Phật Học Khái Luận – Tiết XVII Ngũ căn và Ngũ lực

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Phật Học Khái Luận
Thích Chơn Thiện In Lần Thứ Hai – 1997

Chương Hai – Pháp Bảo
Tiết XVII
Ngũ căn và Ngũ lực

– Năm căn là: Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Ðịnh căn và Tuệ căn.

“Vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế Tôn, Như Lai, ng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật”. (Tương Ưng V, Sđd. tr.211). Ðây là Tín căn.

– “Dựa vào Tứ chánh cần, thu nhận tinh tấn gì, này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tấn căn”.

– “Dựa vào Tứ niệm xứ, thu nhận niệm nào, này các Tỷ-kheo, đây gọi là Niệm căn”. (Sđd. tr. 211)

– “Vị Thánh đệ tử sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhất tâm. Ðây gọi là Ðịnh căn”. (Sđd. tr. 211) Ðịnh căn tương đương với Tứ sắc định.

– “Vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt của các pháp, với trí tuệ, các bậc Thánh thể nhập các pháp, đưa đến đoạn tận khổ đau”. (Sđd. tr. 211) Ðây gọi là Tuệ căn, tương đương với tri kiến về Tứ đế.

Tu Tập Ngũ Căn

Ðức Thế Tôn dạy:

– “Cần phải quán Tín căn trong bốn Dự lưu phần (tín của bậc Thánh Tu-đà-hoàn)”.

– “Cần phải quán Tấn căn trong Tứ chánh cần”.

– “Cần phải quán Niệm căn trong Tứ niệm xứ”.

– “Cần phải quán Ðịnh căn trong Bốn sắc Thiền”.

– “Cần phải quán Tuệ căn trong Tứ Thánh đế”. (Sđd. tr. 207)

Như vậy, tu tập Năm căn là đã tu tập Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, đã hành sâu Thiền định, đã có tuệ giác, có thể liễu ngộ khổ và diệt. Hay nói cách khác, tu tập Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, hành sâu Thiền định chính là tu tập Ngũ căn.

Tại đây, lại một lần nữa nói lên điểm nhất quán trong các giáo lý tu tập của Thế Tôn: Tất cả đều xây dựng trên Giới uẩn, Ðịnh uẩn và Tuệ uẩn; tất cả đều nhắm đến đoạn tận tham ái, đoạn tận khổ đau.

Với sự tu tập Ngũ căn, như vừa trình bày, hành giả sẽ đi đến kết quả như sau:

– “Với sự toàn diện, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn Năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là bậc Bất lai. Yếu nhẹ hơn là bậc Nhất lai. Yếu nhẹ hơn là bậc Thất lai (Nhập lưu). Yếu nhẹ hơn là bậc Tùy pháp hành. Yếu nhẹ hơn nữa là bậc Tùy tín hành”. (Sđd. tr. 212)

– “Sanh y lấy ái làm nhân, lấy ái làm tập khởi, lấy ái làm tái sinh, lấy ái làm hiện hữu. Do ái không có mặt, sanh y không hiện hữu. Vị ấy biết sanh y, sanh y tập khởi, sanh y đoạn diệt. Do thực hành như vậy, vị ấy được gọi là bậc Tùy pháp hành”.

Tùy tín hành là vị học hỏi rồi sau mới vào con đường thực hành của Tùy pháp hành.

– “Ðối với ai, này các Tỷ-kheo, năm căn này toàn bộ và toàn diện không có, thì Ta nói rằng người ấy là người đứng phía ngoài, là thuộc thành phần phàm phu”. (Sđd. tr. 215)

– “Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Ta không như thật biết rõ sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, cho đến khi ấy, Ta không có biết rõ về ý nghĩa về sự chứng ngộ Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác đối với thế giới như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người”. (Sđd. tr. 216)

– “Khi nào vị đệ tử biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, khi ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là bậc Thánh Dự lưu”. (Sđd. tr. 148)

– “Khi nào vị đệ tử biết rõ sự tập khởi (-nt-), giải thoát không có chấp thủ, khi ấy vị Thánh đệ tử ấy được gọi là A-la-hán”. (Sđd. tr. 218)

Qua các xác nhận trên của Thế Tôn, Thế Tôn được hiểu như là một bậc A-la-hán tu tập hoàn toàn viên mãn Ngũ căn.

Ðiểm đặc biệt của pháp môn Ngũ căn là pháp môn này có thể tu tập dung thông với Tứ niệm xứ và Tứ chánh cần, có thể đi thẳng vào mục tiêu đoạn diệt khổ, đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại.

Tại đây, cũng như ở Bát Thánh đạo và Thất giác chi, nói lên thật rõ ràng Ðạo đế (hay 37 phẩm trợ đạo) là pháp tu dẫn đến kết quả chứng ngộ quả vị tối thượng. Tứ Thánh đế là pháp tối thượng mà không phải là pháp Thanh văn, Tiểu thừa như một số nhà nghiên cứu quan niệm.

Sức mạnh của Ngũ căn được gọi là Ngũ lực. Ðó là: Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Ðịnh lực và Tuệ lực.

Hiểu rõ Ngũ căn ở trên là hiểu rõ Ngũ lực.

Ðề cập đến Ngũ lực, Thế Tôn dạy:

“Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông, cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập Ngũ lực, làm cho sung mãn Ngũ lực, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn (Sđd. tr. 195)

“Vị Tỷ-kheo tu tập Tín lực liên hệ đến viễn ly, ly tham, đoạn diệt, hướng đến từ bỏ (tương tự đối với tấn, niệm, định và tuệ lực).

“Ðể thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, năm lực này cần phải tu tập”. (Sđd. tr. 196)

Như thế, Ngũ căn và Ngũ lực là pháp môn mà một bậc Thánh Bất lai cần phải tu tập viên mãn để đoạn tận nhứt thiết hoặc, hoặc tận vô minh. Tuệ căn và Tuệ lực luôn luôn cần đến sự hỗ trợ của Ðịnh Căn và Ðịnh lực. Ðây là ý nghĩa Ðịnh uẩn hỗ trợ cho sự thành tựu viên mãn của Tuệ uẩn./.

Add Comment