HỌC PHẬT HÀNH NGHI
(PHÉP TẮC CHO NGƯỜI HỌC PHẬT)
Thích Minh Thông Lược dịch và Phụ chú
Bài 11 – Làm thương mại
Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề
Trước khi đi vào phần chánh văn lược giải về phần Kinh Thương, chúng tôi xin trích lược ra đây vài hàng cảnh tỉnh từ Kinh Phạm Võng Bồ-tát giới: “Sắc trẻ không dừng, dường như ngựa chạy. Mạng người vô-thường, mau hơn nước dốc. Ngày nay dầu còn, khó bảo đảm được ngày mai.” Đây là lời khuyên nhắc: trong lúc hiện tại chúng ta còn mạnh khỏe, mọi ngươi ai nấy tự phát tâm dõng mãnh gắng sức siêng tu pháp lành, chớ nên chần chờ đợi đến già yếu. Trước hết người tu hành theo Phật pháp cần phải cố làm sao thành tựu quả vui giải thoát. Quả vui giải thoát đó mới thiệt là vui, mới thiệt là an lạc, còn lạc thú ở thế gian là sự vui tạm bợ, có nhiều cái tưởng rằng đó là vui mà không biết được nó là gốc của khổ, là nhơn của khổ, rồi lại mê lầm cho nó là vui để rồi cuối cùng phải tự chiêu khổ lụy vào thân. Cho nên phải thật sự nhận chân thấy được rằng thân nầy là gốc khổ, cõi nầy là cảnh khổ, cuộc sống này là chỗ sanh tử luân hồi. Đã ở trong cảnh luân hồi sanh tử khổ đau như vầy còn không mau tìm cầu con đường giải thoát, mãi lần lựa qua ngày chưa hết lòng tu tập, thử hỏi còn mong mỏi thú vui gì nữa? Trong phần Công Phu Chiều chúng ta thường tụng: “Ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước, nào có gì vui?” Đó là bốn câu kệ xuất từ trong Kinh Xuất Diệu. Chuyện kể rằng: một hôm đức Phật cùng chúng tỳ-kheo đi ngang qua một vũng nước, nhằm mùa tháng nước trong vũng đó đã cạn bớt đi, trong đó một một bầy cá đương nhởn nhơ bơi lội. Thấy Phật có vẻ buồn, chư tỳ-kheo mới thưa với Phật hỏi duyên cớ. Đức Phật nói rằng: nước vũng lần cạn sắp khô mà bầy cá khờ dại mãi nhởn nhơ bơi lội không lo không sợ, làm ta liên tưởng đến những người mê muội, mỗi ngày qua, sự già, sự chết nó lần lượt kéo đến gần, sanh mạng giảm bớt mà họ vẫn thản nhiên mãi tìm lạc thú tạm bợ, không sợ không lo, không biết suy tầm con đường diệt khổ giải thoát. Bấy giờ đức Phật liền thuyết kệ: “thị nhựt dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc!”
Phàm cư sĩ làm nghề thương mãi, không phải dùng sức cực nhọc nên vô cùng tự do, thật tốt cho việc y theo Phật-pháp hành sự. Nhưng chẳng được mua bán đồ giả, chẳng được tráo hàng thiếu phẩm chất, chẳng được bán già cân non, chẳng được che giấu quan thuế, chẳng được khinh rẻ người già và trẻ nít.
Lời phụ: Nói đến làm thương mãi dễ tu là do không phải cần lao nhọc sức. Phật môn thường nói: nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định, nghĩa rằng: một cái ăn miếng uống đều do định trước. Tức là ví như trong mạng mình là phú quý thì dù làm nghề gì cũng phú quý, còn trong mạng không phải là giàu sang thì có cố công làm những chuyện đoạt ngang lường láo thì chung quy chỉ là tự mình tạo tội mà thôi. Lại có trường hợp trong mạng mình vốn là giàu có, nhưng lúc hành nghiệp lại làm điều phi pháp thì đấy là tự mình làm tổn giảm phước đức chính mình. Ví như lẽ ra mình rất giầu có tiền đến bạc vạn, nhưng do làm điều phi pháp, nên cái phước đó bớt đi mình chỉ được bạc ngàn mà thôi. Và ngược lại, lẽ ra trong số mạng mình cũng không giàu có gì. Nhưng biết tích đức làm phước, thì tự điều phúc lành tự sẽ tăng gia. Vì vậy, phàm ra buôn bán phải nên suy xét cho kỹ vấn đề này, kẻo không chỉ là tự mình tạo tội chuốc khổ mà không tự biết. Kinh Phạm Võng nói: “Lúc tạo tội chừng trong giây phút, mà phải cả nghìn muôn năm chịu khổ nơi địa-ngục. Một phen bị đọa-lạc mất thân người, thời muôn đời khó đặng lại.” Hãy nên lấy câu nói này làm lời cảnh tỉnh tự thân, xin thận trọng!
Văn nói “chẳng được che giấu quan thuế”: Có người thọ giới xong đến hỏi: “Nay chúng con buôn bán, không trốn thuế không thể có lời được. Mọi người đều trốn thuế, chúng con làm sao đây?” Đương nhiên tốt nhất là đừng thọ giới. Thế nhưng không thọ giới cũng chớ nên làm, vậy làm như thế nào? Tôi bất đắc dĩ giới thiệu phương pháp của Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư. Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư lấy trộm, lấy trộm tiền tài từ công quỹ, để làm gì? Phóng sanh. Không phải để tự mình hưởng thụ mà là thay thế quốc gia tu phước, thay thế xã hội tu phước. Chuyện trộm cắp ấy là [hạnh] Bồ Tát, chứ không phạm giới trộm cắp, Ngài không mắc tội. Vì sao? Quốc gia chúng ta không tin Phật pháp, không biết tu phước báo; đại chúng xã hội không hiểu Phật pháp, không biết tu phước. Chúng ta trộm lấy một ít để tu phước thay cho xã hội, tu phước thay cho quốc gia. Đấy là tâm Bồ Tát, Vĩnh Minh Diên Thọ như vậy đấy. Như vậy thì được! Nếu trốn thuế để chính mình hưởng thụ thì quý vị có tội lỗi lớn rồi, vì tiền thuế thâu từ nhân dân. Quý vị phải hướng về nhân dân cả nước mà sám hối, khi trả nợ trong tương lai, nhân dân cả nước đều có phần, quý vị phải trả khi nào? (trích lời H.T Tịnh Không)
Chẳng nên doanh nghiệp đồ tể (tức mở lò sát sanh), chẳng được mở tửu quán, chẳng được doanh nghiệp ca kỹ, chẳng được nuôi súc vật như heo, gà, vịt, cá, … chẳng được mua bán nam nữ nô bộc, chẳng được mua bán đao lưới võng, đồ vật làm tổn hại sanh vật.
Lời phụ: Đức Phật chúng ta luôn lấy từ bi làm gốc. Cho nên chẳng đồng ý làm doanh nghiệp đồ tể cùng những đồ vật làm tổn hại sanh vật… Doanh nghiệp đồ tể là mở lò sát sanh, chuyên giết hại sanh vật để cung cấp cho người. Nghề này chuyên kết tạo ác nghiệp sanh tử vay nợ lấy mạng sống của chúng sanh. Kinh Luật nói: phàm loài có sanh mạng, có tánh biết không nên cố giết, hoặc tự mình giết, xúi bảo người giết, hoặc thấy người khác giết mà vui mừng theo. Kinh nói: người chết thành dê, dê chết thành người, để rồi giết hại lẫn nhau. Ôi! nghiệp báo oan gia, đã kết chặt đời này, sự báo thù trả vay, vay trả biết đời nào cho hết! Kinh Luân Chuyển Ngũ Đạo nói: “làm người ưa sát sanh đời sau mắc quả báo làm con phù-du chấp choáng trên mặt nước, mai sanh chiều chết.” Chẳng được mở tửu quán là một trong 10 giới trọng của Bồ-tát: nếu Phật-tử, tự mình bán rượu, bảo người bán rượu, nhơn bán rượu, duyên bán rượu, cách thức bán rượu, nghiệp bán rượu. Tất cả rượu không được bán. Rượu là nhơn duyên sanh ra tội lỗi. Là Phật-tử lẽ ra phải làm cho tất cả chúng sanh có trí huệ sáng suốt, mà trái lại đem sự mê say điên đảo cho chúng sanh thì phạm vào ba-la-di tội.” Chẳng được doanh nghiệp ca kỹ là bởi tích xưa có ông Tiên, nhơn nghe gái ca hát, tiếng âm thanh vi diệu liền đứt thần túc, xem nghe còn mắc hại đến thế, huống tự mình làm ư? Bởi các việc trên đều là làm loạn tâm đạo, thêm nhiều tội lỗi. Chẳng được mua bán nô bộc là giới buôn bán phi pháp, một trong 48 giới khinh của bồ-tát. Chẳng được nuôi sanh vật cho đến chẳng được bán mua khí cụ làm tổn hại sanh vật đều là đạo từ bi của đức Phật vậy.
Phàm mướn người giúp việc, trước nên nói rõ phải y Phật pháp mà làm, nếu chẳng vậy thì chẳng chuẩn hứa nhận vào làm việc. Mỗi khi dạy bảo người làm hằng luôn lấy Phật pháp ra khai đạo, nếu người làm gặp khó khăn nên giúp đỡ để tránh việc trộm vặt.
Lời phụ: Nơi đây là nói rõ cách làm việc của chúng ta theo phương châm Phật pháp và hướng dẫn người làm theo lời Phật dạy.
Phàm hàng hóa cần phải ghi giá cả và phân lượng rõ ràng, chẳng được khấu trừ. Khách như không chịu mua, nên tùy ý khách đi, chẳng được sanh lòng giận hờn trách mắng. Hàng hóa có nguồn gốc không rõ ràng, chẳng được sanh lòng tham đồ. Hàng hóa bị hư hoại đem ra bán lẻ, cần phải nói rõ ràng phẩm chất chẳng được gian dối. Nếu được như vậy, tuy làm việc kinh doanh cũng chẳng phải vì tham vậy.
Lời phụ: Nếu không có lòng sợ tội, thời tâm lành khó nẩy nở. Cố tâm làm điều quấy tức tự mình mở ra con đường ác đạo, cho nên nói địa-ngục vô môn hữu khách tầm. Trong Kinh dạy: — chớ xem thường những lỗi nhỏ mà cho là không hại, giọt nước tuy nhỏ nhưng dần dần đầy cả chum lớn. Biết giữ nguyên tắc làm ăn chân chánh thì phúc lộc lâu bền; nếu bằng chẳng vậy, bất chấp thủ đoạn để có được giàu sang thì tài lợi có được kia cũng chỉ là của cải của năm nhà. Những gì là năm? 1) bị lửa cháy, 2) bị nước cuốn trôi, 3) bị giặc cướp, 4) bị con cái phá sản và 5) bị quốc gia thâu lấy. Hiểu được lý lẽ này nên chúng ta khi ra làm ăn buôn bán cần phải cẩn trọng, chớ để tài lợi làm mờ mắt mình để rồi tự chuốc họa vào thân”, nên văn nói: tuy làm việc kinh doanh cũng chẳng phải vì tham vậy.”