Phật học quần nghi: câu 11 – Phật tử nên cử hành nghi thức lễ tang như thế nào ?

Phật Học Quần Nghi

(Giải thích những nghi vấn trong Phật học)

Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học dịch

Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Nguồn http://www.tangthuphathoc.com/

—————————————————-

11. PHẬT TỬ NÊN CỬ HÀNH NGHI THỨC LỄ TANG NHƯ THẾ NÀO?

Trong lễ tang nên làm các “Phật sự” như : tụng kinh, niệm Phật v.v… Nhưng trong nghi thức lễ tang hiện nay ở Trung Quốc, người xuất gia chỉ tụng kinh, không đứng chủ lễ tang. Vì các nghi thức lễ tang đều do phái viên của tổ chức hội bảo trợ đảm nhiệm, Phật sự chỉ là những công việc phụ.

Theo nghi lễ tang chính thức của Phật giáo thì ngoài những người phụ trách lễ tang thì chủ thể phải là một pháp sư xuất gia tụng kinh hộ niệm cho người chết. Những người tham dự lễ tang nên có quyển kinh Phật trong tay để tụng theo pháp sư chủ lễ, bài kinh và bài kệ đọc nên ngắn gọn, như bài “Tâm kinh”, “Chú vãng sinh”, “Kệ tán Phật”, “Niệm danh hiệu Phật”, “Kệ hồi hướng”. Chỉ cần đọc không cần xướng bởi vì trong số người tham dự có nhiều người không biết xướng. Sau đó vị pháp sư giới thiệu sơ lược tiểu sử, công đức học Phật, làm điều thiện của người chết rồi nói đôi lời ngắn gọn cầu cho người chết vãng sinh tịnh độ và an ủi gia đình bạn bè của người chết.

Lễ tang gia đình và lễ tang chung (dành cho bạn bè đoàn thể) nên tổ chức vào cùng một ngày cho tiện, đồng thời nghi thức lễ tang nên tổ chức giản đơn, long trọng, thời gian không quá một giờ, nhiều nhất là một giờ rưỡi. Dùng ban nhạc hay hàng rào danh dự đều là việc phô trương, hình thức. Những người không phải là Phật tử cho rằng những hình thức đó có lẽ có lúc có tác dụng an ủi người chết. Còn đối với các Phật tử thì điều đó chỉ làm nhiễu loạn tâm người chết cầu mong sinh nơi cõi Phật.

Xưa nay, lễ tang Phật giáo chưa có quy định cụ thể. Nhưng ở Trung Quốc, vốn có các nghi thức lễ tang gồm các khâu như di lưu, khi người còn sống chưa chết hẳn và sau khi chết thì có các khâu như tắm rửa, thay áo, đặt linh vị, túc trực bên linh vị, nhập quan, đưa tang, mai táng, làm lễ cúng 7 ngày cho tới lễ cúng 100 ngày, v.v…

Theo pháp môn Tịnh độ thì trong khâu “di lưu” (1) nên mời các thiện tri thức, kể cả tại gia và xuất gia, đến hộ niệm, nói pháp, tụng kinh, niệm Phật. Và trong vòng 12 giờ sau khi đương sự chết thì tổ chức tắm rửa và tiếp tục hộ niệm. Bất cứ cử hành nghi thức nào đều tổ chức hộ niệm cho tâm người chết hướng về vãng sinh Tịnh độ. Tốt nhất là có các chư tăng hộ niệm làm lễ, bằng không thì có thể nhờ bạn bè đồng đạo, đồng tu giúp đỡ hộ niệm.

Phật tử xử lý xác người chết như thế nào ?

Có thể đặt trong khám, hay trong quan tài để hỏa táng hay đem chôn. Nếu là hỏa táng thì đưa tro cốt lên chùa hay là đặt trong tháp để thờ, hoặc đem chôn trong phần mộ. Nhưng dù hỏa táng hay chôn cất, cũng nên dùng các nghi thức tụng niệm, đọc kinh, hồi hướng, thay cho các nghi thức phô trương như cử nhạc hiếu và than thuê khóc mướn v.v…

Ngày xưa, ở nông thôn có tập tục, người già đều chuẩn bị sắm quan tài, áo tang để cầu sống lâu dài và cầu đại cát đại lợi. Nhưng ngày nay trong xã hội công thương nghiệp, phong tục đó cũng không còn nữa mà cũng không cần thiết nữa.

Như trên đã nói, nghi thức lễ tang theo Phật giáo cố gắng làm đơn giản, long trọng và đặc biệt là trong thời gian lễ tang không được bày chuyện sát sinh, làm cổ mặn, rượu thịt để thiết đãi bạn bè hay là để cúng tế vong linh người chết. Ở làng tôi tại tỉnh Giang Tô, vào dịp lễ tang, nhân dân chỉ làm cổ chay để tiếp đãi những người đến tham dự, phúng viếng. Bàn thờ linh vị chỉ có hoa quả, cổ chay để cúng dường… có vòng hoa, giỏ hoa, trướng biển cũng giảm bớt hay bãi bỏ, chỉ trừ một số giỏ hoa, hay vòng hoa của bạn bè thân hữu đến như các đoàn đại biểu. Số tiền phúng viếng ngoài phần để trang trải chi phí lễ tang và nhu cầu sinh hoạt ra (nếu tang gia thuộc hạng người nghèo) còn thì nên đem tất cả cúng dường Tam Bảo hay làm các công việc hoằng pháp lợi sinh, các công việc từ thiện, để hồi hướng cho người chết được siêu sinh tịnh độ.

Cha mẹ qua đời, con cháu vì thương cảm khóc than là chuyện thường tình. Khi đức Phật nhập Niết Bàn trừ các bậc A-la-hán đã được giải thoát ra tất cả các đệ tử đều khóc. Nhưng trong lễ tang ngày nay, nếu vì tục lệ mà tổ chức “khóc lóc để biểu thị lòng thương cảm” thì không nên. Các Phật tử nên thay khóc lóc bằng các Phật sự.

Thế thì khi nào làm Phật sự vì người chết ? Và nên tiến hành làm Phật sự như thế nào ?

Chú thích :

(1) Một số công việc làm với người hấp hối như thay quần áo, niệm Phật.

Add Comment