GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC
(BUDDHISM COURSE)
Chan Khoon San
Biên dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2011
XIV. MƯỜI CĂN BẢN CỦA
HÀNH ĐỘNG CÔNG ĐỨC
PHẦN BA: NHÓM THIỀN (BHAVANA)
NỘI DUNG
Điều Kỳ Diệu Của Năng Lực Giáo Pháp
Sự Truyền Dạy Giáo Pháp (Dhamma-desana)
Sự Truyền Dạy Giáo Pháp Bởi Cư Sĩ và Những Ích Lợi
Lắng Nghe Giáo Pháp (Dhamma-savana)
Cách Thức Đúng Đắn Để Lắng Nghe Giáo Pháp và Những Ích Lợi
Chỉnh Lý Quan Điểm, Niềm Tin – Chánh Tín (Ditthijukamma)
Những Loại Tà Kiến
Những Ích Lợi Của Việc Chỉnh Lý Quan Điểm, Củng Cố Niềm Tin
Sách & Tài Liệu Tham Khảo
1. Sự Kỳ Diệu Của Năng Lực Giáo Pháp (Dhamma)
Vào một lần nọ, khi Đức Phật đang cư ngụ ở vùng Nalanda trong khu Vườn Xoài của thí chủ Pavarika, thì có một Phật tử tại gia, tên là Kevaddha, đến xin gặp Phật và thỉnh cầu Phật cử một Tỳ kheo biểu diễn những thần thông kỳ diệu để cho những người dân ở thành Nalanda càng thêm tin tưởng vào Đức Phật và vì vậy, nhiều người sẽ trở thành Phật tử. Tuy nhiên, Đức Phật đã từ chối lời thỉnh cầu này. Đức Phật bảo rằng, Người cũng chưa bao giờ dạy Giáo Pháp (Dhamma) cho những Tỳ kheo là: “Này Tỳ kheo, hãy ra ngoài biểu diễn thần thông biến hóa cho những cư sĩ áo trắng xem”.
Đức Phật đã trả lời y hệt như vậy, khi người đó tiếp tục thỉnh cầu lần thứ hai. Đến lần thứ ba, Đức Phật bắt đầu chỉ cho ông ta về 3 điều kỳ diệu mà Đức Phật đã biết được và giác ngộ được bằng trí tuệ bên trong của bản thân mình.
Đầu tiên là những năng lực thần thông (iddhi patihariya) bao gồm một số khả năng siêu phàm là trở thành nhiều người cùng một lúc, thường gọi là nhân đôi, nhân ba và khả năng đi xuyên qua tường, bay trên không trung và đi trên mặt nước, và thậm chí có thể lên thăm cõi trời Phạm Thiên. Thần thông này bị Đức Phật từ chối, vì nó giống như những huyền thuật Gandhari (Kiện-đà-lê). Điều kỳ diệu thứ hai là khả năng đọc tâm (adesana patihariya) của người khác, cũng không được Đức Phật tán đồng bởi vì nó có thể được hiểu nhầm là thông thuật được gọi là “viên ngọc của ý nghĩ” (cintamani) hay huyền thuật Manika. Đức Phật khuyến khích điều kỳ diệu thứ ba, đó là của sự Giáo huấn, Truyền dạy (anusasani patihariya) vì nó đưa đến sự tu dưỡng Giới Hạnh Đạo Đức, Chánh Định và Trí Tuệ để cuối cùng dẫn đến diệt trừ những ô nhiễm (Asavakkhaya Nana) và sự giác ngộ Niết-bàn (Nibbana), chấm dứt đau khổ. Điều kỳ diệu lớn nhất chỉ có thể tồn tại trong khi có chân lý Phật Pháp (Buddha sasana).
2. Việc Truyền Dạy Giáo Pháp (Dhamma-desana)
Trong quyển Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Atthasalini), định nghĩa về sự truyền đạt Giáo Pháp được ghi như sau:
“Từ mong muốn có được hay suy nghĩ rằng “Như vậy họ sẽ biết được ta là một người thuyết pháp”, một số người sẽ thuyết giảng bài pháp. Bài thuyết pháp đó không mang lại kết quả. Người đã thoát khỏi động cơ chính đó, không còn làm vì danh lợi, và giảng dạy Giáo Pháo mà mình đã thông thuộc – đó là căn bản của hành động công đức của việc truyền dạy”.
(a) Cách Thức Thanh Tịnh và Đúng Đắn Khi Truyền Dạy Giáo Pháp
Trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta ii, 199), Đức Phật đã phân biệt 2 loại thầy (đạo sư) với 2 cách thức thuyết pháp, đó là:
Cách thức thuyết pháp không thanh tịnh và không đúng đắn, là tư cách của loại đạo sư với suy nghĩ là: “Mỗi người sẽ thỏa mãn với những lời ta dạy và sẽ vâng theo lời ta và sẽ ủng hộ ta”.
Cách thức thuyết pháp thanh tịnh và đúng đắn, là tư cách của những người thầy với suy nghĩ là: “Sau khi họ nghe mình thuyết giảng, họ sẽ hiểu biết và trân trọng Giáo Pháp (Dhamma) và bắt đầu thực hành những giới hạnh, định tâm và trí tuệ theo con đường “Bát Chánh Đạo”, vì thế họ có khả năng được giải thoát khỏi đau khổ”. Vì vậy, những vị thầy này giảng dạy Giáo Pháp cho người khác vì Giáo Pháp dẫn đến sự giải thoát và bởi vì lòng bi mẫn của người thuyết giảng dành cho họ.
(b) Câu Chuyện về con Cá Vàng Với Hơi Thở Hôi Thối Story of the Golden Fish with a Stinking Breath
Việc thuyết giảng để có được danh và được những thứ khác là hành động dẫn đến đau khổ như trong trường hợp thầy Tỳ kheo trong lịch sử tên là Kapila đã được nói đến trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada 334-337). Trong Phật kiếp của Đức Phật Kassapa (Ca-Diếp), hai anh em đều trở thành Tỳ kheo. Người anh lớn thì lo tu tạo thiền hành và chứng ngộ thành một A-la-hán. Người em tên là Kapila miệt mài nghiên cứu Tam Tạng Kinh (Tipitaka) và trở thành một giảng sư thông thuộc kiến thức kinh điển và có rất nhiều đệ tử và vì vậy cũng rất nhiều người cúng dường. Vì vậy Kapila trở nên rất tự phụ về kiến thức của mình đến nỗi vị ấy luôn tuyên bố lời nói của bất cứ ai là sai hay đúng, mặc dù sự thật thì những lời nói đó là ngược lại.
Nhiều Tỳ kheo tốt bụng đã nhắc nhở vị thầy đó nên trung thành và trích dẫn đúng trong Giáo Pháp và Giới Luật, nhưng vị thầy Kapila thì quá say sưa với kiến thức của mình, thậm chí còn quay lại chê bai và hạ nhục những vị Tỳ kheo đã có lòng nhắc nhở mình. Cứ theo cách này, vị thầy Kapila đã rơi vào con đường bất thiện và đã làm trể nãi tiến trình truyền Pháp của Đức Phật Kassapa. Khi vị thầy đó chết, vị đó đã bị đọa xuống tận địa ngục A-tỳ (Avici) chịu đày đọa và đau khổ muôn kiếp. Và vì những tà pháp mà ông đã truyền giảng vẫn còn là nghiệp ác chưa trả hết, nên đến tận Phật kiếp này, ông sinh ra thành một con Cá Vàng sống trong sông Aciravati ở Savatthi (Xá-Vệ). Con cá vàng bị bắt và người ta đem đến trước Đức Phật (Thích Ca). Ngay khi con cá vàng mở miệng ra, một mùi hôi thối bốc lên làm tanh tưởi cả nơi đó. Lúc đó, Đức Phật đã kể lại về kiếp quá khứ của con cá là Tỳ kheo Kapila. Bởi vì, dù gì vị này cũng nghiên cứu và truyền dạy và tán dương đề tài là Phật pháp nên vị ấy còn được sắc vàng trên da mình, nhưng vị ấy giảng dạy không theo cách thức thanh tịnh và đúng đắn, thậm chí còn phỉ báng những vị Tỳ kheo tốt nhắc nhở, nên bây giờ mở miệng ra là bay mùi hôi thối. Sau đó, con cá vàng chết lại tiếp tục bị tái sinh vào địa ngục A-tỳ.
3. Việc Truyền Dạy Giáo Pháp bởi Những Phật Tử Cư Sĩ và Những Ích Lợi
Mặc dù những Phật tử tại gia không thông suốt Giáo Pháp bằng các tu sĩ, các sư thầy, nhưng các cư sĩ vẫn có thể giảng dạy Giáo Pháp cho những Phật Tử khác trong hay ngoài đạo tràng của mình, theo sự khuyến khích của Đức Phật được ghi chép lại trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara iv, 219). Và nếu thành công, người truyền dạy có thể làm cho những Phật tử khác hiểu biết Phật Pháp cùng trình độ hiểu biết mà mình có được.
Như vậy, khi một người có được Lòng Tin của mình vào Phật, Pháp, Tăng, người đó cũng có thể truyền tải lòng tin đó cho những người khác.
Khi một người cố giữ gìn được Giới Hạnh cho mình, thì người đó cũng có thể truyền dạy cho người khác việc tuân giữ giới hạnh đạo đức.
Khi một người chứng đạt được sự Giải Thoát cho mình, người ấy cũng có thể truyền dạy người khác tu tập để có được sự giải thoát tương tự.
Khi một người luôn mong ước chính mình gặp được thánh Tăng, mong ước được nghe Chánh Pháp; luôn giữ tâm của mình chánh niệm về Giáo Pháp (Dhamma); luôn giữ mình chánh niệm về Giáo Pháp mình đã nghe học được; quán chiếu những ý nghĩa của Giáo Pháp; hiểu biết rõ về khía cạnh ngữ nghĩa và khía cạnh tâm linh đích thực của Giáo Pháp; và bước đi đúng theo con đường đó; và phấn đấu truyền tải lại cho những Phật tử khác, thì người cư sĩ đó đã làm tăng ích lợi cho bản thân mình cũng như ích lợi cho những người khác.
▪ Ích Lợi Của Việc Tuyền Dạy Giáo Pháp:
Trong cách thức đúng đắn và thanh tịnh, một người mong muốn truyền dạy giáo pháp cho những người khác, thì bản thân mình thường xuyên thực hành giáo pháp (Dhamma) để thấy được lợi ích trước khi người đó thành thục để truyền dạy cho người khác. Bằng cách đó, người đó càng tiến bộ về mặt giáo pháp (Dhamma). Kết quả của hành động hay quá trình truyền dạy giáo pháp một cách thanh tịnh và đúng đắn chính là sự thành công trong công việc chứng đạt trên con đường thánh Đạo và chứng đắc thánh đạo Quả, bởi vì Giáo Pháp (Dhamma) là nguyên nhân tạo ra quả “thành công”.
Trong tất cả những quà tặng, bố thí, thì sự truyền dạy, bố thí Pháp (Dhamma) là cao quý nhất. Vì vậy, những ai có những kiến thức, tiến bộ về giáo pháp (Dhamma) và cống hiến công sức và thời gian để truyền thụ lại cho những người lớn và trẻ em trong các trường học thì xứng đáng được khen ngợi là người truyền bá chánh pháp của Đức Phật, trong bối cảnh con người đang chìm ngập trong chủ nghĩa vật chất và tà kiến. Những người thầy chịu khó như vậy sẽ được tôn trọng trong những cộng đồng Phật giáo.
4. Lắng Nghe Giáo Pháp
Quyển Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Atthasalini) định nghĩa biết lắng nghe Giáo Pháp như sau:
“Những ai lắng nghe giáo pháp, và nghĩ rằng: “Vì việc nghe pháp này, họ sẽ cho rằng mình là một người sùng đạo”- thì không đem lại nhiều nhỏi kết quả gì. Người khác thì bằng sự nhẹ nhàng trong lòng, tràn đầy lòng thiện tốt, lắng nghe giáo pháp và nghĩ rằng: “Sẽ mang lại nhiều kết quả cho mình! Đây chính là lắng nghe Giáo Pháp”.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara i, 129), Đức Phật mô tả ba loại người nghe Pháp, đó là:
Loại người nghe Pháp với tâm trí không tập trung, nghe mà chẳng hiểu gì, như nước đổ lá môn. Người đó cũng được so sánh như một cái bát úp lại, dù đổ bao nhiêu nước cũng chảy ra hết.
Loại nghe Pháp với tâm trí bị phân tán, tức là loại người nghe từ đầu đến cuối, cũng có thể hiểu, nhưng không bao giờ thèm nhớ một điều gì, bị phân tán. Như một đống đồ ăn để trên đùi chân, khi đứng dậy, tất cả đồ ăn đều đổ xuống đất hết, vì họ chẳng bao giờ chú tâm hay ghi nhớ điều gì.
Người lắng nghe Pháp với tâm trí hiểu biết, bao quát và chú tâm, và sau khi đứng dậy, người đó vẫn còn ghi nhớ những lời dạy của Giáo Pháp. Người đó được so sánh như một cái bát để ngửa, nước rớt vào không bị chảy ra.
▪ Câu Chuyện Về Một Thiên Thần (deva) Bị Xao Lãng Trong Lúc Nghe Bài Pháp Thứ Nhất
Chú Tâm hoàn toàn khi lắng nghe Giáo Pháp (Dhamma) là điều kiện Tối Ưu cần thiết nếu một người muốn có được lợi lạc từ buổi nghe thuyết pháp. Điều này được minh họa trong Bài Thuyết Giảng của thiền sư Mahasi Sayadaw về Kinh Hemavata Sutta nói về một thiên thần tên là Satagiri. Khi Đức Phật đến khai giảng bài Thuyết Pháp Đầu Tiên ở Vườn Nai, Isipatana 2 tháng sau khi Người Giác Ngộ, thì thiên thần Satagiri cũng có mặt cùng hàng triệu những thiên thần để nghe thuyết giảng. Nhưng thay vì lắng nghe Giáo Pháp, thiên thần này chỉ lo tìm bạn mình là thiên thần Hemavata từ trong số những người đến nghe bài Pháp. Sau khi kết thúc bài Pháp, ngài Kondanna (Kiều-Trần-Như) và hàng triệu thiên thần và trời Phạm Thiên đều chứng đắc thánh quả Nhập Lưu (Sotapanna), nhưng Satagiri thì không, vì đã xao lãng tâm trí vào việc khác.
Sau đó, thiên thần tìm gặp được bạn của mình là Hemavata ở bên trên thành Vương Xá (Rajagaha) và cả hai cùng nói chuyện về Đức Phật. Một cô gái tên là Kali, con của một thương nhân tình cờ nghe được câu chuyện của hai thiên thần và đã chú tâm lắng nghe thiên thần Satagiri đang nói về những đức hạnh của Đức Phật. Trong quá trình lắng nghe chăm chú này thì cô gái chứng đắc được quả nhập lưu (Sotapanna). Trong số những nữ Phật tử tại gia thời đó, Đức Phật gọi cô gái này là người trưởng nữ trong số những người chứng ngộ lòng tin bất thối chuyển đó, thậm chí khi lắng nghe người khác một cách chú tâm như vậy.
(Nếu đã là chân lý, đạo lý đúng đắn, thì nó được nói ra từ ai không quan trọng, nhưng quan trọng là ở người biết lắng nghe và hiểu biết. -ND).
Còn về hai thiên thần đó, họ cùng bay đến, cùng với những tùy tùng của họ, tôn kính Đức Phật lúc bấy giờ đang ngụ tại khu Rừng Uruvela. Ở đó, thiên thần đã đặt những câu hỏi xin Đức Phật giảng giải. Ngay sau khi lắng nghe Đức Phật giảng giải cả hai thiên thần cùng 1.000 người tùy tùng của họ đều chứng đắc thánh quả Nhập Lưu (Sotapannas).
5. Cách Thức Đúng Đắn Để Lắng Nghe Giảng Pháp & Lợi Ích
Cách thức để chú tâm khi nghe giảng giáo pháp được mô tả trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta ii, 220), nói về ngài Kassapa (Ca-Diếp), như sau:
Một bài thuyết pháp khi được giảng phải được lắng nghe sao cho người nghe có được ích lợi. Từ thái độ đúng đắn này thì người nghe mới chú tâm hoàn toàn đến những gì được thuyết giảng, và vì vậy không để sót một từ ngữ nào, để hiểu đúng, hiểu đầy đủ ý nghĩa của bài thuyết pháp. Người nghe nên chú tâm vào từng chữ của bài Giáo Pháp và những từ ngữ được nghe một cách đúng đắn này sẽ được áp dụng vào trong việc thực hành Giáo Pháp.
Bằng cách tập trung vào bài thuyết giảng, tâm của người sẽ trở nên tĩnh lặng và thấm nhuần vào bài thuyết giảng; người đó sẽ không còn bị bên ngoài tác động, và vì vậy, tâm được thanh tịnh. Kinh Điển đã ghi lại nhiều trường hợp thính giả trong lịch sử đã giác ngộ bằng cách chú tâm lắng nghe Đức Phật hay A-la-hán giảng giải Giáo Pháp.
Theo những luận giảng, những người vừa nghe xong một bài thuyết giảng giáo pháp chứng đắc được những tầng thánh Quả thứ nhất hay cao hơn không còn tồn tại trong thời mạt pháp này nữa. Tuy nhiên, mọi người đều nên chú tâm lắng nghe thuyết giảng Giáo Pháp từ những bậc thánh nhân, hiền trí một khi tự mình không thể lý giải hết ý nghĩa Giáo Pháp. Khi lắng nghe thuyết giảng như vậy, chúng ta có được kiến thức hay trí thông qua việc nghe học (Sutamaya Panna), còn gọi là Văn trí; trong khi đó kiến thức do tự mình tư duy, tự học, tự chứng thấy được gọi là kiến thức hay trí thông qua tư duy (Cintamaya Panna), còn gọi là Tư trí; Và kiến thức hay trí có được từ sự chứng ngộ bên trong, minh sát tuệ thông qua tu tập, hành thiền thì được gọi là trí do Thiền tập (Bhavanamaya Panna), còn gọi là Tu trí.
Kinh Hạnh Phúc hay Kinh Điềm Lành (Mangala Sutta) có ghi chép rằng: “Gần gũi người trí hiền, Là Phúc Lành Cao Nhất”, bởi vì khi chúng ta lắng nghe những bậc hiền trí, những thánh nhân giảng giải giáo pháp, chúng ta đạt được những trí tuệ từ họ. Và trí tuệ giác ngộ là phúc lành cao thượng nhất.
(Ba loại trí trên gọi tắt là Văn, Tư, Tu. Hai loại trí đầu tiên còn được gọi là “trí hữu” sư, tức còn phải tùy thuộc vào người giảng giáo pháp và sự suy luận, hiểu biết thông qua giáo pháp như người thầy. Còn loại trí cuối cùng được gọi là “trí vô sư”, trí do tự mình tu tập, thiền tập mà có được, chứng ngộ được. ND).
Nói theo ngôn ngữ của thế gian và thực tế cuộc sống, hai loại kiến thức hay trí đầu tiên là Cintamaya Panna and Sutamaya Panna thì hiển hiện rất nhiều. Tất cả những ngành nghệ thuật và khoa học mà chúng ta học ở các trường và các Đại Học chẳng hạn, kiến thức có được là do nghe học và đó là loại trí Sutamaya Panna. Nhiều ngành nghề đòi hỏi những nỗ lực, suy nghiệm hay năng khiếu cá nhân hay do tự bản thân mình nghiên cứu, chứ không phải do nghe học là làm được, thì thuộc về loại trí do tư duy của mình (Cintamaya Panna). Cho nên ngay cả trong đời sống thực tế, nếu bạn muốn có một kiến thức và một nghề nghiệp đàng hoàng để ổn định cuộc sống, thì hai thứ cần thiết phải có là phải chú tâm nghe học và tự tư duy, nghiên cứu cho bản thân mình về một đề tài, một khoa học, một nghệ thuật hay một nghề nghiệp nào đó. Việc tu tập cũng vậy, hai phẩm chất này rất quan trọng để trang bị những tri kiến và trí tuệ cần thiết trên con đường đi tìm trí tuệ minh sát thông qua việc hành thiền.
6. Chỉnh Lý Quan Điểm, Niềm Tin Của Mình – Chánh Tín (Ditthijukamma)
Củng cố quan điểm hay niềm tin của mình là một hành vi đạo đức nhằm sửa chửa, chỉnh đốn lại những quan điểm sai trái của mình để xác lập sự hiểu biết đúng đắn hay chánh tri kiến (samma-ditthi) về Mười Vấn Đề, Quy Luật Nghiệp (Kamma), Trí Tuệ Nhìn Thấu Suốt hay Trí Tuệ Minh Sát (Vipassana) và kiến thức xuất thế gian về Tứ Diệu Đế. (Xem thêm, phần “Chánh Tri Kiến” trong Chương III, “Bát Chánh Đạo”).
7. Những Dạng Tà Kiến (Miccha-ditthi)
Tà là nghiêng, là lệch, là không ngay thẳng. Tà kiến là những tri kiến, những quan điểm sai lầm, sai trái.
Trong Kinh Phạm Võng (Brahmajala Sutta) thuộc Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya), Đức Phật đã nêu ra 62 loại tà kiến, mà tất cả chúng đều có thể được xếp vào những dạng sau:
a) Niềm tin vào linh hồn bất biệt, một bản ngã trường tồn;
b) Sự lẫn tránh hay lươn lẹo;
c) Niềm tin vào những sự vật khởi sinh không có nguyên nhân;
d) Niềm tin rằng những cảnh giới phúc lành, lạc cảnh tương ứng với những tầng thiền định (jhanic) là những cảnh giới hạnh phúc cao nhất.
Trong những loại tà kiến trên, Đức Phật nhấn mạnh 3 loại tà kiến mà con người thường hay nắm giữ, và thường dẫn đến những cực đoan và họ trở thành những người mang quan điểm là hành động không tạo ra nghiệp quả, không có gì tạo nguyên nhân cho những sự việc khác, còn gọi là Vô Hành Kiến hay Vô nhân kiến (akiriya-ditthi). Những loại tà kiến đó là:
i) Quan Điểm Chỉ Tin Nguyên Nhân Tiền Định (Pubbekata-hetu ditthi)
Quan điểm này cho rằng tất cả những cảm thọ của chúng sinh trong kiếp này đều là do nhân và duyên của kiếp trước và chỉ tạo ra bởi duy nhất những hành động có ý chí (ý hành) trong kiếp quá khứ. Đây là dạng quan điểm chỉ tin vào Nghiệp của kiếp quá khứ mà thôi.
ii) Quan Điểm cho Nguyên Nhân là do Đấng Siêu Nhiên Hay Đấng Tạo Hóa (Issaranimma-hetu ditthi)
Quan điểm này cho rằng tất cả những cảm thọ của chúng sinh trong kiếp này đều là do một thế lực siêu nhiên hay một đấng tạo hóa tạo ra.
iii) Quan Điểm cho mọi Nguyên Nhân là do Ngẫu Nhiên (Ahetu-apaccaya ditthi)
Quan điểm này cho rằng tất cả những cảm thọ của chúng sinh trong kiếp này đều là do tự chúng khởi sinh một cách ngẫu nhiên, không có nguyên nhân hay điều kiện hay duyên nào tạo ra hết. Nên, quan điểm này còn được gọi là Vô Nhân Vô Duyên Luận.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara i, 173), Đức Phật đã bác bỏ những tà kiến, lập luận trên như sau:
Có những người, do những hành vi ý chí (nghiệp) trong quá khứ của họ, sẽ sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời vu khống, nói lời cay nghiệt, nói chuyện tầm phào, vô ích, tham lam, sân hận, và nắm giữ tà kiến. Đó là do họ không tin vào hiệu lực của những hành động hiện tại, hay Nghiệp hiện tại. Vì vậy, họ không có mong muốn (chanda) hay nỗ lực (viriya) để phân biệt những hành động nào nên làm và những hành động nào nên tránh. Đối với những người như vậy, không thể có được những niềm tin đúng đắn để dẫn đến chấm dứt ô nhiễm.
Cũng như vậy, những người tin vào Thượng Đế sáng tạo hay những người tin thuyết mọi sự vật khởi sinh không có nhân và duyên sẽ sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, v.v… Đó là do họ không tin vào hiệu lực của những hành động hiện tại hay Nghiệp hiện tại. Vì vậy, họ không có mong muốn (chanda) hay nỗ lực (viriya) để phân biệt những hành động nào nên làm và những hành động nào nên tránh. Đối với những người như vậy, không thể có được những niềm tin đúng đắn để dẫn đến chấm dứt ô nhiễm.
Trên thế gian này, chỉ có những việc như “nghe học từ những bậc hiền trí thuyết giảng” (Văn) và “xem xét hay tư duy một cách khôn khéo” (Tư) là những điều kiện để một người trở thành khôn ngoan và đức hạnh. Nếu 3 quan điểm cực đoan trên không chấp nhận những nguyên nhân hiện tại là đúng, vậy thì những việc như “nghe học từ những bậc hiền trí thuyết giảng” (Văn) và “xem xét hay tư duy một cách khôn khéo” (Tư) sẽ trở thành vô ích và không mang lại kết quả gì, bởi vì những loại người trên cho rằng “để trở thành một người khôn hay một kẻ ngu” chỉ đơn giản là do nghiệp quá khứ, hoặc do đấng tạo hóa, hoặc không do nhân duyên nào cả, chỉ là ngẫu nhiên. Tuy nhiên, chúng ta biết rõ những quan điểm cực đoan đó là sai trái.
8. Những Ích Lợi Của Việc Chỉnh Lý Quan Điểm Hay Củng Cố Chánh Tính
Bằng cách chỉnh lý quan điểm của mình, một người có được Chánh Tri Kiến, dẫn đến những cảnh giới phúc lành và Niết-bàn (Nibbana), trong khi đó những tà kiến thì dẫn dắt người đến những cảnh giới đau khổ. Cũng giống như những sự vật do duyên tạo ra (tức những pháp hữu vi), Chánh Kiến có được cũng do những nguyên nhân và điều kiện (duyên), đó là:
a) Sự lắng nghe (nghe học) một cách chú tâm những giáo lý, hướng dẫn và những pháp thoại về chân lý đúng với lẽ thật đó là “Tứ Diệu Đế”.
b) Sự chú tâm, chánh niệm một cách khôn khéo bằng cách quán chiếu hay xem xét những chân lý với lẽ thật trên đời:
i) Những thứ vô thường là vô thường.
ii) Khổ là khổ, không sung sướng, khoái lạc
iii) Vô ngã là vô ngã, không có bản ngã nào
iv) Xấu là xấu, không phải là đẹp.
c) Ba (3) loại Chánh Tri Kiến phải được hiểu rõ, đó là:
i) Sự Hiểu Biết rõ về Mười Vấn Đề (Xem phần “Chánh Tri Kiến”, Chương III, “Bát Chánh Đạo”).
ii) Sự hiểu biết đúng đắn và sâu sắc về Quy Luật của Nghiệp (Kamma), đó là: “Mọi chúng sinh là chủ nhân của nghiệp của mình, tức là những hành động trong quá khứ và hiện tại, sẽ tạo ra những (nghiệp) quả tương ứng”.
iii) Sự hiểu biết đúng đắn về bản chất đích thực của những tiến trình vật chất và tâm linh (danh sắc), quan hệ nhân & quả, Trí Tuệ Nhìn Thấu Suốt hay Trí Tuệ Minh Sát (Vipassana) và những kiến thức xuất thế gian của Tứ Diệu Đế.
Hai loại hiểu biết đầu có thể có được bằng cách nghe, học, nhưng loại hiểu biết cuối cùng chỉ được thông qua việc thực hành Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Vipassana). Về vấn đề Thiền Phật Giáo, là một phần quan trọng trong Nhóm Thiền (của Mười Căn bản của Hành Động Công Đức), sẽ được bàn luận trong Chương tiếp theo.
9. Sách & Tài Liệu Tham Khảo
1) “The Expositor” (Chú Giải Bộ Pháp Tụ – “Atthasalini”), bản dịch của Pe Maung Tin, Hội Kinh Điển Pali (PTS), London.
2) “Câu Chuyện Về Con Cá Vàng Với Hơi Thở Hôi Thối”, trong “Buddhist Legend” (Giai Thoại Phật Giáo, Phần 3), tác giả Eugene Watson Burlingame, Hội Kinh Điển Pali (PTS), London.
3) “Bài Thuyết Giảng về Kinh Hemavata Sutta” của Thiền Sư Mahasi Sayadaw, Miến Điện.
4) “Sammaditthi Dipani” – “The Manual of Right Views” (Cẩm Nang về Chánh Tri Kiến), tác giả Đại Trưởng Lão Mahathera Ledi Sayadaw, Aggamahapandita.