HỌC PHẬT HÀNH NGHI
(PHÉP TẮC CHO NGƯỜI HỌC PHẬT)
Thích Minh Thông Lược dịch và Phụ chú
Bài 7 – Làm bồ tát ở nhà
Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề
Phàm cư sĩ ở nhà, tuy không thể tận tâm hành Phật sự, nhưng cũng phải lấy việc chẳng tạo “oan nghiệp mới” làm chính yếu. Thường thầm niệm bài kệ rằng:
Bồ-tát cư gia
Đương nguyện chúng sanh
Tri gia tánh không
Miễn kỳ bức bách
Tạm dịch:
Làm Bồ-tát ở nhà,
Nên nguyện cho chúng sanh,
Rõ tánh “Nhà” vốn không,
Duyên hợp! gì bức bách.
Nếu dạy vợ con trước nên luôn nói về nhân quả, thứ đến đem Phật-pháp rộng khuyến dụ dẫn dắt, thứ lại đem cảnh vui ở Tịnh độ ra khai thị.
Lời phụ: Đã chưa thể xuất gia khó tránh gia duyên bận buộc, không thể hết lòng phụng sự Tam-bảo. Phải biết đây là duyên nghiệp xưa kia còn sót lại, chưa thể đoạn dứt. Vậy phải khéo mượn nơi đây làm chỗ tu hành (thông qua đời sống sinh hoạt hằng ngày để tôi luyện tâm mình). Điểm trọng yếu là để tiêu trừ nghiệp chướng, chẳng thể tạo thêm oan nghiệt mới.
Hằng niệm thầm kệ rằng:
Thê tử tập hội
Đương nguyện chúng sanh
Oán thân bình đẳng
Vĩnh ly tham sân.
Tạm dịch:
Cùng vợ con tụ hội,
Nên nguyện cho chúng sanh,
Xem kẻ oán, người ân
Bình đẳng thoát tham sân.
Nếu vợ con có chút niềm tin thì nên đem ngũ giới ra mà răn dè. Trong nhà con gái là dễ giáo hóa nhất, nên đem sách Phật căn bản nhất cho nó đọc, dễ thời lòng thường thanh thoát, khiến cho thâm nhập gieo trồng trong ruộng bát thức (*) tức là thức thứ tám.
Lời phụ: Cùng vợ con tụ hội: là duyên xưa dư nghiệp còn vương. Tục ngữ nói “không oan trái chẳng thành cha con, chẳng phải oan gia không thành chồng vợ”, cho nên văn nói: “Xem kẻ oán người ân, bình đẳng thoát tham sân”. Oán thù gặp nhau khổ, thương yêu xa lìa khổ (2 thứ trong bát khổ), nên lấy lòng từ bi bình đẳng đối đãi tự nhiên sẽ không rơi vào trong cảnh giới 3 độc: tham sân si. Ngũ Giới: là 5 điều căn bản của nền tảng làm người, ai giữ trọn 5 điều này thì đời sau sẽ không mất nhân cách làm người, thêm vào “thập thiện” giữ tròn đủ sẽ được sanh Thiên. Tịnh Nghiệp Tam Phước nói: (1)Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành. (2) Thọ trì tam quy, giữ tròn các giới, đừng phạm các oai nghi. (3) Phát lòng bồ-đề, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển đại thừa, khuyến tấn người tu hành. Gia đình duyên may đồng tin Phật-pháp thời nhắc nhau tu nhơn tích đức, dần tiến gần đến đạo giải thoát. Nếu chẳng được vậy cũng thường hay giới thiệu Phật-pháp để khiến kia gieo trồng vào tâm thức chủng tánh Phật-pháp, giác ngộ thiện căn. Bát Thức là chỉ cho A-lại-da thức, cũng gọi là Tạng thức, là nơi tàng trữ tất cả những hạt giống hạnh nghiệp xấu tốt của chúng sanh.
Lại nên tìm chỗ thanh tịnh ở trong nhà hoặc trên lầu thiết lập một phòng kinh, trang nghiêm thanh khiết để tiện cho việc sớm tối lễ tụng. Làm cho con cái cùng những người lân cận, thân quyến thấy được mà phát lòng lành, sanh khởi tín tâm. Mỗi lần lên lầu thì nên thầm niệm bài kệ rằng:
Thượng thăng lầu các
Đương nguyện chúng sanh
Thăng chánh pháp lầu
Triệt kiến nhất thiết.
Tạm dịch:
Khi bước lên lầu các,
Nên nguyện cho chúng sanh
Được lên lầu chánh pháp,
Thấu tột hết thật tướng.
Lời phụ: Lập nơi thờ Phật trang nghiêm và phòng đọc tụng kinh sách cho trang nhã, khiến lòng thanh tịnh. Tu hành nghiêm túc chính là pháp tự độ độ tha (tự mình vượt thoát và giúp người vượt thoát) hữu hiệu nhất. Khẩu thuyết vô bằng chẳng như thân giáo, Thân giáo trọn lành chẳng bằng đức cảm, đạo hóa.
Phàm mướn công nhân, nên trước phân định ngày làm, nói rõ nơi đây niệm Phật cấm sát sanh, cấm uống rượu, lại chẳng được đem những lời dâm đãng ca hát, v.v… mà cư sĩ tự thân mình ắt phải bình thời thường luôn giữ oai nghi sạch sẽ đoan chánh, chẳng giận hờn, chẳng mắng chửi, chẳng uống rượu, chẳng nói lỡ lời, chẳng giỡn cười, chẳng đánh đàn, đổ bạc đánh cờ tướng, cờ vây, chẳng gần gũi người nữ. Khi gặp quyến thuộc chẳng như pháp cũng không được thường giận hờn la mắng, dạy dỗ cũng phải biết lúc nên nói lúc không nên nói.
Lời phụ: Phân định ngày giờ để tránh phiền nhiễu thời khóa công phu của mình, bảo kia trước biết quy củ để tránh náo loạn. Muốn độ người trước phải độ mình, khuyến hóa người trước phải răn mình. Trong gia quyến có lỗi thời nên khéo lời khuyên nhủ và phải biết nơi chốn giờ giấc, chẳng nên tùy tiện trách mắng người. Dạy người không nhất định phải trách mắng, chỉ khiến kia biết lỗi và cải thiện mới là đáng quý. Miệng thốt những lời thô ác bất thiện, mạ nhục hủy báng người ta thời lửa sân một phen nổi lên, phừng miệng, đốt lòng, hại người trước mặt đau đớn như dao cắt, thật trái niệm từ của bồ-tát, cũng đánh mất tâm lành kẻ xuất gia.
Phàm có các tiệc vui, nên lấy tiền tài ra mà bố thí cho những người nghèo khó. Khi bố-thí nên niệm kệ rằng:
Nhược hữu bố thí,
Đương nguyện chúng sanh,
Nhất thiết năng xả,
Tâm vô ái trước.
Tạm dịch:
Nếu làm việc bố-thí
Nên nguyện cho chúng sanh
Hay xả được hết thảy
Lòng trong, không luyến trước
Nên mời người hoặc tự mình diễn nói một ít về Phật-pháp cùng các việc nhân quả, v.v…
Lời phụ: bố-thí tài chẳng ổn đáng bằng bố-thí pháp. Bố-thí tài mà chẳng khéo tu trí huệ khó miễn tránh rơi vào kết oán vào đời thứ 3 (do đời nay tạo phước thì đời sau hưởng phước, khi được hưởng phước tất sanh tâm hồ đồ thì đời sau nữa sẽ rơi vào ác đạo). “Hay xả được hết thảy, lòng trong, không luyến trước” là bố-thí mà chẳng trụ vào việc bố-thí, chẳng cầu hưởng phước thời tâm thanh tịnh, biến phước đức thành công đức bất khả tư nghị. Bát Đại Nhân Giác Kinh: đệ lục giác tri: Bần khổ đa oán, hoạnh kết ác duyên, Bồ-tát bố-thí, đẳng niệm oán thân. Bất niệm cựu ác, bất tắng ác nhân.
Tổ chức lễ cưới gã cho con gái bất tất sắm nhiều tư trang, nên dùng tiền tài của mẹ cho trước nên nói rõ, hoặc lập khế ước, viết: “những tài sản này, mỗi khi đổi thành tiền được bao nhiêu thuộc về quy-nữ dùng, lấy bao nhiêu tiền này ra để ấn tống kinh Phật, hoặc làm các việc từ thiện.” Cưới dâu cũng lại chẳng nên sắm nhiều tư trang. Đến thời khai hoa nở nhụy, nên tụ hội thân bằng quyến thuộc, làm chay đãi tiệc, lại giảng thuyết Phật-pháp, bố thí người nghèo, biếu tặng kinh sách.
Lời phụ: gả con gái hay cưới dâu thời luôn nên nghĩ đến cái hậu về đường con cháu, khéo tích âm đức để tạo phước điền về sau. Phàm khi có các lễ tiệc nên khuyên mọi người tránh việc sát sanh khiến tụ hội những thành phần bất hảo. Tùy thời thí giáo để giới thiệu Phật-pháp và khuyến dụ mọi người hành thiện.
Nếu gia đình giầu sang có dư cũng nên tiện dụng như người bình dân, những phần dư giả nên đem làm từ thiện công ích, tuyên dương Phật-pháp, trang nghiêm Phật-tự. Nếu gia đình giầu lớn nên đem tài sản giao phó cho những người thiện hữu kiến lập Cư-sĩ tòng lâm công cộng, lập tinh xá, học viện, v.v… cùng làm những công tác cứu giúp vĩnh viễn người neo đơn nghèo khó, già nua cùng khốn, sửa cầu đắp đường, tuyên dương Phật-pháp.
Lời phụ: Gia đình khá giả có của thặng dư nên đem ra làm việc phước thiện, ủng hộ hoằng dương Phật-pháp. Trong tất cả các thứ bố thí, pháp bố thí là đệ nhất, bởi hay khiến kia lìa khổ được vui, chuyển mê khai ngộ dần ra khỏi sinh tử luân hồi. Kệ rằng: “Đem tâm từ bố thí cứu giúp cho một người công đức lớn như đại địa. Vì ích kỷ riêng mình thì dầu bố thí cho tất cả được quả báo chỉ như hạt cải. Lại cứu giúp cho một người đang gặp ách nạn, lại trội hơn bố thí cho tất cả người khác.”
Muốn cứu giúp chúng sanh thì trước hết phải đắn đo suy nghĩ cho kỹ càng, điều quan trọng là chớ để cho người ta sanh lòng ỷ lại trở thành lười biếng. Xưa ở quê tôi có một nhà giàu nọ, đem gia tài cự phú của mình nhập vào Từ Đường, để cho những người trong thân tộc đổi ra được rất nhiều lúa gạo. Về sau những người trong thân tộc đều chỉ lấy lúa gạo đó để sống qua ngày nên chẳng còn chịu làm việc gì nữa, lại sanh lòng kiêu mạn dị thường, lâu dài về sau không còn biết nghĩ đến việc mưu sinh nữa. Vì vậy phát sanh hàng trăm tệ nạn trộm cắp, để bây giờ không cách nào cứu vãn được nữa. Người xưa chỗ nói: lấy lòng nhân từ đối đãi mà kết quả lại là bất nhân (dùng lòng từ bi giúp người trở lại hại người), tức thuộc về loại này vậy. Cho nên bố-thí, trước hết phải xét xem những người nhận của bố thí này sẽ không tạo ác nghiệp làm trọng yếu. Nếu chẳng vậy, không bằng lấy đó mà hết lòng đi hoằng dương Phật-pháp, cảm hóa lòng người, khiến cho thế giới thanh bình, thì công đức lại càng thù thắng hơn vậy.
Lời phụ: Từ bi và trí tuệ như đôi cánh của loài chim không thể thiếu một. Hồ đồ giúp người cũng có thể khiến người đi vào con đường tội lỗi, trở thành hại người. Cho nên bố thí Phật-pháp là thỏa đáng hơn cả. Hết thảy chúng sanh đối với hai thứ tài, pháp, đa phần đều có chỗ thiếu thốn. Nhìn thấy chúng sanh khởi lòng tham lam lận tiếc, phá giới, sân giận, lười biếng, tán loạn, ngu si làm chướng ngại phải nên vì họ giảng nói bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ mà tế độ cho họ. Đem tài vật mà bố thí hay khiến cho thân được yên ổn, đem pháp lành bố thí hay khiến cho tâm được yên ổn.
Trong nhà chẳng nên cất chứa những thứ như dao súng, chất nổ, cần câu lưới cá, v.v… tất cả những khí cụ sát hại sinh mạng các loài, làm mất lòng từ. Phàm cùng những người thân thích giao tiếp tặng biếu qua lại, nên phải nói rõ trước, xin chớ hiến tặng các thứ thức ăn nồng cay tanh sống, chỉ xin nhận phần vải vóc lụa là thôi.
Lời phụ: Bồ-tát lấy từ bi làm gốc, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Kinh Phạm Võng nói: “nếu Phật-tử, không được cất chứa những binh khí như: dao, gậy, cung, tên, búa, giáo, v.v… cùng những đồ sát sanh như chài, lưới, rập, bẫy, v.v… là Phật-tử dù cho đến cha mẹ bị người giết, còn không báo thù, huống lại đi giết tất cả chúng sanh! (cố ý răn nhắc Phật-tử tuyệt đối không được sát sanh, lúc cha mẹ đang bị giết hoặc chưa bị giết thì tìm tận phương pháp để giải cứu thì được). Không được cất chứa những khí cụ sát sanh. Nếu cố cất chứa, Phật-tử này phạm khinh cấu tội.” Cất chứa tức là tạo duyên có dịp để sát sanh, vì để ngăn duyên nghiệp sát nên Phật răn không được cất chứa. (nếu mình vô tài lực) Thấy người khác sát sanh nên sanh lòng từ mẫn, thương cho kẻ đang sát sanh kia, tội khổ ắt sẽ đọa vào ba đường ác. Còn kẻ đương bị giết kia ắt đau đớn tột cùng. Ôi! nghiệp báo oan gia đã kết chặt đời này, sự báo thù trả vay, vay trả biết đến đời nào mới dứt. Quán xét như thế rồi ta liền phát nguyện: “Nguyện ta tu hành mau đắc được bồ-đề, thệ độ muôn loài thảy đều được giải thoát.” Tội sát sanh khổ báo không lường, mà chịu tội khổ ấy biết kiếp nào mới hết. Ôi thật thảm thương. Đức Phật nói sát sanh có 10 tội:
1. Thường chứa độc trong tâm, đời đời không dứt.
2. Người đời chán ghét, mắt chẳng muốn nhìn.
3. Tâm thường niệm ác và nghĩ những việc ác.
4. Chúng sanh thấy được sợ hãi như hổ báo rắn rết
5. Khi ngủ hay giựt mình, lúc thức tâm chẳng yên.
6. Thường mơ thấy ác mộng,
7. Khi mạng chung thường chết một cách ghê gớm
8. Gây nghiệp nhơn chết yểu về đời sau
9. Thân hoại mạng chung liền đọa vào địa ngục
10. (Nếu tội hết trong địa ngục) được sanh trở lại làm người thì thường chết yểu.