KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
SO SÁNH NHÂN DUYÊN CÔNG ĐỨC CỦA SỰ BỐ THÍ
PHẨM THỨ MƯỜI
Lúc đó ngài Địa-Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát nương oai thần của đức Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, quì gối chắp tay bạch cùng đức Phật rằng:
“Bạch đức Thế-Tôn! Con xem xét chúng-sanh trong nghiệp đạo, so sánh về sự bố thí có nhẹ có nặng. Có người hưởng phước trong một đời, có người hưởng phước trong mười đời, hoặc đến hưởng phước lợi lớn trong trăm đời, nghìn đời.
Những sự ấy tại làm sao thế? Cúi xin đức Thế-Tôn dạy cho”.
Bấy giờ đức Phật bảo Ngài Địa-Tạng Bồ-tát rằng: “Nay ta ở trong toàn thể chúng hội nơi cung trời Đao Lợi nầy, giảng về sự so sánh công đức khinh trọng của việc bố thí ở Diêm-Phù-Đề. Ông phải lóng nghe, Ta sẽ vì ông mà nói!”
Ngài Địa-Tạng Bồ-tát bạch cùng đức Phật rằng: “Chính con nghi ngờ về việc ấy. Con xin ưa muốn nghe”.
Đức Phật bảo Ngài Địa-Tạng Bồ-tát rằng: “Trong cõi Nam Diêm-Phù-Đề có các vị Quốc Vương, hàng Tể Phụ quan chức lớn, hàng đại Trưởng giả, hàng đại Sát Đế Lợi, hàng đại Bà La Môn vân vân.
Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây mù quáng, gặp những hạng người thân thể không được vẹn toàn như thế.
Lúc các vị Quốc Vương đó vân vân … muốn bố thí, nếu có thể đủ tâm từ bi lớn, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, hoặc bảo người khác đem cho, lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi.
Các vị Quốc Vương, Đại Thần đó vân vân… đặng phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy.
Tại làm sao? Chính bởi vị Quốc Vương đó vân vân… phát tâm đại từ bi đối với kẻ rất mực nghèo cùng và với những người tàn tật kia, cho nên phước lành được hưởng quả báo như thế này, trong trăm nghìn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ để thọ dùng như y phục đồ uống ăn vân vân…
Lại vầy nữa, nầy Địa-Tạng Bồ-tát! Trong đời sau, như có vị Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn vân vân… gặp chùa tháp thờ Phật, hoặc hình tượng Phật, cho đến hình tượng Bồ-tát, Thanh Văn hay Bích Chi Phật, đích thân tự sửa sang, cúng dường bố thí.
Vị Quốc Vương đó, sẽ đặng trong ba kiếp làm vị Trời Đế Thích hưởng sự vui sướng tốt lạ.
Nếu có thể đem phước lành bố thí đó mà hồi hướng cho tất cả chúng-sanh trong pháp giới, thời vị Quốc Vương đó, trong mười kiếp thường được làm vị Trời Đại Phạm Thiên Vương.
Lại thế nầy nữa, nầy Địa-Tạng Bồ-tát! Trong đời sau, nếu có vị Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn vân vân… gặp chùa tháp của đức Phật thuở trước, hoặc là Kinh điển hay hình tượng bị hư sụp rách rã, liền có thể phát tâm tu bổ lại.
Vị Quốc Vương đó, hoặc tự mình đích thân lo sửa sang, hoặc khuyến hóa người khác cho đến khuyến hóa trăm nghìn người khác cùng chung bố thí cúng dường để kết duyên lành.
Vị Quốc Vương đó, trong trăm nghìn đời thường làm vua Chuyển Luân, còn những người khác chung cùng làm việc bố thí đó, trong trăm nghìn đời thường làm vua nước nhỏ.
Nếu lại ở trước chùa tháp có thể phát tâm đem công đức cúng dường bố thí đó mà hồi hướng về đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, được như vậy thời vị Quốc Vương đó cho đến tất cả mọi người đều sẽ thành Phật cả, bởi quả báo ấy rộng lớn vô lượng vô biên.
Lại vầy nữa, nầy Địa-Tạng Bồ-tát! Trong đời sau, như có vị Quốc Vương hay hàng Bà La Môn, gặp những người già yếu, tật bịnh và kẻ phụ nữ sanh đẻ, nếu trong khoảng chừng một niệm sanh lòng từ lớn đem thuốc men, cơm nước, giường chiếu bố thí, làm cho những kẻ ấy được an vui.
Phước đức đó rất không thể nghĩ bàn đến được, trong một trăm kiếp thường làm Vua trời Tịnh Cư, trong hai trăm kiếp thường làm Vua sáu từng Trời cõi Dục, không bao giờ còn đọa vào ác đạo, cho đến trong trăm nghìn đời, lỗ tai không hề nghe đến tiếng khổ, rốt ráo sẽ thành Phật.
Lại vầy nữa, nầy Địa-Tạng Bồ-tát! Trong đời sau như có vị Quốc Vương và Bà La Môn, có thể làm những việc bố thí như thế sẽ đặng vô lượng phước lành.
Nếu lại có thể đem phước đức đó hồi hướng đạo Bồ Đề, thời không luận là nhiều hay ít, rốt ráo sẽ thành Phật cả, huống gì là những quả Trời Phạm Vương, Trời Đế Thích, Vua Chuyển Luân.
Nầy Địa-Tạng Bồ-tát, vì thế nên khuyến hóa cho tất cả chúng-sanh đều phải học theo như thế.
Lại vầy nữa, nầy Địa-Tạng Bồ-tát! Trong đời sau, như có thiện nam, kẻ thiện nữ nào ở trong Phật Pháp mà gieo trồng chút ít cội phước lành chừng bằng cái lông, sợi tóc, hột cát, mảy bụi, phước lợi của những người đó sẽ hưởng thọ không thể ví dụ thế nào cho được.
Lại vầy nữa, nầy Địa-Tạng Bồ-tát! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam cùng người thiện nữ nào gặp hình tượng Phật, hình tượng Bồ-tát, hình tượng Bích Chi Phật, hình tượng vua Chuyển Luân mà bố thí cúng dường, thời đặng vô lượng phước lành, thường sanh ở cõi người, cõi trời hưởng sự vui thù thắng vi diệu.
Như có thể đem công đức hồi hướng cho cả pháp giới chúng-sanh, thời phước lợi của người ấy không thể ví dụ thế nào cho được.
Lại vầy nữa, nầy Địa-Tạng Bồ-tát! Trong đời sau, như kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp Kinh điển đại thừa hoặc nghe thấy một bài kệ, một câu Kinh, rồi phát tâm ân cần trân trọng cung kính ngợi khen, bố thí cúng dường, người ấy được quả báo lớn vô lượng vô biên.
Nếu có thể đem phước đức hồi hướng cho khắp pháp giới chúng-sanh thời phước lợi nầy không thể ví dụ thế nào cho được.
Lại vầy nữa, nầy Địa-Tạng Bồ-tát! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp chùa tháp và Kinh điển đại thừa, nếu là Kinh tháp mới thời bố thí cúng dường, chiêm ngưỡng lễ lạy ngợi khen chắp tay cung kính.
Nếu gặp Kinh tháp cũ, hoặc hư rách thời sửa sang tu bổ, hoặc riêng mình phát tâm làm, hoặc khuyến người khác cùng đồng phát tâm.
Những người đồng phát tâm đây, trong ba mươi đời thường làm vua các nước nhỏ. Còn vị đàn-việt chánh đó thường làm vua Chuyển Luân, lại dùng pháp lành mà giáo hóa vua các nước nhỏ.
Lại vầy nữa Địa-Tạng Bồ-tát! Trong đời sau, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào ở nơi cội phước lành đã gieo trồng trong Phật Pháp, hoặc là bố thí cúng dường, hoặc là tu bổ chùa tháp, hoặc sửa sang Kinh điển, cho đến chừng bằng một sợi lông, một mảy bụi, một hột cát, một giọt nước.
Những sự lành như thế không luận là nhiều ít, chỉ có thể đem hồi hướng cho khắp pháp giới chúng-sanh, thời công đức của người đó trong trăm nghìn đời thường hưởng thọ sự vui thượng diệu.
Còn như chỉ hồi hướng cho thân quyến trong nhà hoặc tự mình được lợi ích thôi, như thế thời sẽ hưởng quả vui trong ba đời, cứ làm một phần sự lành, thời được hưởng báo tốt một muôn lần trội hơn.
Nầy Địa-Tạng Bồ-tát! Những nhơn duyên công đức về sự bố thí như thế đó.
KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
ĐỊA THẦN HỘ PHÁP
PHẨM THỨ MƯỜI MỘT
Lúc đó vị Kiên Lao Ðịa Thần bạch cùng Ðức Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Từ trước đến nay, con từng chiêm ngưỡng đảnh lễ vô lượng vị đại Bồ-tát, đều là những bực trí huệ thần thông lớn không thể nghĩ bàn, độ khắp mọi loài chúng-sanh.
Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát đây so với các vị Bồ-tát chỗ thệ nguyện rất sâu rộng.
Bạch đức Thế-Tôn! Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát đây có nhơn duyên lớn với chúng-sanh trong Diêm Phù Ðề.
Như Ngài Văn-Thù, Ngài Phổ-Hiền, Ngài Quán-Âm, Ngài Di-Lặc cũng hóa hiện trăm nghìn thân hình để độ chúng-sanh trong sáu đường, nhưng chỗ phát nguyện của các Ngài còn có lúc hoàn mãn.
Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát đây phát thệ nguyện giáo hóa tất cả chúng-sanh trong sáu đường trải đến kiếp số như số cát trong trăm nghìn ức sông Hằng.
Bạch đức Thế-Tôn! Con xem xét chúng-sanh ở hiện tại nay và về vị lai sau, nơi chỗ sạch sẽ ở phương nam trong cuộc đất của mình ở, dùng đất đá tre gỗ mà dựng cất cái khám cái thất.
Trong đó có thể họa vẽ, cho đến dùng vàng, bạc, đồng, sắt đúc nắn hình tượng Ðịa-Tạng Bồ-tát, đốt hương cúng dường, chiêm lễ ngợi khen, thời chỗ người đó ở được mười điều lợi ích.
Những gì là mười điều?
•Một là đất cát tốt mầu,
•Hai là nhà cửa an ổn mãi mãi,
•Ba là người đã chết được sanh lên cõi trời,
•Bốn là những người hiện còn hưởng sự lợi ích,
•Năm là cầu chi cũng toại ý cả,
•Sáu là không có tai họa về nước và lửa,
•Bảy là trừ sạch việc hư hao,
•Tám là dứt hẳn ác mộng,
•Chín là khi ra lúc vào có thần theo hộ vệ,
•Mười là thường gặp bực Thánh Nhơn.
Bạch đức Thế-Tôn! Chúng-sanh trong đời sau cùng hiện tại nay, nếu ở nơi phần đất của mình cư trụ mà có thể làm ra sự cúng dường Ngài Ðịa-Tạng như thế, thời được sự lợi ích như vậy”.
Vị Kiên Lao Ðịa Thần lại bạch với đức Phật rằng:
“Bạch đức Thế-Tôn! Trong đời sau này, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào ở trong chỗ của mình cư trụ mà có Kinh điển này cùng hình tượng của đức Ðịa-Tạng Bồ-tát, người đó lại có thể đọc tụng Kinh điển này và cúng dường hình tượng của Bồ-tát.
Thời con dùng thần lực của con thường hộ vệ người đó, cho đến tất cả sự tai họa như nước, lửa, trộm, cướp, nạn lớn, nạn nhỏ, vân vân… thảy đều tiêu sạch”.
Ðức Phật bảo Kiên Lao Ðịa Thần rằng: “Thần lực rộng lớn của ông, các thần khác ít ai có bằng.
Vì cớ sao? Vì đất đai trong cõi Diêm Phù Ðề đều nhờ ông hộ trợ, cho đến cỏ cây, cát đá, lúa mè, tre lau, gạo thóc, của báu, tất cả những thứ từ đất mà có ra đều nhờ nơi sức thần của ông cả.
Nay ông lại tuyên bày những sự lợi ích của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát, thời công đức và thần thông của ông lại càng thêm trăm nghìn lần trội hơn lúc thường.
Này Ðịa Thần! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam, người thiện nữ nào cúng dường Ðịa-Tạng Bồ-tát cùng đọc tụng Kinh điển này, chỉ có thể tu hành theo một việc mà trong Kinh “Ðịa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện” đã dạy.
Thời ông nên dùng thần lực của ông mà ủng hộ người đó, chớ để tất cả sự tai hại cùng sự không vừa ý đến nghe nơi tai, huống nữa là để cho phải chịu.
Chẳng phải chỉ riêng mình ông hộ trì người đó, cũng có hàng quyến thuộc của Phạm Vương, Ðế Thích, quyến thuộc của chư Thiên ủng hộ người đó.
Tại sao lại đặng các vị Hiền Thánh ủng hộ như thế?
Ðều do vì những người ấy chiêm lễ hình tượng của Ðịa-Tạng Bồ-tát và đọc tụng Kinh “Bổn Nguyện” này, tự nhiên được rốt ráo xa lìa biển khổ, chứng đạo Niết Bàn an vui, vì thế nên đặng ủng hộ một cách lớn lao như thế”.
KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
THẤY NGHE ĐƯỢC LỢI ÍCH
PHẨM THỨ MƯỜI HAI
ĐỨC PHẬT PHÓNG QUANG TUYÊN CÁO. Lúc đó, từ trên đảnh môn đức Thế-Tôn phóng ra cả trăm nghìn muôn ức tia sáng lớn. Như là:
•tia sáng sắc trắng, tia sáng sắc trắng lớn,
•tia sáng lành tốt, tia sáng lành tốt lớn,
•tia sáng ngọc, tia sáng ngọc lớn,
•tia sáng sắc tía, tia sáng sắc tía lớn,
•tia sáng sắc xanh, tia sáng sắc xanh lớn,
•tia sáng sắc biếc, tia sáng sắc biếc lớn,
•tia sáng sắc hồng, tia sáng sắc hồng lớn,
•tia sáng màu lục, tia sáng màu lục lớn,
•tia sáng màu vàng y, tia sáng màu vàng y lớn,
•tia sáng tướng mây lành, tia sáng tướng mây lành lớn,
•tia sáng tướng nghìn vòng tròn, tia sáng tướng nghìn vòng tròn lớn,
•tia sáng vòng tròn báu, tia sáng vòng tròn báu lớn,
•tia sáng vừng mặt trời, tia sáng vừng mặt trời lớn,
•tia sáng vừng mặt trăng, tia sáng vừng mặt trăng lớn,
•tia sáng tướng cung điện, tia sáng tướng cung điện lớn,
•tia sáng tướng mây biển, tia sáng tướng mây biển lớn.
Từ trên đảnh môn phóng ra những luồng tia sáng như thế xong, lại nói ra những tiếng rất vi diệu mà bảo đại chúng rằng:
“Này tám bộ chúng Trời, Rồng, người cùng phi nhơn vân vân… Lóng nghe! Hôm nay ta ở tại cung trời Ðao Lợi tuyên bày ngợi khen những sự lợi ích trong hàng trời người, những sự không thể nghĩ bàn, những sự về nhơn hạnh lên bực Thánh, những sự chứng quả Thập Ðịa, những sự rốt ráo không lui sụt nơi đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác… của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát”.
QUÁN-THẾ-ÂM CẦU THỈNH. Lúc Ðức Phật nói lời trên đó vừa dứt tiếng, trong Pháp-hội có một vị đại Bồ-tát hiệu là Quán-Thế-Âm từ chỗ ngồi đứng dậy, quì gối chắp tay mà bạch cùng Ðức Phật rằng:
“Bạch đức Thế-Tôn! Ngài Ðịa-Tạng Đại Bồ-tát đầy đủ đức từ bi lớn, Ngài thương xót chúng-sanh mắc tội khổ ở trong muôn nghìn ức thế-giới, Ngài hóa hiện ra nghìn muôn ức thân, bao nhiêu công đức và sức oai thần chẳng thể nghĩ bàn của Ngài, con đã từng nghe đức Thế-Tôn cùng vô lượng chư Phật trong mười phương, khác miệng đồng lời ngợi khen Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát.
Dầu cho các đức Phật trong thuở quá khứ, thuở hiện tại và thuở vị lai nói công đức của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát vẫn chẳng thể nói hết.
Vừa rồi lại được đức Thế-Tôn bảo khắp trong đại chúng rằng đức Phật muốn tuyên nói các sự lợi ích của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát.
Cúi mong đức Thế-Tôn vì tất cả chúng-sanh ở hiện tại và vị lai mà tuyên nói những sự chẳng thể nghĩ bàn của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát, làm cho tám bộ chúng Trời, Rồng, vân vân… chiêm ngưỡng lễ lạy Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát để đặng phước lành”.
ĐỨC PHẬT TÁN THÁN VÀ HỨA KHẢ. Ðức Phật bảo Ngài Quán-Thế-Âm Bồ-tát: “Ông có nhơn duyên rất lớn với chúng-sanh trong cõi Ta-bà. Những hàng Trời, Rồng, hoặc nam tử nữ nhơn, hoặc Thần, hoặc Quỉ, cho đến chúng-sanh mắc phải tội khổ trong sáu đường, nếu kẻ nào nghe danh hiệu của ông, thấy hình tượng của ông, hay mến tưởng đến ông cùng khen ngợi ông.
Thời những chúng-sanh ấy đều ở nơi đạo vô thượng chánh giác quyết chẳng còn thối chuyển, thường được sanh vào cõi người, cõi trời hưởng đủ sự vui vi diệu, khi nhơn quả sắp thành thục liền được Phật thọ ký cho.
Nay ông sẵn lòng từ bi lớn thương xót các loài chúng-sanh và tám bộ chúng Trời, Rồng, vân vân… mà muốn nghe ta nói những sự lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát.
Ông nên lóng nghe cho kỹ, nay ta sẽ nói đó!”
Ngài Quán-Thế-Âm Bồ-tát bạch rằng: “Vâng! Bạch đức Thế-Tôn, con xin ưa muốn nghe.”
THẤY NGHE THÊM PHƯỚC TRỜI. Ðức Phật bảo Ngài Quán-Thế-Âm Bồ-tát: “Trong các thế-giới về thuở hiện tại nay và vị lai sau, có vị trời nào, hưởng phước trời đã mãn, năm tướng suy hao hiện ra nơi thân, hoặc có kẻ phải đọa lạc nơi chốn ác đạo.
Các vị trời đó, hoặc nam hoặc nữ đương lúc tướng suy hao hiện, hoặc thấy hình tượng của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát, hoặc nghe tên Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát, rồi một lần chiêm ngưỡng, một lần đảnh lễ.
Thời các vị trời đó càng thêm lớn phước trời, hưởng sự vui sướng rất nhiều, không bao giờ còn phải bị đọa lạc vào ba ác đạo nữa.
Huống chi là những người thấy hình tượng Bồ-tát, nghe danh hiệu Bồ-tát rồi đem các thứ hương hoa, đồ y phục, đồ uống ăn, vật báu, chuỗi ngọc … mà bố thí cúng dường, thời người này đặng vô lượng vô biên công đức phước lợi.
NGƯỜI BỊNH ĐƯỢC LỢI. Lại vầy nữa này Quán-Thế-Âm! Trong các thế-giới về thuở hiện tại nay và vị lai sau, những hàng chúng-sanh trong sáu đường, như có kẻ sắp mạng chung mà đặng nghe một tiếng danh hiệu của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát thoáng qua lỗ tai, thời kẻ mạng chung đó không còn bị đọa vào chốn khổ ba ác đạo.
Huống chi là lúc sắp mạng chung, cha mẹ cùng hàng thân quyến đem của cải nhà cửa, vật báu, y phục vân vân … của người sắp mạng chung đó mà làm của chi phí để tô đắp hay họa vẽ hình tượng của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát.
Rồi làm cho người bịnh lúc chưa chết, hoặc mắt thấy tai nghe biết rằng hàng thân quyến đem nhà cửa vật báu vân vân … vì mình mà tô vẽ hình tượng của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát.
Người bịnh đó nếu có nghiệp báo phải mang lấy bịnh nặng, thời nhờ công đức này liền được lành mạnh, tuổi thọ thêm lâu.
Còn nếu người bịnh đó có nghiệp báo số mạng đã hết, lại có đủ tất cả tội chướng, nghiệp chướng, đáng lẽ phải bị đọa vào chốn ác đạo, song vì nhờ công đức này nên sau khi mạng chung, liền được sanh vào cõi trời, cõi người, hưởng quả vui thù thắng vi diệu, tất cả tội chướng thảy đều tiêu sạch.
TIÊN VONG ĐƯỢC PHƯỚC. Lại vầy nữa, này Quán-Thế-Âm Bồ-tát! Về đời sau, nếu có kẻ nam tử, người nữ nhơn nào, hoặc lúc còn bú mớm, hoặc lúc lên ba tuổi, hoặc lúc lên năm tuổi, mười tuổi trở xuống mà chết mất cha mẹ, cho đến chết mất anh em, chị em.
Ðến khi người đó khôn lớn nhớ tưởng đến cha mẹ cùng hàng thân quyến không rõ đọa lạc vào chốn nào, hay sanh về thế-giới nào, hoặc sanh lên cõi trời nào?
Người đó như có thể tô vẽ hình tượng của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát, nhẫn đến nghe danh hiệu của Ngài, rồi một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, từ một ngày cho đến bảy ngày, đừng thối thất tâm ban đầu, nghe danh hiệu thấy hình tượng chiêm lễ cúng dường.
Thời quyến thuộc đã sớm khuất của người đó nếu do ác nghiệp mà bị đọa vào ác đạo tính ra phải chịu đến số kiếp, nay nhờ công đức tô vẽ hình tượng của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát và chiêm lễ cúng dường của con cái, hay của anh em, chị em, nên liền đặng giải thoát, được sanh lên cõi trời cõi người hưởng quả vui thù thắng vi diệu.
Còn như quyến thuộc đã sớm khuất của người đó có phước lành, đã được sanh lên cõi trời cõi người hưởng thọ quả vui thù thắng vi diệu rồi, thời nhờ công đức này càng thêm lớn nghiệp nhơn về bực Thánh, hưởng vô lượng quả vui.
Như người đó lại có thể trong hai mươi mốt ngày, chuyên lòng chiêm lễ hình tượng của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát và niệm lấy danh hiệu của Ngài đủ số một muôn biến, sẽ đặng Ðịa-Tạng Bồ-tát hiện vô biên thân, mách cho người đó rõ nơi cõi của hàng thân quyến sớm khuất kia đã sanh về.
Hoặc trong giấc mộng, Ðịa-Tạng Bồ-tát hiện sức thần thông lớn, tự dắt người đó đến các thế-giới thấy hàng quyến thuộc.
Nếu người đó lại có thể trong mỗi ngày niệm danh hiệu của Bồ-tát một nghìn biến luôn đến một nghìn ngày.
Thời người đó sẽ được Bồ-tát sai các vị Quỉ Thần ở tại chỗ đó hộ vệ trọn đời, hiện đời đồ ăn món mặc dư dật, không có các thứ bịnh khổ, cho đến các sự tai vạ còn không hề vào đến cửa, huống nữa là đến nơi thân.
Rốt ráo rồi người đó được Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát xoa đảnh thọ ký cho.
NGUYỆN LỚN SỚM THÀNH. Lại vầy nữa, này Quán-Thế-Âm Bồ-tát! Về đời sau, như có kẻ thiện nam, người thiện nữ nào muốn phát lòng từ rộng lớn để cứu độ tất cả chúng-sanh, muốn tu đạo vô thượng chánh giác, muốn thoát khỏi tam giới.
Những người đó thấy hình tượng và nghe danh hiệu của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát, rồi chí tâm quy y hoặc đem hương hoa, y phục, vật báu, đồ ăn uống, vân vân… để cúng dường chiêm ngưỡng đảnh lễ, thời chỗ nguyện cầu của kẻ thiện nam cùng thiện nữ đó mau được thành tựu không bao giờ bị chướng ngại.
Lại vầy nữa, này Quán-Thế-Âm Bồ-tát! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam, người thiện nữ nào, muốn cầu trăm nghìn muôn ức điều nguyện trăm nghìn muôn ức sự về hiện tại cùng vị lai, thời chỉ nên quy y chiêm ngưỡng đảnh lễ, cúng dường, ngợi khen hình tượng của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát.
Ðược như thế thời nguyện những chi và cầu những chi thảy đều thành tựu cả.
Lại cầu mong Ðịa-Tạng Bồ-tát, vận đức từ bi rộng lớn ủng hộ mãi cho, người đó trong giấc chiêm bao liền đặng Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát xoa đảnh thọ ký.
ĐƯỢC TRÍ HUỆ. Lại vầy nữa này Quán-Thế-Âm Bồ-tát! Trong đời sau, như có người thiện nam, kẻ thiện nữ nào sanh lòng rất trân trọng đối với Kinh điển đại thừa, phát tâm bất tư nghị muốn đọc muốn tụng Kinh điển ấy.
Dầu gặp đặng bực minh sư truyền dạy cho những người đó học tập, nhưng đọc rồi quên rồi, trải đến cả tháng cả năm vẫn không đọc tụng được.
Những kẻ thiện nam thiện nữ đó vì có nghiệp chướng đời trước chưa trừ sạch, cho nên ở nơi Kinh điển đại thừa không có công năng đọc tụng.
Những hạng người này khi nghe danh hiệu của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát, cùng với hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ-tát, đem hết bổn tâm cung kính bày tỏ với Bồ-tát, rồi dùng hương hoa, y phục, đồ ăn, tất cả đồ ngọa cụ, vân vân … cúng dường hình tượng Bồ-tát.
Dùng một chén nước trong để trước tượng Bồ-tát một ngày một đêm, sau đó cung kính chắp tay thỉnh để uống, xây mặt về hướng nam.
Khi nước vào miệng phải chí tâm trịnh trọng, uống nước xong, phải cữ ngũ tân, rượu, thịt, tà dâm, vọng ngữ và các việc giết hại trong bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày.
Người thiện nam cùng thiện nữ đó trong giấc chiêm bao thấy Ðịa-Tạng Bồ-tát hiện thân vô biên rưới nước trên đảnh của người đó.
Sau khi thức dậy, người đó liền đặng thông minh, một phen nghe đến những Kinh điển đại thừa ấy liền sẽ nhớ mãi, không bao giờ còn quên một câu kệ nữa.
TAI NẠN TIÊU TRỪ. Lại vầy nữa, này Quán-Thế-Âm Bồ-tát! Về trong đời sau, như có những người nào ăn mặc không đủ, cầu chi cũng không toại nguyện, hoặc thân nhiều tật bịnh, hoặc nhiều sự hung suy, nhà cửa không yên ổn, quyến thuộc chia lìa, hoặc các sự tai vạ cứ đến khuấy nhiễu nơi thân luôn, trong giấc mộng thường phải kinh sợ.
Những người như thế đó, khi nghe danh hiệu của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát, thấy hình tượng của Ðịa-Tạng Bồ-tát nên chí tâm cung kính niệm đủ một muôn biến, thời những sự không toại ý trên đó sẽ tiêu sạch lần lần, liền đặng an vui, đồ ăn mặc dư dật, cho đến trong giấc mộng thẩy đều an ổn vui vẻ.
KHỎI HIỂM NGUY. Lại vầy nữa, này Quán-Thế-Âm Bồ-tát! Về đời sau, nếu có người thiện nam thiện nữ nào, hoặc nhơn sự làm ăn, hoặc nhơn sự công chuyện tư, hoặc nhơn sự sanh cùng tử, hoặc nhơn việc gấp mà phải vào trong rừng núi, hay là qua sông vượt biển hoặc gặp nước lụt lớn, hoặc đi ngang đường hiểm trở.
Người ấy trước khi đi nên niệm danh hiệu của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát một muôn biến, được thế thời đi qua nơi nào chốn nào cũng có các vị Quỉ Thần hộ vệ, lúc đi đứng, khi nằm ngồi, đều được an ổn vui vẻ luôn, cho đến dầu gặp loài hùm sói sư tử… nhưng tất cả thứ độc hại đều không thể phạm đến người đó được.
Ðức Phật bảo Ngài Quán-Thế-Âm Bồ-tát: “Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát có nhơn duyên rất lớn với cõi Diêm Phù Ðề. Nếu nói về những sự mà các hàng chúng-sanh thấy hình, nghe tên của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát được lợi ích, thời dầu nói đến trong trăm nghìn kiếp cũng không hết được.
Này Quán-Thế-Âm Bồ-tát! Vì thế Ông nên dùng thần lực mà lưu truyền Kinh này làm cho chúng-sanh trong cõi Ta-bà đây mãi đến trăm nghìn kiếp được hưởng những sự an vui luôn”.
Bấy giờ đức Thế-Tôn liền nói kệ rằng:
Ta xem Ðịa-Tạng sức oai thần
Kiếp số Hằng-sa khó tỏ trần,
Thấy nghe một niệm chiêm ngưỡng lễ,
Trời, người lợi ích sự không ngằn,
Hoặc Rồng hoặc Thần cùng nam nữ
Báo tận sẽ sa vào đường dữ,
Chí tâm qui mạng Ðại-sĩ thân,
Tuổi thọ thêm nhiều trừ tội dữ.
Trẻ thơ chết mất mẹ cùng cha,
Huynh đệ chị em kẻ ruột rà,
Lớn khôn nghĩ đến đều không biết,
Nẻo dữ đường lành ở đâu là?
Hoặc vẽ, hoặc tô Ðại-sĩ hình
Cảm thương chiêm lễ biệt chẳng đành,
Hăm mốt ngày luôn niệm danh hiệu.
Bồ-tát hiện thân đến bên mình:
Chỉ rành quyến thuộc ở nơi nào,
Dầu sa ác thú cũng ra mau,
Nếu được không lui lòng kính ngưỡng,
Thánh ký, Bồ-tát vuốt đầu trao.
Bồ-đề vô thượng muốn tu hành,
Mong ra ba cõi khỏi tử sinh,
Người này đã phát lòng bi lớn
Trước nên chiêm lễ Ðại-sĩ hình.
Nghe tên quy y đấng trọn lành,
Cúng dường cung kính phát lòng thành,
Nghiệp chướng chẳng hề ngăn chướng đặng
Bao nhiêu mong ước sớm viên thành.
Có kẻ phát tâm tụng Kinh sách
Muốn độ chúng-sanh khỏi tai ách
Dầu lập nguyện lớn chẳng nghĩ bàn
Ðọc rồi quên rồi luôn sót mất.
Người này nghiệp chướng nó làm mê
Học đại thừa Kinh khó mọi bề
Y phục, uống ăn, các ngọa cụ,
Cúng dường Ðịa-Tạng với hương hoa.
Dùng chén nước trong bày trước tượng,
Cách một ngày đêm bưng lấy uống,
Sanh lòng ân trọng cữ ngũ tân
Rượu thịt, tà dâm cùng dối luống.
Trong hăm mốt ngày chớ sát sanh,
Chuyên lòng tưởng niệm Thượng Nhơn danh,
Chiêm bao thấy rõ Tôn-dung hiện,
Thức rồi, liền đặng trí khôn lanh.
Ðại Thừa Kinh giáo nghe qua tai,
Nghìn vạn đời sau nhớ chẳng sai,
Chính nhờ Ðại-sĩ oai thần lớn
Thầm giúp người kia có huệ tài.
Chúng-sanh nghèo khổ lại ốm đau,
Cửa nhà họa hoạn, người lìa nhau
Ngủ mê mộng mị không an giấc,
Muốn cầu hỏng hư chẳng được nào!
Dốc lòng chiêm lễ Ðịa-Tạng Ngài,
Bao nhiêu việc ác thảy tiêu ngay
Nhẫn đến chiêm bao đều an cả,
Quỉ Thần phò hộ, của dư xài.
Muốn qua sông biển, đến núi rừng,
Cầm thú độc nguy, [ giặc đón đường,
Ác Thần, ác Quỉ, mưa gió dữ,
Nhiều nỗi gian nan khốn không lường,
Sắp sửa ra đi đối trước] tượng
Cúng dường kính lễ cùng chiêm ngưỡng.
Núi rừng biển cả có vào trong
Ác tai tiêu sạch thường an sướng.
Quán Âm lóng nghe ta nói rõ
Ðịa-Tạng vô lượng oai thần đó,
Trăm nghìn muôn kiếp thuật chẳng rồi,
Rộng tuyên Ðại-sĩ đầy sức nọ!
Như người nghe đến Ðịa-Tạng danh,
Thấy hình chiêm lễ hết lòng thành,
Hương hoa, ăn uống, dưng y phục,
Trăm nghìn báo đẹp hưởng điều lành.
Nếu hay đem công hồi pháp giới,
Rốt ráo thành Phật, sanh tử khỏi,
Quán-Âm nên biết gắng tuyên bày,
Truyền khắp Hằng-sa nhiều nước cõi!
KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
DẶN DÒ CỨU ĐỘ NHƠN THIÊN
PHẨM THỨ MƯỜI BA
ĐỨC PHẬT GIÁO PHÓ. Lúc đó đức Thế-Tôn giơ cánh tay sắc vàng xoa đảnh Ngài Ðịa-Tạng đại Bồ-tát mà bảo rằng:
“Ðịa-Tạng! Ðịa-Tạng! Thần lực của ông không thể nghĩ bàn, đức từ bi của ông không thể nghĩ bàn, trí huệ của ông không thể nghĩ bàn. Biện tài của ông không thể nghĩ bàn.
Dầu cho các Ðức Phật ở mười phương khen ngợi tuyên nói những sự chẳng thể nghĩ bàn của ông trăm nghìn muôn kiếp cũng chẳng hết đặng.
Này Ðịa-Tạng! Ðịa-Tạng! Ông nên nhớ hôm nay ta ở trong cung trời Ðao Lợi, nơi pháp hội lớn có trăm nghìn muôn ức bất khả thuyết, bất khả thuyết tất cả các đức Phật, các vị Bồ-tát, các hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng đây, một lần nữa đem các hàng chúng-sanh, những kẻ ở trong nhà lửa chưa ra khỏi ba cõi, mà giao phó cho ông.
Ông chớ để các chúng-sanh đó phải bị đọa vào ác đạo dầu là chừng một ngày, một đêm, huống chi lại để cho chúng nó phải bị đọa lạc vào địa ngục ngũ vô gián cùng địa ngục A Tỳ, mãi đến nghìn muôn ức kiếp không lúc nào ra khỏi ư.
Này Ðịa-Tạng! Tâm tánh của chúng-sanh cõi Diêm Phù Ðề không định, phần đông đều quen theo thói ác, thoảng hoặc có người phát tâm lành, nhưng rồi không bao lâu liền thối thất, còn như duyên ác lại luôn luôn tăng trưởng.
Cũng vì lẽ đó, nên ta phải chia thân này ra trăm nghìn ức để hóa độ, thuận theo căn tánh của chúng nó hầu làm cho chúng nó được giải thoát.
Này Ðịa-Tạng! Hôm nay ta ân cần đem chúng Trời, Người giao phó cho ông.
Trong đời sau, như có hàng Trời, Người cùng thiện nam, thiện nữ nào trồng chút ít căn lành ở trong Phật-pháp, chừng bằng sợi lông, mảy trần, hột cát, giọt nước, thời ông nên dùng đạo lực của ông ủng hộ người đó, làm cho người đó tu tập lần lần đạo hạnh vô thượng, chớ để họ thối thất.
Lại vầy nữa, này Ðịa-Tạng Bồ-tát! Trong đời sau, hoặc có trời hay người nào phải theo nghiệp mà thọ báo bị đọa vào chốn ác đạo, đến khi bị đọa vào ác đạo vừa bước đến cửa địa ngục, những chúng-sanh đó nếu có thể niệm đặng danh hiệu của đức Phật, hay danh hiệu của một vị Bồ-tát, cùng một câu một kệ Kinh điển Đại Thừa.
Ông nên dùng thần lực của ông tìm phương chước cứu vớt các chúng-sanh đó, ông nên hiện thân ra trước kẻ đó, phá tan địa ngục làm cho họ được sanh lên cõi trời hưởng những sự vui vi diệu thù thắng”.
Bấy giờ đức Thế-Tôn liền nói kệ rằng:
Ðời nay đời sau chúng Thiên, Nhơn
Nay ta ân cần dặn bảo ông:
Dùng đại thần thông quyền độ họ,
Ðừng cho ác đạo đọa vào trong.
BỒ TÁT TUÂN CHỈ. Bấy giờ Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát quỳ gối chắp tay bạch cùng Ðức Phật rằng:
“Bạch đức Thế-Tôn! Cúi xin đức Thế-Tôn chớ lo.
Trong đời sau, nếu có người thiện nam cùng kẻ thiện nữ nào, đối với trong Phật-pháp có một niệm cung kính, con cũng dùng trăm nghìn phương-tiện độ thoát người đó, làm cho mau đặng giải thoát trong đường sanh tử, huống nữa là nghe các việc lành rồi luôn luôn tu hành, tự nhiên ở nơi đạo vô thượng không bao giờ còn thối chuyển”.
HƯ-KHÔNG-TẠNG BẠCH HỎI. Lúc Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát bạch lời nói trên đó vừa xong, trong pháp hội có một vị Bồ-tát tên là Hư Không Tạng bạch cùng đức Phật rằng:
“Bạch đức Thế-Tôn! Từ khi con đến cung trời Ðao Lợi này nghe đức Như-Lai ngợi khen oai thần thế lực không thể nghĩ bàn của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát.
Trong đời sau, hoặc có người thiện nam cùng thiện nữ nào, cho đến tất cả hàng Trời, Rồng vân vân… nghe Kinh điển này và nghe danh tự của Ðịa-Tạng Bồ-tát, cùng với chiêm lễ hình tượng Ðịa-Tạng Bồ-tát, thời những kẻ ấy được bao nhiêu điều phước lợi?
Cúi mong đức Thế-Tôn vì tất cả hàng chúng-sanh ở hiện tại và vị lai mà nói lược việc ấy cho”.
HAI MƯƠI TÁM ĐIỀU LỢI. Ðức Phật bảo Ngài Hư-Không-Tạng Bồ-tát: “Lóng nghe! Lóng nghe cho kỹ! Ta sẽ vì ông mà nói rõ việc ấy cho.
Trong đời sau, người thiện nam cùng thiện nữ nào thấy hình tượng của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát và nghe Kinh này, cho đến đọc tụng, dùng hương hoa, đồ ăn món uống, y phục, vật báu mà bố thí cúng dường ngợi khen, chiêm lễ, thời kẻ ấy được hai mươi tám điều lợi như sau đây:
1. Các hàng Trời, Rồng thường hộ niệm.
2. Quả lành càng ngày càng thêm lớn.
3. Chứa nhóm nhơn vô thượng của Thánh.
4. Mãi không còn thối thất đạo Bồ Ðề.
5. Ðồ mặc món ăn dồi dào đầy đủ.
6. Những bịnh tật không đến nơi thân.
7. Khỏi những tai nạn về nước và lửa.
8. Không có bị hại vì trộm cướp.
9. Người khác thấy đến sanh lòng cung kính.
10. Các hàng Quỉ Thần theo hộ trì.
11. Ðời sau thân gái sẽ chuyển thành thân trai.
12. Ðời sau sẽ làm con gái các hàng Vương Giả, Ðại Thần.
13. Thân tướng xinh đẹp.
14. Phần nhiều được sanh về cõi trời.
15. Hoặc làm bực vua chúa.
16. Có trí sáng biết rõ việc trong những đời trước.
17. Có mong cầu chi cũng đều được toại ý.
18. Quyến thuộc an vui.
19. Các tai vạ bất ngờ đều dứt sạch.
20. Các nghiệp về ác đạo đều trừ hẳn.
21. Ði đến đâu cũng đều không bị sự trở ngại.
22. Ðêm nằm chiêm bao an ổn vui vẻ.
23. Những người thân tộc đã chết nếu có tội thời được khỏi khổ.
24. Nếu về đời trước có phước thời được thọ sanh về cõi vui sướng.
25. Các bực Thánh ngợi khen.
26. Căn tánh lanh lợi thông minh.
27. Giàu lòng từ mẫn.
28. Rốt ráo thành Phật.
BẢY ĐIỀU LỢI. Lại vầy nữa, nầy Hư-Không-Tạng Bồ-tát! Như hàng Trời, Rồng, Quỉ, Thần ở hiện tại và vị lai nghe danh hiệu của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát, đảnh lễ hình tượng của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát, hoặc nghe các sự về bổn nguyện tu hành của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát mà khen ngợi chiêm lễ, thời sẽ đặng bảy điều lợi ích:
1. Mau chứng bực Thánh.
2. Nghiệp ác tiêu diệt.
3. Chư Phật đến ủng hộ.
4. Không thối thất Bồ Ðề tâm.
5. Bổn lực được tăng trưởng.
6. Việc đời trước đều rõ biết.
7. Rốt ráo thành Phật”.
ĐẠI HỘI TÁN THÁN. Bấy giờ, bất khả thuyết tất cả các Ðức Phật và đại Bồ-tát cùng tám bộ chúng Trời, Rồng … ở mười phương đến dự Pháp-hội đó, nghe đức Thích-ca Mâu-ni Phật ngợi khen tuyên bày sức oai thần lớn chẳng thể nghĩ bàn của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát, đều khen là việc chưa từng có.
Lúc đó trời Ðao Lợi rưới vô lượng hương hoa, thiên y, chuỗi ngọc để cúng dường đức Thích-ca Mâu-ni Phật và Ðịa-Tạng Bồ-tát xong rồi, tất cả đại chúng trong pháp hội đều lại chiêm lễ chắp tay mà lui ra.
Kinh Địa-Tạng Bồ-tát Bổn-Nguyện quyển Hạ hết
Bốn thể Địa-Tạng so nhơn trong Kinh Tạng tỏ trông ngóng
Do tiền sanh đời nay tụng Đại Thừa phước lợi vô cùng
Quyết sẽ báo vãng sanh
Nam-mô Thường-trụ Thập-phương Tăng (3 lần)
Nam-mô Đại-nguyện Địa-Tạng-Vương Bồ-tát (2 lần)
Nam-mô Đại-nguyện Địa-Tạng-Vương Bồ-tát Ma-ha-tát
Đao Lợi Thế Tôn nói pháp mầu
Địa-Tạng công hạnh rất rộng sâu
Thánh giáo mai truyền sau chẳng ngớt
Khắp nơi trời người khỏi khổ sầu
Trời A Tu La và cả thảy
Đến nghe pháp đó
Nên chí tâm ủng hộ Phật Pháp khiến thường còn
Mỗi vị siêng tu lời Phật dạy
Bao nhiêu người nghe đến chỗ này
Hoặc trên đất liền hoặc hư không
Thường đổi người đời sanh tự tâm
Ngay đến tự mình nương Pháp ơn
Nguyện cả thế-giới thường an ổn
Phước trí vô biên lợi quốc sanh
Bao nhiêu tội chướng nghiệp tiêu trừ
Xa lìa các khổ về viên tịch
Hằng dùng giới hương xoa vóc sáng
Thường dùng đinh phụng giúp thăng
Hoa màu Bồ đề tát trang nghiêm
Tùy theo chỗ thường an lạc.
Nam-mô Tội-tà Vô-tranh Ủng-hộ Đạo-tràng Hộ-pháp Chư tôn Bồ-tát (2 lần)
Nam-mô Tội-tà Vô-tranh Ủng-hộ Đạo-tràng Hộ-pháp Chư tôn Bồ-tát Ma-ha-tát
PHẨM HỒI HƯỚNG
MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ÐA TÂM KINH
Quán-Tự-Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã-ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách.
Xá-Lợi-Tử ! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.
Xá-Lợi-Tử ! Thị chư pháp không tướng: bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố, không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, vô nhãn nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, vô sắc, thinh hương, vị, xúc, pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý-thức-giới; vô vô-minh, diệc vô vô-minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-Ðề-Tát-Ðỏa y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn.
Tam thế chư Phật y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố, đắc a-nậu-đa-la-tam-miệu tam-bồ-đề. Cố tri Bát-nhã ba-la-mật-đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng chú, năng trừ nhứt-thế khổ, chơn thiệt bất hư. Cố thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa chú. Tức thuyết chú viết :
Yết-đế, Yết-đế, Ba La Yết-đế, Ba La Tăng Yết-đế, Bồ-Đề Tát Bà Ha
(đọc câu này 3 lần)
BẠT NHỨT-THẾ NGHIỆP-CHƯỚNG
CĂN-BỔN ÐẮC SANH TỊNH ÐÔ ÐÀ-LA-NI
(Chú Vãng Sanh)
Nam-mô a di đa bà dạ, Ða tha dà đa dạ, Ða địa dạ tha.
A di rị đô bà tỳ, A di rị đa tất đam bà tỳ,
A di rị đa tì ca lan đế, A di rị đa, tì ca lan đa,
Dà di nị dà dà na, Chỉ đa ca lệ ta-bà ha. (đọc 7 lần)
TÁN PHẬT A-DI-ĐÀ
A-Di-Ðà Phật thân kim sắc,
Tướng hảo quang minh vô đẳng luân,
Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu-Di,
Cám mục trừng thanh tứ đại hải,
Quang trung hóa Phật vô-số ức,
Hóa Bồ-tát chúng diệc vô-biên,
Tứ thập bát nguyện độ chúng-sanh,
Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.
Nam-mô Tây-phương Cực-Lạc Thế-giới Đại-từ Đại-bi A-Di-Đà Phật
Nam-mô A-Di-Ðà Phật (108 lần) (*Hòa thượng tụng khoảng 4 phút)
Nam-mô Ðại-Bi Quán-Thế-Âm Bồ-tát (3 lần)
Nam-mô Đại-Thế-Chí Bồ-tát (3 lần)
Nam-mô Địa-Tạng-Vương Bồ-tát (3 lần)
Nam-mô Thanh-Tịnh Đại-Hải-Chúng Bồ-tát (3 lần)
Phụ thêm bài : SÁM THẬP PHƯƠNG (nghĩa)
Cũng gọi là : SÁM MƯỜI PHƯƠNG.
Mười phương chư Phật ba đời
Di-Ðà bực nhứt chẳng rời quần-sanh
Sen vàng chín phẩm sẵn dành
Oai-linh đức cả đã thành vô-biên.
Nay con dưng tấm lòng thiềng
Quy y với Phật sám liền tội căn,
Phước lành con có chi chăng,
Ít nhiều quyết cũng nguyện rằng về Tây.
Nguyện cùng với bạn tu đây
Tùy thời cảm-ứng hiện nay điềm lành,
Biết giờ biết khắc rõ rành
Lâm chung tận mặt cảnh lành Tây-phương.
Thấy nghe chánh-niệm hơn thường
Vãng sanh Lạc-quốc đồng nương hoa vàng,
Hoa nở thấy Phật rõ ràng
Thoát vòng sanh tử, độ an muôn loài.
Phiền-não vô-biên thệ dứt trừ,
Pháp môn tu học chẳng còn dư,
Chúng-sanh nguyện độ bờ kia đến
Đạo Phật cùng nhau chứng trí như.
Hư-không cõi nọ dầu cùng
Nguyện trên còn mãi chẳng cùng chẳng thiên
Không tình cũng có đồng nguyền:
Trí mầu của Phật đồng viên đồng thành.
SÁM PHỔ HIỀN
Nay con lại nguyện tu hành:
Phổ-Hiền nguyện lớn sẵn dành mười môn:
Một là nguyện lạy Thế-Tôn
Hiện thân trước Phật hết lòng kính tin.
Hai, khen Phật đức rộng thinh
Lời hay, tiếng tốt tận tình ngợi ca.
Ba, thời sắm đủ hương hoa
Tràng phan bảo cái dưng ra cúng-dường.
Bốn, vì mê chấp lầm đường
Tham sân nghiệp chướng con thường sám luôn.
Năm, suy công-đức vạn muôn
Của Phàm của Thánh con đồng vui ưa.
Sáu, khi Phật chứng thượng-thừa
Pháp mầu con thỉnh đã vừa truyền trao.
Bảy, lòng chẳng chút lãng xao
Cầu xin chư Phật chớ vào vô-dư.
Tám, thường tu học Ðại-Thừa
Bao giờ bằng Phật mới vừa lòng con.
Chín, thề chẳng dám mỏi mòn
Dắt dìu muôn loại đều tròn pháp-thân.
Mười, đem tất cả công-huân
Mọi loài cùng hưởng, khắp trần cùng vui.
Mười điều nguyện lớn nguyện rồi.
Nguyện về Cực-Lạc nguyện ngồi tòa sen.
HỒI HƯỚNG
Niệm Phật công-đức thù thắng hạnh,
Vô-biên thắng phước giai hồi-hướng,
Phổ nguyện pháp-giới chư chúng-sanh
Tốc vãng Vô-lượng-Quang Phật sát.
Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não,
Nguyện đắc trí-huệ chơn minh liễu,
Phổ nguyện tội-chướng tất tiêu-trừ,
Thế thế thường hành Bồ-tát đạo.
Nguyện sanh Tây-phương tịnh độ trung,
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu,
Hoa khai kiến Phật ngộ vô-sanh,
Bất thối Bồ-tát vi bạn lữ.
Nguyện dĩ thử công-đức
Phổ cập ư nhứt thiết
Ngã đẳng dữ chúng-sanh
Giai cộng thành Phật-đạo.
TAM TỰ QUY-Y
Tự quy y Phật , đương nguyện chúng-sanh, thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm. (1 lạy)
Tự quy y Pháp , đương nguyện chúng-sanh, thâm nhập Kinh tạng, trí huệ như hải. (1 lạy)
Tự quy y Tăng , đương nguyện chúng-sanh, thống lý đại chúng, nhứt thiết vô ngại. (1 lạy)
HỒI HƯỚNG
Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng-sanh,
Đều trọn thành Phật đạo. (1 lạy)