Phật học phổ thông: Bài 7.7 – Phật dạy trì chú Lăng Nghiêm

PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành 1997

KHÓA THỨ BẢY – TRIẾT LÝ ĐẠO PHẬT (TIẾP THEO)

—o0o—

Bài thứ 7 – Phật dạy trì chú Lăng Nghiêm

I. Phật dạy trì chú Lăng Nghiêm

– A Nan, người tu hành phải gìn giữ bốn điều luật nghi cần yếu: dâm, sát, đạo, vọng cho trong sạch, cũng như băng tuyết, nơi tâm không khởi vọng niệm duyên theo ngoại cảnh, thì chúng ma kia không làm sao sanh được (vì trong tâm vọng động, nên ngoại ma mới ứng)

Nếu người nào nghiệp chướng nặng nề, không thể trừ được, ông nên dạy họ chí tâm trì chú Lăng nghiêm này, thì các nghiệp chướng đều tiêu diệt.  Bằng chứng là ông cùng với nàng Ma Ðăng Già, tình ân ái chồng vợ đã khắn khít với nhau từ nhiều kiếp, đâu phải mới một đời này; nhờ thần chú Lăng Nghiêm mà nàng Ma Ðăng Già nguồn tình khô cạn và được thành A La Hán.

Ma Ðăng Già là kẻ dâm nữ, không có tâm tu hành còn được quả thánh, huống chi các ông là bực Thinh Văn, có chí cầu đạo vô thượng, lại trì tụng chú này, thì quyết định thành Phật rất dễ, cũng như thuận gió tung bụi, chẳng có khó gì.

LƯỢC GIẢI

Trong đoạn kinh này Phật dạy phương pháp tu hành để thành Phật, tóm lại có ba điều:

1.          Bất tùy phân biệt: Nghĩa là, khi đối cảnh không khởi vọng tâm phân biệt, thì tham, sân, si chẳng sanh.  Tham, sân, si không sanh thì các nghiệp sát, đạo, dâm chẳng tạo.  Nghiệp nhơn không tạo thì quả báo chẳng có.  Nói tóm lại là “xoay các tri giác trở về chơn tâm”, không duyên theo trần cảnh thì vọng niệm không sanh; vọng không sanh thì chơn tâm hiện bày.

Tổ sư có dạy:  “Kiến sắc phi càn sắc, văn thinh bất thị thinh”; nghĩa là thấy sắc không can hệ gì đến sắc, nghe tiếng cũng không dính líu gì đến tiếng.  Hay như câu:  “Ngộ thinh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa, kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết”:  Gặp sắc đẹp hay nghe tiếng hay, như hoa trồng trên đá (không dính líu gì); thấy tài lợi và danh vọng như bụi rớt trong con mắt.  Nếu người đến trình độ này rồi, thì dầu vào thanh lâu hay tửu điếm cũng đều là đạo tràng thanh tịnh (dâm phòng tửu tứ vô phi thanh tịnh đạo tràng).

2.          Trì giới:  Phải giữ gìn giới luật, trong tâm ngoài thân đều thanh tịnh như băng tuyết.

3.          Trì chú Lăng Nghiêm:  Nếu người nào nghiệp chướng nặng nề, thì phải trì tụng chú Lăng Nghiêm sẽ mau đặng thành đạo quả.  Trong ba pháp tu này, bực thượng căn, trung căn và hạ căn đều tu được cả.  Thật là lòng từ bi của Phật vô lượng, mưa pháp khắp trùm, cỏ cây lớn nhỏ đều được thấm nhuần.

*

II.  A Nan cầu Phật nói lại thần chú

Ông A Nan đứng dậy đảnh lễ Phật và kính cẩn bạch rằng: “Con từ khi xuất gia đến nay, vì ỷ lại lòng thương yêu của Phật, chỉ lo học rộng nghe nhiều, chẳng c huyên tu tập, nên chẳng chứng được đạo quả, thành thử phải bị tà thuật của Phạm Thiên bắt; trong tâm con tuy thông suốt mà năng lực không được tự do, nên con phải nhờ Ngài Văn Thù đến cứu độ.  Con tuy nhờ thần chú Lăng Nghiêm của Phật mới được giải thoát, nhưng chính con chưa được nghe, cúi xin đức Thế Tôn từ bi nói lại, khiến cho những người tu hành hiện tại và chúng sanh luân hồi đời sau, nhờ thần chú này mà thân tâm được giải thoát”.

III.  Phật phóng hào quang nói thần chú

Khi đó từ nơi nhục kế (đảnh) của Phật, phóng ra hào quang trăm báu; trong hào quan xuất hiện ra hoa sen báu ngàn cánh.  Trong hoa sen có đức Hóa Phật ngồi, trên đảnh Ngài phóng ra mười đạo hào quang sáng suốt trăm báu.  Trong mỗi đạo hào quang đều có thị hiện vô số thần kim cang: vị bưng núi, vị cầm bảo tử v.v… đứng khắp cả hư không.  Ðại chúng trông thấy vừa mừng vừa sợ, đều cầu Phật thương xót chở che và nhứt tâm chờ nghe Phật nói thần chú.

Phật nói thần chú:

(ÐỆ NHỨT)

Nam mô tát đát tha tô già đa da a la ha đế tam miệu tam bồ đà tỏa.  Tát đát tha Phật đà cu tri sắc ni sam.  Nam mô tát bà bột đà bột địa, tát đa bệ tệ.  Nam mô tát đa nẩm tam miệu tam bồ đà cu tri nẩm.  Ta xá ra bà ca tăng già nẩm.   Nam mô lô kê A la hán đa nẩm.  Nam mô tô lô đa ba na nẩm.  Nam mô ta yết rị đà già di nẩm.  Nam mô lô kê tam miệu già đa nẩm.  Tam miệu già ba ra để ba đa na nẩm.  Nam mô đề bà ly sắc nỏa.  Nam mô tấty đà da tỳ đĩa da đà ra ly sắc nỏa.  Xá ba noa yết ra ha ta ha ta ra ma tha nẩm.  Nam mô bạt ra ha ma ni.  Nam mô nhơn đà ra da.  Nam mô bà già bà đế, lọ đà ra da.  Ô ma bát đế, ta hê dạ da.  Nam mô bà già bà đế.  Na ra dả noa da.  Bàn giá ma ha tam mộ đà ra.  Nam mô tất yết rị đa da.  Nam mô bà già bà đế.  Ma ha ca ra da.  Ðịa rị bát lặc na già ra.  Tỳ đà ra ba noa ca ra da.  A địa mục đế.  Thi ma xá na nê bà tất nê.  Ma đát rị già noa.  Nam mô tất yết rị đa da.  Nam mô bà già bà đế.  Ða tha già đa cu ra da. Nam mô bát đầu ma cu ra da.  Nam mô bạc xà ra cu ra da.  Nam mô ma ni cu ra da.  Nam mô già xà cu ra da.  Nam mô bà già bà đế, đế rị trà du ra tây na, ba ra ha ra noa ra xà da, đa tha già đa da.  Nam mô bà già bà đế.  Nam mô a di đa bà da đa tha dà đa da, a ra ha đế, tam miệu tam bồ đà da.  Nam mô bà già bà đế, a sô bệ da, đa tha già đa da, a ra ha đế, tam miệu tam bồ đà da.  Nam mô bà già bà đế, bệ sa xà da cu lô phệ trụ rị da, bác ra bà ra xà da, đa tha già đa da.  Nam mô bà già bà đế, tam bổ sư tỳ đa, tát lân nại ra lặc xà da, đa tha già đa da, a ra ha đế, tam miệu tam bồ đà da.  Nam mô bà già bà đế, xá kê dã mẫu na duệ, đa tha già đa đa, a ra ha đế, tam miệu tam bồ đà da.  Nam mô bà già bà đế, lặc đác na kê đô ra xà da, đa tha dà đa da, a ra ha đế, tam miệu tam bồ đề da, đế biều nam mô tát yết rị da, ế đàm bà già bà đa, tát đát tha dà đô sắc ni sam, tát đát đa bác đác lam.  Nam mô a bà ra thị đam, bác ra đế dương kỳ ra, tát ra bà bộ đa yết ra ha, ni yết ra ha yết ca ra ha ni, bạc ra tỷ địa da sất đà nể, a ca ra mật rị trụ, bác rị đát ra da nảnh yết rị, tát ra bà bàn đà na mục xoa ni, tát ra bà đột sắc tra đột tất phạp, bát na nê phạt ra ni, giả đô ra thất đế nẩm, yết ra ha ta ha tát ra nhả xà, tỷ đa băng ta na yết rị, a sắc tra băng xá đế nẩm, na xoa sát đác ra nhả xà, ba ra tát đà na yết rị, a sắc tra nẩm, ma ha yết ra ha nhả xà, tỳ đa băng tát na yết rị, tát bà xá đô lô nể bà ra nhả xà, hô lam đột tất phạp, nan giá na xá ni, tỷ sa xá tất đác ra, a kiết ni ô đà ca ra nhã xà, a bác ra thị đa cu ra, ma ha bác ra chiến trì, ma ha điệp đa, ma ha đế xà, ma ha thuế đa xa bà ra, ma ha bạt ra bàn đà ra bà tất nể, a rị da đa ra, tỳ rị cu tri, thệ bà tỳ xà da, bạt xà ra ma lễ để, tỳ xá lô đa, bột đằng võng ca, bạt xà ra chế hắt na a giá, ma ra chế bà bác ra chất đa, bạt xà ra thiện trì, tỳ xá ra giá, phiến đa xá bệ đề bà bổ thị đa, tô ma lô ba, ma ha thế đa, a rị da đa ra, ma ha bà ra a bác ra, bạt xà ra thương yết ra chế bà, bạc xà ra cu ma rị, cu lam đà rị, bạt xà ra hắc tát đa giá, tỳ địa gia kiền giá na ma rị ca, khuất tô mẫu bà yết ra đa na, bệ lô giá na cu rị đa, dạ ra thố sắc ni sam, tỳ chiết lam bà ma ni giá, bạt xà ra ca na ca ba ra bà, lô xà na bạt xà ra đốn trỉ giá, thế đa giá ca ma ra sát xa thi ba ra bà, ế đế di đế, mẫu đà ra yết noa, ta bệ ra sám, quật phạm đô, ấn thố na mạ mạ tỏa.

(ÐỆ NHỊ)

Ô hồng rị sắc yết noa, bác lặc xá tất đa, tát đát tha già đô sắc ni sam.  Hổ hồng đo lô ung chim bà na.  Hổ hồng đô lô ung tất đam bà na.  Hổ hồng đô lô ung ba ra sắc địa da tam bác xá noa yết ra.  Hổ hồng đô lô ung, tát bà dược xoa hắc ra sát ta, yết ra ha nhã xà, tỳ đằng băng tát na yết ra.  Hổ hồng đô lô ung, gỉa đô ra thi để nẩm yết ra ha ta ha tát ra nẩm, tỳ đằng băng tát na ra.  Hổ hồng đô lô ung, ra xoa, bà già phạm tát đát tha già đô sắc ni sam, ba ra điểm xà kiết rị, ma ha ta ha tát ra, bột thọ ta ha tát ra thất rị sa, cu tri ta ha tát nê đế lệ, a tệ đề thị bà rị đa, tra tra anh ca ma ha bạt xà lô đà ra, đế rị bồ đà na, man trà ra, ô hồng, ta tất đế bạc bà đô, mạ mạ, ấn thố na mạ mạ tỏa.

(ÐỆ TAM)

Ra xà bà dạ, chủ ra bạt dạ, a kỳ ni bà dạ, ô đà ca bà dạ, tỳ xa bà dạ, xá tất đa r bà dạ, bà ra chước yết ra bà dạ, đột sắc xoa bà dạ, a xá nể bà dạ, a ca ra mật rị trụ bà dạ, đà ra ni bộ di kiếm ba già ba đà bà dạ, ô ra ca bà đa bà dạ, lặc xà đàng trà bà dạ, na già bà dạ, tỳ điều đát bà dạ, tô ba ra noa bà dạ, dược xoa yết ra ha, ra xoa tư yết ra ha, tất rị đa yết ra ha, tỳ xá giá yết ra ha, bộ đa yết ra ha, ca tra bổ đơn na yết ra ha, tất kiền độ yết ra ha, a bá tất ma ra yết ra ha, ô đàn ma đà yết ra ha, xa dạ yết ra ha, hê rị bà đế yết ra ha, xả đa ha rị nẩm, yết bà ha rị nẩm, lô địa ra ha rị nẩm, man ta ha rị nẩm, mê đà ha rị nẩm, man ta ha rị nẩm, mê đà ha rị nẩm, ma xà ha rị nẩm, xà đa ha rị nữ, thị tỳ đa ha rị nẩm, tỳ đa ha rị nẩm, bà đa ha rị nẩm, a du giá ha rị nữ, chất đa ha rị nữ, đế sam tát bệ sam, tát bà yết ra ha nẩm, tỳ đa dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, ba rị bạt ra giả ca hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, trà diễn ni hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, ma ha bát du bác đát dạ, lô đà ra hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, na ra dạ noa hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, đát đỏa già lô trà tây hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, ma ha ca ra ma đát rị già noa hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dị di, kê ra dạ di, xà dạ yết ra, ma đột yết ra, tát bà ra tha ta đạt na hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, giả đốt ra bà kỳ nễ hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, tỳ rị dương hất rị tri, nan đà kê sa ra đà noa bác đế, sách hê dạ hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, na yết na xá ra bà noa hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, a la hán hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, tỳ đa ra già hất rị đờm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, bạt xà ra ba nể, cu hê dạ, cu hệ dạ ca địa bát đế hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, ra xoa võng bà già phạm, ấn thố na mạ mạ tỏa.

(ÐỆ TỨ)

Bà già phạm, tát đát đa tát đát ra.  Nam mô tý đô đế, a tất đa na ra lặc ca, ba ra bà tất phổ tra, tỳ ca tát đát đa bác đế rị, thập phật ra thập phật ra, đà ra đà ra, tần đà ra tần đà ra, sân đà sân đà.  Hổ hồng, hổ hồng, phấn tra, phấn tra, phấn tra, phấn tra, phấn tra ta ha, hê hê phấn, a mâu ca da phấn, a ba ra đề ha đa phấn, ba ra ba ra đà phấn, a tố ra tỳ đà ra ba ca phấn, tát bà đề bệ tệ phấn, tát bà na già tệ phấn, tát bà dược xoa tệ phấn, tát bà kiền thát bà tệ phấn, tát bà bổ đơn na tệ phấn, ca tra bổ đơn na tệ phấn, tát bà đột lang chỉ đế tệ phấn, tát bà thập bà lê tệ phấn, tát bà a bá tất ma lê tệ phấn, tát bà xá ra bà noa tệ phấn, tát bà địa đế kê tệ phấn, tát bà đát ma đà kệ tệ phấn, tát bà tỳ đà da ra thẹ giá lê tệ phấn, xà dạ yết ra ma độ yết ra, tát bà dạ tha ta đà kê tệ phấn, tỳ địa da giá lê tệ phấn, giả đô ra phược kỳ nể tệ phấn, bạt xà ra cu ma rị, tỳ đà dạ ra thệ tệ phấn, ma ha ba ra đinh dương xoa kỳ rị tệ phấn, bạt xà ra thương yết ra dạ, ba ra trượng kỳ ra xà da phấn, ma ha ca ra dạ, ma ha mạt đát rị ca noa.  Nam mô ta yết rị đa dạ phấn, tỷ sắc noa tỳ duệ phấn, bột ra ha mâu ni duệ phấn, a kỳ ni duệ phấn, ma ha yết rị duệ phấn, yết ra đàn tri duệ phấn, miệc đát rị duệ phấn, lao đát rị duệ phấn, giá văn trà duệ phấn, yết la ra đát rị duệ phấn, ca bát rị duệ phấn, a địa mục chất đa ca thi ma xá na, bà tư nể duệ phấn, diễn kết chất, tát đỏa bà tỏa, mạ mạ ấn thố na mạ mạ tỏa.

(ÐỆ NGŨ)

Ðột sắc tra chất đa, a mạt đát rị chất đa, ô xà ha ra, già bà ha ra, già bà ha ra, lô địa ra ha ra, bà ta ha ra, ma xà ha ra, xà đa ha ra, thi tỳ đa ha ra, bạc lược dạ ha ra, kiền đà ha ra, bố sử ba ha ra, phả ra ha ra, bà tỏa ha ra, bác ba chất đa, đột sắc tra chất đa, lao đà ra cah61t đa, dược xoa yết ra ha, ra sắt ta yết ra ha, bế lệ đa yết ra ha, tỳ xá giá yết ra ha, bộ đa yết ra ha, cưu bàn trà yết ra ha, tất kiền đà yết ra ha, ô đát ma đà yết ra ha, xa dạ yết ra ha, a bá tát ma ra yết ra ha, trạch kê cách trà kỳ ni yết ra ha, rị Phât đế yết ra ha, xà di ca yết ra ha, xá cu ni yết ra ha, mộ đà ra nan địa ca yết ra ha, a lam bà yết ra ha, kiền độ ma ni yết ra ha, thập phạt ra yên ca hê ca, trị đế dược ca, đát lệ đế dược ca, giả đột thác ca, ni đề thập phạt ra, tỳ sam ma thập phạt ra, bạc để ca, tát bà thập phạt ra, thất lô kiết đế, mạt đà bệ đạt lô chế kiếm, a ỷ lô kiềm, mục khê lô kiềm, yết rị đột lô kiềm, yết ra ha yết lam, yết noa du lam, đản đa du lam, hất rị dạ du lam, mạt mạ du lam, bạt rị thất bà du lam, tỷ lật sắc tra du lam, ô đà ra du lam, yết tri du lam, bạt tất đế du lam, ô lô du lam, thường già du lam, hắc tất đa du lam, bạt đà du lam, ta phòng án già bác ra trượng già du lam, bộ đa tỷ đa trà trà kỳ ni thập bà ra, đà đột lô ca kiến đốt lô kiết tri, bà lộ đa tỳ, tát bác lô ha lăng già, du sa đát ra, ta na yết ra tỳ sa dụ ca, a kỳ ni ô đà ca, mạt ra bệ ra kiến đa ra, a ca ra mật rị đốt đát liểm bộ ca, địa lật lặc tra, tỷ rị sắc chất ca, tát bà na cu ra, tứ dẫn già tệ yết ra rị dược xoa đác ra sô, mạt ra thị phệ đế sam ta bệ sam, tất đát đa bác đát ra, ma ha bạc xà lô sắc ni sam, ma ha bác lặc trượng kỳ lam, dạ ba đột đà xá du xà na, biện đát lệ noa, tỳ đà da bàn đàm ca lô di, đế thù bàn đàm ca lô di, bát ra tỳ đà bàn đàm ca lô di đát điệt tha.

Án a na lệ, tỳ xá đề bệ ra bạc xà ra đà rị, bàn đà bàn đà nể, bạt xà ra bàn ni phấn.  Hổ hồng đô lô ung phấn, ta bà ha.

LƯỢC GIẢI

Tổ Ðơn Hà nói:  Từ xưa đến nay không có ai dịch nghĩa thần chú.  Vì có năm nguyên nhân: 1.  Lời bí mật của Phật, duy có Phật với Phật mới biết, ngoài các vị thánh cũng không thể biết được.  2. Vì một chữ hoặc một câu có hàm vô số nghĩa.  3. Hoặc tên của các vị quỷ thần, kêu gọi các vị ấy liền đến để bảo hộ người tu.  4. Mặt ấn của chư Phật, kẻ âm người dương đều phải tuân theo, cũng như ấn sắc của nhà vua.  5. Người chí tâm tụng trì, sẽ được diệt trừ tội nặng và mau chứng quả Thánh.

Các nhà phiên âm có khác, song hành giả chí tâm trì tụng một bổn nào cũng đều được hiệu quả.

*

IV.  Công năng của thần chú

A Nan, mười phương các đức Như Lai đều nhờ “tâm chú” này mà hàng phục các ma, ngăn dẹp ngoại đạo, được thành quả Phật.  Mười phương chư Phật đều nhờ “tâm chú” này mà cứu độ tất cả chúng sanh khỏi các tai nạn khổ não như thủy tai, hỏa tai, cơ cẩn v.v… và cứu độ chúng sanh ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đều được giải thoát.

Các ông là hàng Thinh văn hữu học chưa khỏi luân hồi, phát tâm cầu quả A la hán, nếu không trì chú này, mà muốn cho khỏi các ma chướng thì không thể được.

Sau khi ta diệt độ, các chúng sanh đời sau, nếu có người trì tụng chú này, thì các tai nạn: thủy tai, hỏa hoạn, thuốc độc, độc trùng, ác thú, yêu tinh, qủy quái v.v… đều chẳng hại được.

Nếu người phạm tội ngũ nghịch, phá trai, phạm giới, khi chí tâm trì chú này, thì các tội đều tiêu, cũng như nước nóng làm giá tan.  Những người không con, muốn cầu con, tụng chú này sẽ được con, cầu trường thọ v.v… được trường thọ, mỗi mỗi đều như ý nguyện.

V.     Các vị thiên thần phát nguyện bảo hộ người trì chú

Khi Phật nói thần chú này rồi, trong hội có vô số thần Kim cang, đồng lạy Phật và phát lời thệ nguyện: -Chúng con xin sẽ thành tâm bảo hộ cho người trì chú này.

Lại có vô số các vị chư Thiên và Thánh Thần đều đứng dậy lạy Phật và phát nguyện bảo hộ người trì chú này, khiến cho họ khỏi các ma chướng và mau đặng thành đạo vô thượng Bồ đề.

Lại có vô số vị Kim cang Tạng Bồ tát, đồng đứng trước Phật, phát lời thệ rằng:

– Con tu hành chẳng chịu vào Niết bàn, nguyện ở lại đời sau để theo bảo hộ người tu hành, không cho các loài ác ma đến nhiễu hại, chúng nó phải ở cách xa người tu ngoài mười do tuần.  Nếu có loài ác ma nào lai vãng đến người trì chú này, thì con dùng cây báo sử đánh nó nát như bụi, để cho người tu hành được như nguyện.

VI.  Ông A Nan hỏi Phật tu hành phải trải qua bao nhiêu địa vị mới được thành Phật

A Nan đứng dậy lạy Phật và thưa rằng: – Bạch Thế Tôn, người tu hành từ khi phát tâm cho đến thành Phật, phải trải qua bao nhiêu địa vị, và thứ lớp tu hành như thế nào?  Xin Phật ừ bi chỉ dạy cho kẻ mê muội này.

Phật khen không A Nan và dạy rằng: – Ta sẽ vì ông và chúng sanh đời sau cầu quả Ðại thừa, chỉ dạy con đường tu hành từ địa vị phàm phu, cho đến khi vào đại Niết bàn, vậy các ông phải chăm chú nghe ta chỉ dạy:

– A Nan, các ông phải biết:  Từ nơi chơn tâm thanh tịnh, rời các danh tướng, không có thế giới và chúng sanh, vì vọng động nên có sanh, nhơ sanh có diệt; sanh diệt cũng đều là vọng, diệt hết vọng gọi là chơn, thế gọi là Vô thượng Bồ đề và đại Niết bàn là hai quả chuyển y của Như Lai vậy.

VII.  Phật dạy ba món tiệm thứ

– A Nan, ông nay muốn tu hành để thành Phật, thì phải tuần tự y theo ba món tiệm thứ này, mới có thể diệt trừ được gốc rễ của loạn tưởng, cũng như người muốn súc sạch cái bình để đựng đồ qý, thì trước hết phải đổ độc ra, kế dùng tro chùi rửa, sau dùng nước nóng và chất thơm rửa lại thiệt sạch, rồi mới có thể đựng vị cam lồ được.

Ba món tiệm thứ là:

1. Trừ các trợ duyên bên ngoài:  Ăn, không nên ăn những vật không hợp với người tu hành, như ăn thịt uống rượu và ngũ vị tân v.v…  Ngũ vị tân, ăn sống thì nó tăng trưởng tánh nóng giận, ăn chín hay sanh tham dục, tụng kinh trì chú chẳng hiệu nghiệm, Thánh thần không bảo hộ.  Còn chỗ ở tu thì phải tìm chỗ nào cho hợp với hoàn cảnh của người tu hành.

2. Trừ các chánh nhơn bên trong:  Cốt yếu là hành giả phải nghiêm trì tịnh giới, không dâm, sát, đạo và vọng, gìn giữ ngoài thân không phạm, trong tâm không động, thân và tâm đều thanh tịnh như băng tuyết.

3. Trừ các nghiệp hiện tiền:  Khi tiếp xúc với trần cảnh, không khởi vọng niệm phân biệt theo sáu trần, xoay các cảm giác trở về bản tâm thanh tịnh.  Do ngoài không duyên theo trần cảnh, trong sáu căn không vọng động, đồng một thể thanh tịnh, nên mười phương thế giới đều được thanh tịnh sáng suốt; cũng như trong ngọc lưu ly có hàm chứa mặt trăng sáng.  Hành giả lúc bấy giờ thân tâm thơ thới, chứng đặng vô sanh pháp nhẫn, mười phương chư Phật đều hiện trong tâm người ấy.  Từ đây hành giả lần lần tăng tiến tu hành, tiến lên các quả Thánh.

VIII. Hành giả phải trải qua 55 địa vị mới đến qua Phật

A Nan, người tu  hành khi ái dục khô khan, sáu căn không còn chạy theo sáu trần nhiễm trước, lúc bấy giờ chỉ có trí huệ khô khan, chưa thấm nhuần nước pháp của Phật.  Ðây là địa vị đầu tiên tên Càn huê địa (huệ khô), lần lần tấn tu vào địa vị Thập tín (mười món tin):

 

1.  Tín tâm trụ

2.  Niệm tâm trụ

3.  Tinh tấn tâm

4.  Huệ tâm trụ

5.  Ðịnh tâm trụ

6.  Bất thối tâm

7.  Hộ pháp tâm

8.  Hồi hướng tâm

9.  Giới tâm trụ

10. Nguyện tâm trụ

 

MÃN ÐỊA VỊ THẬP TÍN ÐẾN THẬP TRỤ

    1. Phát tâm trụ
    2. Trị địa trụ
    3. Tu hành trụ
    4. Sanh quý trụ
    5. Phương tiện cụ túc trụ
    6. Chánh tâm trụ
    7. Bất thối trụ
    8. Ðồng chơn trụ
    9. Pháp vương tử trụ
    10. Quán đảnh trụ

MÃN THẬP TRỤ ÐẾN THẬP HẠNH

  • 1.      Hoan hỷ hạnh
  • 2.      Nhiêu ích hạnh
  • 3.      Vô sân hận hạnh
  • 4.      Vô tận hạnh
  • 5.      Ly si loạn hạnh
  • 6.      Thiện hiện hạnh
  • 7.      Vô trước hạnh
  • 8.      Tôn trọng hạnh
  • 9.      Thiện pháp hạnh
  • 10.  Chơn thật hạnh

MÃN THẬP HẠNH ÐẾN THẬP HỒI HƯỚNG

1.      Cứu độ nhứt thế chúng sanh, ly chúng sanh tướng hồi hướng

2.      Bất hoại hồi hướng

3.      Ðẳng nhứt thế Phật hồi hướng

4.      Chí nhứt thế xứ hồi hướng

5.      Vô tận công đức tạng hồi hướng

6.      Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng

7.      Tùy thuận đẳng quán nhứt thế chúng sanh hồi hướng

8.      Chơn như tướng hồi hướng

9.      Vô phược giải thoát hồi hướng

10.  Pháp giới vô lượng hồi hướng

MÃN THẬP HỒI HƯỚNG ÐẾN TỨ GIA HẠNH

1.      Noãn địa

2.      Ðảnh địa

3.      Nhẫn địa

4.      Thế đệ nhứt địa

MÃN TỨ GIA HẠNH ÐẾN THẬP ÐỊA

1.      Hoa hy địa

2.      Ly cấu địa

3.      Phát quang địa

4.      Diệm huệ địa

5.      Nan thắng địa

6.      Hiện tiền địa

7.      Viễn thành địa

8.      Bất động địa

9.      Thiện huệ địa

10.  Pháp vân địa

(Khi mãn Thập địa đến địa vị Ðẳng giác, qua Ðẳng giác đến Diệu giác tức là Phật.  Trừ địa vị Càn huệ ra, thì từ địa vị Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Tứ gia hạnh, Thập địa và Ðẳng giác, nghĩa là phải trải qua 55 địa vị này mới được quả Phật.

Song trong khi trải qua 55 địa vị này, phải gặp 50 món ma là những điều nguy hiểm nhứt trên đường tu hành).

IX.  50 món ma chướng (ngũ ấm ma)

Thuyết pháp gần xong, đức Như Lai đứng dậy, tay vịn ghế thất bửu, kêu Ngài A Nan và đại chúng dạy thêm rằng:

–  Các ông chưa rõ trên đường tu hành, còn gặp nhiều cảnh ma rất là nguy hiểm.  Nếu các ông không biết trước, sanh tâm tà kiến thì đọa vào ác đạo, cũng như người nhận lầm giặc làm con, thì bị hại chẳng ít.  Vậy các ông phải chăm chú nghe, ta sẽ chín chắn chỉ dạy cho.

Này A Na, tất cả chúng sanh cùng với người mười phương chư Phật, đồng một thể chơn tâm thanh tịnh không hai.  Bởi các ông bị vô minh vọng tưởng, nên sanh ra mười phươong hư không và thế giới nhiều như vi trần, nhưng mười phương hư không và hằng sa thế giới đó đều sanh ở trong chơn tâm của các ông, chẳng khác nào một điềm mây nhỏ sanh trong trời xanh.  Nếu người ngộ được chơn tâm rồi thì mười phương hư không và thế giới đều tiêu hết.

Bởi các loài ma kia thấy người tu hành sanh tâm lo sợ cho bà con quyến thuộc của chúng sẽ tiêu diệt, nên chúng dùng đủ thần lực đến nhiễu hại người tu.  Chúng nó cũng đủ năm phép thần thông biến hóa chỉ chưa được lậu tận thông.

Mặc dầu chúng đủ năm phép thần thông và sức mạnh, song vẫn còn ở trong vòng trần lao; nếu các ông trong khi tu thiền tâm được thanh tịnh sáng suốt, không vọng động, thì chúng ma kia không làm sao hại được.  Cũng như dao chặt xuống nước, gió thổi ánh sáng, hoàn toàn không dính líu gì.  Chúng ma kia phải lần lần tiêu diệt như băng bị nước nóng chế vào và tối tăm bị ánh sáng phá trừ; chỉ lo một điều là các ông cũng như chủ nhà, nếu chủ nhà mê muội rồi thì các ma chướng kia như khách dễ bề nhiễu hại, rồi các ông trở làm con cái của ma, sau thành người ma.

Ma Ðăng Già là thứ ma yếu hèn, nó chỉ làm ông phá một giới trong tám muôn giới mà thôi, nhờ tâm ông thanh ti6nh nên chẳng bị trầm luân.  Còn các chúng ma này rất là nguy hiểm, nó phá tan giới thân huệ mạng làm cho ông nhiều kiếp luân hồi.  Chẳng khác nào như ông quan lớn bị cách chức, gia tài sự sản bị tịch thâu, trở thành một người đân trắng, không thể cầu cứu với ai được.

X.    Mười món ma về sắc ấm

1.      THÂN THỂ KHÔNG BỊ CHƯỚNG NGẠI

Này A Nan, người trong khi tu thiền do sức dụng công, nên tâm tánh được nhiệm mầu sáng suốt, tự thấy thân thể mình trong giây phút qua lại tự tại, không bị cái gì làm chướng ngại.  Vì công dụng tu luyện, nên tạm hiện ra các việc như vậy, không phải là chứng Thánh; nếu sanh tâm nghĩ mình chứng Thánh, thì bị ma cám dỗ.

2.      LƯỢM BỎ TRÙNG ÐỘC TRONG THÂN

A Nan, hành giả trong lúc dụng công tu thiền, thoạt thấy thân thể mình trong suốt, các loài trùng độc, sên bò qua lại, rồi lượm bỏ ra ngoài mà thân không đau đớn.  Vì dụng công tu luyện nên tạm hiện ra cảnh như vậy, không phải chứng Thánh.  Nếu nghĩ mình chứng Thánh thì bị ma nó cám dỗ.

3.      NGHE TRONG HƯ KHÔNG CÓ TIẾNG NÓI PHÁP

Hành giả trong lúc tu thiền, nghe trong hư không có tiếng thuyết pháp, hoặc nghe Thánh, Hiền, Tiên, Phật trong mười phương thế giới đều nói ra nghĩa lý nhiệm mầu.  Ðây vì hành giả dụng công tu luyện nên tự tâm biến hiện ra cảnh giới như vậy, không phải chứng Thánh, nếu nghĩ mình chứng Thánh, thì bị ma ám ảnh.

4.      THẤY PHẬT HIỆN VÀ HOA SEN NỞ

Người tu thiền định, khi tâm thanh tịnh rồi, tự phát ra ánh sáng.  Lúc bấy giờ thấy mười phương đều hiện ra sắc vàng, tất cả các vật loại hóa thành Phật cả.  Lại thấy đức Phật Tỳ Lô Giá Na ngồi trên đài thiên quang, các đức Phật ngồi xung quanh và có vô số hoa sen đồng thời xuất hiện.  Ðây do hành giả dụng công tu thiền, nên thấy có cảnh tạm hiện ra như vậy, không phải là chứng Thánh; nếu nghĩ mình chứng Thánh, thì bị ma cám dỗ.

5.      THẤY CÁC VẬT BÁU ÐẦY CẢ HƯ KHÔNG

Người trong khi tu thiền thấy mười phương hư không đều thành bảy báu, nào màu xanh, sắc vàng, đỏ, trắng, hiện ra vô số, mà chẳng chướng ngại nhau.  Ðây do trong lúc tu thiền, vì hành giả dụng công đè nén vọng niệm thái quá, nên nó biến hiện ra cảnh như vậy, không phải chứng Thánh; nếu nghĩa mình chứng Thánh, thì bị ma cám dỗ.

6.      THẤY BAN ÐÊM NHƯ BAN NGÀY

Người tu thiền định, do tâm yên tịnh nên phát ra ánh sáng.  Lúc bấy giờ mặc dù nửa đêm, ở trong nhà tối mà vẫn thấy rõ hết cả mọi vật, không khác chi ban ngày.  Vì hành giả dụng công tu luyện nên tạm hiện ra cảnh như vậy, không phải chứng Thánh; nếu cho mình chứng Thánh, thì bị ma cám dỗ.

7.      THÂN THỂ KHÔNG BIẾT ÐAU

Người tu thiền đến khi tâm tánh được rỗng không, thì thân thể chẳng biết đau.  Lúc bấy giờ lửa đốt không cháy, dao chặt không đau.  Ðây do sức dụng tâm tu luyện của hành giả nên tạm được như vậy, không phải chứng Thánh; nếu cho mình chứng Thánh, thì bị ma cám dỗ.

8.      THẤY CẢNH GIỚI PHẬT HIỆN KHẮP NƠI

Người tu thiền định do dụng công cùng tột, nên thấy mười phương núi sông toàn cả thế giới đều biến thành cõi Phật, đủ cả bảy món báu chiếu sáng khắp giáp.  Lại thấy hằng sa chư Phật ở trong cung điện tốt đẹp hiện đầy cả hư không.  Trông lên trên thì thấy các cung trời, xem trở xuống lại thấy hết các cõi địa ngục đều không có chướng ngại.  Ðây do lúc tu thiền, vì hành giả ngưng vọng tưởng lâu ngày, nên nó hóa hiện như vậy, không phải chứng Thánh; nếu cho mình chứng Thánh, thì bị đọa vào đường tà.

9.      BAN ÐÊM THẤY, NGHE ÐƯỢC PHƯƠNG XA

Trong khi tu thiền, do tâm tham cứu sâu xa, nên trong lúc giữa đêm thấy được nào là chợ bu`a, đường sá, bà con họ hàng ở các phương xa, hoặc nghe được tiếng nói.  Ðây do hành giả kiềm thúc cái vọng tâm thái quá, nên tạm hiện ra như vậy, không phải chứng Thánh; nếu cho mình chứng Thánh, thì bị đọa vào đường tà.

10.  THÂN HÌNH BIẾN HÓA, NÓI PHÁP THÔNG SUỐT

Trong khi tu thiền, do hành giả dụng tâm tham cứu cùng tột, nên thấy có các vị Thiện tri thức, chỉ trong giây phút mà thân mình biến hóa nhiều cách.  Ðây do trong khi tu thiền vì hành giả sanh tâm chấp trước, nên bị ma ám ảnh, làm cho người này thông suốt nghĩa mẩu, nói pháp vô ngại, không phải chứng Thánh; nếu chẳng chấp trước thì cảnh ma này lần lần tiêu; còn cho mình chứng Thánh thì bị đọa vào cảnh ma.

TÓM LẠI

Này A Nan!  Mười cảnh ma này, đều do trong lúc tu thiền, hành giả dụng tâm phá trừ sắc ấm, nên nó biến hiện ra các cảnh như vậy.  Nếu khi gặp những cảnh ấy, mê lầm không biết, cho mình đã chứng Thánh thì bị ma nó ám ảnh, rồi sanh đại vọng ngữ, nói mình thành đạo chứng quả v.v… sau khi chết rồi đọa vào địa ngục vô gián.  Vậy khi ta nhập diệt rồi, các ông nên y lời ta dạy, đem những việc ma này giảng dạy cho người tu hành đời sau, bảo hộ người tu hành đặng đạo quả, chớ để cho họ bị thiên ma nhiễu hại.

Add Comment