Phật Học Quần Nghi
(Giải thích những nghi vấn trong Phật học)
Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học dịch
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Nguồn http://www.tangthuphathoc.com/
—————————————————-
5 – HỌC PHẬT CÓ CẦN PHẢI VỨT BỎ NHỮNG HƯỞNG THỤ TRONG CUỘC SỐNG HIỆN HỮU HAY KHÔNG ?
Không nhất thiết phải vứt bỏ hay không vứt bỏ mà cần phải xem xét tình hình. Những hưởng thụ không mục đích thì nên vứt bỏ, còn những hưởng thụ có lý do thì cần duy trì.
Tượng Phật phải nhiếp vàng là để cho chúng sinh xem. Con người ta phải mặc quần áo là để cho những tầng lớp xã hội nhất định xem. Sự hưởng thụ tiêu biểu cho thân phận, địa vị và lập trường của bản thân mỗi người. Trong những hoàn cảnh và trường hợp cần phải có nghi thức lễ tiết trang nghiêm, nếu tình hình điều kiện vật chất cho phép thì sự hưởng thụ tiêu biểu cho sự long trọng lịch sự. Nhưng nếu điều kiện vật chất thiếu thốn, năng lực kinh tế yếu kém, hoặc trong tình hình xã hội đặc biệt khó khăn thì dẫu mình có năng lực, tiền của cũng nên vứt bỏ những hưởng thụ vốn có để cùng với đại chúng vượt qua cửa ải khó khăn, như Ngài Găng Đi ở Ấn Độ trước đây chính là như thế.
Trong xã hội ngày nay, do phép lịch sự hoặc vì lý do an toàn, trong những trường hợp, hoàn cảnh nào đó, thì phải ăn mặc mũ áo chỉnh tề, phải dùng đến ô tô riêng, ban ngày mặc lễ phục ban ngày, buổi tối mặc lễ phục buổi tối. Ở Nhật Bản và các nước Âu Mỹ khi đi dự đám tang cần phải mặc lễ phục theo một kiểu cách và màu sắc nhất định. Tham dự hôn lễ và các cuộc họp cũng không được mặc quần áo lao động, quần áo ngủ và quần áo mặc ở nhà. Những việc đó đều không coi là hưởng thụ.
Phật pháp coi trọng luật nhân quả, phúc báo ở cuộc đời hiện nay là do sự bố thí của kiếp trước mang lại, hưởng thụ quả phúc cũng ví như việc rút tiền gửi ở ngân hàng ra ma chi dùng, rút ra dùng càng nhiều thì tồn khoán càng ít, cuối cùng rồi cũng có lúc hết nhẵn. Trong cuộc sống hiện nay, hưởng thụ càng nhiều thì phúc báo để lại càng ít, rốt cuộc rồi cũng có ngày dùng hết. Cần phải một mặt tiếp tục tu phúc, đồng thời cũng cần phải dè xẻn việc hưởng thụ của phúc thì mới có thể đạt đến trình độ phúc đức tràn đầy, nếu không thì dù có đức cũng không đầy đủ.
Vì vậy Phật giáo nguyên thủy đã chủ trương các Tỳ kheo trên người không mặc thứ gì dài rộng, một là để răn sự tham muốn, hai là để dè xẻn phúc báo, ba là để giảm bớt sự chấp trước của bản thân con người. Những người xuất gia cố nhiên là phải noi theo, những người tu tại gia cũng nên như thế.
Các Sa di là kẻ xuất gia cần phải tuân thủ các điều giới luật như không xức nước hoa lên đầu tóc, không bôi dầu thơm lên người, không nhảy múa, vui chơi ca kỷ, không có duyên cớ không được đi xem đi nghe, không ngồi nằm trên ghế cao, giường rộng, không đeo đồ trang sức, không tích trữ tiền bạc, báu vật v.v… Đại chúng tu tại gia nếu có thể thực hiện được, ngoài tiền nong cần phải tiêu dùng ra, các khoản khác cũng phải nên tuân theo như thế. Nếu không thể tuân theo được cả thì hy vọng hàng tháng thực hiện sáu “ngày ăn chay”, để theo cuộc sống của người xuất gia, mục đích là nhằm dè xẻn hướng phúc, bỏ sự hưởng thụ. Nội dung hưởng thụ nên bao quát cả việc ăn, dùng, ở, ngồi, ngủ, các vật đeo mặc trên người cùng mọi trò vui chơi giải trí. Đó chính là điều tiết dòng chảy đặc biệt quan trọng từ lúc khởi nguồn. Bố thí là khơi nguồn cho phúc báo, vứt bỏ hưởng thụ chính là để điều tiết dòng chảy của phúc báo.
Đức Thế Tôn Thích Ca có đến ba mươi hai đại nhân tướng, là tướng của phúc đức, trang nghiêm, trí tuệ. Theo truyền thuyết thì Đức Thế Tôn Thích Ca cũng nhận đồ cúng dường bố thí là chiếc áo cà sa có giải tua bằng vàng, cũng để cho trưởng giả Cô-Độc dùng vàng trải đất, mua tịnh xá Kỳ-Viên để cúng dường Phật. Lúc bấy giờ các vị trưởng giả Phúc Đức thiết lễ trai tăng cúng Phật dùng toàn những món ăn ngon, lại sửa sang trang hoàng những nơi cúng Phật, thiết lễ trai tăng rất trang nghiêm, sắp đặt nhiều nơi cảnh đẹp để Phật thuyết pháp, về sau đều trở thành những vườn hoa và công viên nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo.
Những miền tịnh độ của nước Phật mà chúng ta thấy nói đến trong kinh Phật như : Tịnh Độ Di Đà ở Tây Phương, những lầu gác Di Lặc trong Kinh Hoa Nghiêm, các cung điện của chư Đại Bố Tát mà Thiện Tài đồng tử trong khi đi tham yết Năm mươi ba vị thiên tri thức đã nhìn thấy đều là những nơi vàng ngọc rực rỡ lấp lánh, cực kỳ trang nghiêm. Đó cũng chính là những người đại phúc đức mà phúc đức gắn liền với họ, mà sự giàu có biểu hiện ở nơi họ, cũng giống như tướng của những kẻ nghèo hèn thì xấu xí, da dẻ sần sùi, còn tướng của người giàu sang thì trang nghiêm, da dẻ nhẵn mượt. Đó là những phúc báo mà họ sinh ra đã có, không liên quan gì đến chuyện vứt bỏ hưởng thụ hay tham lam hưởng thụ.
Sự hưởng thụ mà chúng ta nói đến là chỉ lòng tham cá nhân muốn cho sướng miệng đầy bụng như ăn uống các món sơn hào hải vị quý hiếm, chẳng phải vì để thiết đãi khách khứa, cũng không phải vào dịp lễ tết, mà chỉ để tỏ ra mình đây giàu có, hoặc muốn để người khác mến mộ mình mà chú ý chăm chút kiểu các ăn mặc trang điểm để thỏa mãn các hư vinh của mình, hoặc là vì những kích thích hưởng thụ của ngũ quan mà tìm đến những “chỗ vui chơi” như các ca lâu, tiệm nhảy, nhà chứa v.v… mặc sức phóng túng, thả sức đua tìm thú vui vung tiền như rác, những hành vi như vậy, người học Phật đương nhiên là phải từ bỏ.