Phật học Tinh yếu – HT Thích Thiền Tâm: SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

Sự Phát Triển Của Đại Thừa

Tiết mục:

I. Bốn bậc long tượng của Đại-thừa

II. Chư-pháp-thật-tướng-luận

III. Các luận-sư thuộc hệ thống Thật-tướng-luận

IV. A-lại-da-duyên-khởi-luận

V. Các luận-sư thuộc hệ thống Duyên-khởi-luận

 

Kinh sách tham khảo: Trung-Quán-Luận, Trí-Độ-Luận, Hải-Triều-Âm-Văn-Khố, Ấn-Độ-Phật-Giáo-Sử-Lược, Phật-Học-Đại-Cương.

 

Đề yếu: Theo Đại-thừa Khởi-Tín-Luận, tổng thể của nhất tâm có hai môn: Chân-như và Sanh-diệt. Chân-như-môn thuộc về Bản-thể-quan, Sanh-diệt-môn thuộc về Hiện-tượng-quan. Để phá quan niệm chấp có và thuyết minh chân tâm theo Bản-thể-quan, hai ngài Mã-Minh, Long-Thọ đề xướng thuyết Chư-pháp-thật-tướng. Với mục đích trừ quan niệm chấp Không và thuyết minh Chân Tâm theo Hiện-tượng-quan, hai ngài Vô-Trước, Thế-Thân đề xướng thuyết A-lại-da-duyên-khởi. Nhưng, Thật-tướng chẳng phải thiên không, Duyên-khởi chẳng phải trệ-hữu, cả hai đều là thể diệu-hữu chân-không. Đây là điểm cốt yếu của hai hệ thống Đại-thừa Phật-giáo.

Kế thừa tư tưởng hai hệ thống nầy, tuy có nhiều luận-sư, nhưng hiển trứ hơn cả, bên Không-tông có hai ngài: Đề-Bà, Thanh-Biện, bên Hữu-tông có hai ngài Hộ-Pháp, Giới-Hiền. Về sau, các chi phái Đại-thừa tuy phát xuất ra nhiều, nhưng cũng không ngoài hai hệ thống Không và Hữu. Cho nên trong bản chương chỉ đưa ra Thật-tướng-luận và Duyên-khởi-luận để đại biểu cho sự phát triển của Đại-thừa Phật-giáo, chính là do chủ ý trên đây.

Muốn cắt dây leo, nên từ cội gốc; căn bản đã thông, chi mạt cũng thông. Tôn chỉ nầy, các học giả tất cả đã biết rõ.

 

Tiết I: Bốn Bậc Long Tượng Của Đại Thừa

Tư tưởng Đại-thừa Phật-giáo ở Ấn-Độ, tổng yếu có hai hệ thống: hệ thống Bát-Nhã chủ trương thuyết Chư-pháp-thật-tướng, hệ thống Du-Già chủ trương thuyết A-lại-da-duyên-khởi. Khai sáng lập thuyết trước, có hai ngài: Mã-Minh, Long-Thọ. Khởi xướng lập thuyết sau, có hai ngài: Vô-Trước, Thế-Thân. Nay tưởng cũng nên lược thuật qua sự tích của bốn đại học giả ấy:

1. Ngài Mã-Minh (Asvaghosa): Niên đại xuất thế của Mã-Minh Bồ-Tát có nhiều thuyết khác nhau. Lại căn cứ nơi luận Thích-Ma-Ha-Diễn thì có đến sáu ngài Mã-Minh. Nhưng theo sự nhận xét của phần đông các nhà học Phật thì trước sau chỉ có một Mã-Minh Bồ-Tát. Và, riêng về thời đại trứ tác, bộ Đại-Thừa-Khởi-Tín đưa ra thuyết ngài xuất thế khoảng sau Phật diệt độ 600 năm, là có phần chính xác hơn hết.

Ngài Mã-Minh dòng dõi Bà-La-Môn, người thành Sa-Kỳ-Đa (Sakera) thuộc xứ Trung-Ấn. Ngài là bậc học vấn uyên bác, biện tài vô ngại, văn chương, thi phú hơn người, thông suốt Phệ-Ðà cùng những môn học phụ thuộc, rành về các giáo quỹ chân ngôn. Ngài có những biệt danh là: Nan-Phục, Nan-Phục-Hắc, Dõng-Mẫu-Nhi, Phụ-Nhi, Pháp-Thiện-Hiện, Thể-Huệ… Ban sơ ngài học theo ngoại-đạo, biện luận thắng tất cả các học giả Phật-giáo tại nước Ma-Kiệt-Đà. Nhưng sau gặp đại-đức Hiếp-Tôn-giả và Phú-Na-Sa (Pùrnayasas) ngài bị chiết phục, suy kính hai vị ấy làm bậc thầy. Khi đã nương về chánh-pháp, ngài du hành các miền Trung, Bắc-Ấn, đem tài hùng biện chiết phục ngoại-đạo, tuyên dương Phật-giáo, thanh danh vang dội khắp nơi. Tương truyền ngài có tài vừa đàn vừa ca, làm cho loài ngựa cảm động chảy nước mắt, kêu lên tiếng bi thương. Và, lúc vua Ca-Nị-Sắc-Ca tiến đánh thành Hoa-Thị, đòi một trong hai điều kiện: dâng ngài Mã-Minh, hoặc nộp vàng chín ức. Chủ thành không có đủ vàng, đành phải đem ngài Mã-Minh ra thay thế. Khi vua được ngài Mã-Minh, liền rước về Bắc-Ấn để hoằng dương Đại-thừa Phật-giáo. Có thuyết nói, trong thời kỳ kiết-tập Kinh-điển lần thứ tư, ngài Mã-Minh đã tham gia với phận sự nhuận sắc văn chương.

Về phần trứ thuật, tương truyền ngài có soạn hơn 100 bộ Kinh-luận, nhưng hiện nay chỉ còn mười tác phẩm như sau: Phật-Sở-Hành-Tán, Đại-Trang-Nghiêm-Luận-Kinh, Thập-Bất-Thiện-Nghiệp-Đạo-Kinh, Lục-Thú-Luân-Hồi-Kinh, Sự-Sư-Pháp-Ngũ-Thập-Tụng, Ni-Kiền-Tử-Vấn-Vô-Ngã-Nghĩa-Kinh, Đại-Tôn-Địa-Huyền-Văn-Bản-Luận, Đại-Thừa-Khởi-Tín-Luận, Bách-Ngũ-Thập-Tán-Phật-Tụng, và Bản-Sanh-Mạng-Luận. Trong bài tựa quy kính của Đại-Trang-Nghiêm-Luận-Kinh, ngài đã viết:

Phú-Na, Hiếp-Tỷ-khưu

Các học giả Di-Chức

Chúng Tát-Bà-Thất-Bà

Bậc Ngưu-Vương chánh đạo

Những luận-sư như thế

Nay tôi đều kính thuận.

Phú-Na-Sa và Hiếp-Tôn-giả là bậc thầy của ngài. Di-Chức là dịch âm của danh từ Mahìsàsakà, tức Hóa-Tha-bộ. Tát-Bà-Thất-Bà là dịch âm của danh từ Sarvàtivàsda, tức Nhất-Thế-Hữu-bộ. Ngưu-Vương, có học giả cho là dịch âm của danh từ Kaukkutika, tức Kê-Dẫn-bộ. Xem thế thì biết sở học của ngài kiêm cả Đại-thừa, Tiểu-thừa. Bài tựa quy kính trên biểu lộ thái độ khoan hòa của một nhà học Phật, biết dung hợp tất cả giáo lý không cuộc hạn tông phái nào, cốt để tìm cầu chỗ hay, gạt bỏ chỗ kém. Có thể cho tư tưởng của ngài Mã-Minh như một chiếc cầu nối liền giữa hai lãnh vực Tiểu-thừa, Đại-thừa vậy.

2. Ngài Long-Thọ (Nàgàrjuna): Ngài là người xứ Tỳ-Đạt-Bà (Vidharbha, có chỗ gọi Bối-Liệp-Nhĩ – Berar) ở Nam-Ấn, thuộc dòng Bà-La-Môn, ra đời vào khoảng 700 năm sau Phật diệt độ. Ngài có biệt danh Long-Mãnh hoặc Long-Thắng, bẩm tánh kỳ ngộ, trí huệ sâu xa, xem nghe một lần là nhớ tất cả, không cần phải hỏi lại. Lúc thiếu thời, ngài đã tinh thông các Kinh-điển Phệ-Ðà, cùng những môn thiên văn, địa lý, y học, toán số và nhiều học thuật khác. Nhưng các môn học đó không làm cho tự tâm được thỏa mãn, nên ngài quyết chí xuất-gia tìm đạo lý cao siêu trong Phật-giáo. Lúc đầu ngài học về giáo lý Tiểu-thừa, sau lại nghiên cứu sang Đại-thừa Phật-giáo. Tương truyền rằng sau khi xuất-gia, trong vòng ba tháng ngài đã đọc hết ba pháp tạng, muốn tìm kinh khác mà không được. Nhân khi du hành đến Tuyết-Sơn, ngài gặp một vị Tỷ-khưu truyền dạy cho các Kinh-điển Đại-thừa. Thầy của ngài, tục gọi Tuyết-Sơn-lão-tỳ-khưu, chính là Tôn-giả La-Hầu-La-Bạt-Đà-La (cùng với đệ-tử ngài Đề-Bà tên đồng mà người khác). Khi đã thông hiểu giáo lý thâm huyền, vì chí nguyện hoằng pháp, ngài đi du hóa các nơi, dùng tài biện luận hàng phục ngoại-đạo, và lập thành hệ thống Đại-thừa Phật-học. Địa điểm hoạt động của ngài có rất nhiều nơi, những chỗ trung tâm truyền bá là nước Kiều-Tát-La (Kosala). Vị quốc-vương ở bản xứ vì mến đức độ của ngài, nên phát tâm quy-y Phật-giáo và kiến tạo một đại tinh-xá ở Hắc-Long-Sơn (Bhràmaragiti) để cho ngài trụ trì. Tương-truyền ngài đã dùng thần thông đi xuống Long-cung, trong ba tháng đọc thuộc hết lược bản kinh Hoa-Nghiêm, gồm mười vạn bài kệ. Sau ngài lại đến thiết tháp ở Nam-Thiên-Trúc, được Kim-Cang-Tát-Đỏa Bồ-Tát truyền thọ cho kinh Đại-Nhựt, nên tinh thông cả Trì-minh-tạng. Vì thế người đời gọi ngài là bậc xướng đạo cả hai giáo pháp Hiển và Mật. Về công trình hoằng dương Phật-pháp, ngài được xem như Ðức Thích-Ca tái hiện.

Trên lãnh vực trứ thuật, Long-Thọ Bồ-Tát đã soạn ra nhiều bộ luận. Tựu trung các bộ như: Trung-Quán-Luận, Đại-Trí-Độ-Luận, Thập-Trụ-Tỳ-Bà-Sa-Luận… là được lưu hành hơn cả. Giáo nghĩa của ngài đề xướng tuy nhiều, nhưng hiển trứ hơn cả là thuyết Bát-bất-trung-đạo và thuyết Vãng-sanh. Bát-bất-trung-đạo là: bất-sanh, bất-diệt, bất-thường, bất-đoạn, bất-nhất, bất-dị, bất-lai, bất-khứ. Trung-đạo đây không phải ý nghĩa trung gian giữa sự có không, sanh diệt, đoạn thường, mà là ý nghĩa vượt ra ngoài vòng tương đối sai biệt để hiển lộ thể chân-không diệu-hữu, thuộc trường hợp dứt bặt lời nói và sự suy nghĩ. Còn thuyết Vãng-sanh, như nơi phẩm Dị-Hành trong luận Thập-Trụ-Tỳ-Bà-Sa, ngài đã nói: “Từ địa vị phàm-phu cho đến ngôi vị Vô-thượng-chánh-giác có hai đường lối tu tập: Nan-hành-đạo và Dị-hành-đạo. Nan-hành-đạo là dụng công khắc khổ tu trì chẳng tiếc thân mạng, ngày đêm tinh tấn, mà được bất thối chuyển. Dị-hành-đạo là dùng phương tiện niệm danh hiệu chư Phật, mà được bất thối chuyển mau lẹ dễ dàng. Nan-hành-đạo thuộc về tự-lực; Dị-hành-đạo kiêm cả tự-lực và tha-lực”. Trong Dị-hành-đạo, ngài lại thiên trọng về phần niệm thánh hiệu Phật A-Di-Đà. Hai lập thuyết do ngài đề xướng, đã ứng hợp với lời huyền ký của Đức Phật trong kinh Lăng-Già:

“Sau xứ Nam-Thiên-Trúc.

Có danh đức Tỷ-khưu.

Tôn hiệu là Long-Thọ.

Hay phá hữu, vô tông.

Tuyên dương pháp Đại-thừa.

Trong thế gian hiển ngã.

Được Sơ-hoan-hỷ-địa.

Sanh về cõi Cực-Lạc”.

3. Ngài Vô-Trước (Asanga): Sau Phật diệt độ 900 năm, có hai bậc đại học giả Phật-giáo ra đời. Đó là ngài Vô-Trước và Thế-Thân. Sanh quán của hai ngài ở tại thành Bá-Lộ-Sa (Purasapura), thuộc nước Kiền-Đà-La miền Bắc-Ấn. Hai ngài nguyên dòng dõi Bà-La-Môn, thân phụ là Kiều-Thi-Ca (Kausika), thân mẫu là Tỷ-Lân-Trì (Virinci). Vô-Trước có ba anh em, ngài là anh cả, Thế-Thân là em lớn, Tỷ-Lân-Trì-Tử (Virincivaisa) là em út. Cả ba anh em đều xuất-gia đầu Phật. Ban sơ ngài Vô-Trước tin theo đạo Bà-La-Môn, sau bỏ Bà-La-Môn đi xuất-gia, học tập đạo pháp Tiểu-thừa thuộc Hữu-bộ. Nhưng vì không mãn nguyện với giáo lý ấy, ngài lại chuyển sang nghiên cứu Kinh-điển Đại-thừa. Tương truyền, ngài đã dùng sức thần thông lên cung trời Đâu-Suất (Tusita) để nghe Bồ-Tát Di-Lặc (Maitreya) giảng về pháp Đại-thừa. Sau khi đó, ngài lại thỉnh Bồ-Tát giáng xuống hạ giới, ngự tại một giảng đường thuộc nước A-Du-Đà (Ayodhyà) miền Trung-Ấn. Trong khoảng thời gian bốn tháng, cứ về đêm thì ngài nghe Bồ-Tát thuyết pháp, ban ngày lại đem những điều đã nghe được tuyên giảng cho đại chúng. Và cũng trong vòng bốn tháng. Bồ-Tát Di-Lặc đã nói xong năm bộ đại luận: Du-Già-Sư-Địa-Luận, Đại-Thừa-Trang-Nghiêm-Kinh-Luận, Thập-Địa-Kinh-Luận, Trung-Biên-Phân-Biệt-Luận, Kim-Cang-Bát-Nhã-Luận.

Ngài Vô-Trước cũng có nhiều trứ tác riêng, gây thành hệ thống Pháp-Tướng Duy-thức-học. Nơi trung tâm hoằng pháp của ngài là hai nước A-Du-Đà và Ma-Kiệt-Đà. Ngài thọ được 75 tuổi.

4. Ngài Thế-Thân (Vasubandhu Bà-Tu-Bàn-Đầu): Sanh sau Vô-Trước luận-sư độ hai mươi năm, Thế-Thân Bồ-Tát là một bậc thông minh tài tuấn. Ngài xuất-gia theo Hữu-bộ, đến xứ Ca-Thất-Di-La học giáo nghĩa Đại-Tỳ-Bà-Sa, rồi trở về bản quốc là nước Kiền-Đà-La thuộc miền Bắc-Ấn, soạn ra bộ Câu-Xá-Luận. Lúc đầu ngài hết sức hoằng dương giáo lý Tiểu-thừa, bài bác Đại-thừa. Sau nhờ anh là Vô-Trước điểm hóa, ngài được khai ngộ, trở lại tuyên dương Đại-thừa Phật-giáo. Trước sau ngài trứ tác tất cả 500 bộ luận Tiểu-thừa và 500 bộ luận Đại-thừa. Căn cứ theo những bộ đã dịch sang chữ Hán, ta có thể chia tư tưởng học thuật của ngài thành năm thời kỳ: Tiểu-thừa Hữu-bộ, Đại-thừa Duy-thức, Kim-Cang-Bát-Nhã, Pháp-Hoa, Niết-Bàn và Tha-Lực-Tịnh-Độ.

Sau các đại học giả: Mã-Minh, Long-Thọ, Vô-Trước, ta có thể nói Thế-Thân luận-sư là một ngôi sao sáng chói nhất trên nền trời Phật-học ở Ấn-Độ thời bấy giờ. Những đặc sắc của ngài cũng đi song song với Bồ-Tát Long-Thọ. Nếu Bồ-Tát Long-Thọ là bậc hưng long Đại-thừa Phật-giáo ở thời đầu, thì ngài là bậc trung hưng giáo pháp nầy ở thời giữa. Bồ-Tát Long-Thọ hoằng truyền Phật-giáo ở Nam-Ấn, ngài thạnh truyền chánh-pháp ở Bắc-Ấn. Bồ-Tát Long-Thọ kế thừa hệ thống giáo lý của Đại-Chúng-bộ, ngài kế thừa hệ thống tông nghĩa của Thượng-Tọa-bộ. Bồ-Tát Long-Thọ xương minh tư tưởng Chư-pháp-thật-tướng thuộc lập thuyết “Không”, ngài đề xướng tư tưởng A-lại-da-duyên-khởi thuộc lập thuyết “Hữu”. Bồ-Tát Long-Thọ vang danh là Thiên-bộ-luận-chủ, ngài cũng nổi danh là Thiên-bộ-luận-sư.

Qua thời gian du hóa đó đây, cuối cùng Thế-Thân luận-sư trở về nhập diệt tại nước A-Du-Đà, hưởng thọ 80 tuổi.

 

Tiết II: Chư Pháp Thật Tướng Luận

Thuyết thật-tướng là một lối lý luận nói rõ thực thể của vũ trụ, đại để cũng như thuyết thực-tại (réalisme) thông thường, thực tại thuộc về trực quan giới, không thể đem lời nói và văn từ mà diễn tả được. Tuy nhiên, chúng ta có thể dùng những tỷ dụ tương tợ để hình dung nó. Trung-Quán-Luận nói:

Các pháp nhân duyên sanh

Ta nói tức là không

Đó chính là Giả Danh

Cũng là nghĩa Trung Ðạo.

Bài kệ nầy thuyết minh: bởi các pháp do nhân duyên sanh ra, nên nó là không, giả, và chính là Trung Ðạo Thật tướng. Để hiểu nghĩa nầy rõ ràng hơn, ta hãy quay sang phân tích về đạo lý “Bát-bất”.

Các pháp đã do nhân duyên hòa hợp mà sanh, nên chỉ là giả huyễn chớ không phải thật có; nếu quả thật có, tất ưng không đợi nhân duyên mới sanh. Vì nghĩa không phải thật sanh, nên gọi là “bất sanh”. Khi thế lực nhân duyên suy tàn, tất cả các pháp phải diệt; nhưng trước kia đã không sanh, thì nay đâu thật có diệt, vì thế nên gọi là “bất diệt”. Các pháp do nhân duyên mà có sanh trưởng đổi thay nên gọi là “bất thường”. Vạn hữu trước có sau không gọi là đoạn, nay đã không thật có, nên cũng chẳng có chi là đoạn. Đây là nghĩa “bất đoạn”. Các pháp sanh khởi trước sau chẳng giống nhau, như mộng với lúa không phải là một, đó là nghĩa “bất nhất”. Nhưng nếu quả mộng với lúa không phải là một, thì mộng không ưng sanh lúa, mà phải sanh cái khác; nay vẫn thấy sanh lúa, nên gọi là “bất dị”. Vạn hữu đã như huyễn, thì sự đến đi dường như trong mộng không có thiết thật, nên gọi là “bất lai, bất khứ”.

Trước mắt chúng ta, xưa nay các đối tượng vẫn hiện bày ngàn hình muôn trạng, tại sao ngài Long-Thọ dùng thuyết “bát bất” để phủ nhận? Bởi theo quan niệm của thế gian thì các pháp có sanh, có diệt, có thường, có đoạn, có một, có khác, có lại, có đi; quan niệm nầy thuộc về lối mê chấp trên giả tướng. Để phá quan niệm ấy và hiểu rõ Thật Tướng Trung Ðạo, ngài Long-Thọ dùng tám thứ không là: không sanh, không diệt, không thường, không đoạn, không một, không khác, không lại, không đi. Thế thì sự phủ nhận trên, chỉ có tính cách bác phá quan niệm chấp tướng, chớ không phải thật phủ nhận các tướng, bởi hằng sa muôn pháp là diệu thể bồ-đề. Đây là lối dùng Không môn đi vào Thật Tướng.

Đại-Trí-Độ-Luận nói: “Trong Phật-pháp có nhị đế, là: thế-đế và đệ-nhất-nghĩa-đế. Vì thế-đế nên Như-Lai nói có chúng-sanh, vì đệ-nhất-nghĩa-đế nên lại bảo chúng-sanh không thật có”. Trung-Quán-Luận cũng nói: “Chư Phật y theo nhị-đế mà thuyết pháp cho chúng-sanh, đó là thế-tục-đế và đệ-nhất-nghĩa-đế. Nếu người nào không biết mà phân biệt nhị-đế, tất không thể hiểu nghĩa chân thật của đạo pháp nhiệm mầu”. Căn cứ hai đoạn trên, ta thấy thế-đế hay đệ-nhất-nghĩa-đế đều là pháp giả lập để đối trị bệnh mê của chúng-sanh, nếu chấp một trong hai phương diện thì không làm sao hiểu được Phật-pháp. Như cái nhà do nhân duyên kèo, cột, vách, ngói hợp thành, nếu bảo đó là thật có hay thật không, đều là quan niệm trên mê chấp. Cho nên chư Phật không rời các pháp mà nói thật tướng, không động thật tướng mà lập các pháp. Vì thế, nhị-đế tuy hai mà chẳng phải hai, chỉ vì phàm-phu lầm diệu-hữu là vọng-hữu, Nhị-thừa mê chân-không làm thiên-không, nên mới dùng phương tiện để đối trị vậy thôi.

Như trên, hai đạo lý bát-bất và nhị-đế là tư tưởng căn bản của Chư-pháp-thật-tướng-luận. Thật tướng nầy, như trước đã nói, chỉ cùng thí dụ tương tợ để ngộ nhập, tuyệt không thể dùng lời nói cùng văn tự miêu tả được. Cho nên, Duy-Thức-tông gọi là “Phế thuyên đàm chỉ”. Tam-Luận-tông gọi là “Ngôn vong lự tuyệt”; Thiên-Thai-tông gọi là “Bách phi câu khiển, tứ cú giai ly”; Thiền-tông gọi là “ Bất lập văn tự”; Hoa-Nghiêm-tông gọi là “Quả phần bất khả thuyết”; Chân-Ngôn-tông gọi là “Xuất quá ngôn ngữ đạo”; Tịnh-Độ-tông gọi là “Bất khả xưng, bất khả thuyết, bất khả tư nghị”. Muốn hiểu Thật-tướng, chúng ta nên thầm hội ý vị của những câu trên.

 

Tiết III: Các Luận Sư Thuộc Hệ Thống Thật Tướng Luận

Lập thuyết Chư-pháp-tướng-pháp nguyên từ hệ thống Đại-Chúng-bộ, do hai ngài Mã-Minh, Long-Thọ đề xướng, và căn cứ truyền giáo khởi thủy ở Nam-Ấn. Thừa kế tư tưởng nầy, có ngài Đề-Bà (Àryadeva Thánh-Thiên). Đề-Bà luận-sư ra đời vào thế kỷ thứ ba, sanh quán ở Tích-Lan, sau qua Nam-Ấn làm đệ-tử của Bồ-Tát Long-Thọ. Ngài có viết ra bộ Quảng-Bách-Luận, thường dùng lý thuyết “không” để hàng phục ngoại-đạo, sau bị họ oán sợ mà ám sát. Đệ-tử của luận-sư Đề-Bà là La-Hầu-La-Bạt-Đà-La (Ràhula bhadra), gọi tắt là La-Hầu-Đa-La, lại kế truyền học thuyết của thầy. Ngài là bậc thông minh, có tài biện luận, thường đến các nước ở vùng Trung-Ấn để tuyên dương giáo lý Đại-thừa. Chính ngài đã chú thích bộ Trung-Luận của Long-Thọ Bồ-Tát, nhưng rất tiếc không còn truyền được tới ngày nay.

Đến thế kỷ thứ tư, có hai ngài Thanh-Mục (Pingala) và Kiên-Ý cũng tổ thuật tư tưởng của ngài Long-Thọ. Thanh-Mục luận-sư chú thích bộ Trung-Luận theo chủ nghĩa “Vô tướng giai không”; Kiên-Ý luận-sư thì viết ra bộ Nhập-Đại-Thừa-Luận. Qua thế kỷ thứ năm, ở Nam-Ấn có ngài Phật-Hộ (Buddhapàlita) ra đời, tuyên dương thuyết Trung-đạo phi-hữu-phi-không của Bồ-Tát Long-Thọ. Pho trứ tác của ngài về sau lưu hành sang Tây-Tạng gây thành hệ phái Trung-Quán-tông.

Cuối thế kỷ thứ năm, cũng ở Nam-Ấn, có luận-sư Thanh-Biện (Bhàvaviveka – Tình-Biện), tạo ra bộ Chưởng-Trân-Luận và Bát-Nhã-Đăng-Luận. Luận-sư dung hòa Không-thuyết của Long-Thọ với Duy-thức-học, và đề xướng tục đế là pháp nhân duyên thể không, Chân-Đế là pháp tánh thường trú. Thế là thuyết Vô-tướng-giai-không của Bồ-Tát Long-Thọ đến giai đoạn nầy đã có hơi chuyển biến. Đối với thuyết Y-tha-khởi của Duy-thức thuộc Hữu-tông, luận-sư giải thích là nhân duyên không pháp. Lý luận nầy đã gây thành cuộc tranh biện dây dưa bất phân thắng bại của hai tông Không, Hữu.

Cuối thế kỷ thứ sáu, có ngài Trí-Quang (Jnànaprabha), đệ-tử của Thanh-Biện luận-sư ra đời. Ngài khởi xướng lối phán thích giáo lý, đưa học thuyết của Bồ-Tát Long-Thọ lên hàng tối cao. Đồng thời ở Nam-Ấn lại có ngài Nguyệt-Xứng (Candrakìrti) soạn bộ Trung-Luận-Thích, lập thuyết cũng tương phù với ngài Phật-Hộ.

Đầu thế kỷ thứ bảy có đệ-tử ngài Trí-Quang là Sư-Tử-Quang xuất hiện, giảng về Tam-luận tại chùa Na-Lan-Đà. Ngoài ra, còn có các luận-sư khác như Thắng-Quang, Trí-Hộ… đều tuyên dương giáo nghĩa của ngài Long-Thọ.

Như thế, hệ thống truyền thừa về Thật-tướng-luận thuộc Không-tông, có thể sắp theo thứ tự như sau: Mã-Minh, Long-Thọ, Đề-Bà, La-Hầu-Đa-La, Thanh-Mục, Phật-Hộ, Thanh-Biện, Trí-Quang, Sư-Tử-Quang, Thắng-Quang, Trí-Hộ…

 

Tiết IV: A Lại Da Duyên Khởi Luận

Thuyết Thật-tướng của hai ngài Mã-Minh, Long-Thọ, thể hiện nghĩa chân-không của Như-Lai-tạng. Qua đến thời đại Pháp-tướng-học, hai ngài Vô-Trước, Thế-Thân, lại thuyết minh Như-Lai-tạng bằng nghĩa diệu-hữu.

Từ trước, hàng Tiểu-thừa chỉ thành lập có sáu thức là: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý Thức. Song sáu thức là những tâm lý sanh diệt, vô thường. Như năm thức trước chỉ do sự kích thích của ngoại giới mà tả tượng vào nội tâm. Chúng không có những tác dụng tinh thần như: so sánh, suy luận hoặc truy niệm cảnh quá khứ. Có đủ những tác dụng ấy và chiếm được địa vị trọng yếu, duy có thức thứ sáu mà thôi. Nhưng ý thức cũng là một thứ tâm lý có gián đoạn, niệm trước đã qua, niệm sau mới đến. Và khi chúng ta chết rồi thì ý thức cũng tiêu tan. Thế thì cái gì duy trì nghiệp lực làm cho nó không gián đoạn sau khi chúng ta chết?

Lý do trên là nguyên nhân thành lập ra A-lại-da-thức của phái Đại-thừa. A-lại-da có nghĩa: Hàm-tàng-thức hoặc Chủng-tử-thức, là một tâm thể chứa đựng tất cả chủng tử của vạn hữu, làm cội gốc duy trì và mở mang ra hiện tượng giới, có đủ ngàn hình muôn trạng bao la. Sáng lập ra thuyết A-lại-da-duyên-khởi là giáo phái Pháp-tướng, cũng gọi giáo phái Duy-thức. Ngoài sáu thức của Tiểu-thừa, phái nầy lập thêm hai thức nữa: Mạt-na (Màna) thứ bảy, và A-lại-da (Alaya) thứ tám. Mạt-na có nghĩa: Chấp ngã, một tâm lý lầm nhận cái ta là có thật.

Theo nhà Duy-thức, nếu nói chân-như làm duyên khởi cho vạn hữu, là không hợp lý. Bởi chân-như thì bình đẳng đồng nhất, mà vạn hữu thì muôn hình sai biệt. Vậy căn nguyên phát khởi các hiện tượng muôn vàn sai biệt ấy, tất phải do muôn vàn chủng tử sai biệt. Nơi chứa đựng các chủng tử nầy là thức A-lại-da, và A-lại-da làm nhân duyên phát khởi các pháp, nên gọi là A-lại-da-duyên-khởi. Chính thức A-lại-da nầy cũng do nhân duyên mà thành. Từ vô số kiếp đến giờ, do nghiệp nhân lành dữ huân tập, nó vẫn luôn luôn sanh khởi không gián đoạn, chứa đựng tất cả mọi chủng tử và có khả năng vô hạn để phát hiện ra hữu-tình giới và khí-thế-giới. A-lại-da có hai: Chúng-sanh A-lại-da-thức và Như-Lai A-lại-da-thức. A-lại-da của chúng-sanh có tính cách biệt. A-lại-da của Như-Lai có tính cách đồng. A-lại-da của chúng-sanh vô thủy hữu chung. A-lại-da của Như-Lai vô thủy vô chung. A-lại-da của chúng-sanh thuộc Biến-kế-chấp-tánh. A-lại-da của Như-Lai thuộc Viên-thành-thật-tánh.

Duy-thức-tông lập ra ba tánh: Biến-kế-chấp, Y-tha-khởi và Viên-thành-thật. Y-tha-khởi là các pháp do nhân duyên sanh khởi, đứng địa vị trung tâm. Trên Y-tha-khởi mà lầm nhận có không, đoạn thường, sanh diệt, quay cuồng theo hiện tượng là Biến-kế-chấp. Trên Y-tha-khởi mà tiêu diệt những quan niệm ấy, là Viên-thành-thật. Trong A-lại-da-thức của chúng ta chứa đủ chủng tử mê và ngộ. Nếu chúng ta hiểu rõ nhân, pháp như huyễn, không còn quay cuồng mê chấp theo muôn tượng, thì tâm thức lắng yên, phiền não tiêu diệt, lần lần sanh ra giác ngộ. Vậy từ mê đến ngộ chỉ là sự thay đổi quan niệm.

Tóm lại, thuyết A-lại-da-duyên-khởi đứng về mặt diệu-hữu mà thuyết minh Như-Lai-tạng. Thể tướng A-lại-da nầy làm nhân duyên cho nhau sanh khởi vô cùng; trong vô thường ẩn lý chân thường, trong sanh diệt ẩn lý phi sanh diệt, mê cùng ngộ chỉ bởi nơi người mà thôi. Cho nên lời văn trong bài tựa kinh Lăng-Già nói: “Tâm không rời thức, hằng niết-bàn nơi sự diệt sanh; thức chẳng lìa tâm, uổng sống chất trong vòng thường trụ” là chỉ cho ý nghĩa nầy vậy.

Tiết V: Các Luận Sư Thuộc Hệ Thống Duyên Khởi Luận

Tư tưởng A-lại-da-duyên-khởi phát nguyên từ hệ thống Thượng-Tọa-bộ, do hai ngài Vô-Trước, Thế-Thân đề xướng, và căn cứ truyền giáo khởi thủy ở Bắc-Ấn. Tư tưởng nầy được truyền bá hầu khắp Ấn-Độ, đứng ngang hàng với lập thuyết Thật-tướng-luận của hai ngài Mã-Minh, Long-Thọ, gây thành hai hệ thống Phật-giáo lớn lao và có thế lực nhất đương thời.

Thừa kế Duyên-khởi-luận, sau ngài Thế-Thân, có các luận-sư: Thân-Thắng (Bandhusri), Hỏa-Biện (Gitrabhàna), Đức-Huệ (Gunamati), An-Huệ (Sthiramati), Nan-Đà (Nanda), Tịnh-Nguyệt (Sudacandra), Hộ-Pháp (Dharmapàla), Thắng-Hữu (Visesamitra), Thắng-tử (Jinaputra), Trí-Nguyệt (Jnànacandra). Các luận-sư trên đều là những nhân vật từ đầu đến cuối thế kỷ thứ sáu, và cũng là mười đại luận-sư của Duy-thức-tông. Trong đây, ngài Hộ-Pháp là vị thừa kế chính thống và hoàn thành môn học của ngài Thế-Thân. Ngoài ra còn có ngài Trần-Na (Mahàdignàga Đại-Vức-Long) hoàn thành môn Nhân-minh-luận để phụ lực Duy-thức-học. Trong hàng đệ-tử ngài Hộ-Pháp có luận-sư Giới-Hiền (Silabhadra) cũng là một bậc thái đẩu của các học giả đương thời về môn Pháp-tướng. Về sự nhận thức, tuy cũng đồng tuyên dương Pháp-tướng-học, nhưng tư tưởng của các luận-sư trên có đôi chút khác nhau. Như các ngài: Thân-Thắng, Nan-Đà, Đức-Huệ, Tịnh-Nguyệt, chỉ thành lập có hai phần Duy-thức là Tướng-phần và Kiến-phần. Ngài An-Huệ thành lập thêm Tự-chứng-phần và bảo đó là tác dụng nhận thức có thực thể, còn Tướng, Kiến phần không có thực thể. Riêng hai ngài Hỏa-Biện, Trần-Na thì chủ trương cả ba đều có thực thể. Về sau, ngài Hộ-Pháp lại lập thêm Chứng-tự-chứng-phần để hoàn thành các thuyết trên.

Đến tiền bán thế kỷ thứ bảy, khi ngài Huyền-Trang ở Trung-Hoa sang Ấn-Độ cầu pháp, Giới-Hiền luận-sư đã hơn 100 tuổi già. Tại học viện Na-Lan-đà, luận-sư đem pháp môn Duy-thức truyền cho ngài Huyền-Trang. Về sau Trang-sư tập hợp giáo nghĩa của mười bậc đại luận-sư trong tông Pháp-tướng mà viết ra bộ Thành-Duy-Thức-Luận. Về nội dung, ngài lấy giáo nghĩa của Hộ-Pháp luận-sư làm phần chính, còn học thuyết của chín vị kia chỉ đứng ở phần phụ. Theo ký sự của ngài Huyền-Trang, khung cảnh chùa Na-Lan-Đà gồm có tám viện, ba trăm phòng. Tăng-chúng tập hợp tại đó đến năm ngàn vị, những bậc luận-sư thuộc hai hệ thống Không, Hữu phần nhiều đều về ở đây. Người muốn lưu học lại chùa nầy, trước tiên phải qua một kỳ khảo sát về hạnh giải rồi mới được cho nhập học. Vì thế, các học giả đã tốt nghiệp ở chùa nầy, đều là những người tài đức trong Phật-giáo.

Như trên đã nói, Thật-tướng-luận và Duyên-khởi-luận cấu thành hai tư trào lớn về giáo pháp Đại-thừa, diễn xuất hết tinh hoa của đạo Phật. Đến cuối thế kỷ thứ bảy lại có ngài Pháp-Xứng (Dharmakìrti), một bậc học rộng tài cao, viết ra Tạp-Lượng-Luận, chấn hưng Nhân-minh-học của ngài Trần-Na đến chỗ đặc sắc, làm cho pháp môn Duy-thức nảy thêm những tia sáng tân kỳ. Song song với hai tư trào Không, Hữu, Mật-giáo và Tịnh-độ-tông cũng được phát triển một cách cực thạnh.

Vấn đề nầy không đơn giản, trong phần khác sẽ nói đến. Và nội dung của bản thiên xin kết thúc ở nơi đây.

 

 

Add Comment