072. Vì tánh nóng nảy nên mất hạnh phúc trong gia đình

Hỏi: Kính bạch thầy, khi xưa tánh con rất nóng, thường hay cãi vã gây lộn với chồng con, ông chịu không nỗi tánh nóng nảy ngang bướng hỗn hào của con, nên ông bỏ nhà ra đi để lại cho con nuôi 3 đứa con. Nay các con của con đã trưởng thành, giờ nghĩ lại con cảm thấy rất có lỗi với chồng con và con mãi mặc cảm ray rứt ăn năn về những tội lỗi mà con đã gây ra. Vậy xin hỏi: Có cách nào làm cho con giảm bớt được tội lỗi nầy không?

Đáp: Tôi rất cảm thông về nỗi lòng của Phật tử. Nóng nảy là hiện tướng thô bạo của lòng sân hận. Sân là một trong 6 món căn bản phiền não : tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Nói gọn hơn, phiền não sân là một trong 3 món Tam độc : « Tham, sân, si ». Sở dĩ gọi chúng là căn bản, bởi vì những thứ phiền não nầy chúng có gốc rễ rất sâu dầy thật khó trừ khó đoạn. Không phải chỉ có trong hiện đời nầy mà chúng đã có từ vô lượng kiếp. Nhơn loại bị đau khổ luôn luôn bất an cũng chỉ vì bọn chúng. Những thứ nầy không ai lại không có. Nhưng hiện tướng của chúng nặng hay nhẹ mạnh hay yếu còn tùy thuộc ở nơi sự dụng công huân tu của mỗi người. Sự dụng công tu hành nầy không những hiện đời mà còn trong nhiều đời trước.

Thế nên, khi chúng hiện hành mới có sự nặng nhẹ hay mạnh yếu khác nhau. Nếu là người có tập khí sân hận sâu dầy và họ không biết tu tâm sửa tánh, tất nhiên là cường độ nóng nảy của họ rất mạnh bạo hung tợn. Họ dám giết người và gây ra nhiều tội ác tày trời mà chúng ta không thể nào lường trước được. Ngược lại, nếu người khéo biết dụng công tu hành, thì tương đối cường độ hiện hành của chúng đỡ hơn.

Qua sự trình bày của Phật tử, thì tập khí sân hận của Phật tử khá sâu nặng, nên mới hiện tướng nóng nảy dữ tợn. Sân hận (căn bản và tùy phiền não) tuy chúng có gốc rễ sâu dầy, nhưng bản chất của chúng là giả tướng không thật. Vì chúng không thật nên khi tu, chúng ta mới chuyển đổi được chúng.

Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác đã nói trong Chứng Đạo Ca: “Tam độc thủy bào hư xuất một”. Nghĩa là: Ba thứ tham, sân, si nầy, chúng chỉ là bọt nước chìm nổi không nhứt định. Bởi thực thể của chúng vốn là giả dối không thật. Nếu chúng thật, thì làm sao chúng ta có thể chuyển hóa được. Và như thế, thì làm sao tu hành thành Phật Tổ được ?

Chúng phát hiện nổi lên sóng gió là tùy duyên. Khi nào gặp hoàn cảnh trái ý nghịch lòng, thì chúng mới xuất hiện. Bình thường chúng ta không nhận diện ra chúng. Bởi thế, nên Duy Thức học gọi chúng là những thứ tập khí. Tuy chúng không thật, nhưng khi chúng hiện khởi mà ta nghe theo mệnh lệnh sai khiến của chúng rồi hành động, thì hậu quả sẽ gây ra một tác hại rất lớn lao, có thể giết người hàng loạt không biết gớm tay. Năng lực của chúng rất mạnh bạo là như thế. Kém hơn một chút thì đánh đập, chửi rủa mắng nhiếc v.v…

Trường hợp của Phật tử nằm trong dạng thức nhẹ hơn là chỉ mới chửi rủa hỗn hào thôi. Tuy nhiên, dù nhẹ, nhưng hậu quả cũng mang đến một tác hại là mất hạnh phúc hòa khí trong gia đình. Cụ thể bằng chứng là ông chồng của Phật tử phải bỏ nhà ra đi. Như thế, chứng tỏ rằng, ông ta đã không còn đủ sức chịu đựng qua sự hành hạ nặng nhẹ của Phật tử. Chỉ còn một cách duy nhứt là phải bỏ nhà ra đi mà thôi.

Người đàn ông là cột trụ trong gia đình có trách nhiệm nặng nề và nhẫn nại cũng khá, thế mà phải bỏ nhà ra đi, thì chứng minh việc đối xử của Phật tử đối với ông ta cũng rất là nặng ký. Chính vì thế, mà nay Phật tử nghĩ lại mới ăn năn hối cải những lỗi lầm mình đã gây ra. Sự ăn năn nào cũng đều là muộn màng cả. Chi bằng tránh nhân, thì không có quả. Rất tiếc, có lẽ ngày xưa, Phật tử thiếu tu, vì chưa hiểu được đạo lý, nên mới có những cử chỉ hành động như thế. Hoặc giả cũng vì hoàn cảnh nào đó mà đưa đẩy Phật tử phải như vậy.

Tuy sự thể đã xảy ra khá lâu, nay Phật tử biết ăn năn cải hối, đó là điều rất tốt. Phật dạy: đã là con người không một ai trọn vẹn, không ai lại không có lỗi lầm. Khổng Tử cũng nói: “nhơn vô thập toàn”. Con người vì còn sống trong vòng vô minh nghiệp thức, ít nhiều gì cũng đều có gây ra những nghiệp bất thiện. Nhưng khi đã gây tạo mà mình biết ăn năn sám hối, thì những lỗi lầm kia sẽ có lúc phải hết. Chỉ sợ là khi đã gây tội mà không biết cải hối, thì tội lỗi kia càng ngày càng chồng chất thêm nặng mà thôi.

Trường hợp lỗi lầm của Phật tử đã gây ra, chiếu theo luật nhân quả mà xét, thì ít nhiều gì Phật tử cũng phải có quả báo. Đã có gây nhân, tất nhiên phải có quả. Tuy nhiên, sự trả quả báo nầy nó còn có sự nặng nhẹ khác nhau. Nếu như hôm nay Phật tử biết tu hành lo làm lành lánh dữ tích công bồi đức, ăn năn sám hối về cái tội hỗn hào mang khẩu nghiệp hiếp đáp nặng nhẹ ông chồng, thì chắc chắn là những tội lỗi đã gây khi xưa lần lần sẽ giảm bớt, tức chuyển nặng thành nhẹ vậỵ. Bởi thế, nên nói tu là chuyển nghiệp. Nếu nghiệp không chuyển được, thì ai tu làm gì cho thêm nhọc sức. Đó là chúng tôi nêu ra có tánh cách chung chung trong sự tạo nghiệp bất thiện và biết cải hối mà thôi.

Còn như trong trường hợp của Phật tử, nếu muốn chấm dứt mặc cảm tội lỗi, giải quyết cụ thể hay nhứt chỉ có cách là Phật tử phải mạnh dạn can đảm xin lỗi với ông ta về những việc đã gây ra mất hòa khí khi xưa. (xin lỗi không biết ông ta có còn sống không ?) Nếu như ông ta chịu tha thứ bỏ qua tất cả, thì Phật tử sẽ không còn gì phải ân hận mặc cảm tội lỗi nữa. Giả như ông ta vẫn cố chấp không chịu tha thứ bỏ qua, thì Phật tử cũng không còn gì phải ray rứt khó chịu, vì Phật tử đã biết lỗi và xin lỗi rồi. Theo tôi, đó là cách giải quyết hay nhứt. Nhưng không biết Phật tử có đủ can đảm hay không. Biết có lỗi đến xin lỗi, thì đây là chuyện bình thường trong cuộc sống, không có gì phải tự ái hay tự ty mặc cảm cả.

Qua những điều chúng tôi góp ý trình bày trên, xin Phật tử cứ yên tâm, cũng đừng mang nặng mặc cảm tội lỗi nữa. Vì còn mang nặng mặc cảm tội lỗi, thì đó cũng là một chướng đạo rất lớn trên bước đường tu tập của Phật tử. Điều gì đã qua thì hãy cho nó qua luôn. Dù mình có nghĩ đến, thì sự việc cũng đã qua rồi, tốt hơn hết là mình hãy cố gắng tập sống ngay trong giây phút hiện tại. Tôi thành thật khuyên Phật tử nên để tâm niệm Phật, tụng kinh, sám hối và làm mọi việc lành nhiều hơn, để cho tội nghiệp càng ngày càng thêm nhẹ, đó là điều tốt đẹp nhứt mà Phật tử phải gắng công tu niệm.

Kính chúc Phật tử an vui khỏe mạnh tinh tấn trên bước đường tu tập.

Add Comment