049. Thế nào mới là phạm ăn phi thời?

Hỏi: Trong những ngày tu, con lãnh phần nấu cơm, khi con giở cơm nguội ra, để lấy nồi nấu cơm mới. Khi rửa nồi, thấy trong nồi còn dính vài hạt cơm, con sợ bỏ thì tội, nên con đã bốc ăn. Vậy xin hỏi: Con có phạm giới ăn phi thời không?

Đáp: Nếu bảo rằng phạm giới ăn phi thời, thì Phật tử đã phạm. Đúng luật Phật dạy, thì quá giờ ngọ những người xuất gia không được ăn. Phật tử đến chùa thọ Bát quan trai giới, coi như quý vị tập tu theo hạnh người xuất gia một ngày, hay nhiều ngày cũng thế.

Tuy nhiên, cũng trong luật nói: chư Tổ xét thấy, người đời nay cơ thể yếu đuối hay sanh đau yếu bịnh hoạn, nên các Ngài tạm cho người xuất gia ăn chiều gọi là Dược thạch. Chữ dược thạch có ý nghĩa là ngày xưa người ta lấy đá mài thành kim để chích trị bịnh. Từ đó, trong thiền môn dùng hai chữ nầy để nói lên người tu khi dùng cơm chiều chẳng khác nào như là uống thuốc để trị bịnh (bịnh đói) nên trong khi ăn không được sanh vọng tâm tham đắm.

Và cũng trong luật, Tổ nhắc nhở là khi ăn, chúng ta phải sanh lòng hổ thẹn. Như vậy, chư Tổ tạm cho, nhưng khi ăn phải biết hổ thẹn, rằng, mình không giữ đúng như lời Phật dạy.

Như vậy, thì việc ăn vài hạt cơm của Phật tử là đã phạm phi thời trong phi thời. Nghĩa là Phật tử đã ăn thêm sau giờ ăn chiều, dù chỉ là vài hạt cơm thôi. Tuy nhiên, dù sao Phật tử cũng có lòng sợ tội, đối với những hạt cơm do Đàn na thí chủ dâng cúng. Đó là điều đáng khen. Nhưng lần sau, nếu khi rửa nồi mà nó còn dính những hạt cơm trong nồi như thế, thì tốt hơn hết là Phật tử nên để vào vật gì đó cho chim ăn. Đó cũng là điều bố thí cho chúng sanh. Như thế, thì được vẹn toàn cả hai vậy.

Add Comment