Phật học quần nghi: câu 40 – ý nghĩa của kết duyên và liễu duyên

Phật Học Quần Nghi

(Giải thích những nghi vấn trong Phật học)

Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học dịch

Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Nguồn http://www.tangthuphathoc.com/

—————————————————-

40. Ý NGHĨA CỦA “KẾT DUYÊN” VÀ “LIỄU DUYÊN”

Phật giáo chỉ nói kết duyên và liễu duyên, nghĩa là thanh toán, rũ sạch ác nghiệp. Ý nghĩa của kết duyên là : Đối với người không có thiện duyên hay thiện duyên không đầy đủ thì giúp họ chủ động hay là bị động, được sự giúp đỡ về thể lực, cũng như được sự hướng dẫn về mặt Phật giáo để họ hết sức kết duyên rộng rãi với mọi người, mọi chúng sinh mà mình tiếp xúc được là việc nên làm. Nhưng kết duyên không phải là đầu tư, đừng có nghĩ chuyện đền ơn trả nghĩa. Bản thân kết thiện duyên rộng rãi, ảnh hưởng tới người khác cũng kết thiện duyên rộng rãi, đó chính là bố thí, ít thì cũng đem lại hạnh phúc cho xã hội, nơi mình đang sống, nhiều thì có thể ảnh hưởng tới cả nước và toàn thế giới, tạo ra Tịnh độ trên cõi đời.

Còn từ “Liễu duyên”, chính là quan niệm nhân quả bị tín ngưỡng dân gian nhận thức sai lệch đi mà hình thành. Thiện có thiện báo, ác có ác báo, đó là đúng, anh đối với tôi tốt, tôi đối với anh cũng tốt. Điều đó là đúng. Vì nam nữ có quan hệ ân ái với nhau mà hai người thấy cần chung sống với nhau thành vợ thành chồng, người đời gọi là “Liễu duyên”. Các tiểu thuyết võ hiệp, thần quái, các truyền thuyết nói đến chuyện ba đời, bảy đời làm vợ chồng. Làm vợ chồng một đời chưa đủ, phải hết ba đời mới có thể chia tay. Có những thầy số nói rằng, đã có nhân duyên kiếp trước thì phải thành vợ chồng, nếu không thì sẽ xảy ra biến cố trong gia đình hoặc tính mạng bị nguy hiểm.

Theo quan điểm Phật pháp thì quan hệ nam nữ đã có ân, oán thì kéo dài mãi, không phải một đời mà nhiều đời. Vì vậy mà Kinh “Phạm Võng” nói : “Tất cả đàn ông đều là cha của ta, tất cả đàn bà đều là mẹ của ta”. Như vậy có nghĩa là bất cứ người nào khác giới tính đều từng là vợ hay chồng của mình, quan hệ ân oán đó không thể nào chấm dứt kết liễu được. Cặp vợ chồng có ân mà ít có oán thực là ít có vậy. Huống hồ, chỉ có ân mà không có oán, thì là đắm tình, mà đã đắm tình thì khó bỏ nhau. Không phải vợ chồng ba đời, nhân duyên bảy đời mà là quan hệ ân oán vô lượng kiếp. Nhưng chỉ có những đôi nam nữ, nhân duyên đã thành thục, nghiệp lực lại tương đương mới có thể thành vợ chồng. Nếu nam nữ lấy nhau gọi là để “Liễu duyên” mà đi ngược lại luân lý xã hội thì không những luật pháp thế gian không cho phép, mà Phật pháp cũng không chấp nhận. Những chuyện như vậy gây ảnh hưởng không tốt đến nhiều người, tạo ra bất cứ nhân duyên nào dẫn tới hậu quả xấu đều nên xa lánh, sao lại còn dấn thân vào, vừa hại mình, vừa hại người ? Bởi vì quan hệ nam nữ không thích hợp, đem lại tai họa cho cả hai bên, cho người thứ ba, và cho nhiều người khác nữa, vì vậy gọi là truyền thuyết “Liễu duyên”, thực ra, đã gây hại cho biết bao người rồi.

Oan gia nên giải, chứ không nên kết. Quan hệ nam nữ không chính đáng, không thích hợp, không được đạo đức xã hội chấp nhận nên xem oan gia gặp nhau, là sự thể hiện của nghiệp ác. Vì vậy, đừng có nghe theo quan điểm “Liễu duyên” mà phải tin ở quan điểm “nghiệp”. Nghĩa là có nợ với người thì phải trả. Gặp phải nghịch cảnh thì phải gắng hết sức mà khắc phục, trả nợ càng được nhiều, thì gánh nặng càng bớt đi.

Chúng tôi không cho rằng, quan hệ nam nữ gây ra ác nghiệp. Trên thực tế, quan hệ vợ chồng chính đáng là nền tảng của luân lý xã hội. Nhưng nếu cao rao về “Liễu duyên” mà ảnh hưởng tới phong tục thuần lương thì đó là tạo nghiệp ác, không những đời sau không thể là vợ chồng, mà còn phải chịu ác báo đáng sợ.

Người xuất gia, không kể là nam hay nữ thường dễ bị người khác giới tính hấp dẫn, thu hút. Người xuất gia cũng vẫn là người phàm tục, chưa phải là bậc A-la-hán đã ly dục. Vì vậy, Kinh Phật nói tình dục nam nữ là điều đáng sợ nhất. Nếu xét nhân duyên quá khứ của mọi cá nhân chúng ta, thì mỗi người chúng ta đều là bà con quyến thuộc của vô lượng chúng sinh, nếu muốn “Liễu duyên” thì tất phải thành vợ chồng với tất cả mọi chúng sinh, mà như vậy, sẽ không còn cơ hội để xuất gia nữa. Nếu xuất gia mà còn tin ở thuyết “Liễu duyên” thì sẽ không ai có thể xuất gia cả. Người xuất gia phải dựa vào niềm tin và lời nguyện của mình, phải xem mối quan hệ nam nữ là biểu hiện nhân duyên ác, quả báo xấu, không để cho nó trói buộc mình mãi mãi. Phải dùng lưỡi gươm trí tuệ chặt đứt sự đắm tình nam nữ, như vậy mới là chân thực hành “Liễu duyên” đối với người xuất gia theo đạo Phật.

Add Comment