PHẬT GIÁO CHÍNH TÍN
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam dịch
55. DUY THỨC CÓ PHẢI LÀ DUY TÂM KHÔNG
Không phải. Duy thức luận tuy xem tinh thần là chủ thể, nhưng không phủ định vật chất, cũng không phủ định hiện tượng khách quan. Còn nếu phải phủ định, thì sẽ phủ định đến chỗ “không” triệt để. Ngay cả thức cũng không còn, thì làm sao nói duy thức được.
Kỳ thực, nếu bàn tới duy tâm luận trong triết học, và nếu loại trừ duy vật luận ra thì hầu hết các triết phái còn lại đều thuộc duy tâm luận. Như Ba con, Locke, Hume v.v… đều thuộc chủ quan duy tâm luận [Bồi căn, Lạc Khắc, Humô v.v…] Hegel (Hách Cách Nhĩ) là duy tâm luận khách quan, Kant (Khang Đức) là duy tâm luận ý chí. Thiềm mẫu sĩ là duy tâm luận kinh nghiệm. Béc kơ nây (Berkeley – Bách cách lâm) là duy tâm luận trực giác. La Tố là duy tâm luận hoài nghi (Sự phân loại đối với duy tâm luận như trên dựa vào bài “Pháp tướng duy thức học Khái luận” của đại sư Thái Hư).
Nói chung lại, bất kể là loại duy tâm luận nào các triết gia đều đưa ra một tiêu chí làm cơ sở lập luận của họ, và với cơ sở đó, họ khó tránh khỏi sai lầm lấy cục bộ hay bộ phận làm toàn diện hay toàn bộ. Thuyết duy tâm luận hoài nghi có quan điểm tương đối “thoáng” hơn, nhưng nó không thể vạch ra được con đường quy kết cứu kính, cho nên cũng không tránh làm cho người ta bàng hoàng phân vân.
Còn duy thức luận Phật giáo thì thế nào ? Tuy nói “3 giới là duy thức” vạn sự vạn vật trong ba giới đều là biến tướng của thức thứ tám, đều là tướng phần, là hiện hành của thức thứ tám, nhưng không phủ định sự tồn tại của chúng sinh ở bên ngoài tự ngã chúng ta. Nói ba giới là duy thức là nói mọi hiện tượng trong ba giới đều do thức thứ tám của chúng sinh trong ba giới tập thể biến hiện ra, tức là biến tướng của cộng nghiệp của chúng sinh trong ba giới.
Thức thứ tám không những chỉ cho tâm thức hiện tại, mà còn chỉ cho tâm thức bị nghiệp huân tập từ thời vô thỉ đến nay, vì vậy mà cũng gọi là nghiệp thức. Hiện hành của nghiệp thức chính là tướng phần của thức thứ tám, là hiện tượng ba giới, là thế giới trong đó chúng ta đang cư trú. Thế giới của chúng ta về vật chất là do thức thứ tám của chúng sinh cùng loại biểu hiện ra. Các chúng sinh hỗ tương duyên vào nhau, tức là cũng do thức thứ tám của chúng sinh cùng một loại biểu hiện ra.
Vũ trụ quan của duy thức luận được gọi là “A lại gia duyên khởi” A lại gia thức là dịch âm từ chữ Phạn của Thức thứ tám : A lại gia thức có nghĩa là Tạng thức, nó chấp chứa, tàng trữ tất cả mọi hạt giống của Nghiệp. Khi hạt giống của Nghiệp hiện hành thì tức là nghiệp kết thành quả báo; cho nên quả báo đó cũng là do thức biểu hiện. Đó là đứng về bản thể sự vật mà nói. Còn nếu đứng về mặt hiện tượng của sự vật mà nói thì đó là “Nghiệp cảm duyên khởi”. Bởi vì, quả báo – hiện tượng do Thức thứ Tám biểu hiện, thực tế là do nghiệp lực của từng chúng sinh tạo ra. Nếu đứng về phương pháp mà nói, thì dù là A lại gia duyên khởi hay là Nghiệp cảm duyên khởi cũng đều là nguyên lý cơ bản của Phật pháp là “duyên sinh luận”. Mục đích tối hậu của Phật pháp chỉ là một chữ “không” mà thôi, vì Phật pháp không cần thiết lập một ngẫu tượng siêu hình nào hết, do đó mà cũng không phạm sai lầm lấy cục bộ làm toàn thể. Do duyên sinh mà suy thành không, ngã cũng không, pháp cũng không, vì vậy không làm người ta phải phân vân bàng hoàng. Đối với các nhà triết học khác nói chung, chữ “ngã”, chữ “tôi” là không thể xóa bỏ được, chữ “pháp” (sự vật) lại càng không thể xóa bỏ được. Bởi vì nếu họ xóa bỏ cái mà họ chấp là ngẫu tướng cơ bản của họ, thì họ sẽ không khác gì mất nơi nương tựa, mất chỗ đứng, trở thành lạc lõng !
Vì vậy, không thể đem so sánh duy thức luận Phật giáo với bất cứ một loại triết học duy tâm nào !