Phật học phổ thông: Bài 3.10 – Đạo đế (Bát chánh đạo)

PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành 1997

KHÓA THỨ BA – THINH VĂN THỪA PHẬT GIÁO

— o0o —

Bài Thứ 10 – Ðạo Ðế (Nirodha Gamadukkha) (Tiếp Theo)

E. Bát Chánh Ðạo

A. Mở Ðề

Trong 37 món trợ đạo, Bát Chánh đạo là một pháp môn chính, được nhắc nhở đến nhiều nhất. Vì thế, mỗi khi nói đến Ðạo đế là người ta liên tưởng đến Bát Chánh đạo. Thậm chí có người tưởng lầm rằng Ðạo đế với Bát Chánh đạo là một.

Sở dĩ Bát Chánh đạo được xem là pháp môn chính của Ðạo đế, vì pháp môn nầy rất đầy đủ có thể bao gồm được các pháp môn khác của Ðạo đế. Nó rất phù hợp với mọi căn cơ, mọi thời đại, mọi phương sở; đối với Tiểu Thừa cũng như Ðại Thừa, người Ðông phương cũng như Tây phương ai ai cũng đều công nhận giá trị hoàn toàn cao cả của Bát Chánh đạo, và đeù áp dụng pháp môn nầy trong sự tu hành của mình để doạn trừ phiền não khổ đau, hầu bước lên con đường giải thoát, an vui, tự tại.

B. Chánh Ðề

I. Ðịnh Nghĩa Bát Chánh Ðạo

Bát Chánh đạo là tám con đường ngay thangẻ hay tám phương tiện mầu nhiệm đưa chúng sinh đến đời sống chí diệu.

Người ta cũng có thể dịch nghĩa “Bát Chánh đạo” là con đường chánh có tám ngánh, để đưa chính sinh đến địa vị Thánh.

Cũng có khi người ta gọi Bát Chánh đạo là “Bát Thánh đạo” vì cái diệu dụng của nó sau đây:

a) Những kẻ phàm phu học đạo, noi theo pháp môn nầy mà tu, thì khỏi lầm lạc vào nẻo nguy hiểm, lần hồi sẽ chứng được quả Hiền Thánh.

b) Những bậc Hiền, Thánh nương theo tám phương tiện nầy thì sẽ đi đến cảnh Niết Bàn.

Bát Chánh đạo gồm có:

1. Chánh kiến

2. Chánh tư duy

3. Chánh ngữ

4. Chánh nghiệp

5. Chánh mạng

6. Chánh tinh tấn

7. Chánh niệm

8. Chánh định

II. Nội Dung Và Giá Trị Mỗi Thành Phần Của Bát Chánh Ðạo

1. Chánh kiến: Chánh là nagy thẳng, đúng đắn; Kiến là thấy, nhậ biết. Chánh kiến hay Chánh tri kiến là thấy, nghe, hay, biết một cách ngay thẳng, công minh, đúng với sự thật khách quan. Người có chánh kiến thấy như thế nào thì nhận đúng như thế ấy, không lấy trắng làm đen, xấu làm tốt, dở làm hay, hay trái lại. Sự nhận xét sự vật của người ấy không bị tập quán, thành kiến, dục vọng ngăn che hay làm sai lạc. Người có chánh kiến biết phân biệt cái nào giả, cái nào thật. Và khi đã biết cảnh giả, vật dối, thì mắt không chăm, tâm không chú; còn khi rõ biết cảnh vật thật, lời lẽ chân, thì chuyên tâm vào sự lý chân thật làm cho đèn huệ sáng ngời, tiền trần không phương che ám được.

2. Chánh tư duy: Tư duy là suy nghĩ, nghiệm xét; nó thuộc về ý thức. Chánh tư duy là suy nghĩ, xét nghiệm chân chánh, tư tưởng đúng với lẽ phải.

Người tu theo phép Chánh tư duy, thường xét nghĩ đạo lý cao siêu, suy tìm thể tánh nhiệm mầu, biết xét những hành vi lỗi lầm, những ý nghĩ xấu xa để sám hối; biết suy nghĩ về ba món vô lậu học: Giới, Ðịnh, Huệ, để tu giải thoát; biết suy xét vô minh và nguyên nhân đau khổ, là nguồn gốc của tội ác, và tìm phương pháp đúng đắn để tu hành hầu giải thoát cho mình và cho người.

3. Chánh ngữ: Ngữ là lời nói; Chánh ngữ là lời nói chân thật, công bình, ngay thẳng và hợp lý.

Người tu theo chánh ngữ, không bao giờ nói sai, không thiên vị, thấy dở nói hay, không xuyên tạc, nghe một đường nói một ngả. Người theo chánh ngữ rất thận trọng lời nói; trước khi muốn nói gì phải suy nghĩ coi có lợi ích và chân thật không. Xưa đức Khổng Tử vào viếng chốn cổ miếu, thấy bức tranh họa một hình người kẹp miệng ba lần, Ngài day lại dạy môn đệ phải cẩn thận lời nói.

Ngày xưa, trước khi đức Phật sắp nhập Niết Bàn, có Ðệ tử hỏi:

Bạch đức Thế Tôn, khi Phật nhập Niết Bàn rồi, người đời sau gặp nhièu sách vở ngoại đạo không sao phân biệt với kinh Phật , như thế, biết tin theo lời nào tu?

Phật dạy:

Chẳng luận là lời nói của ai miễn là lời ấy đúng sự thật, hợp chân lý thì cứ tin theo mà tu.

Vậy, phàm những lời nói đúng lý, hợp lẽ, có lợi ích cho toàn thể chúng sinh là chánh ngữ. Những lời nói ấy chúng ta phải tin theo và tập nói cho đúng như thế.

4. Chánh nghiệp: Nghiệp là do người Trung Hoa dịch chữ Phạn Karma mà ra. Nghiệp hay Karma nghĩa là hành động tạo tác.

Chánh nghiệp là hành động, việc làm chân chính, đúng với lẽ phải, phù hợp với chân lý, có lợi ích co người lẫn vật.

Người theo đúng “chánh nghiệp” là người luôn luôn thận trọng , giữ gìn mọi hành động của mình, để khỏi làm tổn hại đến quyền lợi, nghền ghiệp, địa vị, danh giá, hạnh phúc, tánh mạng của người khác. Hơn nưa người theo đúng chánh nghiệp bao giờ cũng tôn trọng lương tâm nghề nghiệp của mình, luôn luôn hành động có lợi ích cho mọi người, mọi vật; và nếu cần, có thể hy sinh quyền lời hay tánh mạng mình để giải thoát nỗi đau khổ cho người khác.

Ngoài ra cũng gọi là chánh nghiệp, khi dùng trí huệ để quán tưởng những pháp chân chính, hoặc ngồi Thiền, niệm Phật , hoặc trì tụng kinh hành, để giữ gìn thân, khẩu, ý ba nghiệp cho thanh tịnh.

5. Chánh mạng: Mạng là sự sống, đời sống. Chánh mạng là sanh sống một cách chân chính bằng nghề nghiệp lương thiện, trong sạch của mình. Người theo đúng Chánh mạng sống một cuộc đời ngay thật, không gian tham, không làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của người khác, không làm cho người và vật phải đau khổ vì nghề nghiệp của mình. Người theo đúng Chánh mạng sống một cuộc đời có ý nghĩa lợi mình, lợi người, xứng với bát cơm mình ăn không, manh áo mình mặc chứ không ăn không ngồi rồi, sống bám vào người khác.

Người theo Chánh mạng sống đúng Chánh pháp, không mê tín dị đoan, và biết thân tứ đại vốn vô thường, nên lấy tịnh giới làm thể, lấy trí huệ làm mạng, bỏ niệm vọng cầu, an vui với chánh pháp.

6. Chánh tinh tấn: Chữu tinh tấn ở đây cũng cùng nghĩa như tinh tấn đã nói trong bài trước, nghĩa là chuyên cần, siêng năng, thẳng tiến mục đích đã vạch sẵn không vì một lý do gì mà lùi bước. Chánh tinh tấn là chuyên cần, siêng năng làm việc chánh nghĩa, lợi lạc cho mình cũng như cho người và vật.

Người theo đúng Chánh tinh tấn, trước tiên, bao giờ cũng hăng hái sửa mình, cương quyết bài trừ những điều ác, quyết tâm phát triển mọi hạnh lành (xem bài Tứ Chánh cần). Người theo đúng Chánh tinh tấn, dũng mãnh tiến lên trên đường đi đến giải thoát, cho đến lúc nào đạt được mục đích cao cả, cùng tột ấy mới thôi (xem đoạn “Tấn căn” trong bài Ngũ căn).

Nói tóm lại, người theo đúng Chánh tinh tấn, quyết tạo nghiệp vô lậu xuấ thế gian, lấy chánh trí làm mãnh lực, lấy Niết Bàn làm chỗ quy hướng, một lòng chẳng trễ, muôn kiếp không dời, quyết công phu, định thành đạo quả để trước tự độ, sau hóa đôĩ chúng sanh.

7. Chánh niệm: Niệm là ghi nhớ (cũng như nghĩa chữ niệm ở các bài trước). Chánh niệm là ghi nhớ đến những điều hay lẽ phải, những điều lợi lạc cho mình cho người, những đạo lý chân chính quý trọng cao siêu.

Chánh niệm có hai phần:

a) Chánh ức niệm: là nghĩ nhớ đến các điều lỗi lầm để thành tâm sám hối, và nghĩ nhớ đến Tứ trọng ân: ân cha mẹ, ân tổ quốc, ân chúng sinh và ân Tam Bảo để lo báo đền.

b) Chánh quán niệm: là dùng tâm từ bi xét nghĩ cuộc đời là khổ não, tật bệnh, mê mờ mà chúng sinh đang mắc phải, để mở rộng lòng thương yêu và quyết ra tay cứu độ.

Người theo đúng Chánh niệm, thường quán sat cảnh chân đế, năng tưởng niêĩm các pháp trợ đạo; bất luận ở đâu và làm gì, cũng nhớ nghĩ đến cái quả vô lậu xuất thế gian, dù trải qua bao nhiêu số kiếp cũng không thối tâm xao lãng.

8. Chánh định: Chữ “Ðịnh” ở đây cũng đồng nghĩa như chữ định trong các bài trước, nghĩa là tập trung tư tưởng vào một vấn đề gì, để thấy cho rõ ràng. Chánh định là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chính đáng, đúng với chân lý, có lợi ích cho mình và người.

Người theo đúng Chánh định, thường tập trung tư tưởng để quan sát những vấn đề chính sau đây:

Quán thân bất tịnh: (bất tịnh quán) túc là quán tưởng thân không thanh tịnh, để trừ tham dục, sai ái (xem lại đoạn: “quán thân bất tịnh” trong bài Tứ niệm xứ).

Quán từ bi (từ bi quán) là quán tưởng tất cả chúng sinh đều là một chân tâm, bình đẳng không khác, để đoạn trừ thù hận, và mở rộng lòng thương yêu để cứu độ chúng sinh.

Quán nhân duyên: (nhân duyên quán) là quán tưởng tất cả pháp hữu hình như muôn vật, vô hình như tâm niệm đều là giả hợp, duyên nhau mà có, chứ không có một cách chân thật, không trường tồn, để đoạn trừ ngu si, pháp chấp.

Quán giới phân biệt: (giới phân biệt quán) nghĩa là phân biệt và quán tưởng sự giả hợp của 18 giới: 6 căn, 6 trần, 6 thức để thấy không thật có “ngã, pháp” ngõ hầu diêth trừ ngã chấp, pháp chấp.

Quán hơi thở: (sổ tức quán) nghĩa là qúan tưởng bằng cách chuyên chú đếm hơi thở ra vào, để đổi trị sự tán loạn của tâm thức.

C. Kết Luận:

Như đã nói ở đoạn mở đề, Bát Chánh đạo là pháp môn rất được thông dụng. Sự thông dụng này sở dĩ có được là nhờ lợi ích thiết thực và quý báu của nó đối với đời sống cá nhân của người tu hành, đối với xã hội, và đối với đời sống tương lai. Có thể tóm tắt những lợi ích, hay công năng của Bát Chánh đạo trong ba điểm sau đây:

1) Cải thiện tự thân: Nếu con người chuyên tu theo tám đường chánh này, thì sửa đổi được tất cả mọi sự bất chính, mọi tội lỗi trong đời sống hiện tại của mình, như ý niệm me mờ, ngôn ngữ đảo điên, hành vi sái quấy, đời sống vô luân. Khi những điều trên nầy đã được cải thiện, thì tất cả cuộc đời riêng của mỗi người sẽ chân chính, lợi lạc và thiện mỹ.

2) Cải thiện hoàn cảnh: Nếu trong xã hội ai ai cũng đều chuyên tu theo tám đường chánh đạo nầy, không những có nhiều lợi lạc trong cuộc đời hiện tại mà còn gây tạo cho mình một tương lai tươi sáng, gieo trồng cho mình những hạt giống Bồ đề để ngày say gặt háu quả vô thượng Niết Bàn, đầy đủ bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Vì những lợi ích quý báu như thế, chúng tôi xin khuyên mọi Phật tử hày phát nguyện cương quyết tu theo Bát Chánh đạo.

Tổng Kết Về Ðạo Ðế

Chúng ta vừa biết qua nội dung của Ðạo đế , hay 37 món trợ đạo là: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cấn, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề phần, Bát Chánh đạo. Phần Ðạo đế đã chiếm hết bốn bài trong mười bài nói về Tứ đế. Chỉ cái số lượng ấy cũng đủ nói lên sự quan trọng mà đức Phật muốn dành cho phương pháp tu hành để chứng nhập Niết Bàn. Nhưng chúng ta đừng nên thấy quá nhiều pháp môn mà vội nản lòng, thối chí. Vì căn cơ chúng sinh không đều, nên đức Phật cần chế ra nhiều pháp môn, để mỗi người có thể tùy theo căn cơ mính mà lựa pháp môn thích hợp để tu hành. Tất nhiên một người có thể tu nhiều pháp môn nếu có đủ khả năng, trí tuệ, sức khỏe; những nếu không đủ điều kiện, thì tu một pháp môn cũng được. Khi tu thành một pháp, các pháp kia đều thành, vì nó là một nhiếp thuộc lẫn nhau.

Vậy Phật tử không nên ngã lòng thối chí. Với sự quyết tâm, với đức tinh tấn, chúng ta tùân tự tiến dần vào Ðạo đế, không lo sợ, không nghi ngờ, cũng không quá bồng bột, nóng nảy, rồi đây chậm hay nhanh, thế nào cũng phải đến đích.

Hỡi quí vị Phật tử ! Mười phương các đức Như Lai, đầu tiên đều nhờ các pháp môn nầy mà dần dần được viên thành Phật quả. Tất cả Thánh giả trong ba thừa, đeù nương vào đây để tu hành cho đến ngày đạt đích. Chúng ta, đạn con Phật , những người đang canh cánh ôm ấp bên lòng trí nguyện thành Phật , để cứu độ và cứu độ chúng sinh, lẽ nào trong lúc đức Phật đã vì lòng từ bi mà sửa soạn cho chúng ta mọi phương tiện , mọi hành lý để tiến lên đường giải thoát, chúng ta lại do dự, chần chờ hay thối thác !

Vậy chúng ta hãy mau mau cất bước lên đường giải thoát.

Add Comment