BÁT QUAN TRAI GIỚI THẬP GIẢNG
八 關 齋 戒 十 講
Pháp -sư Diễn Bồi soạn
Thích-Thiện-Huệ dịch Việt
Chương 10 Lục Niệm Tu Pháp
Phần này nói về pháp tu Bát Quan Trai Giới. Thông thường thọ bất cứ giới gì, mọi người cũng chỉ tiêu cực không làm điều này, tránh gây điều kia là đủ, nhưng đệ tử Phật còn có cách tu trì các giới. Bát Trai Giới của chư Phật chỉ vỏn vẹn một ngày một đêm, nên ngoài thời gian tác pháp thọ giới nên lợi dụng tối đa thời gian còn lại vào việc tu trì giới pháp, không để một sát na nào trôi qua luống không. Có vậy mới không uổng một ngày thọ giới, gieo duyên trọn vẹn với Phật pháp, mới chơn chánh thọ dụng được Phật pháp.
Trong Bát Quan Trai Giới hội này, chúng ta đã có nghi quỹ tu trì, ngoài hai thời công phu sớm chiều, còn tụng niệm kinh Kim Cang, xưng niệm hồng danh đức Phật. Tôi cùng các vị bàn luận các vấn đề về Bát Quan Trai Giới để mong sao các vị đạt đến trình độ hành giải tương ưng. Trong kinh, đức Phật dạy trong ngày thọ Bát Trai Giới phải nên tu tập nghĩ niệm, đó là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thiên. Kinh A Hàm thêm niệm Thí, thành ra sáu niệm, có ý nghĩa như sau:
– Thứ nhất niệm Phật: Phật là bậc Thánh ở thế gian, bậc Chánh Giác viên mãn, rõ được Thật Tướng của chúng sanh. “Chánh Giác của Thế Tôn từ mình lan đến người, rồi trải khắp thế gian, triệt ngộ tự thân và cho người, Trung Đạo giữa tâm và vật. Do trí huệ quán chiếu khởi tâm từ bi đến mọi loài”. Cho nên bậc Chánh Giác chẳng những đạt được cứu cánh giải thoát ngay tại thế gian này, còn cứu vớt được hết thảy chúng sanh khiến đều được Chánh Giác như Ngài không khác. Như vậy, đủ thấy đức Phật có công đức thanh tịnh bất khả tư nghì. Niệm Phật không như người ta hay nghĩ là dùng miệng xưng niệm thánh hiệu mà phải tư niệm công đức vô tận của đức Phật, như niệm tướng hảo của Phật trừ được tánh nóng giận, niệm Thật Tướng của chư Phật chứng được diệt được mọi ác niệm, niệm các pháp môn của Phật trừ được sự ngu si, niệm mười danh hiệu Phật vừa tăng tiến công đức cho mình, vừa giúp người nghe diệt được tâm khinh mạn, sanh tâm kính ngưỡng chư Phật, không dám khởi niệm ác. Lại phải biết đức Phật là bậc đầy đủ trí huệ, chúng ta nếu thành tâm niệm Phật, ắt dẫn khởi được trí huệ sẵn có của ta, lúc đó tự nhiên sẽ khuynh hướng về chân lý mà chư Phật đã thể hiện. Trí huệ không những là điều cần thiết để thể ngộ chân lý, còn là búa sắc để chặt mọi dây rợ phiền não. Niệm Phật có thể khai mở trí huệ, dễ như vậy sao? Niệm Phật là một pháp môn trọng yếu, chẳng những các vị chuyên tông như Tịnh Độ khuyên người niệm Phật, ngay đến bên Nguyên Thủy cũng có pháp Niệm Phật. Song đức Phật ban đầu chỉ bày cho người niệm Phật là muốn họ niệm công đức thanh tịnh của chư Phật, không phải chỉ xưng danh xuông.
– Thứ hai, niệm Pháp: Pháp là những lời dạy của chư Phật, Pháp của Phật không nói bằng trí tưởng tượng mà nói theo sự thật chứng. Pháp thật chứng này không gì khác hơn chân lý vũ trụ nhân sanh, cũng là quy luật của đạo. Phải tuân theo quy luật của đạo, thể ngộ được chân lý của vũ trụ nhân sanh mới thành Phật được. Đức Phật giác ngộ được chân lý, không như thế hay giấu diếm mà lập tức chỉ bày cho đại chúng, giúp mọi người hiểu đâu là lẽ thật của các pháp, đâu là quy luật của đạo, tiến đến cung điện của chân lý. Pháp trên lập trường tu học vô cùng trọng yếu, đừng nói chúng ta không y Pháp, không sao thể ngộ được chân lý, đến chư Phật nếu không có Pháp cũng không thể thành Chánh Giác. Vậy đạo cứu cánh là gì? Ý chỉ đức hạnh Trung Đạo, sự thực tiễn hành trì của thân tâm, đó là hướng thượng, hướng thiện, hướng giải thoát, nói đúng hơn đó chính là Bát Chánh Đạo mà mọi người đều biết. Người hướng thượng khéo hành Bát Chánh Đạo, ắt “có tri kiến chính xác, tất đạt được mục đích”. Song trong thực tiễn, hành Bát Chánh Đạo chính là chánh hạnh, không tà, không lệch. Như vậy “chánh hạnh hướng thượng, hướng giải thoát, đạt được cứu cánh vô thượng”, thực hiện được mục đích cứu cánh này cũng gọi là Pháp. Trong kinh gọi là Vô Thượng Pháp, Cứu Cánh Pháp, cũng gọi là Thắng Nghĩa Pháp. Nói theo chỗ chứng là Duyên Khởi Chánh Pháp. Duyên Khởi Chánh Pháp thấu suốt trong ngoài, biến khắp mọi nơi không đâu không có, người nào chứng được nó, ắt thể ngộ được chân lý, thành bậc Tự Giác, tự chứng giải thoát tự tại. Vì vậy, đức Phật muốn chúng ta thường tư niệm Pháp, để thân tâm thường hành theo chân lý của Pháp, ngõ hầu sớm được tự tại giải thoát.
– Thứ ba, niệm Tăng: Tăng là một trong Tam Bảo, cũng là nhân vật chủ yếu của Trụ Trì Tam Bảo, có địa vị đặc thù trong Phật pháp. Trong Luật tuy nói nhiều thứ Tăng khác nhau, nhưng niệm Tăng ở đây có nghĩa niệm Chơn Thật Tăng, hay niệm Thanh Tịnh Tăng. Sao gọi là Thanh Tịnh Tăng? Ý chỉ các vị Thánh Tăng hoặc các phàm phu Tăng trì giới. Các vị Tăng này ở thế gian thực khó kiếm, nơi thân tâm họ có đầy đủ các món công đức, có thể nhiếp hóa thế gian, làm phúc điền cho chúng sanh. Chúng ta nếu thường tư duy quán sát theo các vị này, hoặc lễ bái cúng dường, ắt được đủ phúc đức. Sao gọi là Chơn Thật Tăng? Đó là các vị Thánh Tăng chứng được Tứ Hướng, Tứ Quả (9). Họ đầy đủ Trí Đức và Đoạn Đức (10), đủ tư cách để gọi là “đại trượng phu” như xưa nay vẫn nói. Tứ Hướng và ba quả đầu đã phần nào chứng Ngũ Phần Pháp Thân. Ngũ Phần Pháp Thân là Giới, Định, Huệ, Giải Thoát và Giải Thoát Tri Kiến. Đến địa vị quả Thánh, bất luận tánh giới (11) hay già giới (12), những giới họ đã thủ đều thọ đều thủ trì rất thanh tịnh, giới thể của họ không sao hoại được, nên thành tựu được Giới Thân. Đồng thời không còn hoặc loạn khi tu học Bát Giải Thoát hoặc (13) Cửu Thứ Đệ Định (14), nên thành tựu Định Thân. Do trí huệ vô lậu thấy suốt được chân lý Tứ Đế nên thành tựu Huệ Thân. Đạt được sự giải thoát nơi cách hành hữu vi nên thành tựu Giải Thoát Thân. Lại đối với sự phân biệt nhân quả, giải thoát, không còn mảy may thác ngộ nên thành tựu Giải Thoát Tri Kiến Thân. Chơn Thật Tăng thành tựu công đức Ngũ Phần Pháp Thân này, nếu chúng ta vận dụng tam nghiệp tinh cần lễ bái, cúng dường, tự niệm các món công đức của họ ắt cũng sẽ tăng trưởng công đức của mình. Đó là niệm Tăng đúng pháp.
– Thứ tư, niệm Giới: Giới là quy luật của đạo đức. Là đệ tử Phật, tất phải hành động, suy nghĩ đều trong khuôn khổ của đạo đức. Hễ thấy hợp với quy luật đạo đức thì mới làm. Có vậy thân tâm mới thanh tịnh. Đệ tử Phật do thân phận bất đồng nên giới thọ cũng khác. Như hai chúng tại gia thọ năm giới, xuất gia tăng ni thọ Cụ Túc Giới, sa di, sa di ni thọ mười giới. Thức xoa ma na thọ sáu pháp giới. Các giới tuy thọ có khác, nhưng thọ trì theo pháp thì không khác. Thọ trì cấm giới của Như Lai đã được công đức thù thắng, lại thêm hành động được quy củ. Theo Tỳ Ni Nghĩa Sao: Tại gia nhị chúng Tam Quy, Ngũ Giới, nghe Phật thuyết pháp có thể chứng được tam và tứ quả. Các vị hiện tại thọ Bát Trai Giới tuy chỉ có một ngày đêm, nhưng công đức rất ư thù thắng. Ngẫu Ích Đại Sư từng nói: “Chỉ cần nhân duyên một ngày đêm Bát Quan Trai tất được đầy đủ kho báu hết thảy hằng hà sa số vô lượng công đức của Phật Pháp. Trai Giới là pháp giới, nhất thiết pháp đều hướng đến Trai Giới ắt hướng đến sự không tạo lỗi lầm, đó gọi là Niệm Giới”. Trai Giới chỉ một ngày đêm còn được công đức thù thắng như vậy, huống hồ là các giới như Ngũ Giới, Thập Giới, Cụ Túc Giới thọ suốt đời. Hay như Tam Tụ Tịnh Giới đến tận vị lai các kiếp thì công đức không sao tính kể được. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Thọ trì đầy đủ các oai nghi giới pháp, khiến hạt giống Tam Bảo không bao giờ dứt”. Tịnh hạnh liên quan đến sự tồn tại của Tam Bảo nên chớ coi thường Giới Luật. Như thường tư niệm công đức của Giới Hạnh, ắt không sao vi phạm tịnh giới.
– Thứ năm là niệm Thiên: Đệ tử Phật tư duy công đức của Tam Bảo, đó là lẽ tự nhiên, nhưng vì sao lại phải niệm Thiên? Thông thường đối với Phật pháp, không nên cầu sanh Thiên. Sanh Thiên không phải là cứu cánh của Phật tử, vậy niệm Thiên còn có ý nghĩa nào khác? Quả thực, chư Thiên không phải là cứu cánh, đức Phật vẫn căn dặn: Sanh Thiên không phải mục đích của học Phật. Nhưng khi chưa giải thoát, hãy còn trôi lăn trong lục thú thì phúc lạc ở cõi trời vẫn hơn xa cõi người, nên vẫn là chỗ mong cầu của con người. Song không phải cứ muốn sanh Thiên là sanh, cũng phải có đủ nhân duyên sanh thiên, hoặc công đức sanh thiên. Nói đúng hơn, niệm Thiên không có nghĩa cầu phúc lạc ở cõi Thiên, mà chính là niệm công đức của chư Thiên, rồi so sánh tự thân xem mình có đủ các công đức này không? Trải qua sự tư niệm như vậy, mới thấy mình có công đức tin Tam Bảo, công đức trì tịnh giới, công đức nghe Phật pháp, công đức thí cho kẻ nghèo, công đức có trí huệ phân biệt, chính nhờ mình có đủ các món công đức như vậy, mà tin rằng không những mình có đủ công đức sanh Thiên hưởng phúc lạc, mà từ từ sẽ đến được thành Niết Bàn. Có được sức tự tin như vậy, càng dõng mãnh hành thiện pháp, không còn có thể đọa lạc được nữa. Đó là niệm Thiên của Phật pháp. Lại nữa, pháp môn niệm Thiên này trong A Hàm và Trai Kinh nói là niệm Lục Thiên ở Dục Giới vì niệm giới được sanh Thiên. Hoa Nghiêm kinh nói niệm Thiên là công đức của hàng Đại Sĩ Nhất Sanh Bổ Xứ ở cung trời Đâu Suất. Niết Bàn kinh nói niệm Thiên là niệm Đệ Nhất Nghĩa Thiên, đó là nói sâu hơn. Còn niệm Thiên theo chúng ta ở đây là niệm công đức Lục Thiên như kinh A Hàm.
– Thứ sáu, niệm Thí: Trong kinh Phật Thuyết Trai không đề cập đến niệm Thí. Song các kinh khác đều nói đến Lục Niệm, niệm cuối cùng là Niệm Thí. Ngẫu Ích Đại Sư nói Niệm Thí có thể được nhiếp trong Niệm Thiên bởi lẽ Thí là một điều kiện để sanh Thiên. Trong Lục Niệm pháp môn có nói đến Niệm Thí. Bố Thí là pháp thiện lợi tha, vì tại thế giới này, nhất là Ấn Độ từ xưa đến nay, người bần cùng luôn luôn đa số. Đức Phật xuất hiện tại Ấn, cũng có thể bảo là do vì muốn cứu tế kẻ bần cùng, cho nên trong kinh điển, đều luôn nhấn mạnh đến công đức bố thí. Vì thế, các đệ tử tại gia giàu có của Phật thường hay bố thí rộng lớn; như trưởng giả Lê Tư Đạt Đa được đức Phật cảm hóa, nên thường làm: “Từ nay về sau, cửa không khép chặt, cũng không xua đuổi chống lại các tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di cho đến người lỡ đường”. Lại còn có thể: “Bố thí khắp bốn cửa thành, bố thí cho người nghèo khổ ở thành lớn”. Cứu tế người bần cùng, xả thí vật sở hữu, công đức này rất lớn. Mỗi người nên tùy khả năng mà bố thí, không những giúp người thiếu ăn thiếu mặc được no đủ, còn giúp cho mình vun trồng thêm công đức thù thắng. Đệ tử Phật, nhất là hàng tại gia, nên dùng tiền của có dư vào việc trợ giúp cho người nghèo khổ được cùng hưởng phúc lợi, như vậy tất được quả báo thù thắng. Người ta sở dĩ không chịu bố thí, vì không biết bố thí có công đức lớn, nếu thường niệm Thí ắt thích hành thí.
Lục Niệm pháp môn theo kinh A Hàm, chủ yếu nói cho hàng học Phật tại gia. “Đó là bởi vì lý trí của tín chúng bạc nhược, không thể dùng trí chế ngự tình cảm, bị các cảnh sanh tử biệt ly, cô quạnh lạnh lẽo não loạn cho nên dạy họ niệm – quán tưởng – công đức Tam Bảo, niệm công đức trì giới và bố thí, niệm tất sẽ sanh Thiên và được an lạc”. Trong Trai Kinh cũng nói: “Phụng trì Bát Giới, tập ngũ tư niệm, đó là Phật Pháp Trai, quán công đức Thiên, diệt trừ ác nghiệp, hưng khởi thiện pháp, sau được sanh Thiên, cuối cùng được Niết Bàn”. Như thế, lục niệm pháp môn tuy nói cho tín chúng tại gia và cho người phát tâm thọ Bát Giới tu trì, nhưng thật ra người học Phật nào cũng cần tu sáu pháp này, nhất là pháp môn Niệm Phật, nhờ Niệm Phật nhiếp tâm mà được nhất tâm bất loạn.
Các vị phát tâm thọ Bát Trai Giới lại khéo tu trì lục niệm pháp môn, phải biết chỗ thọ dụng không thể hạn lượng. Bởi vì Trai Giới và lục niệm như ngọc Như Ý thường sanh ra các món bảo khác, y phục, ẩm thực, kim, ngân, thất bảo tùy ý mà được. Nên nếu thường tập niệm, chẳng những sanh Thiên không thành vấn đề, cho đến thiện căn xuất thế của tam thừa cũng dư sức tăng tiến. Chỉ có điều y theo Phật pháp, dù thọ giới hay tu pháp môn nào đi nữa, căn bản vẫn là thanh tịnh nội tâm. Nội tâm có thanh tịnh thì tu pháp môn nào cũng thành tựu, nếu nội tâm bất tịnh có tu cũng thành ma nghiệp. Chúng ta cần phải lưu ý điều này. Muốn nội tâm thanh tịnh, phải kiểm thúc thân tâm bằng giới hạnh, tam nghiệp thanh tịnh đương nhiên sẽ được tự tại giải thoát.
Kết Luận
Thọ Giới là bước đầu nhập đạo, phàm là đệ tử Phật tức phải thọ giới, và hễ thọ thì phải chuyên tâm nhất ý phụng trì, dù trong hoàn cảnh nào hay ở đâu đi nữa, cũng phải thường ghi nhớ giới đã thọ. Thậm chí ngay đến các việc thường nhật như ăn cơm, mặc áo, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, động tĩnh cũng không một giây xao lãng thủ trì giới pháp. Nếu không ức niệm ắt lúc nào cũng có thể phạm giới. Như vậy thọ giới mà không cố giữ thì vừa không có lợi ích, lại còn thêm nhiều tội. Điều này trong kinh, luật vẫn thường nhắc nhở chúng ta. Bất luận thọ Ngũ Giới hay Bát Giới, đều phải thủ trì đến độ có thể hy sinh mạng sống để bảo vệ giới thanh tịnh. Trong Niết Bàn kinh kể: “Quá khứ có vị Bồ Tát dùng chiếc ván trôi qua biển. Trôi đến giữa biển xuất hiện một La Sát đòi chiếc ván của Bồ Tát. Bồ Tát bảo La Sát: ‘Nhà ngươi muốn gì cũng được, trừ tấm ván này, đừng nói cả tấm, một miếng nhỏ cũng không được!”. Tấm ván này như Giới của chúng ta, nếu thiếu một mảnh cũng đủ hại mất huệ mạng. Vì vậy, các vị nên cố giữ gìn giới hạnh như giữ mạng sống.
Dịch xong tháng Giêng năm Kỷ Tỵ.
_________________
(9) Tứ hướng tứ quả:
a. Tu Đà Hoàn dịch là Nhập Lưu, có nghĩa vào dòng Thánh Nhân. Vị này cần phải đoạn hết 88 món sử kiến hoặc ở Tam Giới mới đắc được. Khi chưa đoạn được hết gọi là Hướng, đoạn hết gọi là Quả.
b. Tư Đà Hàm dịch là Nhất Lai, còn phải sanh vào Dục Giới một lần nữa. Vị này cần trừ hết kiến hoặc ở Tam Giới, và đoạn sáu phẩm đầu của Tư Hoặc ở Dục Giới mới đắc được. Khi đoạn được từ một đến năm phẩm Tư Hoặc gọi là Tư Đà Hàm Hướng, đoạn hết sáu phẩm gọi là Tư Đà Hàm Quả.
c. A Na Hàm dịch là Bất Lai, không còn sanh tử ở Dục Giới nữa. Vị này đoạn hết Kiến Hoặc ở Tam Giới, còn phải đoạn cửu phẩm Tư Hoặc ở Dục Giới nữa mới đắc được. Khi đoạn được từ bảy đến tám phẩm Tư Hoặc gọi là Hướng, đoạn hết chín phẩm gọi là Quả.
d. A La Hán dịch là Vô Sanh, vĩnh nhập Niết Bàn, không còn chịu phần đoạn sanh tử. Vị này ngoài các kiết sử ở tam giới, Tư Hoặc ở Dục Giới, còn phải đoạn Bát Địa 72 phẩm Tư Hoặc ở Sắc và Vô Sắc Giới mới đắc được. Chưa đoạn được hết 72 phẩm của Sắc và Vô Sắc Giới gọi là Hướng, đoạn hết gọi là Quả.
(10) Nhị đức: Chúng sanh vốn sẵn đủ hai đức:
a. Trí đức: Soi chiếu hết thảy sự lý (liễu nhân)
b. Đoạn đức: đoạn sạch hết mọi vọng hoặc (duyên nhân).
Trí đức tức Bồ Đề, Đoạn đức tức Niết Bàn.
(11) Tánh giới: Bốn giới trọng Sát, Đạo, Dâm, Vọng tự tánh đã là giới, không đợi Phật chế, hễ giữ được ắt có phúc, hễ phạm tất chịu họa, nên gọi là tánh giới.
(12) Già giới: các giới như Ẩm Tửu gọi là già giới. Bởi lẽ nếu phạm các giới này tất có thể phát sanh hủy phạm các giới khác, nên đức Phật ngăn cấm không cho ẩm tửu. Ẩm tửu tự nó vốn chẳng phải tội vậy.
(13) Bát Giải Thoát: Còn gọi là Bát Bối Xả, tám loại Thiền Định diệt trừ hết mọi trói buộc của phiền não ở tam giới.
a. Nội hữu sắc tưởng, quán ngoại sắc giải thoát: Có nghĩa nếu nội tâm nghĩ tưởng đến Sắc (vật chất) (nội hữu sắc tướng) tất sẽ dẫn khởi tham tâm. Vì vậy, quán tưởng các pháp bên ngoài đầy dẫy bất tịnh, để tham tâm không thể phát sanh, nên gọi là giải thoát (quán ngoại sắc giải thoát). Giải thoát này nương định Sơ Thiền phát khởi, duyên với Sắc của Dục Giới.
b. Nội vô sắc tưởng, quán ngoại sắc giải thoát: Tức tuy nội tâm không nghĩ tưởng đến Sắc (nội vô sắc tưởng), song muốn cho tâm không tham thêm kiên cố nên vẫn hằng quán tưởng các ngoại pháp đầy bất tịnh, để tham tâm vĩnh viễn không sanh khởi, nên gọi là giải thoát (quán ngoại sắc giải thoát). Nương Nhị Thiền phát khởi, duyên với Sắc của Sơ Thiền.
c. Tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trụ: Nhất tâm quán tưởng các sắc quang minh, thanh tịnh, kỳ diệu gọi là tịnh giải thoát. Khi quán tưởng tịnh sắc này, khiến tham tâm không thể sanh khởi, chứng minh tâm tánh này đã giải thoát nơi thân nên gọi là Thân Tác Chứng. Lại sức quán tưởng này đã hoàn toàn viên mãn, đủ an trụ nơi định này nên gọi là Cụ Túc Trụ. Giải thoát này nương Tứ Thiền sanh khởi, duyên với Sắc của Dục Giới.
d. Không vô biên xứ giải thoát
e. Thức vô biên xứ giải thoát.
f. Vô sở hữu xứ giải thoát.
g. Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát: Bốn thứ giải thoát (từ không vô biên đến phi phi tưởng) này nương vô sắc định sinh khởi, nơi định đắc được quán tưởng Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, khiến tâm xả bỏ hết thảy, nên gọi là Giải Thoát.
h. Diệt thọ tưởng định thân tác chứng cụ túc trụ giải thoát: Diệt thọ tưởng định còn gọi là Diệt Tận định. Đã có năm căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, tất phải lãnh thọ năm trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc. Do vậy, phát sanh đủ mọi vọng tưởng. Nếu đủ sức định diệt trừ được thọ tưởng, tất sẽ diệt trừ được hết mọi vọng tưởng, cho nên là Diệt Tận định.
Cửu thứ đệ định: từ Sơ Thiền Thứ Đệ Định cho đến Tứ Thiền Thứ Đệ Định (trở lên gọi là Sắc Giới Tứ Thiền Thiên Căn Bản Định). Không Xứ, Thức Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thứ Đệ Định (trở lên là Vô Sắc Giới Căn Bản Định Cư Tứ Xứ) cùng Diệt Thọ Tưởng Định, tất cả gọi chung là Cửu Thứ Đệ Định. Trí Độ Luận giải: “Thế nào là Cửu Thứ Đệ Định? Đáp: Người tu thứ lớp vào Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, Không Vô Biên Xứ Định, Thức Vô Biên Xứ Định, Vô Sở Hữu Xứ Định, Phi Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ Định dẫn đến Diệt Thọ Tưởng Định mà không để cho các tạp tâm xâm nhiễm. Tu lớp lang như vậy gọi là Cửu Thứ Đệ Định.