Bắc Tông Phật Giáo Tư Tưởng Luận – tập 1 sử học: CHƯƠNG 5 PHẬT GIÁO BẮC TÔNG SAU THỜI ĐẠI VÔ TRƯỚC VÀ THẾ THÂN

BẮC TÔNG PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN

Tác giả: Kimura Taiken
Hán dịch: Thích Diễn Bồi

Việt dịch: Thích Quảng Độ

———-O0O———-

THIÊN THỨ NHẤT

LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO

CHƯƠNG THỨ SÁU

PHẬT GIÁO SAU THỜI ĐẠI VÔ TRƯỚC VÀ THẾ THÂN

(thế kỷ thứ VI-VIII).

Nhờ có Vô Trước và Thế Thân mà nền Phật giáo sau thời Long Thụ được hoàn chỉnh một phần lớn. Song như đã nói trên kia, nếu nói cách triệt để thì về phương diện lý luận, vẫn còn nhiều điểm cần phải khảo cứu. Hơn nữa, Phật giáo thuộc hệ thống Long Thụ, do những người kế thừa như Đề Bà (Aryadeva), La Hầu La (Rahulabha-dra), Thanh Mục (Pingalga) v.v… đã căn cứ vào luận Trung Quán để chỉ chuyên khai triển về mặt Không Quán, và để bổ túc cho Phật giáo Không Quán đã khởi xướng Phật giáo Duy thức, do đó mà lập trường của Phật giáo của Long Thụ hệ đã trở thành bất đồng. Như vậy, Đại thừa Phật giáo sau thời đại Vô Trước và Thế Thân đã trở thành người thừa kế cái gọi là Trung Quán Phái (Không Quán Phái) của hệ thống Long Thụ, cùng với Du Già Phái (Duy Thức Phái), thừa kế hệ thống Vô Trước, Thế Thân là hai phái chỉ dương giữa các trào lưu Như lai tạng hệ. Kết quả, các trào lưu cùng nhau luận chiếu mà trong đó, bất luận là phái Trung Quán, phái Du Già hay phái Như lai tạng đều đã phân hóa rất nhiều và cũng nhờ đó các Đại luận sư, Tiểu luận sư kế tục nhau ra đời và đã nhiều tư tưởng đẹp nảy nở. Đứng về mặt luận lý mà nói, Phật giáo đến đây đã gần như hoàn bị. Đó là cái trạng huống của Phật giáo trong khoảng hai trăm năm sau Vô Trước và Thế Thân. Nhất là ngôi chùa Na Lan Đa, một Đại học Phật giáo tại tiểu bang Bihar (Ấn Độ) ngày nay đã được thành lập sau thời đại Vô Trước và Thế Thân không bao lâu, và tại đây tất cả tài năng và nổ lực đã được tập trung vào việc nghiên cứu và phát huy học vấn.

Song, nếu xét ở một phương diện khác, vì sự nghiên cứu quá tinh vi nên Đại thừa cũng đã lại mắc những khuyết điểm như Tiểu thừa, nghĩa là đã quá chú tâm vào việc nghiên cứu một cách quá chi ly mà làm cho Đại thừa mất cái chân tinh thần hoạt bát của nó. Do đó mà Đại thừa mất đi một phần nào tính cách thông tục, và trên phương diện tôn giáo thực tiễn, đã mất hiệu lực, đó là một sự thực hiển nhiên. Để cứu vãn tình trạng này, tuy đã có một số kinh điển mới được kết tập, nhưng những kinh điển này đại khái chỉ bàn đến lý, chứ không có được cái phong thái ung dung, phóng khoát và hùng đại như các kinh Bát Nhã, Pháp Hoa hay Đại thừa Niết bàn xưa kia.

Để bổ cứu cho mối tệ, đó, và cũng để thích ứng với thời đại mới mà làm cho tinh thần hoạt bát của Phật giáo sống lại, những kinh điển của Bí Mật Bộ được kết tập, những kinh điển này bao hàm tất cả  tư tưởng Đại thừa từ trước đến nay, hơn nữa, lại còn thâu nạp cả chủ nghĩa Tân Bà La Môn, tuy có vẻ hùng vĩ, tráng lệ đấy. Song thật ra thì phần lớn tư tưởng tư tưởng Tân Bà La Môn được thâu nạp vẫn chưa có hệ thống. Chân ngôn Mật giáo tại Ấn Độ chưa đủ thành lập.

Đề mục của chương thứ sáu này là thuyết minh những thứ tự đó nhưng vì vấn đề quá bao la nên ở đây chỉ nói một cách đại lược thôi.

o0o

Add Comment