025. Niệm Phật cầu vãng sanh có ích kỷ hay không?

Hỏi: Có người nói, những người tu Tịnh Độ niệm Phật cầu vãng sanh về Cực lạc, thì những người đó thật là ích kỷ, chỉ nghĩ riêng cho mình được lợi lạc, mặc cho những người thân hay bạn bè nói rộng ra là tất cả mọi người ở cõi Ta bà nầy ai khổ mặc ai, miễn sao phần mình được sung sướng thì thôi. Xin hỏi: người nói như thế có hợp lý hay không?

Đáp: Nếu bảo rằng có hợp lý hay không, theo tôi, thì chỉ hợp lý ở một giai đoạn nào đó thôi, chớ không thể nói là hợp lý hoàn toàn. Nếu khẳng quyết cho rằng những người niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực lạc là hoàn toàn ích kỷ chỉ nghĩ cho riêng mình. Lời trách nầy, e có hơi quá đáng! Vì sao? Bởi vì bản nguyện của người niệm Phật cầu sanh Tây phương, họ không phải nguyện về Cực lạc để rồi thọ hưởng những thú vui bên đó luôn, mà tâm nguyện của họ, chỉ về bên đó tiếp tục tu học một thời gian, cho đến khi nào hoàn toàn giác ngộ thành Phật, chừng đó, họ sẽ trở lại cõi Ta bà nầy để hóa độ chúng sanh.

Như vậy, rõ ràng họ không phải là những kẻ bạc tình bạc nghĩa. Chẳng qua cũng chỉ vì lòng thương mọi người, mà họ không muốn cùng nhau chết chìm, khi mình chưa biết lội, mà dám xông pha nhảy xuống nước cứu vớt người. Họ không muốn mạo hiểm phiêu lưu như thế. Vì vậy, để được an toàn bảo đảm trong việc cứu vớt người, chính họ phải tìm cách bảo đảm cho mình có một nội lực thật vững chắc trước, rồi sau đó, họ sẽ trở lại cứu độ mọi loài. Như thế, quả họ là những người biết lo xa, và biết dự phòng vững chắc. Việc họ làm, không phải tùy hứng hay ngẫu nhiên, mà họ chỉ làm đúng theo những gì mà Đức Phật Thích Ca chỉ dạy, giới thiệu.

Thế thì, trong thời gian họ vắng mặt ở cõi nầy, người ta coi họ như là người ích kỷ. Nhưng kỳ thật, không hẳn là như thế. Thí như những vị xuất gia, khi vào chùa, họ xa lìa cha mẹ, bà con họ hàng, những người thân thuộc, bạn bè thân thiết. Thời gian ở chùa, các ngài quyết chí tu học. Chả lẽ trong thời gian ở trong chùa tu học, thì những vị nầy lại là những kẻ ích kỷ, bạc tình bạc nghĩa hết hay sao? Mới nhìn qua như là có ích kỷ, nhưng xét sâu hơn, chưa hẳn là như thế. Vì sau khi ngộ đạo, các ngài vân du hóa đạo làm lợi ích cho chúng sanh.

Như vậy, khi các ngài không còn có mặt ở ngoài đời, giam mình tu học ở trong chùa, hay một nơi nào khác, thì người ta cho rằng các ngài là yểm thế hay ích kỷ? Nhưng đây lại là thời gian mà các ngài chuẩn bị hành trang tư lương cho mình khả dĩ thật chu đáo chín mùi, để sau nầy các ngài ra hoằng pháp lợi sanh. Thế thì, ta lại vội trách các ngài ích kỷ được sao? Nếu vội trách như thế, xét ra, thật hơi quá đáng! Nếu không muốn nói là quá hàm hồ nông cạn.

Lại thêm một thí dụ nữa. Thí như có một sinh viên ở nước Việt Nam ta, anh ta nghe sự giới thiệu của một giáo sư đại học rất tài giỏi, ông ấy nói rằng, ở bên Mỹ có một trường đại học chuyên đào tạo những người có khả năng chuyên ngành kỹ thuật điện tử, đây là ngành mà anh thấy rất thích hợp cho khả năng anh. Sau khi nghe vị giáo sư đó giới thiệu, anh ta quyết tâm bằng mọi cách phải qua được bên Mỹ để học. Tâm nguyện của anh là sau khi anh học xong chương trình của trường đại học đó giảng dạy, bấy giờ anh sẽ trở về lại Việt Nam để dấn thân phục vụ làm việc, hầu giúp ích cho đồng bào anh.

Như vậy, việc anh sinh viên qua Mỹ du học, và cưu mang một tâm nguyện như thế, thử hỏi: anh sinh viên kia có ích kỷ hay không? Chả lẽ trong thời gian anh vắng mặt ở quê nhà để đi qua nước người du học, thì ta lại lên án kết tội anh sinh viên đó là người ích kỷ chỉ nghĩ cho riêng mình được sao? Bạn sẽ nghĩ thế nào về người kết tội anh sinh viên đó như thế?

Cũng vậy, sở dĩ hôm nay, người ta biết được Pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Cực lạc là do từ kim khẩu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu. Cũng như anh sinh viên kia, sở dĩ anh biết được trường đại học bên Mỹ, là nhờ sự giới thiệu của vị giáo sư đó. Và khi nghe xong, anh sinh viên kia không phải tự nhiên mà qua được bên Mỹ để học, tất phải hội đủ những điều kiện theo sự đòi hỏi của trường đại học ở Mỹ. Vì ở đây có rất nhiều thuận duyên tiện lợi cho sự trau dồi học hỏi của anh ta.

Cũng thế, người muốn vãng sanh về thế giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà cũng phải hội đủ 3 điều kiện: Tín, Nguyện và Hạnh. Và đồng thời ở cõi đó có nhiều thắng duyên thuận lợi hơn.

Sau khi hội đủ điều kiện rồi, anh sinh viên kia, khi sang Mỹ du học, anh ta chỉ có một tâm nguyện duy nhất là sau khi tốt nghiệp mãn khóa, có mảnh bằng tiến sĩ trong tay, anh ta sẽ trở lại quê nhà để thi thố tài năng để làm lợi ích cho quê hương xứ sở của mình.

Cũng thế, người niệm Phật sau khi về Cực lạc có đủ mọi thắng duyên tu học, nỗ lực tu học cho đến khi nào hoàn toàn giác ngộ, bấy giờ họ sẽ trở lại cõi nầy để hoằng hóa lợi sanh. Một tâm nguyện như thế, thì tại sao ta cho họ là ích kỷ?

Có người lại nói, họ chưa hề thấy ai từ cõi Cực lạc trở về? Đã là do nguyện lực độ sanh của Bồ tát, thì làm sao chúng ta biết rõ họ từ đâu đến. Và sách sử cũng đã chứng minh cho chúng ta thấy, khi nào có ai phát hiện ra các Ngài là Bồ tát, thì các Ngài sẽ ẩn diệt ngay. Trường hợp như các Ngài Hàn Sơn, Thập Đắc hay như Hòa Thượng Thiện Đạo, sử nói Ngài là hóa thân của đức Phật A Di Đà.

Tóm lại, theo tôi, thì những người niệm Phật phát nguyện vãng sanh về Cực lạc để tiếp tục tu hành (tất nhiên là có sự đảm bảo hơn cõi nầy về mọi mặt, theo như lời Phật Thích Ca giới thiệu) sau đó, họ sẽ trở lại cõi nầy để hoằng hóa độ sanh đúng theo bản nguyện của họ. Như thế, xét bề ngoài thì dường như có ích kỷ, nhưng xét về bên trong, tức tâm nguyện, thì không có gì là ích kỷ cả. Vì bản nguyện đó, cũng chỉ nhắm vào chúng sanh mà nguyện, tất nhiên là thuận theo bản hoài của chư Phật, trừ phi, những ai chỉ nguyện cho mình về Cực lạc không thôi mà không phát đại nguyện hoàn lai Ta bà để độ sanh, người như thế, thì đáng trách là quá ích kỷ chỉ nghĩ đến sự lợi lạc cho riêng mình, không đoái hoài thương cảm ai cả. Như thế, thì quả là trái với lòng từ bi Phật dạy. Người như thế, mới nên đáng trách. Ngược lại, thì ta không nên vội trách.

Add Comment