Phật học quần nghi: câu 43 – Thượng đế của nhất thần giáo là thật hay giả

Phật Học Quần Nghi

(Giải thích những nghi vấn trong Phật học)

Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học dịch

Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Nguồn http://www.tangthuphathoc.com/

—————————————————-

43. THƯỢNG ĐẾ CỦA NHẤT THẦN GIÁO LÀ GIẢ HAY THỰC ?

Thượng đế là vị giáo chủ lập ra Nhất thần giáo, cũng như đối với tín đồ Nhất thần giáo. Vị giáo chủ lập ra một tôn giáo, không thể nói chuyện hoang đường. Vị giáo chủ ấy đã thấy, đã tiếp xúc với Thượng đế của họ, họ không có cách nào phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế, do đó mà họ mới có một niềm tin mãnh liệt, thậm chí cuồng tín để tuyên truyền cho Thượng đế của họ.

Chúng ta cho rằng Thượng đế của họ là kinh nghiệm thế giới nội tâm của họ, chứ không phải có một Thượng đế nào khách quan tồn tại. Những người không tin, không thấy có Thượng đế nào khách quan tồn tại. Những người không tin, không thấy có Thượng đế cũng không có quyền phủ định Thượng đế, cũng như một người chưa đáp phi thuyền đổ bộ lên mặt trăng, không có quyền phủ định lời mô tả mặt trăng của những người đã từng đổ bộ lên mặt trăng.

Theo đạo Phật, vũ trụ thế giới là do “cộng nghiệp” của chúng sinh tạo thành, chứ không phải do Thượng đế nào tạo ra cả. Nên gọi Phật giáo là “Vô thần luận”. Nhưng “Vô thần luận” Phật giáo không phải phủ định sự tồn tại của Thượng đế mà là phủ định có một Thượng đế sáng chế. Bởi vì Thượng đế cũng chỉ là một phần tử trong vũ trụ, một loại chúng sinh, chứ không phải là một vị Thần “tối sơ và tối hậu” của thế giới vũ trụ. Vì vậy, Phật giáo không phủ định Thượng đế mà chỉ cho rằng không phải vì chỉ có Thượng đế mới có vũ trụ.

Như vậy, phải chăng nói có Thượng đế là nói dối và quần chúng tín đồ Nhất thần giáo đều bị lừa ? Không phải như vậy. Nói có Thượng đế không phải nói dối. Vì rằng, đã là Thần thì có tâm kiêu mạn. Phúc báo và địa vị của Thần càng cao, thì lòng tự tin và kiêu mạn của Thần càng lớn. Đó là cái mà Mật giáo nói là “Thiên mạn” hay “Phật mạn”.

Có một số chúng sinh có tâm lý yếu đuối ươn hèn, cần có một vị thần có oai lực che chở và ban ơn, đem lại hy vọng và nguồn an ủi của họ. Và cũng do yêu cầu đó của con người, Thần cũng tỏ ra mình có uy lực vô hạn. Cũng do đó dù là Thần hay là người cũng đều có bản năng và nhu cầu như vậy nên Thượng đế sáng tạo ra vũ trụ trở thành chân lý của tôn giáo.

Trong các sách Thánh Nhất thần giáo, chưa từng có câu chuyện nào nói Thượng đế không sáng tạo ra vũ trụ mà lại tự nhận mình là đấng sáng thế.

Cũng như trong xã hội công thương ngày nay, có một số ông chủ xí nghiệp thông minh, sáng suốt, khiêm tốn nói rằng xí nghiệp làm ăn tốt là do công lao đóng góp của toàn thể nhân viên xí nghiệp và xã hội nữa, chứ không phải công lao của cá nhân mình. Cá nhân chủ xí nghiệp chỉ cung cấp vốn đầu tư, trí tuệ và thời gian mà thôi. Công ty tất nhiên dựa vào ông ta mà được thành lập, phát triển và thành công, nhưng ông ta muốn biểu hiện rõ, đã lấy ở xã hội thì phải dùng cho xã hội và phục vụ xã hội.

Nhưng ngược lại cũng có phần lớn những ông chủ xí nghiệp tự cho mình đã lập ra xí nghiệp, nhân viên xí nghiệp nhờ có ông ta mà được ấm no, xã hội nhờ có ông ta mà được hạnh phúc. Tất cả nhờ có ông ta có trí tuệ, bỏ vốn ra đầy đủ, kinh doanh giỏi mà thành công. Loại người như vậy, giống như Thượng đế của Nhất thần giáo, họ thực ra có lừa dối người đâu !

Thượng đế có sáng tạo ra vũ trụ không, tín đồ Nhất thần giáo có bị lừa không, đều không thành vấn đề. Nếu vị thần ấy, tuy không sáng tao ra vũ trụ, nhưng lại quan tâm đến nỗi thống khổ của chúng sinh sống trong vũ trụ, tùy thời và tùy trường hợp để tế độ chúng sinh thì đó chẳng phải là Bồ Tát sao ? Dù cho tín đồ có bị lừa chăng nữa, nhưng nếu họ được khuyến khích và an ủi, thì đó cũng là một sự lừa dối đáng giá ! Cũng như câu chuyện Tào Tháo bày chuyện rừng mơ để quân lính khỏi khát chẳng phải là có lợi sao ? Trong kinh Pháp Hoa, có nói tới “Hóa Thành” là để hấp dẫn những người Tiểu thừa thiếu tự tin và can đảm. Phật thuyết pháp cho hàng A-la-hán và Bích Chi Phật để họ tự cầu giải thoát, sau đó mới khuyến cáo họ phát tâm Bồ đề cầu thành Phật. Sự giải thoát của Tiểu thừa giống như quán trọ trên quãng đường dài, để cho khách ngủ trọ qua đêm, phục hồi sức khỏe, để ngày mai lại lên đường tiến tới quả Phật. Có thể thấy, pháp Tiểu thừa là phương tiện giáo hóa, để thu hút chúng sinh vào con đường đạo.

Vì vậy, chúng ta không phản đối Thượng đế của Nhất thần giáo. Nếu tín ngưỡng Thượng đế có tác dụng thì tức là có giá trị nhất định đối với nhân sinh.

Add Comment