Phật Học Quần Nghi
(Giải thích những nghi vấn trong Phật học)
Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học dịch
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Nguồn http://www.tangthuphathoc.com/
—————————————————-
30. THUYẾT ANH LINH (TRẺ CON CHẾT NON) GÂY HỌA CÓ CĂN CỨ KHÔNG ?
Mấy chục năm lại đây, ở Đài Bắc cũng như ở các khu vực khác có người Hoa ở đã lưu hành truyền thuyết tín ngưỡng Anh Linh. Anh Linh là linh hồn trẻ con chết do người mẹ bị lưu sản, hoặc chết trong bụng mẹ, hoặc lọt lòng mẹ vài ngày rồi chết. Người ta cho rằng nếu anh linh không được siêu độ, thì nó sẽ dùng nhiều phương thức, hiện tượng để làm hại thân thuộc, báo oán với người nó có oán thù v.v… làm cho gia đình bất an, xã hội khủng hoảng. Tất cả những điều đó đều là những hậu quả, những gánh nặng tinh thần sinh ra từ sự tiết dục, từ việc người phụ nữ có mang trước khi kết hôn hoặc không kết hôn.
Vì vậy mà có một số nhân sĩ liên tục đăng quảng cáo trên báo chí về việc cúng dường anh linh, siêu độ anh linh để trừ bỏ mọi chướng ngại, nguy hiểm do anh linh gây ra và dẫn chứng cuốn sách “Trường thọ kinh”. Lại có người tuyên bố có thể dùng phù chú biến anh linh thành lính trẻ con để dùng làm thám tử đi dò la chuyện riêng tư của người khác, cung cấp tin tức thậm chí có thể sai kiếm lính trẻ con giết người ở ngoài ngàn dặm mà không để lại dấu vết gì. Loại truyền thuyết như vậy, tất nhiên không phải là của đạo Phật, cũng không phải là loại tín ngưỡng đã từng lưu truyền ở một thời đại lịch sử nhất định hay một khu vực nhất định.
Từ khi thuyết anh linh được lưu truyền đến nay, ngoài cha mẹ và gia đình của những phụ nữ bị lưu sản gặp khó khăn, cũng có một số người gặp phải một vài hiện tượng kỳ dị về tinh thần hay vật chất, bèn nghi ngờ đó là quỷ thần can thiệp hay là anh linh tác quái, tựa hồ trong không gian sống của chúng ta nơi nào cũng có anh linh chờ cơ hội để ra tay, làm hại người. Thật ra, theo quan điểm Phật giáo, mọi người đều bình đẳng, sinh mạng của người tuy có dài, có ngắn, nhưng chết rồi ai cũng giống nhau, người lớn hay trẻ con sau khi chết đều có thân trung ấm. Sau 49 ngày, họ đều chuyển sinh, hoặc làm người, hoặc lên cõi trời, hoặc làm quỷ thần, làm chúng sinh ở địa ngục, không có chuyện anh linh của trẻ con chết, tác oai tác quái giữa loài người.
Đúng là có một số người loạn tưởng thấy gà hóa quốc cho rằng bản thân đã thấy hiện tượng oan hồn của anh linh nên luôn bị ám ảnh. Nhưng đó chủ yếu là do nhân tố tâm lý tạo nên. Cho dù có thần lực từ bên ngoài quấy phá cũng không thể khẳng định đó là do anh linh tác quái.
Người ta lo sợ đối với thuyết anh linh có thể là do quan điểm tâm trạng thiếu nhi. Trẻ con không hiểu biết thì hài nhi lại càng không biết, khi nó làm ồn thì cha mẹ la. Nếu hài nhi suốt ngày khóc, đêm không ngủ mà lại không phải vì bụng đói thì phải có người bế nó, săn sóc, vỗ về nó. Giả sử có chuyện anh linh quấy nhiễu, thì anh linh đã không biết gì, dù có tụng kinh, thuyết pháp nó cũng không hiểu, không cảm hóa được nó.
Trước tình hình đó, có một số kẻ đầu cơ trục lợi, rêu rao rằng họ có pháp thuật siêu độ đặc biệt có thể giải quyết vấn đề anh linh. Theo kinh Phật thì chúng sinh từ khi chết cho đến lúc tái sinh, trải qua giai đoạn thân trung ấm, hình thù giống như khi còn sống, nhưng có phần nhỏ hơn. Hài nhi vốn đã không biết gì, thân trung ấm của hài nhi làm sao mà trả cừu trả oán được. Thậm chí, kết thúc giai đoạn thân trung ấm, hài nhi có thể tái sinh làm quỷ thần và thường có thần thông, thân thể nhẹ nhõm, rất dễ dàng cảm ứng và cảm hóa. Do vậy, tuyệt đối không được xem hài nhi sau khi chết như những hung thần ác quỷ.
Theo tri thức phổ thông của đạo Phật thì dù người già hay trẻ, tuổi nhiều hay ít, sau khi chết, họ hàng thân thích nên tổ chức cúng dường Tam Bảo, cầu cho vong linh người chết được sinh vào cõi lành hay vãng sinh Tịnh độ. Không có pháp môn riêng biệt nào dành riêng để siêu độ cho vong linh hài nhi và trẻ con chết.
Còn cuốn “Phật thuyết trường thọ kinh” kể chuyện Phật thuyết cho một phụ nữ, do vấn đề gia đình mà giết đứa con mình đã hoài thai 8 tháng. Phật nói với bà ta : “Tội sát thai cũng nặng như tội giết cha, mẹ, giết La hán, làm Phật chảy máu và phá hòa hợp Tăng vậy. Muốn sám hối tội thì phải thọ trì cuốn “Trường thọ kinh” này, hãy chép lại, đọc tụng, hoặc tự mình chép, hoặc nhờ người chép, như vậy sẽ không chịu tội báo mà còn được sinh ở cõi Trời Phạm Thiên”. Kinh này cũng không nói đến vấn đề siêu độ anh linh. Cuốn kinh nhấn mạnh phải bảo vệ thai, xem sát thai là tội nặng ngang với 5 tội ngũ nghịch. Nhưng kinh này, vì không thích hợp, nên không lưu hành ở nước ta.
Ngoài ra, có truyền thuyết nói ở Nhật bản, có chuyện anh linh cầu xin Bồ Tát Địa Tạng siêu độ. Chuyện này cũng không phù hợp với lịch sử tín ngưỡng Bồ Tát Địa Tạng. Trong dân gian Nhật bản, chỉ từ thế kỷ 11 trở đi, mới có ghi tập tục thờ ảnh Địa Tạng để cầu trị bệnh và kéo dài tuổi thọ. Dần dần, trong dân gian, người ta biến Địa Tạng thành vị thần bảo hộ hài nhi, nhưng việc này cũng không có quan hệ gì với việc anh linh tác quái cả.
Phong trào cầu siêu độ cho anh linh hiện nay dù là có thiện ý hay là vị trục lợi, đều không quan hệ gì tới truyền thống Phật giáo cả.