mà có, tuy đã được hoàn thành rồi, nhưng nói theo lập trường của chúng ta, thì nó là cảnh giới sẽ được thực hiện trong tương lai. Ðó là ý nghĩa Tịnh Ðộ đã phát xuất từ lập trường này. Trong kinh Pháp-Hoa và Bát-Nhã đều nói các Bồ-Tát do Bản Nguyện và nỗ lực, tương lai sẽ được thành Phật và kiến thiết Tịnh Ðộ riêng của mình. Mà Bản Nguyện nghiệp lực. Tóm lại không ngoài nghĩa ý chí phát động hợp lý, do ý chí phát động hợp lý mà thế giới lý tưởng dần dần được sáng tạo và thực hiện: đó là căn cứ lý luận của việc kiến thiết Tịnh Ðộ. Do đó, nếu xuất phát từ lập trường này, việc kiến thiết Tịnh Ðộ, tuy cũng biến thành Bản Nguyện tự lực, nhưng thích ứng nó với lòng khao khát thực hiện Như-Lai hay Tịnh Ðộ (gọi là Bồ Ðề Tâm hay Phật Tinh) thì quên mất nỗ lực tự kỷ, quên sự khổ nhọc của chính mình mà lại hoài bảo tha lực giúp đỡ, do đấy mà đã không còn là tự lực mà thuần nhiên đã biến thành Bản Nguyện tha lực. Cái mô phạm để hoàn thành Như-Lai và Tịnh Ðộ tối cao cũng có thể được coi là tín ngưỡng. Di Ðà và Cực Lạc đã biến thành chủ nghĩa tha lực chính cũng không ngoài cái kết quả cực độ đó. Song mà lý tưởng thì bất luận ở đây cũng đều là lý tưởng; chân ý của Tịnh Ðộ vãng sinh là ở như tự mình thành A Di Ðà, tự mình cấu tạo thế giới Cực Lạc, đến đây thì quan niệm và thực tại đã không nhất trí: đó là điểm ta không thể quên.
Tóm lại, sự liên lạc giữa quan niệm và thực tại là quá trình sáng tạo của ý chí và căn cứ vào đó mà được đổi thành cái gọi là Tịnh Ðộ Sinh Thành. Mà quan điểm này, trừ kinh Ðại Vô Lượng Thọ ra, còn nếu nhận xét theo lập trường của nhất ban luận thì, trên giáo lý sử của Phật Giáo, nó là Tịnh Ðộ quan có một địa vị trọng yếu. Duy có điều bất hạnh là cho tới nay ý nghĩa của Tịnh Ðộ quan đó vẫn chưa được thể hiện. Phật Giáo đồ ngày nay tuy đã khởi xướng nhiều hoạt động xã hội, nhưng vì quá khổ tâm về lý tưởng nên đã quên đi ý nghĩa thiển cận của Tịnh Ðộ quan đó, nghĩa là họ đã quên đi vấn đề của chính mình là kiến thiết Tịnh Ðộ ngay trong hiện thực giới. Cái gọi là Tịnh Ðộ là căn cứ vào sự hoán chuyển của tâm (Quán chiếu Tịnh Ðộ, hay nghệ thuật Tịnh Ðộ) hay phải đợi đến sau khi chết mới thực hiện được ở một cõi khác? Phật Giáo đồ tuy có những nguyên lý chỉ đạo xã hội rất phong phú nhưng không khai thác được chúng một cách triệt để. Nếu nghiên cứu kỹ ta sẽ thấy những phương châm cụ thể để chỉ đạo xã hội có đầy dẫy trong các Bản Nguyện của chư Phật và Bồ-Tát (xem lại mục “Sự khai triển của tư tưởng Bản Nguyện”). Ðối với ý nghĩa đó, chúng tôi thường chủ trương vận dụng tinh thần Phật Giáo, trước hết là tinh thần Bản Nguyện theo ý nghĩa tôn giáo, đạo đức và văn hóa, vào ngay cuộc sống hằng ngày mà trái lại là để phát huy ý nghĩa đã có sẵn trong giáo lý Phật Giáo từ lâu rồi. Tôi tin chắc những vị nào đã từng nghiên cứu Phật Giáo theo lập trường văn hóa sử sẽ rất dễ đồng ý với quan điểm đó.
Nhưng chúng tôi cũng quyết không phải vì nhiệt thành với đối tượng mà quên hay phủ định “thế giới bỉ ngạn” (thế giới bên kia). Song đồng thời với thế giới bỉ ngạn, ta cũng cần phải nổ lực thực hiện Tịnh Ðộ ngay trên “thế giới thử ngạn” (thế giới bên này) nữa: đó là nhiệm vụ mới của tất cả Phật Giáo đồ.