Giới là bậc thầy cao cả nhất

Thích Thiện Siêu
CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo – 2002

GIỚI LÀ BẬC THẦY CAO CẢ NHẤT (*)

Các vị Sa-di,

Đã một lần, quý vị quỳ trước các vị Tam sư thất chứng để lãnh thọ mười giới Sa-di. Ngay từ giờ phút đó, các vị đã trở nên những người xuất gia chính thức, những mầm non của Đạo pháp, những hạt giống Bồ-đề, những hạt giống Thánh nhân. Trong giờ phút thiêng liêng đó, các vị đã không kể gì đến xác thân, tính mạng hay bất cứ gì đi nữa trên thế gian này. Các vị đã xả thân để cầu Giới, vì biết rằng, chính Giới pháp mới là pháp môn viên mãn nhất để giải thoát chúng ta ra khỏi khổ triền phược, khỏi kiếp luân hồi vô minh. Vì nghĩ đến sự cao quý của Giới pháp như thế, nên đã có những phút chúng ta đem hết thành tâm thiện chí để lãnh thọ. Chính những Giới pháp đó đức Phật đã thành tựu viên mãn và sau bao nhiêu công phu tu hành, đạt chánh quả. Ngài đem Giới pháp đó dạy lại cho chúng ta, coi như là
pháp thân huệ mạng của chính Ngài. Bởi thế, sau khi Ngài viên tịch, Giới pháp ấy vẫn tồn tại để dẫn dắt những kẻ hảo tâm xuất gia, và trước khi sắp nhập Niết-bàn, đữc Phật đã đinh ninh dạy bảo: “Sau khi Ta diệt độ, các ngươi hãy tôn trọng, trân quý Ba-la-đề-mộc-xoa, như người đi trong đêm tối được gặp ánh sáng, như người nghèo khó được gặp châu báu. Giới luật chính là đức Thầy cao cả của các ngươi, dù Ta có ở đời cũng không gì khác”.

Giả sử chúng ta được duyên may mắn, sinh vào thời đức Phật, thì chắc chắn chúng ta được nghe những lời dạy ấy, tuân giữ giới pháp của Ngài và tôn Ngài làm đấng Đạo sư. Nhưng vì bạc đức vô duyên, chúng ta phải sinh vào thời mạt pháp, mặc dù không gặp Phật, chúng ta vẫn còn được phước duyên có những giờ phút được nghe Giáo pháp Ngài đã dạy, biết những Giới luật Ngài đã truyền để chúng ta tôn thờ Giới pháp làm đấng Đạo sư như Phật ở đời không khác. Mộl người đi trong đêm tối, muốn khỏi sa hầm sỉa hố, cần được ánh đèn bao nhiêu thì khi gặp được ánh đèn, họ sẽ quý báu bấy nhiêu. Như kẻ nghèo khó đói rách cần tiền của bao nhiêu, thì khi gặp tiền bạc sẽ giữ gìn cẩn trọng bấy nhiêu. Chúng ta, những người tối tăm vì vô minh, đói khổ vì thiếu thốn sự giác ngộ, sự giải thoát, cho nên chúng ta sẽ quý Giáo pháp của Phật không khác gì những người đi trong đêm tối gặp được ánh sáng, chắc chắn sẽ không để mất; kẻ nghèo gặp được châu báu sẽ bảo tồn quý trọng nó. Thì người hảo tâm xuất gia cũng vậy, khi đã biết Giới luật là phương pháp cao quý để ta nương theo, thì chắc chắn chúng ta sẽ đem hết thành tâm thiện chí cầu lãnh thọ, bảo trì cho bằng được. Huống chi đã là con người, không ai không mang trong mình bao nhiêu tật xấu, bao nhiêu phiền não, tội lỗi. Nhưng tội lỗi phiền não ấy, nếu không nhờ những pháp môn, những giới luật ngăn ngừa thì chắc chắn đời đời chúng ta vẫn là những con người quê hèn nghèo nàn, không bao giờ bước lên được con đường giải thoát giác ngộ.

Nên yếu điểm đầu tiên của Phật chế Giới luật là muốn cho ta gạt bỏ tục tình quê hèn, tạo đức tốt, lập chí nguyện lớn lao. Ở đời, những vị quân tử thánh nhân hằng mong mỏi lập ba điều bất hủ: “Lập công, lập đức, lập ngôn”, vậy thì người xuất gia chúng ta chắc chắn cũng muốn lập những công đức sự nghiệp lớn lao. Nhưng dù muốn lập những sự nghiệp lớn lao mà không giữ Giới luật, cứ bê tha theo tục tình, thả lỏng thân khẩu ý theo thói thấp hèn thì biết bao giờ chúng ta mới có thể lập được chí nghiệp, bao giờ mới xả bỏ được những tục tình quê kịch, đã bấy nay nhận chìm trong thói đời? Cho nên, một người đã có thành tâm thiện chí muốn làm đệ tử của đức Phật, thì trước hết phải giữ Giới để ngăn ngừa tội lỗi, xả bỏ tục tình để trở thành một người toàn thiện. Khi cá nhân đã trở nên toàn thiện toàn mỹ, mới có thể đặt lên đó những hạnh nghiệp giải thoát, cầu Bồ-đề đạo, cứu độ chúng sinh.

Yếu điểm thứ hai là, người đệ tử xuất gia của Phật, sống trong một đoàn thể không phải một người, hai người, mà ngay trong thời Phật tại thế đã có đến 1.250 người tùy tùng xuất gia. Với một số đông đệ tử như thế, nếu không có Giới luật thì biét căn cứ vào đâu để hòa hợp với nhau, tương ưng với nhau và tu học với nhau? Mỗi người khi ấy sẽ hành động mỗi cách, ngôn ngữ mỗi cách, thì làm sao tạo thành một giáo đoàn gương mẫu để truyền bá Giáo pháp, để tiến tu đạo nghiệp? Nếu chúng Tăng không có một kỷ luật giới pháp để mỗi người răn dè tuân giữ, thì chúng Tăng sẽ trở thành một chúng Tăng ô hợp. Khi đã là một chúng Tăng ô hợp thì cá nhân đã không được tu học, mà đoàn thể ấy cũng không ích lợi gì? Huống chi một đoàn thể cầu giải thoát mà lại có thể ô hợp được chăng? Chắc chắn là không.

Vì vậy, mười hai năm sau khi thành đạo, với một số đồ chúng xuất gia và tại gia đã đông, đức Phật đã tùy căn cơ chúng sinh mà lần lượt chế ra những Giới luật. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, những Giới luật ấy đã được Tôn giả Ưu-ba-li kết tập thành Ngũ giới, Bát giới, Bồ-tát tại gia giới, và 10 giới, 250 giới cho hàng xuất gia Tỳ-kheo và 348 giới cho Tỳ-kheo-ni. Những Giới luật đó trải qua thời gian và không gian đến nay vẫn còn tồn tại, cho chúng ta có thể nghe thấy một phần nào những gì đức Phật đã dạy lúc sinh thời. Những giới pháp đó, hàng tại gia cũng như xuấl gia, ai tuân giữ được thì đều xứng đáng là con Phật. Sự thành tâm thiện chí của đệ tử Phật đối với Giới pháp của Ngài chính là sự cúng dường cao quý nhất, bởi vì khi một người xuất gia có tác phong tề chỉnh, gương mẫu thì có thể thay thế Phật ở cõi Ta-bà. Giữa thời mạt pháp, giáo pháp của Phật nhờ đó mà tồn tại mãi. Giới luật tạo cho con người trở thành đức hạnh, giải thoát, gương mẫu. Chính thời đức Phật cũng nhờ một vị Sa-môn oai nghi tề chỉnh, dáng điệu giải thoát, cảm kích được sự xuất gia của Ngài. Vậy thì ngày nay, nếu một vị xuất gia tề chỉnh, biểu hiện sự giải thoát ly trần, chắc chắn sẽ gây được nhiều ấn tượng giải thoát trong lòng nhiều người. Do đó đức Phật đã nhiều phen dạy chúng ta phải tôn sùng quý trọng Giới luật, như trong Thiện kiến luật, Ngài đã dạy Tôn giả A-nan: “Có 5 điều làm cho Giáo pháp Như Lai tồn tại lâu bền; ấy là :

Thứ nhất, hàng đệ tử biết tuân giữ Tì-ni giới luật.

Thứ hai, tịnh Tăng thành chủng. Dù chỉ có năm người xuất gia mà giữ giới thanh tịnh, thì đó là một yếu tố quan trọng để giáo pháp tồn tại lâu bền.

Thứ ba là truyền thọ bất diệt. Nếu ở trung quốc có người lập giới đàn truyền thọ giới xuất gia, ở biên quốc năm người, sự truyền thọ như thế dưới hình thức mười người hay năm người, từ chỗ này đến chỗ khác, quốc độ này đến quốc độ khác, cũng là yếu lố khiến Phật pháp trụ thế lâu dài.

Thứ tư là hạnh nghiệp thanh tịnh. Khi đã lãnh thọ giới pháp, thì giới pháp chính là những mối ưu tư những mục tiêu tuân hành. Nếu chúng Tăng phạm giới mà liền biết sám hối, tập chúng 20 người theo Luật định, để xuất tội nặng những vị Tỳ-kheo phạm giới, khiến cho những vị ấy cũng được thanh tịnh như bao nhiêu vị Tỳ-kheo khác, thì đó là yếu tố làm cho Giới pháp tồn tại lâu bền.

Thứ năm là trú trì vĩnh cửu.

Tóm lại, nếu có năm người cho đến nhiều hơn nữa mà đều nhất tâm giữ luật, biết sợ phạm giới, sám hối những điều đã phạm, thì đó là những yếu tố quan trọng khiến Phật pháp tồn tại trong thời gian 5.000 năm. Năm ngàn năm mà từ trước tới nay chúng ta thường nghe nhắc đến trong các buổi lễ Phật, chính là căn cứ vào các yếu tố căn bản giữ giới, tu giới, xuất giới khi phạm tội, thanh tịnh tập chúng ấy. Giữ được những yếu tố ấy một cách viên mãn tức là bảo vệ Phật pháp được vững bền trong thế gian này.

Các vị đã thọ Sa-di từ lâu, có người hai năm, có người năm bảy năm. Trong thời gian ấy, tcòn nhỏ, song các vị cũng đã ở trong dòng Phật pháp, cũng như chúng tôi, như bao nhiêu vị Thượng tọa, Đại đức khác. Hôm nay sắp thọ Tỳ-kheo giới, rời khỏi tuổi thiếu niên để trở nên một người thanh niên trong hàng xuất gia, thành một vị Đại đức, một người lớn trong Phật giáo, tất nhiên các vị phải thành tâm chú ý tuân hành nhiều hơn nữa những giới pháp mà Phật đã dạy. Đó là 250 giới mà tam sư thất chứng sẽ truyền trao cho các vị chốc nữa đây. Hai trăm năm mươi giới luật tuy nhiều, nhưng căn bản không ngoài mười giới mà các vị đã thọ trong lần thọ Sa-di giới, mà nói tóm lại, cũng không ngoài bốn tánh giới “Sát, Đạo, Dâm, Vọng”. Bốn tánh giới ấy là chính yếu, 250 giới là những điều luật tạo thành vị Tỳ-kheo gương mẫu đầy đủ oai nghi trong các việc “ăn, mặc, ở” của người xuất gia.

Với thành tâm thiện chí, 10 giới Sa-di các vị đã giữ được, thì 250 giới, các vị cũng sẽ giữ được dễ dàng. Một khi các vị đã dõng mãnh phát tâm xả thân cầu giới như Tổ sư đã xả thân cầu giới, thì chắc chắn các vị sẽ giữ trọn Giới pháp của Phật không gì khó khăn. Mà khi đã giữ giới một cách viên mãn thì tất nhiên chúng la sẽ trở nên những trưởng tử của đức Phật, hà đảm Như Lai huệ mạng. Một người trưởng tử như thế, nhiều người trưởng tử như thế, sẽ khiến Phật pháp được bền lâu, báo đáp thâm ân của đức Phật một cách viên mãn.

Khi trở thành những vị Tỳ-kheo, Đại đức, sẽ có những Giới luật mà các vị cần phải chú hết tâm ý để tuân hành. Do đó, khi sắp đến trước thập sư để lãnh thọ giới pháp, các vị sẽ qua một lần hạch hỏi về những già nạn, nghĩa là những điều mà nếu mắc phải, sẽ là những chướng ngại khiến cho các vị không thọ giới được.

Những già nạn ấy, các vị phải chú tâm trả lời một cách thành thật. Phần lớn những già nạn ấy đều dễ hiểu, chỉ có vài điều cần chỉ trước để khi hỏi tới, các vị có thể hiểu và trả lời một cách mau chóng. Các Ngài sẽ hỏi các vị có phạm “biên tội” không? Trong đây, danh từ “biên tội” có nghĩa là Phật pháp được ví như biển lớn, nếu kẻ nào phạm phải bốn giới trọng: Sát, Đạo, Dâm, Đại vọng ngữ thì sẽ bị coi như đã bị loại ra ngoài biển Phật pháp. Một già nạn khác: các vị có phải tặc trụ thọ giới không? Có nghĩa là những kẻ chưa thọ giới, giả vờ đã thọ để vào làm giặc, phá hoại trong Phật pháp. Những kẻ ấy, không vì mục tiêu giải thoát mà vì một dụng tâm tầm thường nhỏ hẹp, nên khi vào Đạo thì không có tư cách,phá giới, phá kiến, làm cho Phật pháp vì họ mà bị hủy hoại. Nếu các vị quả thật nhất tâm cầu Giới, vì muốn giải thoát, muốn trở nên một ông “Thầy” chân chính, thì các vị hãy mạnh mẽ trả lời “Không”. Một già nạn khác nữa là: Các vị có phải là nội ngoại đạo phá giới không? (có nghĩa là kẻ ngoại đạo, giả xuất gia thọ giới rồi trở về ngoại đạo, sau một thời gian, gặp cơ hội thọ giới, cũng xin vào thọ lại, ấy là kẻ nội giáo mà lại là ngoại đạo). Còn nhiều già nạn khác nữa… Các già nạn trên đây là những điều có thể hơi khó hiểu với các vị. Tựu trung thâm ý của đức Phật là muốn một vị Tỳ-kheo tiêu biểu Phật ở thế gian, là trưởng tử của Phật, phải là một người hoàn toàn mang tâm niệm chính đáng xuất gia. với lòng tôn thờ Phật pháp, hoài bão hoằng dương Chánh pháp, chứ không thể là một kẻ xuất gia với tâm niệm tặc trú.

Các vị sẽ thành thật trả lời những già nạn ấy trước Thập sư. Khi qua những già nạn ấy rồi, tức là các vị đã hết chướng ngại, đã đủ tư cách thọ lãnh giới pháp để trở thành những vị Tỳ-kheo tương lai của Phật giáo.

Giờ thọ giới sắp bắt đầu.

(*) Trên đây là lời Khai đạo giới tử tại giới đàn Vĩnh gia chùa Tỉnh giáo hội và Phật học viện Phổ Đà–Đà Nẳng, từ ngày 18 đến 22 tháng 9 năm Canh Tuất (17 đến 21-10-1970).

Add Comment