Hỏi: Kính bạch Thầy, lâu nay con cứ mãi thắc mắc sự khác biệt giữa trí thức và trí tuệ. Con không hiểu tại sao trong nhà Phật chỉ đề cập đến trí tuệ mà không nói đến trí thức? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho chúng con được hiểu rõ.
Đáp: Theo nhà Phật, đứng trên mặt hiện tượng nhận thức, giữa trí thức và trí tuệ có khác. Nhưng không khác, nếu đứng trên mặt bản thể mà xét. Bởi thức không ngoài trí mà có. Như sóng không rời nước mà có. Nhưng sóng không phải là nước, mặc dù nước vẫn ngầm có trong sóng. Cho nên giữa sóng và nước không thể xác quyết một hay là hai được. Nói theo lý bất nhị thì sóng tức là nước và nước tức là sóng. Vì hai thứ nói một là sai mà nói hai thì không đúng. Giữa trí và thức cũng thế. Đứng về mặt hiện tượng, thì nói là Thức. Đứng về mặt bản thể, thì nói là Trí. Nói cách khác, Thức là dụng mà Trí là Thể.
Tuy nhiên, nếu xét theo nghĩa thông thường mà người ta thường nói, thì giữa trí thức và trí tuệ trong nhà Phật dùng thì nghĩa của nó khác nhau xa. Bởi trí thức của người đời nói, đó là thứ trí thức bởi do tích tụ kinh nghiệm mà có. Nói rõ hơn, là do học hỏi huân tập bởi những môi trường chung quanh mà có ra. Như hấp thụ kinh nghiệm qua các lãnh vực của đời sống từ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Trong nhà Phật gọi đây là Hữu sư trí. Tức thứ trí do vay mượn bên ngoài đem vào mà tạm có ra.
Ngược lại, trí tuệ cũng còn gọi là Vô sư trí, tức trí tuệ không do sự vay mượn bên ngoài mà được. Mà tự nó sẵn có, nhưng sở dĩ nó không hiển lộ được là do phiền não che ngăn. Một khi phiền não không còn, thì trí tuệ sẽ hiện bày. Thí như bản chất của gương là trong sáng, nhưng vì bị bụi bám quá nhiều, nên ánh sáng của gương không hiển lộ được. Bản chất của trăng là sáng, nhưng bị mây che dày đặc, nên ánh sáng của trăng không hiển lộ được. Bụi hết, gương sáng, mây tan, trăng hiện. Cũng thế, mây vô minh phiền não không còn, thì mặt trời trí huệ sẽ hiện bày. Bởi do đặc tính đó, mà nhà Phật gọi là trí huệ bát nhã, hay Phật tánh v.v… Nói thế là để biện biệt với trí huệ mà đôi khi người thế gian cũng hay đề cập đến.
Tóm lại, trí thức còn trong phạm vi phân biệt, chấp trước bởi do tích tụ kinh nghiệm vay mượn bên ngoài mà có. Đây là thứ trí thức thuộc Hữu lậu pháp, hay thế trí biện thông. Ngược lại, trí huệ là cái trí sẵn có không do vay mượn bên ngoài. Trí nầy khi phát sáng toàn triệt, không còn một chút cáu bợn vô minh phiền não che ngăn, thì gọi đó là trí huệ cứu cánh, tức là Phật quả vậy.