Phật Học Quần Nghi
(Giải thích những nghi vấn trong Phật học)
Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học dịch
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Nguồn http://www.tangthuphathoc.com/
—————————————————-
39. KẾT THIỆN DUYÊN RỘNG RÃI LÀ NGHĨA THẾ NÀO ?
Duyên nghĩa là quan hệ. Kiến lập quan hệ nghĩa là kết duyên. Hai người vốn có quan hệ giao tiếp với nhau gọi là có duyên. Quan hệ lợi mình, lợi người thì gọi là thiện duyên. Quan hệ không đụng chạm tới dục vọng cá nhân gọi là tịnh duyên. Tạo ra nhiều duyên và tịnh duyên thì gọi là rộng rãi kết thiện duyên.
Do đó, có người sau khi tin Phật, học Phật bèn gặp người là kết duyên, suốt ngày tiếp khách, làm các công việc hộ pháp, thuyết pháp, hoằng pháp một cách vô nguyên tắc. Bỏ tiền, bỏ công mà không có phương pháp tu hành cũng không có nơi nương tựa ổn định tuy trên hình thức anh ta đúng là kết duyên với rất nhiều người, nhưng trên thực tế, đối với đạo pháp đều không có tác dụng hỗ trợ gì gọi là sâu sắc và có hiệu quả. Tuy rằng đâu cũng có mặt anh ta, nhưng không phải đâu đâu cũng cần tới anh ta. Tuy rằng, có nhiều người tiếp xúc với anh nhưng lại rất ít người được anh ta giúp ích thiết thực.
Lời kết thiện duyên như vậy cũng giống như đem một bát cơm bố thí cho một người thì người đó có thể tạm ăn no, đem một tạ gạo bố thí cho một người thì người đó có thể sống được nữa năm. Trái lại, đem một bát gạo bố thí cho 100 người sắp chết đói, thì sẽ không có người nào được cứu sống cả. Nhưng dùng một bát cơm bố thí cho một người, thì người đó có thể sống được một ngày. Như vậy, dùng một đấu gạo bố thí cho một vạn người đói, thì đó cũng là kết duyên rộng rãi, nhưng kết quả là không ai có thể sống thêm một ngày. Do đó việc kết duyên rộng rãi phải tiến hành có nguyên tắc, phải lượng sức mà làm. Nếu có sức bố thí cho toàn thế giới mà ngân quỹ còn đủ thì hãy bố thí không hạn chế, không phân biệt, thực sự bình đẳng. Còn nếu chỉ có lực lượng ít ỏi, thì phải biết tập trung vào một số đối tượng có nhu cầu cấp bách, và thân cận với mình, thí dụ người nhà, bà con thân thuộc, thầy dạy, bạn bè v.v… Nếu không thì việc kết duyên rộng rãi không thực tế, kém hiệu quả.
Nếu đứng trên lập trường Tam Bảo mà nói, thì kết duyên rộng rãi có nghĩa là bố thí không phân biệt, bình đẳng. Tức là dùng Phật giáo để giáo hóa chúng sinh, không phân biệt người giàu hay người nghèo, có quyền thế lớn hay nhỏ, địa vị cao hay thấp, có học hay không có học, hễ có ai yêu cầu thì giúp. Vì vậy mà Tam Bảo tiếp thu mọi sự cúng dường như không chê ít, chê nhiều, xấu hay tốt. Đối với mọi người cúng dường như Tam Bảo đều tiếp thu với lòng từ bi, hoan hỷ. Khi Phật còn tại thế các đệ tử xuất gia đã hành động như vậy. Ngày ngày cầm bát đi khất thực, đến mọi nhà không kể giàu nghèo, cho bao nhiêu, cho gì cũng nhận, miễn là đầy bát thì thôi. Đó chính là kết duyên rộng rãi với tâm bình đẳng. Bố thí cho người khác là kết thiện duyên, tiếp thu bố thí cũng là kết thiện duyên.
Nói chung, tài lực vật liệu, thế lực, trí lực và thời gian của mọi người có hạn, nếu bố thí, kết thiện duyên một cách không nguyên tắc thì không những hiệu quả kém mà tự mình gây khó khăn cho mình một cách vô nghĩa lý. Có khi điều đó làm tài sản gia đình kiệt quệ, sức khỏe bản thân bị hao tổn, mà kết quả lại làm người khác oán giận, hoặc sinh ra nghi k?đối với mình, mất cả tín tâm và đạo tâm. Trong kinh “Di giáo”, Đức Phật đã từng dạy rằng : Tỳ kheo khất thực, cũng như ong hút mật nơi hoa, không làm tổn hại đến sắc và hương vị của hoa. Vì vậy, cư sĩ muốn kết thiện duyên, phải biết lượng sức mình, không nên vì cúng dường Tam Bảo mà bị khốn khổ, đáng lẽ tiến mà hóa ra lùi, có phải là ngu si hay không ? Vì vậy hộ trì Tam Bảo cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, có nguyên tắc, phải biết phân biệt hoãn cấp, nặng nhẹ, gần xa, thân, sơ, cấp bách hay từ từ v.v…
Kỳ thực, hộ trì, bố thí một cách có nguyên tắc, có trọng điểm cũng là một phương thức kết thiện duyên một cách rộng rãi. Thí dụ, hỗ trợ cho một người thành Phật và Phật độ thoát được nhiều chúng sinh, và như vậy, một cách gián tiếp anh cũng kết duyên được với nhiều chúng sinh. Vì vậy trong kinh “42 chương” có câu : “Bố thí cho 100 người ăn, không bằng bố thí cho một người lương thiện ăn, bố thí cho một ngàn người lương thiện ăn, không bằng bố thí cho một người giữ 5 giới; bố thí cho một vạn người giữ 5 giới, không bằng bố thí cho một vị Tu đà hoàn (bậc Thánh đạt sơ quả) v.v… Bố thí cho một vị đại giải thoát đã đạt tới trình độ vô tu vô chứng thì công đức còn nhiều hơn nữa”. Từ đó, mà suy ra thì cúng dường, bố thí, hộ trì Tam Bảo có thể chia thành hai trọng điểm :
- Hộ trì cho những nhân vật và sự nghiệp của họ, có ảnh hưởng tới hiện tại và vị lai của Phật giáo, là kết duyên rộng rãi.
- Đối với những nhân vật Phật giáo và sự nghiệp của họ, tuy không có tiếng tăm, nhưng chúng ta nhận thấy đáng tôn kính và chúng ta hoan hỷ hộ trì thì đó cũng có nghĩa là kết duyên rộng rãi.
Do hai điểm đó mà thấy rằng tán thành và hộ trì những nhân vật Phật giáo nổi danh, không nhất thiết thêu hoa trên gấm, mà cúng dường, bố thí cho những nhân vật Phật giáo không nổi danh cũng không phải là vứt than hồng trên tuyết lạnh. Điều quan trọng nhất là xử sự, hành động có trọng điểm, có trí tuệ.