Phật học quần nghi: câu 27 – khi mệnh chung, thấy điềm lành có phải là triệu chứng giải thoát không

Phật Học Quần Nghi

(Giải thích những nghi vấn trong Phật học)

Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học dịch

Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Nguồn http://www.tangthuphathoc.com/

—————————————————-

27. KHI MỆNH CHUNG, THẤY ĐIỀM LÀNH CÓ PHẢI LÀ TRIỆU CHỨNG GIẢI THOÁT KHÔNG ?

Có thể là giải thoát, nhưng đa số trường hợp là không phải. Nói điềm lành hiện ra lúc mệnh chung là chỉ mùi hương lạ, có thiên nhạc, có ánh hào quang, có hình ảnh Phật, Bồ Tát hiện ra, có chim thú kêu, hoa bỗng nhiên nở rộ, cây cỏ biến sắc, mây gió biến đổi, có tiếng chớp, thân thể người mệnh chung mềm mại, sau hỏa táng còn lại ngọc xá v.v… Tất cả những tướng phúc đức đó do tu thiện tích đức mà thành. Khi còn sống, làm người chính trực hay bố thí, khi chết hay xuất hiện điềm lành, sau khi chết có thể trở thành thần linh có phúc lớn.

Nếu vừa có tội, vừa có phúc, nhưng phúc nhiều hơn tội thì có thể làm quỷ với uy lực lớn. Nếu ít tham, sân có nhiều phúc đức, thì tái sinh làm loài trời ở dục giới. Nếu tu hành Phật pháp, coi trọng cả ba môn học Giới, Định, Tuệ thì dù chưa thoát khỏi được ba cõi cũng được sinh lên cõi trời Đao-lợi của Dục giới hay là 5 cõi trời Tịnh-cư-thiên của sắc giới. Sau khi lên cõi trời rồi có thể gặp Phật, nghe pháp, cúng dường chư Phật 10 phương, cùng tụ hội một nơi với các bậc Đại Bồ Tát, dần dần sẽ thoát khỏi 3 cõi, giải thoát sống chết. Nếu là người thọ trì 5 giới, tinh tiến niệm Phật, một lòng hướng về cõi Cực-lạc thì khi mệnh chung, sẽ được vãng sinh về cõi Cực-lạc. Tất nhiên, mười phương thế giới có vô lượng cõi Phật, cầu vãng sinh ở đâu cũng được toại nguyện.

Như chúng ta thấy, chỉ cần khi làm người tu phúc làm lành là có thể không đọa vào ba cõi ác, được tái sinh làm người hay lên cõi trời, khi mệnh chung, thường xuất hiện ít nhiều điềm lành. Có những điềm lành chỉ người đương sự thấy mà thôi, nhưng cũng có điềm lành mà nhiều người thấy được, thậm chí có thể chụp ảnh được, ghi âm được, khiến cho người chứng kiến tăng thêm lòng tin.

Còn thân thể người chết mềm mại, sắc mặt như khi còn sống, tất nhiên đó là điềm lành sẽ tái sinh lên các cõi trời. Nhưng cũng có khi do sức mạnh thần linh biểu hiện ra chứ không phải do công đức người chết. Sức mạnh đó có thể hiện thành uy quyền to lớn khiến nhiều người tin theo và sùng bái. Về các loại điềm lành khác thì có thể suy ra mà hiểu.

Về nguyên tắc thì điềm lành không phải là chuyện xấu, vì có thể khuyên mọi người bỏ ác làm lành. Nhưng không nên hiểu điềm lành xuất hiện là triệu chứng của giải thoát. Giải thoát là thuộc về tướng của tâm, chứ không phải tướng của vật. Vật tướng thuộc về tướng của tâm, chứ khi đạt tới trong tâm không còn tướng, không còn vật mới là giải thoát. Kinh Kim Cương có câu “Phàm là tướng, đều là hư vọng”. Giải thoát là ly tướng, không chấp tướng. Trong lòng đã không có tướng, thì ở bên ngoài có hay không có điềm lành không quan trọng.

Nhưng cũng không thể nói rằng khi mệnh chung xuất hiện điềm lành là có thể chưa được giải thoát. Như Phật Thích Ca khi nhập Niết-bàn cũng có điềm lành xuất hiện, các bậc Cao-tăng, Đại-đức qua các đời, khi viên tịch cũng hiện ra nhiều điềm lành. Đó không phải là do tự họ hiện ra điềm lành, mà là do các vị thần linh, hộ pháp bày tỏ lòng hoan hỉ thương tiếc có người giải thoát, thương tiếc người được giải thoát sắp đi xa. Điềm lành phần lớn là do sức mạnh của các thần linh hiển hiện, tuy có quan hệ với người sắp chết, nhưng không phải trọng yếu. Điềm lành xuất hiện tuy có tác dụng làm tăng thêm lòng tin đối với người khác, nhưng không thể khẳng định đó là triệu chứng của giải thoát. Ngược lại, khi lâm chung, xuất hiện điềm xấu, thì không nhất định là không được giải thoát. Thí dụ các bậc đại A-la-hán như Mục-Kiền-Liên, Ưu-Đà-Di, Liên-Hoa-Sắc v.v…. bị người ta đánh chết, thậm chí bị vứt bỏ vào hố phân. Đó là do nghiệp báo của đời trước, chứ không có liên quan gì đến cảnh giới giải thoát thuộc đời hiện tại của họ.

Add Comment