Bắc Tông Phật Giáo Tư Tưởng Luận – tập 2 sử học: CHƯƠNG 1 BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO VỚI PHẬT GIÁO

BẮC TÔNG PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN

Tác giả: Kimura Taiken
Hán dịch: Thích Diễn Bồi

Việt dịch: Thích Quảng Độ

———-O0O———-

THIÊN THỨ HAI

ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO, GIÁO LÝ LUẬN

CHƯƠNG THỨ NHẤT

BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO VỚI PHẬT GIÁO

TIẾT THỨ NHẤT: SỰ QUAN HỆ GIỮA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TRONG PHẬT GIÁO.

Trên bản chất, Phật giáo có thể được coi là một tôn giáo hợp lý nhất trong các tôn giáo, nhưng chúng ta đừng quên rằng, khi nói Phật giáo hợp lý thì phải nói như thế nào, nó có thể áp dụng vào thế giới thực tiễn được không? Đức Phật đã tha thiết bác bỏ cách lý luận, chỉ để mà lý luận và tuyệt đối không chấp nhận điều đó, cho đến về sau, lập trường lý luận của các  bậc luận sư thuộc Đại thừa cũng như Tiểu thừa, nếu nghiên cứu kỹ, ta thấy lý luận của họ cũng không ngoài tiêu chuẩn thực tu và thể nghiệm, hoặc là chỉnh lý lại lý luận thực tu và thể nghiệm đó. Đây là điều mà một người nghiên cứu Phật giáo vô tư không thể không lưu ý. Nếu xét Phật giáo theo ý nghĩa trên đây, trên bản chất, dù ta thấy Phật giáo có vẻ như thuần lý, nhưng nếu theo như Khang Đức chia thành lý luận lý tính và thực tiễn lý tính trong lĩnh vực lý tính của ta, thì lập trường Phật giáo có thể được đặt vào lĩnh vực thực tiễn lý tính. Đó là điểm chủ yếu mà chúng ta phải ghi nhận nếu muốn hiểu rõ bản chất của Phật giáo. Nếu không chúng ta sẽ hiểu sai lạc bản ý của Phật giáo. Phật giáo nguyên thủy, vì thực hành nhiều giới điều, nên bối cảnh của lý luận, mới nhìn có vẻ như là một cuộc vận động luân lý, dĩ nhiên, đây là một sự sai lầm, nhưng nếu lại chỉ chú mục vào phương diện lý luận đó và muốn xử lý nó như một vấn đề khoa học hay triết học cũng lại là một phương pháp chính xác. Trong Phật giáo, tình ý và trí tính phải được điều hòa và thăng bằng, nếu không thì rất khó mà đạt đến chỗ an tâm lập mệnh. Nhận xét theo lập trường này, nếu muốn làm cho lý luận và thực tiễn được nhất trí, về mặt lý luận cũng phải được tôn trọng, nhưng cuối cùng phương diện tình ý vẫn phải chiếm phần quan trọng. Nếu nói một cách đơn giản, phải căn cứ vào việc canh tân sinh mệnh để an tâm lập mệnh thì mới có được chỗ quy hướng, mà tất cả lý luận là kim chỉ nam để đạt đến điểm đó, hoặc có thể nói nó không ngoài việc lấy đó làm đồ thức để hợp lý hóa tiêu chuẩn.

TIẾT THỨ HAI: PHẬT GIÁO CÓ PHẢI LÀ TÔN GIÁO KHÔNG?

Nghiên cứu cho cùng thì Phật giáo là tôn giáo chứ không phải là triết học. Song căn cứ vào đâu mà bảo Phật giáo là tôn giáo? Đây không phải là một vấn đề đơn giản.

Như ai nấy đều công nhận tôn giáo lấy sự kết hợp giữa Thần và Người làm bản chất, nhưng Phật giáo không thừa nhận có một đấng “Tạo vật Chủ”, nhất là Nguyên thủy Phật giáo vì không thừa nhận một linh hồn cố định của cá nhân, nên không có một khái niệm nào về sự quan hệ giữa Thần và Người. Trong Phật giáo, nhất là Tịnh Độ Giáo, tuy có căn cứ vào sức bản nguyện của Phật Di Đà để thành lập “Cứu Độ Quan” nhưng đứng về phương diện “Tự lực Thánh đạo môn” của Phật giáo mà nói thì quan niệm đó không thể được coi là quan niệm về một hình thức “liên hệ giữa Thần và Người”. Do đó, nhiều học giả Âu châu cho rằng Phật giáo, đặc biệt là Nguyên thủy Phật giáo, trên bản chất không phải là một tôn giáo. Theo chỗ tôi biết thì như Arthur Drews và Heinrich Scholz đã bàn đến điểm này trong các tác phẩm tôn giáo và triết học của họ. Ngay trong giới học giả Nhật bản cũng có nhiều người bày tỏ quan điểm của họ về vấn đề này, nhất là các Mục sư Cơ đốc giáo đặc biệt đã đề cao điều này, và cho rằng Phật giáo không phải là tôn giáo mà tôn giáo chân chính chỉ có Cơ đốc giáo mà thôi.

Để giải đáp cho vấn đề này, trong Phật giáo hầu như không có một học giả hoặc một nhà truyền đạo nào đứng trên lập trường học thuật chân chính để luận cứu vấn đề. Đó là một điều rất không may. Koryu Otani có nhận xét trên đây đã đứng về lập trường cho rằng tôn giáo là sự “quan hệ giữa Thần và Người” để quan sát Phật giáo, và bảo rằng Phật giáo là khoa học chứ không phải là tôn giáo, và đương nhiên chúng ta không thể chấp nhận quan điểm đó. Song có điểm rất thú vị là trong số các học giả Tây Phương cũng có người đứng trên cùng một lập trường trên đây để nhận định Phật giáo, và cho rằng vì Phật giáo là khoa học chân chính cho nên Phật giáo cũng là một tôn giáo chân chính. Lại mới đây, trong bài khảo luận nhan đề “Phương diện tôn giáo và đạo đức của Phật giáo”, ông Pauldahlpe nói: về mặt tôn giáo là đưa toàn bộ yêu cầu nhân quả thể hiện ngay trong thân tâm của mình”, đó là dựa vào phương pháp Khoa học để luận chứng chân lý của Phật giáo, một nhận xét tuy đúng nhưng vì quá thiên trọng phương diện lý trí, cho nên không hế thừa nhận có cảnh giới thần bí nào. Dù sao thì nhận xét này cũng không khỏi có điểm không phù hợp với Phật giáo, do đó, đứng về phương diện tôn giáo mà nói, nhận xét trên đây chưa được hoàn toàn.

TIẾT THỨ BA: PHẬT GIÁO VỚI SỰ THỰC TÔN GIÁO.

Gần đây, Bác sĩ Kenchi Kato thường thảo luận về Tôn giáo, và đã căn cứ vào đề tài: “Nguyên thủy Phật giáo có phải là một Tôn giáo không?” và cho rằng Nguyên thủy Phật cũng chỉ là một Tôn giáo, nghĩa là nó cũng đã được thành lập theo hình thức “quan hệ giữa Thần và Người”. Theo ông, mặc dù Nguyên thủy Phật giáo không thừa nhận một vị Thần sáng tạo, nhưng Phật Thích Ca, Thủy Tổ của Phật giáo, dưới mắt của các đệ tử, cũng đã được coi như một vị Thần, không phải chỉ một vị Thần tầm thường, mà là một vị Thần trên hết các Thần (Devatideva). Bởi vậy, người Phật tử quy y Phật cũng không khác gì người các tôn giáo giáo khác quy y Thần, đó là một  trạng thái tâm lý giống nhau. Do đó, nơi nương tựa của người Phật tử chẳng qua cũng chỉ là thành lập mối “quan hệ giữa Thần và Người”. Theo quan điểm này thì ta có thể nói Nguyên thủy Phật giáo cũng chỉ là một tôn giáo. Ở đây, ta hãy góp thêm ý kiến với Bác sĩ Kenchi Kato. Theo tôi đến một trinh độ nào đó, quan điểm trên đây của Bác sĩ Kenchi Kato cũng phù hợp với trạng thái tinh thần của người đệ tử Phật. Trên thực tế, những đệ tử Phật đối với Đức Phật cũng giống như tâm lý của những tín đồ Bà La Môn giáo tin tưởng Phạm Thiên là đấng Từ Phụ của họ, điều này là một sự thực, nhưng ở đây có điểm hoàn toàn bất đồng là người Phật tư coi Đức Phật như một vị cứu thế theo ý nghĩa một bậc Đại Đạo sư, nghĩa là một bậc thầy chỉ đường, học chỉ theo những lời chỉ dạy thực tiễn của Ngài để tự giác ngộ, chứ Đức Phật đối với Phật tử, ít ra là thời kỳ Nguyên thủy, quyết không phải là một vị Thần siêu tự nhiên như vác Thần của các tôn giáo khác phải cần sự cầu đảo van xin người ta mới được Ngài cứu vớt. Như vậy mà cho rằng Phật giáo cũng được thành lập trên nền tảng “quan hệ giữa Thần và người” thì e không đúng. Hơn nữa, đứng về phương diện Đức Phật mà nói thì Phật không nhờ một sức thiêng liêng nào ở ngoài phù hộ mà phải do tự lực của mình để thành Phật. Do đó, trong đạo Phật, không có vấn đề “quan hệ giữa thần và Người”, mà điều này không phải chỉ ở thời kỳ Nguyên thủy Phật giáo mà suốt từ Tiểu thừa đến Đại Thừa cũng đều chủ trương phương diện tự lực (Tự lực Thánh đạo môn) cả. Cho nên nếu đứng về mặt bản chất của Phật giáo mà nói thì nhận xét bề ngoài.

Song, nếu nói cho cùng thì có thật Phật giáo không phải là một tôn giáo không? Đây là một vấn đề rất khó giải đáp nên ở đây ta hãy xin tạm gác ra một bên. Trên thực tế, nếu ta nhìn nhận Phật giáo là một trong ba tôn giáo lớn trên hoàn cầu và nhờ nó mà người ta được an tâm lập mệnh, thì quả thực Phật gíáo đích thị là một tôn giáo. Về mặt luận lý, vấn đề Phật giáo phải hay không phải là một tôn giáo? Còn cần phải được thảo luận. Nếu quá chú trọng đến yếu tố nhân cách thần trong tôn giáo, chúng ta sẽ dễ xao lãng những yếu tố quan trọng khác của những đòi hỏi về tôn giáo. Bởi vậy, ở đây chúng tôi xin trước hết hãy nói rõ những đòi hỏi tất yếu của tôn giáo là gì?

TIẾT THỨ TƯ: BẢN CHẤT CỦA NHỮNG ĐÒI HỎI TÔN GIÁO.

Về nguồn gốc của tôn giáo, giữa các học giả tuy có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng nếu đứng về phương diện tâm lý mà nhận xét thì tôn giáo là nhu cầu đáp ứng những hiện tượng tinh thần của chúng ta. Do đó ta không thể tìm nguồn gốc của tôn giáo ở các đấng Thần linh mà tìm nó ở tinh thần con người.

Những điều kiện sinh tồn của nhân loại tuy có nhiều nhưng hai điều kiện nổi bật nhất là: điều kiện thiên nhiên và điều kiện tinh thần. Song về mặt tác dụng, tính chất của hai điều kiện này hầu như lại tương phản nhau.

Điều kiện thiên nhiên có nghĩa là những quy luật tự nhiên, tất nhiên mà dù muốn dù không người ta cũng buộc phải tuân theo, còn điều kiện tinh thần thì lại lấy tự do làm đặc tính, có khi muốn được triệt để tự do mà mưu đồ chống lại những quy luật thiên nhiên. Chẳng hạn người ta có sinh ra tất phải có chết đi: đó là quy luật tự nhiên, tất nhiên. Ấy thế nhưng yêu cầu tự do của con người lại muốn sống mãi mà không chết, đó là một thí dụ điển hình. Như vậy, trong sự sinh tồn của kiếp người, ta thấy chứa đựng một mâu thuẫn không thể tránh khỏi. Do đó, trong cuộc sống hằng ngày, khi nào hai điều kiện trên thỏa hiệp mà điều kiện tự do chiếm nhiều thắng lợi thì cuộc sống đó được nhận là có hạnh phúc, nhưng cố đi đến một sự hòa giải triệt để giữa hai điều kiện đó là một việc không thể nào thực hiện được, mà thống cảm của sự mâu thuẫn này đều như lý tính của người ta càng mạnh thì thống cảm đó càng tăng, sức phản tỉnh của người ta càng mạnh chừng nào thì thống cảm ấy cũng mạnh chừng đó, Cho nên, rốt cuộc những quan niệm yếm thế, thất vọng đối với cuộc đời cũng do đó mà phát sinh.

Như vậy, về một phương diện, yêu cầu tự do lấy sự tự do tuyệt đối và sự quang vinh tuyệt đối làm thuộc tính, thậm chí còn mong triển khai sự sống đến vô hạn, đồng thời nhìn lại cuộc sống hiện thực bị trói buộc, mất tự do càng cảm thấy đau khổ vì thế mà nảy sinh ra yêu cầu giải thoát. Hai phương diện này của cuộc sống triền hợp nhau, một mặt đối với khổ và hoài vọng thoát khổ, mặt khác do cái phương pháp thần bí đó mà mong cầu một sự điều hòa: đó chính là mầm sống tôn giáo vậy.

Nhưng làm thế nào để thỏa mãn được yêu cầu đó? Đây chính thực là vấn đề căn bản của tôn giáo. Về điểm này tuy có nhiều giai cấp và chủng loại, nhưng loại tầm thường nhất là hòa giải mâu thuẫn, thỏa mãn yêu cầu mà người có thể đem lại những điều kiện đó là một người tồn tại trên loài người tức là Thần, hay tưởng tượng ra nhiều Thần, do nhiều phương pháp (cầu đảo, đức hạnh, tín ngưỡng, minh tưởng v.v…) để cầu xin sự phù hộ để đạt mục đích. Nghĩa là, trên thế gian này, ngoài sự tồn tại của nhân loại, còn có một đấng thiêng liêng nắm giữ chìa khóa của tự do và thiên nhiên. nếu con người biết chìu theo ý muốn của đấng thiêng liêng ấy thì sẽ được giải thoát, được tự do. Căn cứ theo sự tín ngưỡng này, đấng thiêng liêng đó có đầy đủ uy lực, có thể hoán chuyển tất nhiên thành tự do. Nói cách khác, đấng thiêng liêng ấy có một phép lạ, có thể biến đổi thiên nhiên, nếu con người thành khẩn nguyện cầu, thì bất cứ lúc nào Ngài cũng hiển thị phép lạ đó. Nếu không có phép lạ thì đấng thiêng liêng đã mất hết ý nghĩa, mà tín ngưỡng này, bất luận là xưa hay nay đều là hình thức tôn giáo thịnh hành nhất, cho nên người ta đã định nghĩa tôn giáo là sự kết hợp hay “quan hệ giữa Thần và Người”, và lấy đó làm bản chất của tôn giáo. Song ở đây ta cần phải chú ý là hình thức đó chỉ là một hình thức tôn giáo, chứ không thể nhất thiết võ đoán cho đó là điều kiện căn bản tất yếu của tôn giáo. Tại sao? Vì như vừa nói trên kia, bản chất của tôn giáo là ở yêu cầu kết hợp giữa tự do và giải thoát. Tuy người có thể thỏa mãn yêu cầu đó không phải là Thần, nhưng tôn giáo thì rất có thể.

Nếu đứng về phương diện trên đây mà nói, tức là Thần thánh không thể thỏa mãn nhu cầu tôn giáo mà chính là tôn giáo có thể làm thỏa mãn, thì Phật giáo là một tôn giáo. Phật giáo không thừa nhận một vị Thần siêu việt hẳn những hạn chế thiên nhiên, vì những vị Thần chẳng qua cũng chỉ là một sự tồn tại tự nhiên nên cũng có những sự hạn chế, còn tôn giáo nảy mầm trong sự mâu thuẫn bất hợp lý của nhân sinh, về điểm này, tín ngưỡng tôn giáo cũng có những yếu tố bất hợp ý, đó là một thực tại, nhưng nếu đem những yếu tố bất hợp lý đó mà hợp lý hóa thì người ta không thể tìm thấy sự mãn túc toàn nhân cách, do đó mà Đức Phật đã không coi trọng vị Nhân Cách Thần là đối tượng của tín ngưỡng.

TIẾT THỨ NĂM: SỰ MONG MUỐN MỘT CUỘC SỐNG VÔ HẠN VỚI YÊU CẦU GIẢI THOÁT.

nền tảng cơ bản về mặt tôn giáo của Đức Phật là sự phản tỉnh tự tâm. Dù đối với lòng mong muốn một cuộc sống vô hạn hay yêu cầu giải thoát, tất cả đều phát sinh từ nội tâm của ta. Đã thế thì sự giải quyết tối hậu tất nhiên phải tìm ngay trong tự tâm. Như ai cũng biết, lời dạy cuối cùng của Đức Phật là: “Hãy tự mình thắp đuốc lên, hãy tự mình nương tựa nơi mình, nương tựa Chính Pháp, chứ đừng nương tựa vào một nơi nào khác”. Đó là những lời minh chứng rõ ràng về ý nghĩa trên đây và từ đấy về sau lập trường của Phật giáo đều lấy đó làm chủ nghĩa quán thông. Song theo Phật giáo, người thể nhập được sinh mệnh vô hạn quyết không thể dựa vào phương pháp biểu tượng hóa tích cực mà tìm cầu được, trái lại, phải bắt đầu giải phóng những hạn chế đó, cho nên phải bắt đầu từ cái cá thể bất hợp lý của ngã chấp, ngã dục để giải phóng chính mình. Song khi thể nghiệm được sinh mệnh vô hạn thì tự mình biến thành nội dung của sự thể nghiệm, đó là một lập trường mới về tôn giáo của Phật giáo. Nói một cách đơn giản thì: lập trường của Phật giáo là lấy giải thoát làm mục đích và đằng sau đó dự tưởng một sinh mệnh vô hạn (cuộc sống tự chủ tuyệt đối) nhưng vô hạn sinh mệnh đó chỉ được thể nghiệm nội tại chứ không biểu tượng hóa: đó có thể nói là một hình thức tôn giáo mới, tuy thần bí nhưng rất hợp lý.

Các tôn giáo phổ thông lấy vô hạn sinh mệnh làm tiêu biểu bên ngoài, biến nó thành một hình thái nhất định để biểu tượng hóa, Phật giáo lấy giải thoát làm tiêu biểu bên ngoài, mà vô hạn sinh mệnh vẫn không biểu tượng, nếu nói một cách miễn cưỡng thì đem sức “không” (Reine Aktivitat) vào nội tâm tất cả đều quy về nhất tâm: đó là lập trường độc hữu của Phật giáo. Song đối với những người chưa thể nghiệm được lý thâm áo đó không khỏi có cảm giác hoang mang, cho nên tùy theo đà tiến triển của tư tưởng mà đem Chân không biểu tượng thành Diệu hữu và để thích ứng với đường lối đó, Phật giáo đã dùng nhiều danh từ như Pháp thân, Chân như, Tịnh độ v.v… Tư tưởng đó tuy có nhiều biến hóa nhưng tóm lại, theo ý nghĩa căn bản, thì đó chỉ là những phương pháp khai thác triệt để nơi tự kỷ nội tâm.

TIẾT THỨ SÁU: SỰ THỎA MÃN YÊU CẦU TÔN GIÁO VỚI NHẤT TÂM.

Căn cứ theo sự quan sát trên, người ta không thể không thừa nhận rằng Phật giáo, về mặt tự lực, đối với sự thỏa mãn yêu cầu tôn giáo, trên bản chất là một tôn giáo hoàn toàn sung thực. Nếu muốn so sánh với quan niệm Thần và Người của các tôn giáo khác thì tương đương với Thần là Niết bàn, Không, Pháp; còn tương đương với Người thì lấy ngã dục làm trung tâm mà khiến cho tự kỷ phải khổ đau trong cuộc sống mâu thuẫn, nhưng cái tự kỷ đó lại luôn hướng đến một cuộc thoát ly, nổ lực giải phóng tự kỷ để thể nghiệm thế giới tuyệt đối tự do (Niết bàn, Pháp giới, Phật địa), điểm này tương đương với sự cầu nguyện hay kỳ đảo trong các tôn giáo phổ thông. Song, đối với Phật giáo, trong Thần Người tôn giáo khách quan, tôn giáo chủ quan, tất cả đều do nhất tâm của người ta. Nghĩa là do nơi tự tâm để tìm cầu sự siêu việt và cái cảnh giới siêu việt đó nhất trí với nội tâm: đó là hình thức tôn giáo đặc sắc nhất của Phật giáo.

Tóm lại, trong tôn giáo tất phải có hai phương diện tiêu cực và tích cực, và hai phương diện đó rất quan hệ mật thiết với nhau, không thể tách rời. Các tôn giáo phổ thông thì từ mặt tích cực tiến đến tiêu cực, nhưng đặc sắc của Phật giáo thì lại từ mặt tiêu cực tiến đến mặt tích cực. Những người cho Phật giáo không phải là tôn giáo đã không để ý đến sự thực này nên mới kết luận một cách sai lầm như thế, mà ngày nay khi hầu hết các tôn giáo thần quyền đang di dần vào bóng tối thì Phật giáo, vì có những đặc chất trên, nên vẫn được phát triển mạnh mẽ: có thể nói Phật giáo là một tôn giáo đã được thành lập theo phương pháp tâm lý tôn giáo chân chính và vĩnh viễn bất diệt.

o0o

Add Comment